Câu chuyện thứ 2: Thao thức ở Vịnh Hạ Long
(VietNamNet) - Lần thứ 2, Vũ Bình thuyết phục một người Mỹ khác nhìn nhận lại quan điểm nhân quyền của họ nhìn về Việt Nam. Người bị thuyết phục là sử gia nổi tiếng Stanley Karnow.
Bìa cuốn sách nổi tiếng của sử gia Stanley Karnow: “Vietnam: A History” (Việt Nam: Thiên Lịch sử)... |
Sau đó khoảng một năm, Vũ Bình lại có dịp tranh luận vấn đề nhân quyền với một người khác đến từ Mỹ, nhưng không phải là một nhà báo mà là một sử gia nổi tiếng – ông Stanley Karnow, tác giả cuốn “Vietnam: A History” (Việt Nam: Thiên Lịch sử).
Cuốn sách này đã được dựng thành bộ phim tài liệu nhiều tập “Vietnam: A Television History” (Việt Nam - Thiên lịch sử truyền hình).
... Sau khi đã phỏng vấn xong Đại tướng Võ Nguyên Giáp để chuẩn bị tư liệu cho bài viết về Điện Biên Phủ, vợ chồng ông Stanley Karnow đi Vịnh Hạ Long chơi.
Trên suốt chặng đường dài, "phải chờ qua mấy cái phà. Hồi đó chưa có con đường mới và tốt như hiện nay", nhà sử học có tiếng là hiểu biết về Việt Nam đã nói rất nhiều về chuyện quan hệ Bắc - Nam, hay chính sách cải tạo sĩ quan chế độ Sài Gòn...
“Tôi biết không thể sử dụng cái cách “phản bác trực diện” với Stanley Karnow như đã làm với Henry Kamp, bởi một sử gia chắc chỉ có thể bị thuyết phục bởi những lập luận mang tính lịch sử”, Vũ Bình nhớ lại.
Anh nói với Stanley Karnow: “Người Mỹ các ông, và kể cả bản thân ông trong cuốn sách của mình, đã có một sự lầm lẫn nghiêm trọng khi bắt đầu cuộc chiến và đánh giá về sự kết thúc khi gọi nó là Chiến tranh Việt Nam. Có lẽ các ông đã quá bị ám ảnh bởi cách nhìn vào cuộc nội chiến ở Trung Quốc, giữa những người Cộng sản (Communists) và Quốc dân Đảng (nationalists)”.
... đã được dựng thành bộ phim tài liệu nhiều tập “Vietnam: A Television History” (Việt Nam - Thiên lịch sử truyền hình) nổi tiếng. |
“What did you say, young man?” (Anh nói gì vậy, anh bạn trẻ?), Stanley Karnow quay sang hỏi, giọng giật lên khác hẳn với cái nhịp điệu đều đều trước đó. Đôi mắt nhà sử học nổi tiếng này mở to nhìn chằm chằm vào Vũ Bình, người mà cách đây một phút ông vẫn chỉ coi là một phiên dịch và một người bạn đường biết nghe chuyện.
Vũ Bình hiểu là anh đã gây được sự chú ý của nhà sử học vốn rất ý thức được tầm hiểu biết của bản thân mình. “Người Mỹ các ông đã giúp nhầm những người tự nhận là nationalists (quốc gia) như Ngô Đình Diệm, hay Nguyễn Văn Thiệu để chống lại chúng tôi, những người patriots (yêu nước) và nationalists (vì dân tộc) thực sự - những người đã tập hợp được đông đảo quần chúng để đấu tranh giành độc lập dân tộc”, Vũ Bình nói tiếp.
“Nếu người Mỹ không can thiệp, chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề thống nhất đất nước trong vòng 2 năm thôi thông qua tổng tuyển cử. Hoặc nếu có phải đánh nhau thì cuộc chiến cũng kết thúc không lâu hơn 2 năm”, Vũ Bình đưa ra cái lập luận “2 năm” của mình.
Từ lúc đó trở đi Stanley Karnow trở nên im lặng, có vẻ như ông chấp nhận “đổi vai” với Vũ Bình.
“Ông là người giỏi tiếng Pháp và hiểu rõ lịch sử Pháp, thì ông chắc còn nhớ vào năm 1945, trên con đường về Thủ đô Paris, có rất nhiều giá treo cổ được dựng lên. Một nước mà các ông coi là dân chủ như vậy, một nước chỉ trải qua có 4 năm chiến tranh (cũng do ảnh hưởng của bên ngoài), mà đã như vậy, thì chuyện trại cải tạo ở đất nước chúng tôi sau khoảng 20 năm chiến tranh đâu có to tát gì.
