Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh và ấn tượng về Mỹ
(VietNamNet) - Năm 1995, trong tư cách Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Đại tướng Lê Đức Anh sang thành phố New York dự khóa họp và lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Đại hội đồng Liên hợp quốc. Bài viết dành riêng cho VietNamNet nhân kỷ niệm 10 năm bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ dưới đây ghi lại ấn tượng của ông trong chuyến đi đó. Tôn trọng những ý kiến và cảm xúc riêng của ông, chúng tôi xin đăng nguyên văn.
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh cùng phu nhân chụp ảnh cùng vợ chồng cựu tổng thống Mỹ Bin Clintơn. |
Nỗi đau thương đó không chỉ diễn ra trong chiến tranh mà nó còn kéo dài sau khi cuộc chiến tranh đã chấm dứt. Hay nói cách khác, cuộc chiến đã ngưng kết nhưng hậu quả của nó thì vẫn còn day dứt và dai dẳng cho tới tận bây giờ.
Trước một thực trạng như vậy, tất cả những người có thiện chí ở cả hai phía VN và Hoa Kỳ đều mong muốn xóa đi, tất nhiên không thể xóa hết được một lúc, mà xóa dần những đau thương đó. Và, chính những nhà khoa học của VN và Hoa Kỳ đã đi đầu trong việc này bằng việc các đoàn "Bác sỹ phẫu thuật nụ cười" của Mỹ sang VN giúp đỡ trẻ em VN khắc phục khuyết tật sứt môi hở hàm ếch.
Người đi đầu ở phía VN để mở ra chiếc cầu nối trong quan hệ trên lĩnh vực khoa học giữa hai bên Mỹ - VN là GS, bác sỹ khoa phẫu thuật chỉnh hình Nguyễn Huy Phan. Giáo sư Nguyễn Huy Phan sau này trở thành Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Mỹ và là công dân danh dự của thành phố New York.
Như vậy mở đầu việc khởi động cho tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sau nhiều chục năm chiến tranh tàn khốc và đau thương là một việc làm nhân đạo mang đậm tính nhân văn của các nhà khoa học - y học của hai nước Việt - Mỹ.
Tiếp theo sau sự mở đầu này, về phía Mỹ là một số Thượng nghị sỹ mà dẫn đầu là TNS John Kerry. Ông sang VN để bàn bạc giải quyết vấn đề tìm kiếm những người Mỹ mất tích trong chiến tranh, trong đó chủ yếu là kiếm tìm hài cốt. Nói về tiến trình tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước thì có nhiều chuyện lắm, nhưng đây là những việc đầu tiên. (Ông John Kerry là người vừa qua đã đứng ra tranh cử Tổng thống Mỹ sau khi ông Bush hết nhiệm kỳ thứ nhất).
Năm 1995, trong tư cách Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, tôi sang thành phố New York dự khóa họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc và dự lễ kỷ niệm 50 năm thành lập tổ chức quốc tế lớn nhất hành tình này.
Lần đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ, tôi thấy người Mỹ, từ người dân lao động bình thường cho tới quan chức chính khách cao cấp (như đương kim Tổng thống Bill Clinton) đều mong muốn thế giới hòa bình. Tôi cũng nhớ rõ rằng chính những người dân lao động Mỹ này đã đứng biểu tình phản đối Chính phủ của họ và đòi chấm dứt chiến tranh VN. Đó là một trong những nhân tố quan trọng trong việc buộc những người chủ mưu gây ra chiến tranh VN phải rút quân đội Mỹ về nước.
Trong lần gặp họ trên đất Mỹ này, tôi thấy nhiều người mong muốn hợp tác với VN trên nhiều lĩnh vực, trong đó có sự hợp tác để khắc phục hậu quả chiến tranh. Điều này đã củng cố thêm niềm tin rằng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác Hoa Kỳ và VN sẽ phát triển tốt đẹp, mặc dầu những điều thuộc về quá khứ vẫn còn nặng nề.
Khi sang New York, tôi có gặp Tổng thống Bill Clinton và những người dân Mỹ. Khi dự tiệc do Tổng thống Clinton chiêu đãi, tôi đã có dịp tiếp xúc với nhiều vị nguyên thủ quốc gia và nhiều chính khách cao cấp của hai nước và các dân tộc khác trên thế giới.
Cũng dịp đó, tôi tới thăm khu Harllem, gặp gỡ rất nhiều người dân Mỹ. Tôi thấy rằng tất cả các chính khách cũng như người dân Mỹ đều tỏ rõ sự cảm thông với những khó khăn, vất vả của nhân dân VN, dù người nói ra bằng lời hay không nói ra thì đều toát lên sự cảm thông đó và đều mong muốn VN nhanh chóng vượt qua những khó khăn đó để đưa đất nước phát triển đi lên.
Có một ví dụ rõ nhất, điển hình về điều này là khi tôi đến thăm tàu sân bay, gọi là hàng không mẫu hạm của Mỹ, chiếc hàng không mẫu hạm đã từng tham chiến ở VN năm xưa, thì thấy rằng từ người chỉ huy cao nhất đến các thủy thủ đều giành cho chúng tôi sự đón tiếp trọng thị và thân thiện. Đặc biệt hôm đó có một thủy thủ đã chạy về nhà mình bồng một em bé VN khoảng 2 tuổi mà anh ta vừa làm xong thủ tục xin được em bé đó làm con nuôi; anh ta đã bồng em bé tới khoe với tôi và mọi người với một nét mặt rất xúc động và hân hoan. Lúc đó tôi thấy cán bộ và thủy thủ của tàu đã xúc động rất nhiều.
Cuộc đi New York của tôi diễn ra trong bối cảnh Ban lãnh đạo của VN đã khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước, trong đó về đối ngoại là kiên trì thực hiện chủ trương "VN muốn làm bạn của tất cả các quốc gia và các dân tộc trên thế giới". Bởi vậy, trong bài diễn văn của mình tại Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Liên hợp quốc, tôi đã nhấn mạnh là "Thay mặt nhân dân và nhà nước VN, tôi mong rằng, tất cả chúng ta sẽ ra sức phấn đấu cho một tương lai của thế giới sẽ không còn hận thù mà chỉ có tình hữu nghị. Tôi mong muốn tình hữu nghị, hợp tác giữa VN với Hoa Kỳ cũng như với tất cả các nước trên thế giới ngày càng phát triển tốt đẹp".
Cũng trong dịp đó, tôi có gặp gỡ đại diện bà con Việt Kiều ở Mỹ. Tôi rất vui mừng là hầu hết họ đều tỏ lòng nhớ về quê hương, hướng về đất nước VN, muốn góp phần của mình vào việc xây dựng đất nước quê hương VN nhanh chóng vượt qua những khó khăn, khắc phục vết thương và hậu quả chiến tranh để xây dựng Tổ quốc VN giàu mạnh và văn minh.
Tôi luôn mong muốn quan hệ VN và Hoa Kỳ vượt qua những mặc cảm của quá khứ để hướng tới một tương lai tốt đẹp của mối quan hệ hữu nghị, hợp tác trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Hiện nay, tôi được biết, các thế lực thù địch của hòa bình, thù địch với VN vẫn thường xuyên kích động rất dữ, nhưng đại đa số nhân dân Mỹ vẫn hiểu được lẽ phải nên họ đã và đang ủng hộ nguyện vọng hợp tác, hòa bình, hữu nghị, cùng tồn tại và cùng giúp nhau phát triển của chúng ta.
Hà Nội ngày 10/6/2005
-
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh