,
221
8641
10 năm
10nam
/10nam/
1019356
VietNamNet - Sức mạnh thương hiệu
1
Article
null
,

VietNamNet - Sức mạnh thương hiệu

Cập nhật lúc 11:49, Thứ Sáu, 28/12/2007 (GMT+7)
,

Hưởng ứng cuộc thi "10 nam một chặng đường - Hướng tới tương lai", viết về những ước mơ của bạn, về một VietNamNet trong tương lai, xin giới thiệu cái nhìn của một nhà báo cao tuổi từng gắn bó với VietNamNet trong những ngày khó khăn... Bởi là "ước mơ" nên xin trân trọng những gì mà tác giả mơ ước.

 

Ghi chép nhân kỷ niệm lần thứ XX VietNamNet. 

Nhận được Giấy mời dự Lễ kỷ niệm lần thứ XX VietNamNet, tôi náo nức chờ đợi.

Rất ý nghĩa. Buổi họp mặt chính tổ chức tại Hội trường lớn của Tập đoàn với 2007 chỗ ngồi ở Tòa nhà VietNamNet 46 tầng trên Đại lộ Võ nguyên Giáp đúng ngày 19/12. Còn buổi “Liên hoan cùng bạn đọc VietNamNet phía Bắc” được tổ chức từ tuần trước ở Sân Vận động Mỹ Đình, nghe nói 35 ngàn giấy mời đã gửi đi mà vẫn không thỏa mãn yêu cầu của bạn đọc.
 

 
Thế nhưng dư luận lại đánh giá “cuộc liên hoan bạn đọc phía Nam” ở Sân Vận động Võ Văn Kiệt khu Nam Sài Gòn mới thật sự hoành tráng. Có người bảo đó là ý đồ của Bùi Văn vì cái dạo kỷ niệm lần thứ X VietNamNet anh em cứ kêu VietNamNet ở phía Nam chưa thực sự khởi sắc. Tiếc quá, hôm trước nhận được giấy mời của Giám đốc Bùi Văn vào chia vui cùng anh em nhưng cô cháu ngoại cứ ngăn "ông già rồi đi lại xa thế... cháu không yên tâm…" nên đành ngồi xem VietNamNet TV truyền hình trực tiếp mà thôi.

 

a

Tối 18/12, Chủ tịch Tập đoàn đích thân gọi điện “bác cứ ở nhà, Tuấn Phạm, Thủ trưởng News sẽ đích thân lái xe đến đón bác và thầy Minh… Tuấn Phạm mới thay xe mới nên muốn mời các bác đi thử. Thế ai đón anh Phong Doanh? - À Hán Mai Oanh đón... còn ai đón anh Tấn? Hình như cô Thủy bên giáo dục nhận đón, đón luôn cả chị Kim Dung… cán bộ phóng viên bây giờ đều có xe ô tô riêng cả... Bởi thế nên Tòa nhà VietNamNet đã dành riêng một tầng hầm làm bãi để xe mà vẫn phải thuê gần 1.000 chỗ ở Car Park cách đấy non 100m.


Trông Phạm Tuấn hôm nay so với cái ngày phải chạy ngược chạy xuôi đi “hầu kiện” tuy có già đi đôi chút, nhưng như thế lại có vẽ đỉnh đạc hơn… Trên đường lên cơ quan, tôi hỏi Tuấn: Này Trụ sở của Tập đoàn Truyền thông VietNamNet xây 46 tầng có phải là do cái ngày Quyết định thành lập mô hình này ông Chủ tịch ở tuổi 46 không? Tuấn chỉ cười và cho biết thêm cái hội trường lớn với 2007 chỗ ngồi cũng là để kỷ niệm cái năm đầy những sự kiện đáng nhớ với VietNamNet.

 
Vui chuyện, chẳng mấy chốc đã đến VietNamNet Tower. Ra đón chúng tôi là Phó Tổng biên tập VietNamNet News - Việt Lâm. Sau 15 năm làm báo, 11 năm lấy chồng đã có 2 con: đứa con đầu là trai đặt tên là Minh Đồng, và đứa sau là gái là Anh Thuận, chưa kịp hỏi chuyện gia đình thì các vị khách nước ngoài từ Washington Post, BBC, CNN, WAN, AP, AFP… đã đến. Việt Lâm xin phép ra tiếp khách vì đang chủ trì một hội thảo quốc tế “đào tạo nguồn lực báo chí hiện đại” nhân dịp Kỷ niệm XX VietNamNet.