Ở Việt Nam sau năm 1975 không hề có chuyện xử bắn, trong khi trước đó phía bên kia (Chính quyền Sài Gòn) đã bỏ tù hàng trăm ngàn người của chúng tôi, chém đầu hàng ngà người khácn, còn số bị xử bắn chắc còn phải nhiều hơn nữa”, Vũ Bình kể tiếp câu chuyện với Stanley Karnow.
Vũ Bình còn nhắc lại với nhà sử học về truyền thống của Phương Đông khi một triều đại mới lên cầm quyền bao giờ cũng “triệt tận gốc” những người của triều đại cũ, thậm chí còn “tru di tam tộc, lục tộc, cửu tộc”, hay tàn phá cung điện, đền đài, đốt sách vở...
Anh cũng không quên kể cho Stanley Karnow về chuyện nhà Nguyễn khi lên ngôi đã đào mộ nhà Tây Sơn lên để lấy xương nhồi cùng thuốc súng cho nổ tan thành tro bụi.
“Ông phải ghi nhận rằng rõ ràng chính quyền của chúng tôi đã đi ngược lại cái truyền thống rất lâu đời của Phương Đông”, Vũ Bình kết luận.
Bữa tối hôm đó họ ăn cùng nhau. Nhưng bữa ăn kết thúc khá nhanh, trong im lặng. Sáng hôm sau, trước khi xuống tàu đi thăm Vịnh, Stanley Karnow, với vẻ mặt và ánh mắt mệt mỏi, chậm rãi nói với Vũ Bình: “Này, Bình ơi, cả đêm hôm qua tôi không ngủ được và có trao đổi nhiều với vợ tôi về chuyện lúc chiều. Tôi nhận thấy rằng nhiều điều anh nói có lý”.
-
Hoàng Ngọc
Vài nét về người kể chuyện:
Vũ Bình tuổi Tân Sửu, vào Trường Đại học Ngoại giao năm 1978, cùng khoá với những nhân vật đầy cá tính khác như Người phát ngôn Bộ Ngoại giao (BNG) Lê Dũng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại UNESCO Phạm Sanh Châu... Vào Trung tâm báo chí năm 1984, cùng với những người đi trước như nguyên Giám đốc Nguyễn Công Quang, nguyên Phó Giám đốc Nguyễn Hải Sơn (đã mất)..., anh đã góp phần vào việc xây dựng “văn hoá Trung tâm Báo chí” một thời, nơi mọi người đã coi nhau anh em một nhà, sống và làm việc hết mình. Anh cũng giúp đào tạo được một số cán bộ hướng dẫn báo chí có năng lực và triển vọng. Trong thời gian gần 10 năm làm việc tại Trung tâm Báo chí BNG, anh đã có dịp làm việc với nhiều nhà báo và đoàn làm phim nổi tiếng của Mỹ. Quá trình làm việc đó, anh đã đóng góp vào việc xây dựng thành công những bộ phim có vai trò thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, cũng như tác động đến những suy nghĩ và hiểu biết về Việt Nam của các nhà báo Mỹ, giúp họ có cái nhìn khách quan và toàn diện hơn về Việt Nam trong quá trình phát triển. Anh cũng là một trường hợp khá đặc biệt trong số các cán bộ hướng dẫn báo chí thường bắt đầu công việc với phóng viên Mỹ bằng những cuộc tranh luận khá gay gắt, nhưng kết thúc bằng một tình bạn. Trong thời gian công tác ở Sứ quán Việt Nam tại Mỹ với cương vị Tham tán phụ trách mảng quan hệ với Quốc hội, vài người trong số họ đã có dịp giúp đỡ anh với những bài báo phản ánh tích cực những vấn đề về Việt Nam vốn đang gây tranh cãi tại Quốc hội Mỹ, đóng góp một phần dư luận ngăn chặn việc thông qua những dự luật nhân quyền trong mấy năm vừa rồi... Anh thuộc tuýp người quyết đoán trong công việc chung, hay việc của người khác, nhưng lại lần chần vì cả nể trong những chuyện liên quan đến cá nhân mình. |
Kỳ tới: Câu chuyện thứ 3: Sự trở lại của “cố nhân"
Về vai trò của truyền thông trong việc hàn gắn, chia sẻ, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa 2 nước, từ những ngày đầu, qua những câu chuyện và con người cụ thể.