Kinh tế - Điểm sáng trong quan hệ Việt-Mỹ
Quan hệ thương mại Việt Nam-Mỹ đã có những bước phát triển nhảy vọt kể từ khi Hiệp định Thương mại song phương (BTA) giữa hai nước bắt đầu có hiệu lực ngày 10/12/2001.
Trước hết, Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ đã góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ. Theo số liệu của Hải quan Mỹ, năm 1993 Việt Nam chưa hề xuất khẩu sang Mỹ bất kỳ một sản phẩm nào và cũng chỉ nhập khẩu từ Mỹ khoảng 7 triệu USD. Sau khi Tổng thống Bill Clinton quyết định chấm dứt cấm vận buôn bán với Việt Nam ngày 3/2/1994, hàng hóa của Việt Nam bắt đầu tiếp cận thị trường Mỹ và ngay trong năm đầu tiên này, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã đạt 50,5 triệu USD.
Sau khi có BTA, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng mạnh từ 1.053 triệu USD năm 2001 lên 5.276 triệu USD năm 2004. Việt Nam hiện nhập khẩu hơn 1 tỷ USD mỗi năm từ thị trường Mỹ. Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chủ yếu là hàng dệt may, thủy hải sản, dầu khí, giày dép và đồ gỗ gia dụng và nhập khẩu từ Mỹ các thiết bị y tế, máy bay, máy công cụ.
Mặc dù xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng tới 5 lần kể từ sau khi có BTA, song con số này cũng chỉ mới chiếm khoảng 0,4% tổng giá trị nhập khẩu của Mỹ. Với kim ngạch nhập khẩu 1.764 tỷ USD năm 2004, Mỹ đang là thị trường lớn cho các loại hàng hoá và dịch vụ xuất khẩu của Việt Nam.
Cùng với những thuận lợi khách quan, trong những năm qua các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã không ngừng đầu tư phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ, nhờ đó khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế đã được cải thiện, cơ cấu hàng xuất khẩu ngày càng phong phú hơn. Trong bối cảnh chung của quan hệ giữa hai nước đang từng bước được cải thiện, các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tiếp cận và hiểu biết hơn về thị trường Mỹ. Tất cả những nhân tố đó đang tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất Việt Nam tiếp cận và mở rộng xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, năng lực cung cấp hàng hoá và khả năng tiếp thị của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung vẫn còn hạn chế. Một trong những điểm yếu dễ nhận thấy của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường Mỹ là quy mô sản xuất nhỏ, nên không đủ khả năng đáp ứng những đơn hàng lớn. Ngoài ra, các biện pháp bảo hộ sản xuất nội địa của Mỹ cũng đang tạo ra những rào cản cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, trong đó nổi bật nhất là hai vụ kiện "bán phá giá" cá da trơn và tôm đông lạnh.
Theo ước tính của Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, năm 2005 Việt Nam có thể xuất khẩu sang Mỹ từ 5,7 đến 6 tỷ USD. Dệt may vẫn là nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, với khoảng 2,74 tỷ USD/năm. Sản phẩm dệt may của Việt Nam đang ngày càng thu hút được sự chú ý của các nhà nhập khẩu Mỹ nhờ chất lượng tốt và bảo đảm được thời hạn giao hàng.
Uỷ ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC) nhận định Việt Nam là một trong những nước hàng đầu ở châu Á có khả năng cạnh tranh được với Trung Quốc trong lĩnh vực dệt may. Hiệp hội nhập khẩu dệt may Mỹ cũng cho biết Việt Nam là sự lựa chọn thứ hai của họ sau Trung Quốc khi tìm kiếm nguồn cung cấp hàng từ châu Á. Tuy nhiên trong năm 2005 hàng dệt may Việt Nam đang phải chịu sức ép rất lớn về hạn ngạch, trong khi các đối thủ cạnh tranh khác, đặc biệt là Trung Quốc, đã được phép xuất khẩu không hạn chế vào thị trường Mỹ.
Thuỷ hải sản vẫn chiếm vị trí thứ hai trong danh sách các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Mỹ, cho dù sản lượng tôm đông lạnh xuất khẩu đã giảm hơn 40% trong năm 2004 và tiếp tục giảm trong những tháng đầu năm 2005 do tác động của vụ kiện bán phá giá.
Cho dù gặp nhiều khó khăn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ trong ba tháng đầu năm 2005 vẫn đạt 1,7 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ 1,5 tỷ USD, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh những kết quả tích cực về trao đổi thương mại, hoạt động hợp tác đầu tư giữa hai nước cũng có những bước tiến đáng kể. Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Michael Marine cho biết tổng vốn đầu tư trực tiếp của các công ty Mỹ vào Việt Nam hiện đạt khoảng 2,6 tỷ USD, trong đó 730 triệu USD được đầu tư trực tiếp từ Mỹ và 1,9 tỷ USD từ các công ty con của Mỹ ở nước ngoài. Ông cho biết Mỹ là nước đầu tư thực tế lớn nhất vào Việt Nam trong năm 2004, với 531 triệu USD, chiếm 19% tổng giá trị đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam. Lĩnh vực đầu tư lớn nhất của các công ty Mỹ vào Việt Nam là dầu lửa, chiếm gần 1 tỷ USD. Nhiều công ty Mỹ cũng đang quan tâm tới lĩnh vực chế tạo và dịch vụ ở Việt Nam.
Viện trợ kinh tế của Mỹ dành cho Việt Nam cũng tăng nhanh trong thập kỷ qua. Tổng giá trị các chương trình viện trợ do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) giám sát và thực hiện ở Việt Nam đã tăng từ khoảng 2 triệu USD năm 1996 lên 12,5 triệu USD năm 2003. USAID có kế hoạch viện trợ cho Việt Nam 11 triệu USD trong tài khoá 2004 và 13 triệu USD trong tài khoá 2005.
Theo báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội Mỹ (CRS), tổng viện trợ của Mỹ cho Việt Nam, kể cả các chương trình của USAID, trong tài khoá 2003 đã lên tới 40 triệu USD. Các chương trình viện trợ lớn của Mỹ cho Việt Nam gồm phòng chống HIV/AIDS, chăm sóc trẻ em, trao đổi giáo dục, trợ giúp lương thực thực phẩm và hỗ trợ cho việc thực hiện BTA.
Trả lời phỏng vấn TTXVN tại Washington mới đây, Đại sứ Marine cho biết Mỹ hoàn toàn ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ông cho rằng đây là bước đi tiếp theo tự nhiên sau khi hai nước đã bắt tay vào thực hiện BTA. Ông tin rằng sau khi gia nhập WTO, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Mỹ.
(TTXVN)