221
1405
Lao động
laodong
/xahoi/laodong/
492670
Thủ tục tổ chức đình công hợp pháp quá nhiêu khê
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Thủ tục tổ chức đình công hợp pháp quá nhiêu khê
,

(VietNamNet) - Theo nhiều chuyên gia lao động thì đây là một trong những nguyên nhân chính khiến cho 100% cuộc đình công diễn ra không đúng quy định pháp luật.

 

Đình công đúng luật quá khó - đó là lý do đình công sai luật xảy ra liên miên.

Trong hai ngày 26 - 27/7, hội thảo “Pháp luật về đình công” được tổ chức tại TP.HCM với sự tham dự của các đại biểu đại diện cho Vụ các vấn đề xã hội, Ủy ban về các vấn đề xã hội - Văn phòng Quốc hội, Bộ LĐTB&XH, Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ), Sở LĐTB&XH, LĐLĐ một số tỉnh thành phía Nam và các doanh nghiệp. Hầu hết đại biểu đều cho rằng, còn quá nhiều vướng mắc về mặt pháp lý trong thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể, đình công. Đồng thời, bản chất của vấn đề này cũng chưa được nhìn nhận chính xác.

 

Theo ông Lê Đăng Khương, Trưởng Ban Pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam thì một trong những hạn chế của hệ thống pháp luật hiện hành về đình công là chưa có định nghĩa pháp lý giải thích các khái niệm “đình công, đình công hợp pháp, không hợp pháp, tranh chấp lao động…”. Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch LĐLĐ TP.HCM cũng cho rằng Bộ luật Lao động có nói đến đình công nhưng chưa có khái niệm thế nào là đình công? Điều này không chỉ có ý nghĩa lý luận mà còn là cơ sở để phân biệt với các hiện tượng xã hội khác, đồng thời xác định rõ ràng được bản chất của vấn đề.

 

Hiện nay, một cuộc đình công được coi là hợp pháp phải thông qua tổ chức của công đoàn cơ sở. Điều này cũng cần được xem xét lại bởi đình công là quyền của tập thể lao động chứ không phải của tổ chức công đoàn, trong trường hợp doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn thì quyền này của người lao động vẫn đương nhiên tồn tại và được công nhận chứ không vì thế mà mất đi. Ông Khương cho rằng, Pháp lệnh về thủ tục giải quyết đình công cần quy định việc công nhận quyền lợi này cho người lao động tại doanh nghiệp chưa có công đoàn cơ sở.

 

Về quy định việc trả lương và giải quyết quyền lợi cho người lao động trong thời gian tham gia đình công, các đại biểu cho rằng việc này trên thực tế chưa được đảm bảo. Vì sau mỗi cuộc tranh chấp, đình công không có chủ thể nào yêu cầu tòa án kết luận tính hợp pháp của vụ việc. Đồng thời, quy định “việc đình công do Ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định sau khi được quá nửa tập thể lao động tán thành bằng cách bỏ phiếu kín hoặc lấy chữ ký” cũng không khả thi. Thực tế, hầu hết công nhân tiến hành đình công đều bỏ qua thủ tục này.

 

Vướng mắc trong Pháp lệnh được nhiều đại biểu đưa ra nhất là cơ chế giải quyết đình công. Cơ quan duy nhất có thẩm quyền giải quyết các cuộc đình công là Tòa án, LĐLĐ và Sở LĐTB&XH chỉ có quyền gởi văn bản yêu cầu kết luận đình công hợp pháp hay không. Trong khi thực tế hai cơ quan này có khả năng hòa giải hiệu quả vụ việc, còn tòa án thì phải mất 6 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, mới bắt đầu công việc hòa giải. Theo Thạc sĩ Phạm Kim Anh, Quyền trưởng khoa Luật Dân sự, ĐH Luật thì Tòa án không trực tiếp giải quyết nội dung mà chỉ xem xét tính hợp pháp của vụ việc. Nếu cuộc đình công là hợp pháp thì quyết định của tòa chỉ có ý nghĩa giải quyết nội dung trong trường hợp phần lỗi thuộc về người sử dụng lao động. Trong trường hợp ngược lại, người lao động đình công vì có những yêu cầu cao hơn lợi ích hiện tại thì cuộc đình công vẫn được tiếp tục và người sử dụng lao động không bắt buộc phải chấp nhận những yêu cầu này. Như vậy, việc tòa án giải quyết sẽ không tác động nhiều đến vụ việc và đình công vẫn tiếp tục diễn ra. Vì vậy, nên trao thẩm quyền giải quyết cho tổ chức công đoàn, hội đồng trọng tài lao động địa phương.

 

Qua thảo luận, các đại biểu đều cho rằng Pháp lệnh, luật  về đình công hiện nay chưa đi vào thực tiễn cuộc sống, không được áp dụng hiệu quả cho cả người lao động, người sử dụng lao động. Ngày mai, các đại biểu tiếp tục thảo luận để đưa ra những kiến nghị để sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh về thủ tục giải quyết các cuộc đình công. 

  • Linh Anh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,