Nguyên TBT Lê Duẩn từng tính hợp tác dầu khí với Mỹ
Nguyên Tổng bí thư Lê Duẩn |
Ông Ngô Thường san, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) trong hồi ký viết về nguyên Tổng bí thư Lê Duẩn (trong cuốn Lê Duẩn, Một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam), nhớ lại:
Vào năm 1968, tôi được đồng chí Trần Quỳnh, lúc đó là Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học - Kỹ thuật nhà nước đưa đến gặp đồng chí Lê Duẩn để trình bày về vấn đề dầu khí.
Khi ấy tôi là cán bộ của Viện Khoa học Việt Nam hợp tác với Liên đoàn số 36, Tổng cục Địa chất, tiền thân của Tổng cục Dầu khí ngày nay, vừa được cử đi dự hội nghị về dầu khí tại Liên Xô có sự tham gia của nhiều nước và tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới.
Sau khi nghe chúng tôi báo cáo và trả lời các câu hỏi, đồng chí Lê Duẩn đã nói với đồng chí Nguyễn Văn Biên những ý kiến chỉ đạo rất quan trọng như: nhanh chóng thành lập ngành dầu khí Việt Nam; kịp thời phân lô lại thềm lục địa Nam Việt Nam và đưa ra để kêu gọi các nước đầu tư tìm kiếm, thăm dò; có sách lược khôn khéo đối với các tập đoàn dầu khí châu Âu nhằm tạo sự cạnh tranh, đồng thời giành sự ủng hộ về chính trị, kinh tế đối với Việt Nam; để lại một số lô của các công ty Mỹ trước đây như Exxon, Mobin để chờ họ quay lại (bởi đồng chí tin rằng người Mỹ sẽ trở lại làm ăn với ta); dành một số lô để ta vươn lên tự làm lấy và ngay từ bây giờ phải có kế hoạch đào tạo nhân lực cho ngành dầu khí; phấn đấu trong vòng 20 - 25 năm tới đạt sản lượng vài chục triệu tấn/năm và tiến tới xậy dựng nhà máy lọc - hoá dầu, tạo ra một cơ sở năng lượng quan trong cho chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Tôi nghĩ rằng, những ý kiến chỉ đạo nói trên của đồng chí Lê Duẩn là những quan điểm chiến lược xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển ngành dầu khí Việt Nam.
Cũng trong cuốn hồi ký trên, ông Trần Quỳnh, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng viết:
Khi trình bày dự thảo điều lệ Xí nghiệp liên doanh Việt - Xô với đồng chí Lê Duẩn, đồng chí hỏi: trong dự thảo này chúng ta giao hết phần thêm lục địa phía Nam cho Liên Xô khai thác hay sao. Chúng ta chỉ dành cho Liên Xô một số lô thôi. Ta phải dành các lô khác để hợp tác với các nước tư bản. Mỹ đã thua ta. Họ nhất định trước sau gì cũng sẽ đặt quan hệ làm ăn kinh tế bình thường với ta. Họ còn cay cú, nhưng rồi hội chứng chiến tranh sẽ qua đi, thế nào cũng qua đi.
Trở lại vấn đề dầu khí, đồng chí Lê Duẩn nói: ta phải tạo thời cơ để hợp tác làm ăn với các nước tư bản, nhất là với Mỹ; vì không kể lĩnh vực quân sự thì Mỹ là nước có nền kinh tế lớn và nền khoa học kỹ thuật cao nhất thế giới; cách làm kinh tế của Mỹ có hiệu quả cao, không tìm cách làm ăn hợp tác kinh tế với Mỹ để phát triển là không khôn ngoan.
Anh có thấy nước người ta lớn đến thế, tiềm năng to lớn đến thế mà người ta tìm mọi cách ve vãn để bình thường hoá quan hệ với Mỹ, và khi đã đạt được điều đó, người ta vui mừng biết chừng nào không? Người ta cho rằng làm ăn với Mỹ là điều kiện để phát triển nhanh kinh tế.
Đồng chí Lê Duẩn còn hỏi tôi về việc sử dụng dầu khí khai thác được. Tôi nói hiện ta chưa có nhà máy lọc dầu và hoá dầu, cho nên dầu khai thác được lúc đầu phải bán dầu thô; còn khí đồng hành thì theo các chuyên gia Liên Xô phải đốt đi, vì thu hồi để sử dụng tốn kém.
Đồng chí Lê Duẩn nói: Nếu không có cách nào khác thì phải chịu thôi, nhưng đó chỉ là tạm thời. Ta phải sớm làm nhà máy lọc đầu và hoá dầu, làm nhà máy hoá chất từ khí; nhiều nước đều làm như vậy.
Hôm nay nghĩ lại những ý kiến trên đây của đồng chí Lê Duẩn đáng cho chúng ta suy nghĩ thêm trong chiến lược dầu khí và xây dựng cơ cấu kinh tế của ta.
-
P.V.
* Tiêu đề do VietNamNet đặt