Phạm Tuấn cũng xin phép vào kiểm tra buổi kỷ niệm và gọi Thu Trang dẫn đoàn cán bộ lão thành chúng tôi đi tham quan VietNamNet Tower. Thu Trang sắp vào U40 mà trông vẫn trẻ trung xinh xắn như ngày nào. Hiện là Chánh văn phòng. Tôi rất vui, bởi từ ngày đó tôi đã phát hiện Trang có cái khả năng làm văn phòng rất tốt. Tất nhiên văn phòng là bộ mặt của đơn vị cũng cần chọn người “coi được” nhưng điều quan trọng là vẫn phải khả năng làm việc ngăn nắp đặc biệt khả năng giao tiếp.

 

Tòa nhà 46 tầng này chỉ là trụ sở chính, còn một số đơn vị do điều kiện giao dịch vẫn có trụ sở riêng như chỗ Công ty bất động sản của Phan Thế Hải, Công ty VNR500… VietnamNet News nơi chúng tôi từng công tác tập trung từ tầng 7 đến tầng 19, tôi nhẩm tính so với thời ở Láng Hạ đã tăng lên ít nhất về số lượng khoảng 10 lần. Hồi đó, tôi nhớ cái phòng được ưu tiên là phòng 202 - phòng cố vấn đã có lúc phải ngồi tới 9 người. Bây giờ thì Phạm Tuấn, Việt Lâm…mỗi người ngồi tới 2 phòng rưỡi, bao gồm một phòng làm việc với các thiết bị khá hiện đại, một phòng tiếp khách với ít nhất khoảng 10 người và một phòng “trà lá” riêng. Vui nhất là các cụ gặp lại "cụ" Hạnh. Đến bây giờ mà tôi vẫn không thể nào hiểu nổi vì sao dạo ấy người ta lại gọi Lê Hạnh - một cô gái thông minh, xinh đẹp (chỉ tội hơi bé một xíu, nhưng là người Việt thì thế là được) là CỤ. Thậm chí là "cụ rùa" mà Lê Hạnh vẫn vui vẻ nhận cái biệt danh ấy và còn lấy tên blog là Hạnh rùa. Tôi biết đến Hạnh từ khi tôi còn làm ở báo Dân trí. Với cái bút danh Hạ Anh, Hạnh viết nhiều bài về giáo dục khá sắc sảo... nhưng cũng đáng tiếc từ ngày được đề bạt làm quản lý thì thấy khó tìm được cái tên Hạ Anh… Nghề báo có cái mâu thuẫn là vậy… Người lãnh đạo, người biên tập... đúng là những bà đỡ, con đẻ ra xinh đẹp, tài năng người đời chỉ khen bố mẹ chứ ai nghĩ đến bà đỡ bao giờ? Hạnh bây giờ đã có một con, đứa con gái cũng xinh như mẹ nhưng được cái gen bố nên trông cao to hơn mẹ… xem chừng có thể dự thi hoa hậu được. Mà dự chắc là được vì nghe đâu Quang Hải với biệt danh “đời zdui” đang làm Giám đốc Công ty Văn hóa Giải trí VietNamNet. Một thành viên quan trọng có uy tín hàng đầu trong việc tổ chức thi người đẹp. Qua mắt Quang Hải rồi thì chắc cũng lọt vào top 20.

Tôi muốn kể lại những người đã từng gắn bó thậm chí có lúc ngọt nhạt, to tiếng nhưng rồi tất cả lại quý mến nhau bởi hình như tất cả chỉ vì chung một mục đích, và điều quan trọng là ở cơ quan này ai có sức thì tiến nên cần chi phải lo cản trở chi ai! Hàng trăm gương mặt, ngày đó mới ra trường bây giờ đã là những Chị Ngọc ngày ấy! Lương Bích Ngọc dù làm đến chức gì thì ai biết bằng một Lương Bích Ngọc - Nhà báo.

 

Nhìn quanh mãi mà chẳng Phương Loan, Lê Nhung, Trần Thủy đâu, hỏi ra mới biết các cây bút ấy sau hơn mười năm cày xới đã được cử sang Shorenstein Boston “nâng cao nghiệp vụ”. Hiện đang bảo vệ luận văn Tiến sĩ… 

Tôi muốn gặp lại Hán Mai Oanh, ngày đó ở phòng tài vụ VASC phụ trách VietNamNet nên có thời gian ngồi chung phòng với các bác cố vấn. Bây giờ thì đã lên bà nội, nhưng nghe đâu vẫn có người làm thơ bỏ vào túi áo “với em cháu gọi bằng bà, với anh em vẫn chỉ là em thôi!".

