221
454
Pháp luật
phapluat
/xahoi/phapluat/
457328
Nạn thi thuê vẫn trong kiểm soát, nhưng...
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Nạn thi thuê vẫn trong kiểm soát, nhưng...
,

(VietNamNet) - Để ''thanh toán'' được tất cả các vụ thi thuê, những phương tiện hiện đại được huy động, đại diện A25-Bộ Công an ''tiết lộ'' trong cuộc họp báo công bố đường dây thi thuê liên tỉnh, chiều 8/7.

Thi thuê ĐH đã xuất hiện từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước

Cục phó A25 Bộ Công an Nguyễn Thu Nga: "Chúng tôi sẽ thông báo đầy đủ cho báo giới về vụ án trong một cuộc họp báo khác".

Từ năm 1997, Cục A25 đã phát hiện một đường dây thi thuê ĐH và đã có xử lý kịp thời. Bắt nguồn từ những thư tố cáo 1 thí sinh học lực kém nhưng đã đỗ vào ĐHQG. Thí sinh này không đi thi nhưng lại đỗ ĐH với điểm cao (20,5 điểm) trong kỳ thi tuyển sinh năm đó. Qua điều tra, Công an đã làm rõ bài thi của thí sinh này chỉ đạt 14,5 điểm và do một đối tượng khác thi thuê. Đối tượng này là Lê Đăng Thường, một sinh viên học rất giỏi của ĐH Kiến trúc.

Hồi đó khám nhà Thường, Công an thu giữ nhiều con dấu giả, hồ sơ giả - những phương tiện mà nhiều người không hề nghĩ đến đã đưa một số sinh viên vào thi thuê cho thí sinh khá trót lọt. Thường bị xử án 5 năm tù giam về tội danh làm giả tài liệu, con dấu. Hồi ấy, do chủ trương không phổ biến tin này nên thủ đoạn của Thường mãi về sau mới được nhiều người biết đến qua vụ án gây xôn xao dư luận về chuyện thi thuê trong kỳ tuyển sinh năm 2003.

Liên tục những năm sau, gian lận thi cử tái diễn ngày càng tinh vi và có tổ chức. Năm 2002, cơ quan chức năng đã xử lý 73 trường hợp "danh sách thí sinh" được gửi vào các trường tới tận điểm thi nhờ cán bộ "giúp đỡ" ở ĐH Thương Mại. Vụ việc đã được ngăn chặn kịp thời và các đối tượng đã bị xử lý hành chính. Năm 2003, PA 25 Công an Hà Nội phát hiện đường dây thi thuê lớn do Phạm Cơ Phú và Ngô Thành Sơn cầm đầu (đã bị xử tù), 12 đối tượng bị bắt, thu giữ hàng trăm con dấu, hồ sơ giả.

Những kẻ táo bạo, liều lĩnh chỉ bị xử nhẹ?

Còn nhớ vụ án Ngô Thành Sơn (GĐ Công ty TNHH thương mại Địa ốc Hà Nội) và Phạm Cơ Phú (nguyên bác sỹ Viện bỏng Quốc gia) năm 2003 gây nhức nhối dư luận. Bọn chúng đã cả gan làm giả tới hơn 500 con dấu, hồ sơ khác nhau để có thể "nhét" các "sinh viên thi thuê" vào phòng thi.

Các cán bộ điều tra của PA 25 Hà Nội và các nhà báo đưa tin hồi ấy đã hết sức kinh ngạc về kỹ thuật làm giả con dấu khá thành công của chúng, đó là con dấu của GĐ Công an TP Hà Nội, con dấu của Bộ GD-ĐT, con dấu của các vị hiệu trưởng, CMT ND giả... Và vụ án đã không thể xử ngay trước thềm năm học mới 2003 vì tính chất phức tạp của đường dây và sự liên quan của quá nhiều người (trong đó có một cán bộ là bác sỹ Quân đội). Thế rồi kẻ cầm đầu Ngô Thành Sơn chỉ bị phạt đến 4 năm tù giam và nộp phạt 5 triệu đồng với tội danh làm giả con dấu, tài liệu cơ quan Nhà nước. Trong khi, hàng chục đối tượng thí sinh đã nộp cho Sơn và đồng bọn 20 - 40 triệu đồng/suất trúng tuyển và hành vi này theo dư luận thì "rất nghiêm trọng".

Báo chí luôn sát cánh cùng cơ quan chức năng khui ra những gian lận trong tuyển sinh, đồng thời tuyên truyền kịp thời những thông tin cần thiết về GD-ĐT tới toàn thể ND.

Đúng như nhận định của PA 25 Công an Hà Nội, gian lận thi cử kỳ tuyển sinh năm nay sẽ là tinh vi hơn. Ngay trước thềm ngày thi, A25 Bộ Công an đã triệt phá đường dây thi thuê do Đinh Đức Thịnh cầm đầu. Cơ quan An ninh đang đặt dấu hỏi về những kẻ tiếp tay phía sau cho Thịnh để y có thể gửi "êm" hàng chục hồ sơ thi ĐH vào các trường.

Thịnh cũng tìm rất dễ dàng những sinh viên giỏi để đi thi thuê (giá bèo 3 triệu đồng/suất) trong khi hắn thu của mỗi thí sinh là tiền trên chục triệu. Nhưng một "nguồn thu" rất lớn mà Thịnh ôm được chính là những miếng béo bở từ mô hình "đào tạo liên kết" hay " đào tạo tại chức", "mở rộng"... - những kiểu đào tạo rất mập mờ vấn đề đầu vào, quy chế, chỉ tiêu, quản lý...

