,
221
4924
Diễn đàn
diendan
/60nam/diendan/
782524
Nghĩ lớn và Làm lớn
1
Article
4821
60 năm CHXHCNVN
vanhoimoi
/vanhoimoi/
,

Nghĩ lớn và Làm lớn

Cập nhật lúc 09:41, Thứ Sáu, 07/04/2006 (GMT+7)
,

Làm thế nào để đất nước phát triển thực sự và thay đổi nếp tư duy nhỏ trong từng mỗi con người. Điều đó cần nỗ lực của từng cá nhân và cũng cần chính sách của chính phủ. Bao giờ?

Doanh nhân nước ngoài tham quan hội chọ thuỷ sản Việt Nam

1.Khi tôi còn là một giảng viên của Đại học Washington thuộc tiểu bang Washington, trong lớp tôi dạy có 3 sinh viên Việt Nam. Các em học chăm chỉ, gần như chỉ có biết học và học. Khi biết tôi là người Việt Nam, các em rất mừng và lại càng học chăm hơn. Khác với các sinh viên nước ngoài thường hay lập nhóm và bàn luận về các bài học, 3 sinh viên Việt Nam của lớp tôi không lập nhóm. Có lần, tôi cố tình phân cho 3 em một bài tập, đến đợt nhận kết quả, 3 em đưa cho tôi ba bài khác nhau.

Tôi hỏi tại sao các em không làm chung thì cả 3 đều lắc đầu cười ngượng nghịu và sau đó thì nói thẳng: "Cái chung thì chúng em không thích. Mình đang ở Mỹ mà thầy". Hóa ra các em đã hiểu sai rất nhiều về vấn đề hợp tác cùng phát triển hay là hợp tác để lợi dụng và ỷ lại. Từ trường hợp của 3 em sinh viên, tôi giật mình nhìn lại những người quen biết của mình. Họ có cái nhìn khá giống với các em ấy. Đó cũng là một điều đáng báo động. Việt Nam lớn hay nhỏ bắt nguồn từ suy nghĩ của mỗi công dân Việt lớn hay nhỏ. Nói theo một hãng bảo hiểm thì phải NGHĨ LỚN. Nhưng làm thế nào để mỗi cá nhân nhỏ trong một cộng đồng lớn phải biết nghĩ Lớn? Điều này thật nan giải.

2. Trong công xưởng khổng lồ của hãng sản xuất Boeing, có không ít người Việt. Thi thoảng lắm mới gặp được một người Việt giữ vị trí cao. Một ông sếp người Mỹ nói nhỏ với tôi trong buổi cơm chiều: "Tao thấy người Việt tụi mày thông minh nhưng hay láu cá vặt! Cứ toàn tìm những chuyện lặt vặt để thể hiện mình". Nghe anh ta nói, máu tự ái dân tộc nổi lên nhưng tôi phải công nhận là anh ta có phần đúng. Tôi từng biết một người, lặng lẽ cắt những bo mạch của thiết bị máy trong một công xưởng. Mọi người bỏ cuộc, không biết máy hư gì. Lúc ấy, anh ta mới ra tay và hiển nhiên thành một người giỏi trong mắt mọi người. Không bình phẩm chuyện này là xấu hay tốt. Nhưng giả định, nếu một ngày, anh bị phát hiện, tôi nghĩ, hậu quả sẽ khó lường. Không chỉ là cá nhân anh mà còn là những người Việt Nam khác. Nghĩ Lớn chưa đủ, mà hành động cũng phải LỚN thực sự.

3. Tôi có cô bạn thân, làm việc trong một công sở lớn của nước nhà. Để thay được cái máy in bị hư, cô phải đi qua đến 6 cửa từ thấp đến cao với thời gian hơn 3 tháng. Một cô khác, để xin được cái máy vi tính phục vụ cho công việc của cơ quan, cô phải đi qua 4 cửa và đợi đến 4 tháng. Những con số này không biết có gợi nghĩ gì đến các bạn đọc không? Chúng ta đang bàn xem nước Việt lớn hay nhỏ, điều này thiết nghĩ cũng tốt nhưng không thực sự cần thiết. Bởi vì nước chúng ta không thể LỚN được nếu như còn tồn tại những bộ máy công quyền lạc hậu với hàng nghìn, hàng triệu thủ tục rối rắm như hiện nay. Một nhu cầu chính đáng, phục vụ chính đáng cho công việc của cơ quan mà còn bị hành hạ như thế, nói gì đến nhân dân? Nước Việt Nam chỉ lớn được nếu chúng ta thực sự thay đổi tư duy trong quản lý nhà nước, quản lý con người và phát triển kinh tế. Tất nhiên, phải bắt đầu từ việc nhỏ nhặt nhất: tích cực giảm thiểu thủ tục rối rắm trong từng cơ quan, công ty.

4. Nhà nước đang kêu gọi lực lượng trí thức người Việt về tham gia đóng góp xây dựng đất nước. Kêu gọi là một chuyện nhưng thực tế sử dụng lại là chuyện khác. Có bao nhiêu công sở dám đăng lên báo là mình cần bao nhiêu  chuyên gia Việt kiều? Mức lương thế nào? Chính sách đãi ngộ thế nào? Tôi tự nhận mình là người rất chăm đọc báo nhưng tìm đỏ mắt trên quảng cáo của Thanh Niên hoặc Tuổi Trẻ chