,
221
4541
10 năm Việt Mỹ
10namvietmy
/10namvietmy/
674156
"Xây dựng ĐH đẳng cấp quốc tế: Cơ chế cần thiết nhất"
1
Article
null
,

'Xây dựng ĐH đẳng cấp quốc tế: Cơ chế cần thiết nhất'

Cập nhật lúc 23:05, Chủ Nhật, 26/06/2005 (GMT+7)
,
Bộ trưởng Cao Đức Phát

(VietNamNet) - Bộ trưởng Cao Đức Phát không chỉ tháp tùng chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ và Canada của Thủ tướng Phan Văn Khải với tư cách Bộ trưởng Bộ NN và PTNT, mà ông còn là cựu học viên của ĐH Harvard. Trong dịp trở lại trường cũ, ông đã dành cho VietNamNet một cuộc phỏng vấn riêng.

>> Bấm vào đây để nghe nội dung cuộc phỏng vấn

-Thưa Bộ trưởng Cao Đức Phát, anh vốn là một cựu học viên của Harvard. Lần này trở lại trường với tư cách là chính khách, là người đại diện thuộc phái đoàn của Thủ tướng Phan Văn Khải, anh có cảm xúc gì?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Tôi rất vinh dự được tháp tùng Thủ tướng trong chuyến viếng thăm chính thức tới Hoa Kỳ lần này. Với tư cách vừa là một đại diện trong đoàn của chính phủ, lại đã có một thời gian học tập ở nước Mỹ, tôi thấy chuyến đi này có những kết quả rất tốt đẹp, đánh dấu mốc mới trong quan hệ giữa hai nước chúng ta. Tôi rất phấn khởi với những kết quả đạt được của chuyến đi. Những kết quả ấy đem lại triển vọng mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước trong đó có lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trong chuyến đi, tôi cũng có dịp quay trở lại trường ĐH Harvard, nơi tôi đã học tập và được tham dự những buổi làm việc của Thủ tướng với các nhà khoa học của trường ĐH Harvard. Một lần nữa, tôi cảm thấy rằng ở ĐH Harvard cũng như một số trường ĐH khác ở Mỹ mà đoàn đã đến, có tập trung nhiều nhà khoa học với trình độ cao, có nhiều tri thức uyên bác mà chúng ta có thể tranh thủ nhằm hỗ trợ cho quá trình phát triển trong nước.

- Anh có một chút gì kỷ niệm cá nhân hay cảm xúc cá nhân về chuyến đi này hay không?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Tôi cũng rất phấn khởi về chuyến đi vì được gặp lại những bạn bè từng giúp đỡ tôi rất nhiều trong thời gian tôi học tập ở đây. Đặc biệt, tôi rất cảm động khi thấy họ rất phấn khởi, mừng rỡ trước những kết quả đạt được trong chuyến thăm của Thủ tướng nước ta. Họ cũng rất hy vọng rằng chuyến viếng thăm sẽ mở đầu cho một thời kỳ quan hệ phát triển mới giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

- Hôm nay, trong buổi thảo luận tại trường ĐH Harvard của chúng ta có toát lên một ý là phải xây dựng một trường ĐH đẳng cấp quốc tế ở VN. Theo anh, việc đó có khả thi không?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Việc xây dựng những trường ĐH chất lượng cao để đào tạo nguồn nhân lực cho công cuộc xây dựng đất nước là hết sức cần thiết đối với chúng ta. Tuy nhiên, đây là một quá trình mà chúng ta phải phấn đấu càng sớm càng tốt để có những trường ĐH với chất lượng cao như thế ở đất nước chúng ta.

- Anh là người từng được học tập ở một trường ĐH hàng đầu quốc tế như Harvard. Theo anh, muốn xây dựng một trường ĐH đẳng cấp quốc tế như vậy, Việt Nam chúng ta  hiện này cần gì nhất?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Điều quan trọng trước hết là chúng ta cần phải có một cách nhìn nhận phù hợp về việc xây dựng một trường ĐH kiểu mới ở đất nước chúng ta. Với cách nhìn phù hợp như vậy, cũng cần phải có một cách làm, một cơ chế phù hợp. Xuất phát từ cách làm, cơ chế đó, sẽ có một nguồn nhân lực cũng như nguồn tài chính cần thiết để xây dựng trường ĐH. Có ý kiến cho rằng vấn đề đầu tiên là nguồn vốn, chúng tôi cũng cho rằng vốn là cần thiết. Song theo tôi, yếu tố cần đầu tiên là nhìn nhận vấn đề một cách phù hợp.