s
Kỷ niệm sinh nhật 9 năm VietNamNet
Mười năm trước. Oanh bò ra làm kế hoạch chia tách VietNamNet… Lúc đầu mọi người rất phấn khởi, VietNamNet sẽ trở thành một tập đoàn, nhưng rồi lại có ý kiến thay đổi. VietNamNet chỉ là một tờ báo mạng chỉ được bù lỗ, các cơ sở dịch vụ kỹ thuật, khai thác giá trị gia tăng mà tập thể anh em cùng nhau gây dựng nên trong mười năm trước đó sẽ chuyển đi nơi khác… Phải chăng đang từ gà ri chúng ta sẽ được biến thành gà công nghiệp? Đúng là gian nan lắm mới có được mô hình ngày nay. Với mô hình tập đoàn truyền thông, dựa vào THƯƠNG HIỆU VIETNAMNET, chúng ta thành lập các công ty dịch vụ kỹ thuật khai thác giá trị gia tăng để nuôi lại tờ báo. Bà Hán Mai Oanh bây giờ là Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính VietNamNet. Các đơn vị thành viên tập đoàn xây dựng và bảo vệ các dự án. Qua bảo vệ sẽ được Công ty Đầu tư và tính toán hiệu quả, phát triển đơn vị. Hãng phim Truyền hình VietNamNet và VietNamNet TV với bản quyền trao đổi cùng các tập đoàn sản xuất phim ảnh lớn của thế giới tuy chưa có lãi, nhưng doanh thu đủ để đầu tư trở lại cho việc nhập trang thiết bị hiện đại. Bùi Văn vốn là thầy giáo của Fulbright bây giờ cùng với Chức vụ Giám đốc VietNamNet SaiGon thì kiêm Hiệu trưởng Đại học Truyền thông VietNamNet. Nghe bà Oanh nói VMG bỏ ra một phần vốn, rồi ông Chủ tịch kêu gọi các hãng truyền thông uy tín và các trường Đại học, trong đó có Harvard bỏ tiền đầu tư vào ngôi trường. Tính ra đã có đến trên 100 triệu USD…, Chủ tịch tập đoàn có lẽ vì muốn có một công trình nào đó kỷ niệm thời sinh viên của mình nên đã bàn với Lâm Đồng xin được đầu tư xây trường Đại học VietNamNet ở đó.

Trường này rất đặc biệt, ngoài khu học tập và hành chính đúng quy chuẩn đại học quốc tế thì có một khu ký túc xá sinh viên mà ngay các đại học hàng đầu Anh, Mỹ cũng không có được…Tôi nhớ lại, dạo đó khi có ý định mở truờng, cũng là lúc anh em được đi Hồng Kông - Macau, chiều hôm trèo lên Mả Tổ miếu, tôi chỉ cho anh em quê Tôn Dật Tiên và kể lại chuyện thành phố Chu Hải sát với Macau - đó là một thành phố thông minh... mùa hè là thành phố nghỉ mát, còn mùa đông là thành phố đại học… Tôi đã thí điểm ở Sầm Sơn và tham mưu để Chủ tịch tập đoàn xem xét. Ở Đà Lạt xây ngay khu sinh viên rất hiện đại, phòng nào cũng đạt tiêu chuẩn khách sạn có sao. Trang bị nội thất tốt. 6 tháng sinh viên học, 3-5 tháng SV đi thực tập và nghỉ… Cũng xin nói, do danh tiếng của trường nên trong 2.000 SV hiện nay có tới hơn 600 SV quốc tế mà phần lớn đến từ các nước Châu Á kể cả các nước phát triển, bởi vậy khu ký túc xá này rất phù hợp. Khu nhà cho các giáo sư từ Anh, Mỹ đến Hà Nội vào Sài Gòn lên lại càng cao cấp hơn. Giá các biệt thự này cho thuê mùa hè cũng khá hấp dẫn. Vừa mở trường đào tạo, vừa kinh doanh du lịch. Công ty Du lịch VietNamNet cũng góp cổ phần đáng kể vào nhà trường. Công ty này cũng là công ty sản xuất các sản phẩm kỷ niệm mang thương hiệu VietNamNet phục vụ cho cả VietNamNet News, VietNamNet Today (báo giấy xuất bản hàng ngày). Truyền hình VietNamNet, các tuần báo như Vietimes, Echip, Tuần VietNam…

