,
221
4924
Diễn đàn
diendan
/60nam/diendan/
772749
Cốt lõi của công tác cán bộ: Công tâm và công khai
1
Article
4821
60 năm CHXHCNVN
vanhoimoi
/vanhoimoi/
,

Cốt lõi của công tác cán bộ: Công tâm và công khai

Cập nhật lúc 13:50, Thứ Năm, 09/03/2006 (GMT+7)
,

Toà soạn xin gửi tới bạn đọc toàn bộ nội dung bản góp ý vào Dự thảo báo cáo chính trị của Thạc sỹ Đỗ Chí Nghĩa hiện đang giảng dạy tại Phân viện Báo chí & Tuyên truyền. Để giúp bạn đọc tiện theo dõi, chúng tôi chia bài viết làm ba phần nhỏ.

Soạn: AM 723101 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Dù ở giai đoạn lịch sử nào, thì việc thành bại của một chế độ chính trị cũng bắt đầu từ vấn đề con người

Phần I: Cụ thể hóa vai trò giám sát của đảng viên và quần chúng nhân dân

Dù ở giai đoạn lịch sử nào, thì việc thành bại của một chế độ chính trị cũng bắt đầu từ vấn đề con người.

Xây dựng cơ chế hữu hiệu để phát huy nhân tài, thu phục nhân tâm, loại bỏ kẻ cơ hội, nhũng nhiễu là cơ sở để đưa bộ máy nhà nước, bộ máy Đảng lên ngang tầm nhiệm vụ. 

Chúng ta vẫn nói, cán bộ nào thì phong trào ấy. Thực tiễn hiện nay, cũng có thể nói, cán bộ nào thì địa phương ấy, cán bộ nào thì đất nước ấy.

Điều bất thường là, vẫn tồn tại không ít cán bộ có chức, có quyền ở các cấp, vi phạm pháp luật, tham nhũng có hệ thống, mà vẫn được cất nhắc, đề bạt kiểu như ông TGĐ Bùi Tiến Dũng vừa bị bắt vì mang cả triệu đô đi đánh bạc chỉ sau thời gian ngắn đắc cử Thường vụ đảng ủy Bộ GTVT là ví dụ nóng hổi.

Như vậy, công tác tổ chức cán bộ, trước hết là trong hệ thống Đảng chưa hoàn thành trách nhiệm... Đổi mới triệt để công tác cán bộ theo hướng công khai hóa, dân chủ hóa, minh bạch hóa, dựa vào dân, tôn trọng ý kiến người dân, ý kiến cơ sở phải chăng chính là giải pháp hữu hiệu nhất, là liều thuốc chữa trị tận gốc căn bệnh hình thức, hời hợt, “cánh hẩu, vừa lòng” trong công tác tổ chức cán bộ hiện nay?

Nhiều cán bộ có trách nhiệm nói, kẻ tham nhũng hoạt động rất kín đáo nên không dễ gì phát hiện ra. Đúng là tham nhũng đang ngày càng nghiêm trọng và cũng ngày càng tinh vi, lại có dây dợ bao bọc, có cơ chế hổng hểnh “vận dụng thế nào cũng được” làm bệ đỡ.

Tác giả Nguyễn Trung dẫn lời một bạn đọc nhận xét đất nước chưa nắm bắt được “thời cơ vàng” nhưng bọn tham nhũng đã nắm được rồi, nghe xót xa mà có lý! Tuy thế, cần phải đặt vấn đề một cách nghiêm túc xem chúng ta đã tận dụng các nguồn lực chống tham nhũng một cách rốt ráo chưa?

Chúng ta biết bức xúc của đông đảo nhân dân về tình trạng tham nhũng đang ngày càng trầm kha nhưng đã thực sự tìm đến quần chúng nhân dân, xây dựng quần chúng nhân dân thành tai mắt tin cậy để lật tẩy nạn tham nhũng hay chưa? Xin nêu một ví dụ nhỏ.

Có một vị lãnh đạo cấp tỉnh khi đi tiếp xúc cử tri nói rất nhiều điều to tát về chiến lược phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Nhưng có một cử tri hỏi ngay: “Tôi chỉ hỏi một câu thôi: đồng chí có mấy suất đất tất cả?”. Vị lãnh đạo hơi bất ngờ xong cũng trả lời: “Tôi có hai suất.

Một suất được cấp và một suất mới mua cho con trai ra ở riêng”. Người hỏi lắc đầu: “Đồng chí có bốn suất đều đất hai mặt đường, mỗi suất trên hai trăm mét vuông. Bốn suất này đều được cấp hoặc mua rẻ cả. Nếu cần tôi sẽ chỉ rõ vị trí mỗi lô...

Nếu đồng chí nói đúng, nói thật thì chúng tôi xin gửi gắm niềm tin vào đồng chí. Nếu không, đồng chí nói hay mấy, chúng tôi cũng chỉ nghe để biết vậy thôi”.

Rõ ràng, người dân không thể “vượt hàng rào” các công trình trọng điểm quốc gia để thực thi vai trò giám sát. Người dân cũng không thể lật lại cả trăm km đường để xem ông TGĐ mang cả triệu đô la đi đánh bạc kiếm chác ở đâu ra số tiền lớn thế.

Nhưng người dân biết rõ những cán bộ giàu lên bất thường, những cán bộ sinh hoạt ăn chơi phung phí, những tài sản lớn như đất đai, nhà cửa... Vấn đề là tổ chức Đảng có lắng nghe, và lắng nghe rồi có kiên quyết xử lý hay không!

Thực tế đáng buồn là nhiều nơi, cán bộ có trách nhiệm, kể cả cán bộ trong hệ thống tổ chức và kiểm tra Đảng- nơi chịu trách nhiệm chủ yếu về công tác cán bộ- vẫn “dị ứng” với những ý kiến đóng góp xây dựng của đảng viên, quần chúng, “dị ứng” với những người hay “ý kiến”, cho là “thành phần bất mãn”...

Cộng với tâm lý nể nang, nghiêng về người có quyền, dễ xuê xoa, cho qua. Đấy là chưa kể, còn có trường hợp cái xấu lấn át, tổ chức Đảng bị lũng đoạn, kỉ luật Đảng bị biến thành công cụ để kẻ tiêu cực trù dập người chống tiêu cực.

Trường hợp ông Đinh Đình Phú ở Đồ Sơn là một ví dụ. Nếu không có sự “vượt tuyến” để đến được với cấp lãnh đạo cao nhất, biết đâu quyết tâm khai trừ đảng ông Phú của Ban lãnh đạo thị uỷ Đồ Sơn sẽ được thực hiện? Khi ấy, tiếng nói của một người có “án tích” bị loại ra khỏi Đảng “vì bất mãn, vu khống” liệu có còn được ai lắng nghe?

Cho nên, xây dựng cơ chế để người dân nói lên tiếng nói của mình, khuyến khích và bảo vệ người dân chống tiêu cực phải là công việc cấp bách, sống còn, nếu Đảng thật sự muốn loại trừ tham nhũng, tiêu cực.

Dự thảo Báo cáo chính trị đã đề cập đến vấn đề này song còn mờ nhạt. Chương XIV, khoản 4 chỉ nói gọn trong một câu: “Có cơ chế để đảng viên và nhân dân giám sát cán bộ và công tác cán bộ”. “Có cơ chế” nhưng đó là cơ chế thường xuyên hay hình thức, chiếu lệ?

Hơn thế, cụm từ “có cơ chế” còn mang tính “ban phát”, và ẩn chứa trong nó khả năng vận dụng theo nhiều cách khác nhau, tuỳ theo nhận thức của từng người.

Theo tôi, Báo cáo chính trị cần khẳng định dứt khoát: “Xây dựng cơ chế hữu hiệu, thường xuyên để đảng viên và nhân dân góp ý, giám sát, đánh giá cán bộ, coi đó là yêu cầu sống còn, là cơ sở không thể thiếu để đánh giá chất lượng của cấp ủy đảng và mỗi đảng viên”. Có như thế, vai trò của nhân dân, của quần chúng mới thực sự phát huy và phát huy đúng mức.

Phần II: Không ai được đứng trên hay ngoài pháp luật

Một công dân vi phạm pháp luật bị xử lý không có gì vướng mắc. Nhưng một cán bộ sai phạm thì quy trình xử lý lại hết sức phức tạp và nhiều khi rất hình thức.

Như vụ việc Bùi Tiến Dũng, khi ông TGĐ “khát bạc” này đã bị bắt giam cả mấy tuần, mới nghe truyền hình đưa tin chi bộ “tạm đình chỉ sinh hoạt đảng” ông Bùi Tiến Dũng. Cơ chế nào khiến sự vận hành bộ máy Đảng lại chậm trễ đến như vậy?

Ngược lại, trường hợp cán bộ cấp cao hơn nữa, hàm Thứ trưởng trở lên, khi vi phạm pháp luật muốn xử lý thì phải có ý kiến của Ban Bí thư, Bộ chính trị, và việc “xin ý kiến” này nhiều khi kéo dài vì nhiều lý do. Muốn xét xử, kết tội phải có bằng chứng.

Không có lệnh khởi tố, thì không có quyền khám xét, trong khi thời buổi công nghệ thông tin, có thể chỉ một thao tác trên máy vi tính là hết dấu vết. Sự chậm trễ do cơ chế này suy cho cùng lợi cho ai?

Điều lệ Đảng đã quy định rõ: mọi đảng viên phải gương mẫu chấp hành pháp luật. Đảng viên sai phạm ngoài việc chịu kỉ luật Đảng thì trước hết phải bị xử lý về pháp luật, vì không ai có quyền đứng trên, đứng ngoài pháp luật.

Thế nhưng, ngay ở diễn đàn QH, có vị bộ trưởng khi bị chất vấn về những sai phạm mà báo chí đã nêu đích danh đã “đàng hoàng” trả lời: “Tôi là UVTW, những vấn đề này tôi đã giải trình ủy ban kiểm tra TW theo quy định của Đảng”.

Liệu ai có thể hài lòng với cách “trưng” ra chức danh một cán bộ lãnh đạo Đảng để né tránh trả lời trước cơ quan quyền lực, cơ quan giám sát cao nhất đất nước là QH? Chỉ nói đến tư cách một công dân sống và làm việc theo pháp luật thôi, thái độ đó đã không phù hợp.

Huống hồ, đây lại là hành xử của một đảng viên, hơn thế một cán bộ có trọng trách của Đảng, một tổ chức chính trị tiên phong luôn khẳng định đảng viên phải tuyệt đối tuân thủ pháp luật nhà nước, đảng viên phải là công dân gương mẫu!

Phải chăng còn tồn tại những cơ chế xử lý chưa thật thông suốt, dẫn đến tình trạng người ta có thể “mượn” những “vai” khác nhau để né tránh thực hiện pháp luật nhà nước hay kỷ luật Đảng, thậm chí có lúc né tránh cả hai?

Còn nữa, nhiều lúc đọc báo, nghe đài, công chúng vẫn thấy đưa tin Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội, vụ việc này, vụ việc kia. Mừng là lãnh đạo cấp cao quan tâm xử lý những vụ việc nổi cộm gây bức xúc trong dư luận. Nhưng lại lo là phải chăng như thế, đây đó, luật pháp vẫn còn bị “vận dụng”?

Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm thì vụ việc mới được xử lý nghiêm? Phải chăng, chưa có “khuôn vàng thước ngọc” thực sự để mọi công dân bình đẳng trước pháp luật, cho nên việc thực thi pháp luật nhiều khi vẫn phải chờ sự chỉ đạo cụ thể của cấp trên?