- Việc cho ra đời những trường ĐH đẳng cấp quốc tế đòi hỏi phải có chính sách rất ưu đãi. Chẳng hạn như với các khu kinh tế thì có khu kinh tế mở, khu kinh tế đặc biệt, phải chăng để thành lập những truờng ĐH đẳng cấp cao ở Việt Nam, chúng ta cũng cần phải có một chính sách đặc biệt?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Tôi không là chuyên gia về giáo dục, nhưng với hiểu biết của tôi, tôi thấy rằng cũng cần phải có những chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho các trường ĐH phát triển mạnh mẽ hơn. Nhưng chính sách đặc biệt không có nghĩa là bao cấp nhiều hơn.

- Không phải chính sách bao cấp mà là các cơ chế, chính sách quản lý thông thoáng. Chẳng hạn như có thể cho những nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào chương trình, tổ chức tự quyết của đại học như mô hình của nước ngoài. Theo ông, giữa điều kiện này với điều kiện tài chính hay các điều kiện khác, điều kiện nào quan trọng hơn?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Theo tôi, yếu tố về cơ chế quan trọng hơn.

- Trở về vấn đề nông nghiệp. Lâu nay, nền nông nghiệp của chúng ta đã gặt hái được rất nhiều thành công từ thị trường Mỹ và cũng gặp phải không ít chuyện "nhức đầu". Qua chuyến đi này, anh có định mở thêm những hướng mới để sản phẩm nông nghiệp của chúng ta vào được thị trường này trong thời gian tới hay không? Và anh có chuẩn bị hay lường trước những giải pháp để chúng ta hạn chế hoặc thắng trong những cuộc tranh chấp có thể xảy ra không?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Trong chuyến đi này, chúng tôi có ký một hiệp định hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp VN và Bộ Nông nghiệp Mỹ. Có thể nói, đây là bước mở đầu cho một quá trình hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Việc hợp tác giữa hai bộ không chỉ về khoa học kỹ thuật, và những vấn đề liên quan trực tiếp đến sự phát triển của hai ngành mà còn góp phần thúc đẩy thương mại và đầu tư, trước hết trong lĩnh vực nông nghiệp - phát triển nông thôn. Tuy nhiên, để phát huy được những cơ hội đã mở ra, chúng ta phải làm rất nhiều việc trong đó vấn đề lớn đặt ra là nâng cao sức cạnh tranh của những mặt hàng nông sản. Theo tôi thì có rất nhiều việc phải làm để nâng cao khả năng cạnh tranh của mặt hàng nông sản VN, nhưng điểm quan trọng là phải đẩy mạnh ứng dụng KHKT trong nông nghiệp. Tôi tin rằng khi chúng ta có được khả năng cạnh tranh cao, chúng ta cũng sẽ tránh bớt được những rủi ro trong thị trường quốc tế.

- Trong đội ngũ cán bộ của Bộ nông nghiệp & phát triển nông thôn hiện nay, anh thấy thiếu nhất yếu tố gì?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Hiện nay, để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong ngành nông nghiệp, vấn đề lớn thứ nhất đang đặt ra là thiếu cán bộ KHKT với trình độ cao để có thể dẫn dắt, thúc đẩy nghiên cứu và chuyển giao KHKT, tiếp cận với trình độ của khu vực và quốc tế. Thứ hai, chúng ta thiếu những doanh nhân được đào tạo và có trình độ để lãnh đạo doanh nghiệp ở tầm quốc tế, để cạnh tranh có hiệu quả một khi chúng ta tham gia WTO cũng như cạnh tranh quốc tế về lâu dài. Thứ ba, chúng ta cũng cần có nhiều nhà quản lý hiểu biết, với những kiến thức phù hợp với quá trình quản lý kinh tế mới để thúc đẩy quá trình đổi mới trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

- Xin cảm ơn anh. Chúc anh gặt hái thêm nhiều thành công!

  • Nguyễn Anh Tuấn - (thực hiện)

,
,