,
221
4821
60 năm CHXHCNVN
vanhoimoi
/vanhoimoi/
769777
"Bình minh của một kỷ nguyên mới"
1
Article
null
,
Báo nước ngoài nói về sự kiện Intel đầu tư vào VN:

'Bình minh của một kỷ nguyên mới'

Cập nhật lúc 08:55, Thứ Tư, 01/03/2006 (GMT+7)
,

Dưới tiêu đề "Intel: Xin chào Việt Nam", (Intel: Good morning, Vietnam), Business Week (BW), Tuần báo về kinh tế rất uy tín của Mỹ đã gọi sự kiện Intel đầu tư 300 triệu USD vào Việt Nam là cột mốc đánh dấu "bình minh của một kỷ nguyên mới", và nêu ra câu hỏi: "Phải chăng sẽ ra đời một con hổ châu Á mới?"

Mô hình nhà máy sản xuất chip của Intel sẽ xây dựng tại khu CNC thành phố HCM, trên 46,7 hecta đất

Sự kiện Intel đầu tư 300 triệu USD vào Việt Nam đã xuất hiện đồng loạt trên những tờ báo uy tín nhất thế giới, từ các hãng thông tấn như Reuters, AP, AFP, BBC cho đến các website uy tín như Washington Post, CNN Money, BusinessWeek Online, ABC News, Infoworld, CNET v..v....

Trước đó một ngày, hãng tin AFP đã đăng tải bài bình luận với tiêu đề: "Intel bỏ phiếu tin tưởng tuyệt đối Việt Nam, theo đó, sự kiện Intel đầu tư xây dựng nhà máy 300 triệu cũng giống như một "sự thức tỉnh và mở mắt" cộng đồng đầu tư quốc tế về Việt Nam. ... để giờ đây, "các công ty Mỹ, các doanh nghiệp phương Tây nói chung sẽ nhìn Việt Nam như một điểm đến mới, nơi họ có thể đến và rót vốn vào lĩnh vực IT".

Theo AFP, thỏa thuận này thực sự mang lại lợi ích cho cả đôi bên, bởi bản thân gã khổng lồ chip cũng sẽ tận dụng được nguồn nhân công rẻ, có trình độ và thị trường rất lớn tại Việt Nam. Nói như lời của ông Henry Nguyễn (Nguyễn Bảo Hoàng), Giám đốc IDG Ventures Việt Nam thì "không đâu trong toàn khu vực Đông Nam Á này, một hãng IT như Intel lại có thể tìm thấy cơ hội tốt hơn (ở đây).

Hãng thông tấn BBC của Anh cũng có bài viết dưới nhan đề : "Việt Nam đầu tư 300 triệu USD vào Việt Nam" và nhận định sự kiện này sẽ "nâng cao vị thế của Việt Nam như một địa điểm kinh doanh hi-tech mới đầy hứa hẹn". Tác giả bài viết đã chỉ rõ ưu điểm của Việt Nam như là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á trong nhiều năm qua, và đang cố gắng đa dạng hóa nền kinh tế bằng cách thu hút các nhà đầu tư công nghệ. Nhưng bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần phải khắc phục được cơ sở hạ tầng lạc hậu, bộ máy hành chính vẫn còn tồn tại quan liêu và nạn tham nhũng.

Cùng chung nhận định với BBC, hãng tin AP cho rằng việc Intel xây dựng nhà máy 300 triệu USD đã ghi tên Việt Nam vào bản đồ công nghệ cao toàn cầu,  giúp Việt Nam trở thành điểm đến của dòng vốn đầu tư trong thời gian tới, tạo nhiều việc làm và chuyển giao công nghệ, đồng thời còn có thể dẫn theo nhiều hãng phần cứng và phần mềm khác "tiếp bước", như lời khẳng định của chủ tịch Craig Barrett.

Mặc dù khoản đầu tư chính thức, theo lời Intel công bố sáng 28/2 chỉ là 300 triệu USD, song đây vẫn là một con số rất lớn đối với Việt Nam. "Không phải ngày nào quốc gia nổi tiếng về xuất khẩu gạo và may gia công này cũng đón được một nhà đầu tư nước ngoài như Intel", BW bình luận. Nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chip sẽ được xây dựng bên trong Công viện Công nghệ cao Sài Gòn và thu hút 1.200 nhân công, chủ yếu là người Việt Nam. Dự kiến nhà máy sẽ đi vào hoạt động từ năm 2008, ngay sau khi xây dựng xong.

Nhưng theo BW, ý nghĩa cao nhất của thỏa thuận này, là nó đã bỏ lá phiếu đặc biệt quan trọng và tin tưởng tuyệt đối cho tiềm năng to lớn của Việt Nam. Như lời chủ tịch Barrett đã nói trong thông cáo báo chí, "Intel đánh giá rất cao những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ và hỗ trợ giáo dục để nâng cao năng lực cho đội ngũ lao động".

Giá trị PR

Cũng theo BW thì Việt Nam đã "PR" rất tốt cho sự kiện Intel đầu tư vào Việt Nam, bằng chứng là sự kiện này đã đồng loạt xuất hiện trên tất cả các website lớn của truyền thông thế giới trong ngày hôm nay. Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều để khởi động khu vực công nghệ thông tin từ những năm 2000, khi chính phủ tuyên bố đây là trụ cột trọng yếu trong chiến lược phát triển. Thu hút được vốn đầu tư từ Intel sẽ phát đi một tín hiệu cực mạnh tới những nhà đầu tư nước ngoài khác, rằng Việt Nam hoàn toàn có khả năng cải thiện và nâng cao thang giá trị của mình, trở thành tâm điểm mới thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong khu vực.