Dự thảo Báo cáo chính trị có nêu: “Sớm xây dựng quy chế về sự phối hợp giữa kiểm tra của Đảng với Thanh tra của Chính phủ, kịp thời xử lý các vụ vi phạm, đúng người, đúng tội”.

Như thế là rất cần, nhưng để sát thực hơn, văn kiện phải xác định rõ xây dựng quy chế ấy theo hướng nào, cơ quan nào đóng vai trò chính, cơ quan nào hỗ trợ hay theo hướng đồng thuận?

Đảng đã xác định một đảng viên trước hết phải là một công dân tốt, chấp hành điều lệ đảng trước hết phải nghiêm túc chấp hành pháp luật. Kết luận của cơ quan chức năng nhà nước là cơ sở căn bản để xử lý đảng viên vi phạm theo điều lệ đảng.

Phải chăng, có thể coi đây là cơ sở để xác lập quy chế phối hợp giữa Kiểm tra Đảng và Thanh tra Chính phủ? Suy cho cùng, cứ thực thi đúng pháp luật, thì “ai chính”, “ai phụ” không còn là vấn đề nữa?

Phần III: Bổ nhiệm, đề bạt lãnh đạo phải công khai và công tâm

Công tác cán bộ là vấn đề quan trọng, quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng. Vì vậy khi bổ nhiệm, đề bạt lãnh đạo, phải công khai và công tâm.

Đảng là đại diện cho lợi ích và nguyện vọng của cả dân tộc, việc bầu ban lãnh đạo cao nhất của Đảng là BCH TW cũng là việc trọng đại của cả đất nước.

Vậy thì người dân có quyền tham gia ý kiến, đề đạt nguyện vọng để Đảng có thể lựa chọn chính xác những người có tài, có đức tham gia BCH TW hay không đảng rất coi trọng ý kiến quần chúng?

Khi kết nạp đảng viên mới, hay khi đánh giá nhận xét đảng viên hàng năm đều lấy ý kiến quần chúng. Vậy thì, với một công việc quan trọng là lựa chọn ban lãnh đạo cao nhất của Đảng (thực tế cũng là cao nhất của đất nước), có nên công khai danh sách những người được đề cử để nhân dân góp ý hay không?

Chúng ta hô hào chống tiêu cực, tham nhũng, quyết tâm lựa chọn những cán bộ có tài, có đức cho Đảng. Vậy thì có nên yêu cầu những người được đề cử công khai tài sản như một minh chứng cho sự liêm khiết, xứng đáng với sự tin cậy của đông đảo đảng viên và quần chúng hay không?

Mặt khác, từ việc bầu cử BCH TW lần này, đã đến lúc cần hoàn thiện cơ chế bầu cử, giới thiệu và đề bạt cán bộ sao cho thống nhất. Cùng là lấy ý kiến để đề bạt hay kỷ luật cán bộ, đảng viên, nhưng cách thực hiện mỗi nơi một khác: Có khi lấy phiếu kín, có khi lại bằng biểu quyết...

Một cán bộ có thâm niên làm công tác đảng ở địa phương nhận xét: Biểu quyết thì dễ nghiêng theo ý kiến lãnh đạo chủ chốt. Ngay cả bỏ phiếu, nếu không có cách làm thống nhất cũng dễ bị “lái” theo ý kiến một vài cá nhân.

Ví dụ đưa một đảng ủy viên ra BCH để giới thiệu vào thường vụ. Nếu phiếu có tên người được giới thiệu và hai ô đồng ý hoặc không đồng ý để lựa chọn thì tương đối khách quan. Nhưng có nơi lá phiếu chỉ có tên ứng viên, ai đồng ý để nguyên, ai không đồng ý phải gạch đi. Ai cầm đến bút là chắc chắn không đồng ý.