Đã lâu không gặp Nguyễn Quang Thiều, Tổng Biên tập tờ Vietimes có định hướng là một tờ báo Văn nghệ của VietNamNet… nhưng số báo nào ra thì anh cũng sai người mang đến tận nhà biếu. Đọc báo của Thiều thì hấp dẫn nhưng mệt… nghe nói “tia- ra” đã lên tới 30 vạn số, đủ nuôi nhau và trả lãi tài chính cho Hán Mai Oanh. Thiều tiếp tôi trong một căn phòng “rất văn nghệ” trên tầng thứ 28, nghe nói khối báo viết làm việc từ tầng thứ 27 đến tầng 37… anh vừa mang cà phê ra thì “à” lên một tiếng “xin lỗi em quên bác bị bệnh tiểu đường”…thế rồi vừa giục cô thư ký pha trà, Thiều vừa đưa ra một lô sách mà Nhà xuất bản VietNamNet vừa xuất bản, tôi nhẩm tính… năm cuốn là tác phẩm của Thiều còn mấy chục cuốn kia là tuyển chọn bài từ Vietimes… Thiều bảo cô thư ký vác xuống xe để sẵn chiều mang về biếu bác.


Chuyện với Thiều đang rôm rả thì thầy Minh cho biết Chủ tịch Nguyễn Anh Tuấn mời sáng dự hội thảo quốc tế chỗ Việt Lâm, xong, trưa mời dự tiệc ở tầng 3 - lại nghe nói đây là nhà hàng ăn uống khá hiện đại, hàng ngày mỗi bữa phục vụ hơn 2.000 suất ăn của cán bộ nhân viên tập đoàn.

Sau buổi chiêu đãi trưa tại nhà ăn tầng 3, tôi nán lại gặp vợ chồng Việt Lâm để nói một câu cám ơn và nhận xét: Ăn bữa tiệc hôm nay làm bác nhớ lại cái bữa ăn hôm 1/12 hơn mười năm trước trên du thuyền ở Hồng Kông… hôm ấy, bác cháu mình cùng ngồi chung mâm. Và thật không ngờ, gặp lại anh Văn Dũng vẫn chưa rời vị trí, anh Dũng bảo: sau đây mời mấy bác lên Hotel mini của VIetNamNetNews ở tầng 26 nghỉ trưa. Chẳng là, vì anh em trong Nam và các cơ quan thường trú về thường xuyên, nên cơ quan bố trí 100 giường ở tầng 26 để tiện cho anh em làm việc… Em nhớ ngày xưa các bác phải rải chiếu nằm đất, em chỉ mua có 3 cái giường xếp để nằm tạm… thế mà không ai kêu ca phàn nàn gì cả. Nghỉ lại một tiếng buổi trưa tại Hotel mini, tôi có cảm giác khá hơn nhiều cái khách sạn ở Khu Cửu long Hồng Kông mà dạo trước chúng tôi ghé lại…

Đúng như chương trình dự định, chiều, chúng tôi dự cuộc họp mặt các cộng tác viên thân thiết: Chao ôi, sung suớng quá! Cụ Việt Phương đại lão tuổi 90! Mà vẫn sang sảng đọc thơ tình. Cụ Nguyễn Trung vào tuổi 85 nhưng râu lại dài bạc trắng như ông Thọ trên hộp sữa vậy… Tôi nhớ lại cái ngày “Thời cơ vàng" đầy cảm xúc, Nguyễn Trung gửi bài đến cũng như bao bài khác… đã mấy ngày mà chẳng thấy ai có ý kiến gì! Đọc trang đầu thấy chính trị khô khan nhưng càng đọc tôi thấy càng cuốn hút… tôi chuyển bài qua email cho TBT, không ngờ bài viết cuốn hút anh đến vậy... đang đêm anh gọi điện nhờ tôi tìm điện thoại, sáng ra, tôi gọi điện đến nhà tác giả không ngờ TBT Nguyễn Anh Tuấn đã có mặt ở nhà tác giả… Tính đi tính lại, TBT quyết định đăng và 3 ngày sau thấy TT đăng tiếp... thế là yên tâm. Nếu nói về bài báo ghi lại dấu ấn thì “Thời cơ vàng” thực sự là một dấu ấn bởi đi theo “Thời cơ vàng” còn là hiểm họa đen với biết bao điều tiếng nhưng rồi bài báo vẫn đứng được... Và cuốn “Thời cơ vàng của chúng ta” đã trở thành một cuốn sách được người đọc săn tìm… TBT Nguyễn Anh Tuấn ngay từ ngày ấy đã chủ trương phải khai thác cho được trí tuệ của xã hội. Hàng tháng, nếu anh ở nhà thì phải họp hội đồng cố vấn với các tên tuổi như Dương Trung Quốc, Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyễn Quang A, Phạm Chi Lan, Đặng Hùng Võ, Trần Đình Thiên, Chu Hảo… trong quỹ nhuận bút anh giao cho tôi giám sát phải dành 35% cho những bài khai thác trí tuệ xã hội. Tiếc rằng, lúc ấy tôi cũng chưa giúp anh thực hiện được tỷ lệ ấy. Trong số cộng tác viên hôm nay, có nhiều người lứa tuổi 40, 50 khá xuất sắc, tôi chỉ nghe tên mà chưa hề gặp mặt. Bởi vậy, tôi chỉ xin nhắc đến những người mà tôi biết.