Bước đi nhỏ trong một hành trình dài

Câu phát biểu "Chúng tôi coi đây mới chỉ là một bước đi ngắn trong chuyến hành trình rất dài tại Việt Nam" của Chủ tịch HĐQT Intel, ông Braig Barrett đã được Reuters lấy lại để nhận định về sự kiện diễn ra sáng nay.

Theo thông tin độc quyền của Reuters thì có thể ngoài các bộ vi xử lý cho máy tính và ĐTDĐ, nhà máy tại Việt nam cũng sẽ kiểm tra và đóng gói cả bộ vi xử lý dành cho thiết bị mạng và đồ điện tử gia dụng. Hãng này trích lời ông John Antone, Phó chủ tịch Intel Asia Pacific rằng 300 triệu USD chỉ là khoản đầu tư cho giai đoạn đầu tiên của nhà máy từ nay đến năm 2008. Intel sẽ cân nhắc việc tiếp tục đầu tư thêm 305 triệu USD nữa cho Việt Nam khi bước vào giai đoạn tiếp theo, tùy thuộc vào những yếu tố như hiệu quả của nhà máy và tình hình thị trường. 

Một nhà đầu tư Mỹ khác cũng tỏ rõ sự lạc quan về tương lai của Việt Nam là IDG. Hãng này đã lập ra một quỹ trị giá 100 triệu USD để rót vốn cho những công ty IT mới thành lập ở Việt Nam. "Đây là bước đi đầu tiên cực kỳ quan trọng, nhằm tiến tới thời điểm Việt Nam có thể thu hút được dòng tiền từ những gã khổng lồ công nghệ tầm cỡ thế giới khác", Henry Nguyen, giám đốc IDG Việt Nam cho biết.

Từ góc độ kinh doanh, BW cho rằng việc Intel chọn xây dựng nhà máy mới tại thành phố Hồ Chí Minh, khi mà hãng này có thể dễ dàng mở rộng cơ ngơi hoạt động hiện có ở Thượng Hải, Chengdu, Philippines hoặc Malaysia đã nói lên rất nhiều điều về sức cạnh tranh cũng như tiềm năng của Việt Nam. Mức lương tối thiểu ở một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại TP HCM vào khoảng 55 USD, rẻ bằng 1/3 so với nhân công tại Thượng Hải và nếu so với Malaysia thì thậm chí còn thấp hơn nữa. Đây là khoản tiền khổng lồ mà Intel sẽ tiết kiệm được khi xây dựng nhà máy tại đây.

 Thách thức về đào tạo

Tất nhiên, cũng có một số ý kiến tỏ ra băn khoăn. "Thông thường, bao giờ cũng là các hãng sản xuất thiết bị (OEM) "vào" trước, sau đó mới đến lượt hãng chip "hạ cánh" để hỗ trợ cho khách hàng. Nhưng trong trường hợp này, người ta chưa thấy bóng dáng của các OEM, chính vì thế, từ góc nhìn của một hãng chip, có điều gì đó chưa thật hợp lý", Philip Koh, giám đốc nghiên cứu bán dẫn của Gartner Dataquest nhận định.

Phản đáp lại bình luận trên, BW cho rằng: Từ thực tế Việt Nam mới chỉ có khoảng 1,5 triệu máy tính trên tổng số 82 triệu dân, rõ ràng khoản đầu tư của Intel hoàn toàn là nhằm mục tiêu xuất khẩu. Đây chính là điểm "hợp lý", nếu xét đến khía cạnh Việt Nam đang muốn gia nhập tổ chức Thương mại thế giới trong năm 2006.

GDP đầu người chỉ trên 620 USD/năm quả là một vấn đề lớn cho việc mở rộng sử dụng máy tính cá nhân tại Việt Nam. Giá của một chiếc máy tính để bàn dao động trong khoảng từ 250 - 500 USD, và trong cả năm 2005, Việt Nam chỉ bán được 339.000 máy tính.

Mặc dù vậy, Intel vẫn tỏ ra phấn chấn vì doanh thu của laptop đã bắt đầu nhích lên, nhất là tại TP.HCM, nơi GDP đầu người cao hơn gấp đôi mức GDP trung bình của cả nước. Theo IDG Việt Nam thì năm nay, thị trường laptop có thể đạt tới mức tăng trưởng 15%, gấp đôi so với năm ngoái. Toàn bộ laptop bán tại Việt Nam đều của các nhãn hiệu nhập khẩu như HP, Lenovo và Dell.

Song cũng nên nhớ rằng Intel đang dần mở rộng khối kinh doanh ra khỏi hạt nhân vi xử lý và đang bành trướng sang khu vực điện tử dân dụng, chăm sóc y tế, viễn thông không dây. Do đó, tiềm năng thực sự của Việt Nam lớn hơn rất nhiều so với các số liệu thống kê về PC nói trên. Các quán cafe Wi-Fi đang mọc lên như nấm ở Hà Nội và TP HCM, và mới đây thôi, Việt Nam đã tuyên bố cấp giấy phép khai thác Wi-Max cho ba nhà cung cấp dịch vụ trong nước.

"Có lẽ là lần sau, khi một nhà đầu tư tầm cỡ ngang ngửa Intel đầu tư vào Việt Nam, người dân nước này sẽ có thể đọc được tin tức trên thiết bị cầm tay của họ", BW kết luận.

  • Cầm Thi (tổng hợp)

,
,