Mỗi người và vận hội mới?
Thời điểm này có phải là vận hội mới của nước nhà hay không? Có phải đây chính là cơ hội để tạo ra một sự đột phá phát triển hay không? Chúng ta đang đứng ở đâu trên bản đồ tăng trưởng của thế giới? Năng lực của con người Việt Nam đến đâu? Điều quan trọng nhất là làm thế nào để tận dụng được cơ hội đang mở ra trước mắt chúng ta?
60 năm trước
Trên bản đồ thế giới, nước Việt Nam còn chưa có tên mà chỉ có xứ Đông Dương thuộc Pháp. Chế độ phong kiến trì trệ kìm hãm dân tộc trong vòng ngu muội. Chính quyền thực dân thi hành chính sách hà khắc, áp bức bóc lột người dân. Chỉ trong vài tháng, hai triệu người đã chết đói.
Nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra nhưng tất cả đều bị dìm trong biển máu. Những người bi quan nghĩ rằng, dân tộc Việt Nam còn phải đắm chìm trong nô lệ nhiều năm nữa.
Năm 1945, chiến tranh Thế giới thứ Hai kết thúc. Phát xít Nhật, những kẻ hất cẳng Pháp độc quyền cai trị nước ta bại trận. Đảng CS Đông Dương nhận định: Thời cơ ngàn năm giành độc lập dân tộc đã đến. Trong thời điểm lịch sử mang tính chất quyết định đến vận mệnh dân tộc, lãnh tụ Hồ Chí Minh nói: "Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành được độc lập ..." . Khát vọng ấy đã tập hợp được mọi tầng lớp nhân dân. Cả dân tộc sục sôi khí thế như triều dâng nước cuốn. Trong vòng nửa tháng, cách mạng bùng nổ trên toàn lãnh thổ. Ngày 2/9, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử đất nước.
Tháng 8/2005
Những bài học về tạo thời cơ và tận dụng thời cơ của cách mạng tháng Tám đến nay vẫn còn nóng hổi.
Theo lịch phương Đông, khoảng thời gian 60 năm được xem là một lục thập hoa giáp với nhiều sự kiện và tính chất cùng lặp đi lặp lại. Những ngày này, nhiều người nhắc đến cụm từ "vận hội", hàm ý so sánh với những sự kiện xảy ra cách đây 60 năm. Điều đó không phải không có cơ sở.
Sau 20 năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội to lớn, quan trọng, nâng vị thế và hình ảnh Việt Nam lên một tầm cao mới trên trường quốc tế. Nhưng bối cảnh mới cũng cho thấy, đất nước ta vẫn chưa thoát khỏi tình trạng chậm phát triển, trong khi các nước khác trong khu vực và trên thế giới đã đang có những bước tiến dài về phía trước. Trong quá khứ, cả dân tộc cùng có nỗi nhục chung mất nước, nhưng giờ đây lại là nỗi tủi hổ vì nước nghèo. Ngày trước là khát vọng độc lập, giờ đây là ý chí vươn lên dân giầu nước mạnh. Đó là một khối năng lượng khổng lồ đang chờ được giải phóng thành sức mạnh vĩ đại tựa như 60 năm về trước.
Những chính sách mới của Đảng, Nhà nước gần đây đã và đang làm thu hẹp hố ngăn cách lẫn sự nghi kỵ giữa các cộng đồng người Việt. Lòng người Việt đang quy về một mối, hứa hẹn thu hút thêm nguồn lực to lớn của người Việt Nam cả trong nước và ngoài nước.
Những nỗ lực của lãnh đạo và người dân cũng đang góp phần tạo ra bối cảnh quốc tế thuận lợi cho việc giải phóng các nguồn lực của đất nước. Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào tiến trình quốc tế. Trong khi quan hệ với các nước bạn truyền thống ngày càng được cải thiện, chúng ta đồng thời cũng có thêm nhiều bạn mới. Tiến trình gia nhập WTO đã có những bước đột phá ngoạn mục. Những thành công vượt dự kiến trong các chuyến thăm Hoa Kỳ, Trung Quốc và Pháp mới đây của lãnh đạo cao nhất nước ta cho thấy, không phải chỉ có chúng ta cần đến các bạn mà chính bạn bè quốc tế cũng cần đến chúng ta.
Trong khi tình hình an ninh ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới rất phức tạp thậm chí đáng lo ngại, thì Việt Nam đang là một điểm đến an toàn đối với những nhà đầu tư và khách du lịch nước ngoài. Chưa bao giờ chúng ta lại tiếp nhận lượng vốn đầu tư nhiều như bây giờ. Báo chí thế giới đang nói tới một "làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam".
Thời điểm này có phải là vận hội mới của nước nhà hay không? Có phải đây chính là cơ hội để tạo ra một sự đột phá phát triển hay không? Chúng ta đang đứng ở đâu trên bản đồ tăng trưởng của thế giới? Năng lực của con người Việt Nam đến đâu? Điều quan trọng nhất là làm thế nào để tận dụng được cơ hội đang mở ra trước mắt chúng ta?
VietNamNet xin đặt tất cả những vấn đề đó trong chuyên trang mới "Làm gì để năm 2010, Việt Nam thoát khỏi tình trạng chậm phát triển". Chúng tôi hy vọng đó là một kênh quan trọng để đóng góp hiến kế cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định chính sách, bổ sung cho văn kiện trình Đại hội Đảng X.
Rất mong nhận được sự tham gia nhiệt tình của các nhà quản lý, lãnh đạo, nhà chuyên môn và tất cả những ai tâm huyết với sự nghiệp "xây dựng đất nước hoà bình, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh".
Một lời chúc chuyên trang mới thành công.
Bạn đọc có bài viết và ý kiến tham gia, trong lúc đợi có mail riêng của chuyên trang, tạm thời xin gửi về lbngoc@vasc.com.vn.
-
Vĩnh Mùi