Bang giao Việt - Mỹ: Bước ngoặt lịch sử khó tưởng tượng
(VietNamNet) - Ngay sau khi Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng thống Bush kết thúc hội đàm, VietNamNet đã có cuộc phỏng vấn nhanh với ông Phạm Đức Trung Kiên, Giám đốc Điều hành Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) về sự kiện lịch sử này.
Khúc quanh lịch sử quan trọng...
- Thưa ông Kiên, vậy là sự kiện quan trọng và được chờ đợi trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ vừa diễn ra. Tổng thống George Bush đã hội đàm với Thủ tướng Phan Văn Khải tại Phòng Bầu dục và chính thức trả lời trước giới truyền thông. Đánh giá của ông về sự kiện này?
- Tôi nghĩ rằng việc Tổng thống George Bush và Thủ tướng Phan Văn Khải gặp nhau tại Phòng Bầu dục sáng nay để cùng luận bàn về quan hệ Việt - Mỹ là một sự kiện hết sức quan trọng.
Cách đây 10 năm, hai nước đã không có quan hệ ngoại giao. Trước đó, nước Mỹ cấm vận đối với Việt Nam và bây giờ, 10 năm sau, giao thương hai nước đã đạt trên 6 tỷ USD.
Hai nước cũng đã có những trao đổi hợp tác quan trọng về khoa học, giáo dục, quân sự và ngay lúc này đây, theo tôi được biết còn có cả trao đổi tình báo nữa. Rõ ràng đây là một bước ngoặt lịch sử rất quan trọng.
- Ông thấy rằng kết quả cuộc gặp này có đúng như trông đợi của ông hay không?
- Tôi nghĩ rằng cho đến giờ thì chuyến đi đã có nhiều thành quả tốt. Còn thành công đến đâu thì chúng ta phải chờ đợi một vài tháng nữa để nhìn thấy sự thay đổi, phải xem những hoạt động giữa hai nước tăng trưởng như thế nào mới định giá được.
- Chắc ông cảm thấy lạc quan về triển vọng mối quan hệ này?
- Tất nhiên, tôi rất lạc quan. Vì chỉ nhìn vào thực trạng mối quan hệ này cách đây 10 năm, thì làm sao không lạc quan được!
- Tôi thấy phần đông cộng đồng người Việt bên này ủng hộ chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải. Song cũng có những người biểu tình. Nên nhìn nhận chuyện này như thế nào, thưa ông?
- Hoa Kỳ là một đất nước tự do. Tự do phát biểu ý kiến là quyền căn bản. Chúng ta phải tôn trọng quyền đó của họ.
Nhưng theo tôi, những người phản đối như vậy, theo tôi chỉ là ý kiến của một thiểu số hiện tại mà thôi. Thiểu số so với phần đông chúng ta đều nỗ lực hàn gắn những đổ vỡ của quá khứ để hai nước xích lại gần nhau hơn nữa.
- Theo ông thì đây là bước đột phá, bước khởi đầu. Vậy ông dự đoán 5 năm tới, quan hệ hai nước sẽ ở tầm nào?
- Việc đó chúng ta chỉ có thể hy vọng mà khó có thể đoán được. Tôi nghĩ rằng hai chính phủ đều muốn phát triển quan hệ song phương hơn nữa. Nhưng còn tuỳ thuộc vào tình hình quốc tế, khu vực và nội bộ của mỗi bên nữa.
... Khó có thể tưởng tượng
Giáo sư Nguyễn Thuyết Phong (Mỹ): Tôi nghĩ rằng chuyến viếng thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải có một ý nghĩa hết sức quan trọng, cần thiết, và đúng thời điểm. Về phương diện tình cảm cá nhân, quốc tổ của họ là các vua Hùng ở Việt Nam. Họ cần phải có nghĩa vụ làm đẹp cả hai phía, có nghiã phải đóng góp mọi ưu việt cho tình hữu nghị Việt-Mỹ. Tất cả hãy vì an ninh và sự nghiệp phát triển đất nước, đừng để qúa muộn. Người Mỹ quên được hận thù, tại sao ta không thể quên? Hãy về thăm quê hương để nhìn thấy tận mắt sự tiến bộ, cởi mở đang thực sự diễn ra so với 20 năm trước đây. Giáo sư Ngô Thanh Nhàn (Đại học New York): Có một điều còn mâu thuẫn là nhân dân và chính phủ Mỹ thì muốn nhanh chóng vượt qua hậu quả của “chiến tranh lạnh”, trong khi một số người ồn náo nhất trong cộng đồng người Việt muốn kéo họ trở về quá khứ. |
- Tại buổi tiệc tối ở Seattle, Thủ tướng Phan Văn Khải có nói là mong muốn quan hệ hai nước đạt đến tầm cao mới. Với những sự kiện diễn ra ngày hôm nay, ông thấy liệu có thể đạt được điều đó không?
- Tôi nghĩ là nếu Chính phủ và nhân dân cả hai bên tiếp tục nhịp bước lúc này thì thành quả trong tương lai sẽ rực rỡ. Nếu chỉ có một bên chần chừ hoặc lùi lại thì tình trạng phát triển cũng sẽ ì ạch thôi.
- Có những phân tích cho rằng nếu quan hệ hai nước phát triển mật thiết quá có thể dấy lên e ngại từ một số nước khác. Theo ông, làm thế nào để giải quyết tình trạng này?
- Tôi nghĩ mỗi nước đều có sự lựa chọn riêng của mình. Việt Nam và Hoa Kỳ cũng đã có những sự lựa chọn rồi thì mới có sự kiện ngày hôm nay.
Có lẽ sự thăng bằng là quan trọng cũng như hoà bình, ổn định ở Châu Á là sự thúc đẩy lớn cho hai nước lại gần nhau lúc này.
- Chúng tôi muốn nhấn mạnh: Theo ông quan hệ giữa hai nước trở nên thân mật thì có ảnh hưởng đến quan hệ với nước thứ ba hay không?
- Khách quan mà thấy thì không. Còn chủ quan thì làm sao chúng ta đoán được các nước khác họ nghĩ như thế nào.
Tôi nghĩ Hoa Kỳ và Việt Nam trong lúc xây dựng một tình hữu nghị mật thiết hơn thì cũng nên cố gắng tránh khiến cho nước thứ ba, hay thứ tư nào khác ngộ nhận hoặc có cảm giác họ bị thua thiệt trong sự tăng trưởng mối quan hệ này. Điều đó rất quan trọng.
- Với tư cách người Mỹ gốc Việt, cảm xúc của ông như thế nào khi chứng kiến sự kiện ngày hôm nay?
- Có lẽ cảm giác đầu tiên của tôi là việc này khó mà tưởng tượng được. Khi đến Mỹ cách đây 27 năm, tôi nghĩ chuyện này khó mà xảy ra được.
Trước kia, tôi cũng có thời gian làm việc trong Nhà Trắng và vẫn nghĩ rằng chuyện này khó xảy ra sớm hay trong tình huống như thế này. Vì thế, tôi cảm thấy rất vui trước những tiến bộ vượt bậc này.
- Xin cảm ơn ông! Chúc VEF ngày càng thành công hơn nữa, góp phần phát triển quan hệ giữa hai nước.
-
Nguyễn Anh Tuấn (thực hiện)