Người được giới thiệu đã được “định hướng” nên phần nhiều sẽ nghiêng theo ý kiến lãnh đạo. Như thế, có “bầu” nhưng thực ra là “cử”, có lấy ý kiến nhưng thực ra là “hợp thức hóa” chỉ đạo của cấp trên.

Một việc tưởng như đơn giản, nhưng nếu không có quy định thống nhất, chặt chẽ thì không phát huy được dân chủ trong Đảng, không phát huy được trí tuệ và ý thức trách nhiệm của mỗi đảng viên. 

 

Dự thảo Báo cáo chính trị xác định: “Thống nhất việc lãnh đạo của Đảng với công tác cán bộ trong cả hệ thống chính trị”. Điều đó hoàn toàn đúng. Song ngay trong Báo cáo chính trị lần này, cũng cần xác định rõ  khái niệm “thống nhất việc lãnh đạo”.

“Thống nhất” là đề ra yêu cầu, phẩm chất và giới thiệu danh sách nhiều người cho một vị trí để các cơ quan dân cử lựa chọn? Hay “thống nhất” là quán xuyến toàn bộ công tác cán bộ, công tác nhân sự? 

Chính vì sự xác định này chưa rõ ràng nên cơ quan quyền lực cao nhất đất nước là Quốc hội vẫn lúng túng chưa tiến hành được việc bỏ phiếu tín nhiệm các thành viên Chính phủ, vì xưa nay “công tác cán bộ là của Đảng”, rồi “không được làm nhân sự kiểu phong trào”...

Hiệu lực giám sát của Quốc hội giảm sút, chức năng cơ quan quyền lực cao nhất không được thực thi đầy đủ. Thực tế này cũng ảnh hưởng đến niềm tin  của dân vào Đảng vì “Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối” mà tại sao để đại biểu Quốc hội thay mặt cử tri đánh giá tín nhiệm một vài ông bộ trưởng đã khó đến thế?

Công tác cán bộ là vấn đề quan trọng, quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng. Chúng ta khẳng định, đất nước không thiếu người tài. Điều cần làm lúc này là phải trọng dụng nhân tài, đưa những người có đủ năng lực, tầm vóc và phẩm chất vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, bảo đảm cho Đảng nguồn sinh lực cần thiết đưa đất nước vào thời kỳ phát triển mới. Muốn vậy, phải công khai và công tâm...

Lần đầu tiên, Đảng cho công bố công khai Dự thảo Báo cáo chính trị để người dân tham gia góp ý kiến xây dựng. Việc dân, việc nước, người dân được luận bàn và tham gia quyết định, đó là điều đáng mừng.

Bắt đầu từ sự công khai đó, bước tiếp theo cần làm là công tâm trong đánh giá, nhìn nhận và xây dựng đội ngũ cán bộ. Phải làm sao để những ý kiến tâm huyết được tiếp thu nghiêm túc, hệ thống đầy đủ, làm sáng rõ thêm chiến lược phát triển đất nước, đưa đảng lên ngang tầm nhiệm vụ, tăng thêm chất trí tuệ cho văn kiện ĐH.

Những ý kiến không đưa vào Báo cáo cũng cần có giải đáp sòng phẳng để lòng dân rộng mở, thấy chúng ta thực sự cầu thị, thực sự mong mỏi nhân dân, cán bộ, đảng viên tham gia bàn việc nước với ý thức trách nhiệm cao nhất...

Hy vọng, ĐH lần này sẽ là ĐH của tinh thần đổi mới, dũng khí đổi mới, tạo ra bước ngoặt phát triển, đưa dân tộc ta lên tầm cao mới, xứng đáng với kỳ vọng của hơn 80 triệu người Việt Nam cả trong và ngoài nước.

  • Đỗ Chí Nghĩa (GV Phân viện Báo chí & Tuyên truyền)

          Theo Tiền phong

,
,