Xác minh ban đầu cho thấy Thịnh "gửi" trót lọt 25 học sinh vào các trường chuyên nghiệp từ ĐH đến Trung cấp. Nếu như không có những lá đơn tố cáo Thịnh "ỉm" tiền để rồi không đưa được một số học sinh váo các trường thì có lẽ... hãy còn lâu mới khui ra đường dây phạm pháp của y. Một cán bộ An ninh nói vui... mà buồn: "Đất nước này chỉ thêm vài kẻ như Đinh Đức Thịnh thì chẳng biết xã hội đi về đâu!". Và rồi đây, khi xét xử tên trùm cao tay này, có lẽ Toà cũng chỉ có thể khép hắn vào tội danh làm giả con dấu...

Gặp mặt báo giới sáng nay tại Bộ Công an, các cán bộ A25 cũng thừa nhận rằng những đối tượng trong đường dây thi kèm mới bị bắt ở Hải Phòng cũng có thể chỉ bị xử phạt hành chính. Chúng không làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan nhà nước mà ở đây chúng sử dụng ĐTDĐ để "kèm" các thí sinh trong phòng phi - một kiểu gian lận rất hiện đại không dễ bị phát hiện nếu cán bộ coi thi thiếu kinh nghiệm "soi".

Và đáng nói nhất là những sinh viên giỏi vì "cơm áo học trò" mà phải bán lương tâm cho quỷ. Trao đổi với Việt NamNet, Cục trưởng A25 Khổng Minh Dụ nói: "Các em đáng thương lắm, học giỏi là thế nhưng hết tiền mà làm theo lời kẻ xấu, nếu phải đình chỉ học tập đối với các em thì thật thiệt thòi, nhưng biết làm sao! Khi bị bắt, hầu như không em nào ngoan cố, tất cả đều khai nhận rất trung thực và nói rõ nhiều thủ đoạn của những kẻ cầm đầu, có em còn chủ động ra tự thú...".

Bộ GD-ĐT mới là người quyết định ''thanh toán'' nạn thi thuê

Đại tá Khổng Minh Dụ - Cục trưởng Cục A25 Bộ Công an: "Chính Bộ GD-ĐT mới là người có thể quyết định thanh toán nạn thi thuê".
Khi Cục A25 được bổ sung vào Ban chỉ đạo tuyển sinh với nhiệm vụ bảo vệ an toàn, an ninh cho kỳ thi, các cán bộ An ninh Tư tưởng Văn hoá đã thấy rõ nhiều lỗ hổng nguy hiểm trong ngành GD-ĐT khiến gian lận thi cử có nhiều cơ hội tác quái. Hoá ra, những năm về trước việc bảo vệ an ninh từ khâu ra đề thi, vận chuyển đề thi và "làm sạch" địa điểm in sao đề thi là khá đơn giản. Cho nên, mức quy định "MẬT" từ năm 2003 về trước nay đã được thay bằng "TỐI MẬT", nghĩa là bảo vệ an ninh cho các kỳ thi tuyển sinh ĐH là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng.

Lấy một ví dụ ngăn chặn hiệu quả "nạn" thi thuê, Cục trưởng A25 cho biết trường ĐHKTQD từ hai năm nay đã áp dụng biện pháp "soi" chữ viết và đã phát hiện kịp thời hàng trăm trường hợp được ngồi trong ghế nhà trường từ chuyện gian lận thi cử.

Đại tá Dụ nói: "Chỉ cần sau khi thí sinh trúng tuyển được nhập học 1 tháng, nếu soi ký tự trong vở viết hàng ngày các em với bài thi tuyển sinh thì có thể thấy được gần hết đối tượng gian lận. Tại sao nhiều trường không thực hiện biện pháp đơn giản mà hiệu quả này? Để đến nỗi sinh viên sắp ra trường mới phát hiện ra thì sự việc đã quá phức tạp, khó khăn cho điều tra và đặc biệt cũng lỡ dở cho chính những sinh viên đó, tức là thêm tiêu cực mới!"...

Kết thúc trao đổi với các nhà báo hôm nay, Cục trưởng còn "gửi" lời khuyên đến các trường ĐH, sinh viên các trường nhất thiết phải được răn đe kỷ luật nếu đi thi thuê, và nên chăng tấm ảnh dùng cho hồ sơ tuyển sinh cũng nên thống nhất dùng cho thẻ sinh viên, bằng tốt nghiệp, như thế cũng dễ quản lý mỗi sinh viên...

Khi tên Đinh Đức Thịnh rêu rao dối trá rằng y là giảng viên uy tín của một số trường ĐH thì "dường như ai ai cũng tin ngay". Có lẽ việc phổ biến về những chương trình tuyển sinh đào tạo liên kết, tại chức, mở rộng... đã không được rõ ràng tới mỗi người dân có con em xin dự tuyển. Các gia đình đã bị lừa từ đầu đến cuối ít nhất là vì "không biết gì về các chương trình đào tạo", sau này vỡ lở vì bị lừa thì mới "ớ" ra!

Về chuyện thi hộ, thi kèm, thi thuê thì chứng tỏ thủ đoạn của một vụ án năm ngoái "hình như" không được các trường PTTH phổ biến cho học sinh toàn trường vào giờ tập trung đầu tuần, bản thân các phụ huynh thì không nắm sát thông tin qua tuyên truyền báo chí. Giá như tất cả thí sinh và phụ huynh đều nhận được một tờ rơi nói rõ những thủ đoạn này, việc ấy là có thể làm được vì Bộ GD-ĐT có thể phát hành cả một cuốn "Những điều cần biết..." dày cộp cơ mà! Và tất nhiên, kẻ gian lận cố tình vi phạm thì sẽ bị xử phạt thích đáng, nhưng dư luận khẳng định những kẻ gian ấy vẫn "gian" được là vì những kẽ hở mà ngành GD-ĐT chưa lấp kín.

  • Tùng Duy

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,