Chiều, hội nghị kết thúc sớm và Chủ tịch tập đoàn mời cơm CTV… với khoảng 200 người, phòng tiệc được bày tại phòng khánh tiết trên tầng 45 có bầu trời giả như ở Sòng bạc Ma Cao, đứng trên tầng này có thể nhìn về Trung tâm Hội nghị Quốc gia, và những công trình trọng điểm của Hà Nội… Vui và rất vui, vì các cụ, chúng tôi gặp lại nhau sau nhiều năm xa cách… Nhưng giờ Lễ Kỷ niệm chính thức đã điểm.

19h30, Lễ Kỷ niệm không chỉ được VietNamNet online, VietNamNet TV tường thuật trực tiếp mà nhiều báo bạn cũng xin tác nghiệp vì đây là cuộc gặp mặt rất ấn tượng với nhiều quan khách, nhà hoạt động nổi tiếng, những nhân vật mà báo chí đang săn lùng…

Chương trình bắt đầu với màn hợp ca 500 người bài Bay lên Việt Nam của Nhạc sĩ Văn Ký… Theo ban tổ chức cho biết, đây là sáng kiến của VNR500 được các doanh nghiêp hưởng ứng. Mỗi doanh nghiệp được lọt vào top 1-250 được cử một nữ, mỗi doanh nghiệp từ top 251-500 được cử 1 nam, nam thanh nữ tú, ai cũng mang logo của doanh nghiệp mình tham gia dàn đồng ca. Tiết mục này đã có sẵn từ hai cuộc trình diễn lớn ở Sân vận động Mỹ Đình và Võ Văn Kiệt… sau phát biểu ngắn của Chủ tịch Tập đoàn kiêm chủ bút Nguyễn Anh Tuấn (bây giờ mới thật, có chức chủ bút, còn Tổng Biên tập thì đúng là dành cho người chỉ huy điều hành) lần lượt các nhân vật quan trọng đại diện Nhà nước và quốc tế lên bắt tay chúc mừng và trao tặng quà kỷ niệm. Tất nhiên, ban tổ chức cũng chỉ sắp xếp hạn chế một số vị còn lại qua màn ảnh lớn hàng trăm đơn vị tiếp tục xuất hiện…


20 năm, những hoạt động tiêu biểu của VietNamNet được tái hiện sinh động: 20 Việt kiều được vinh danh trong năm bước lên sân khấu. Tiếp đó, 20 gương mặt Hiệp sĩ Công nghệ Thông tin, rồi trọng tâm là 20 nhân vật hàng đầu của đất nước được bạn đọc VietNamNet bình chọn trong năm. Cuối cùng là 20 nghệ sĩ tên tuổi gắn bó với VietNamNet đến chung vui.

Hội trường 2007 chỗ không đủ thỏa mãn mấy ngàn cán bộ công nhân viên nhưng đây là buổi Lễ kỷ niệm có ý nghĩa nên được tổ chức tại một địa điểm có ý nghĩa mang thương hiêu VietNamNet….

Ra về, tôi nói với Phạm Anh Tuấn, thực tế hôm nay làm cho tuổi 80 của các chú trẻ lại… Ước gì lại đủ sức để kề vai sát cánh với các bạn… Thành tựu hôm nay, chắc nhiều người ngày ấy không thể nghĩ ra… Nhờ nói lại với Nguyễn Anh Tuấn nếu theo luật nhà nước thì sau lễ kỷ niêm 20 năm này vẫn còn quỹ thời gian để bước tiếp 10 năm nữa…! Ôi, 10 năm nữa chắc sẽ hoành tráng hơn nhiều… bây giờ. Tôi cam đoan với tầm nhìn 2017 chắc cũng chưa thể nghĩ ra…

  • Nguyễn Lương Phán


     

,

Tin khác

,
,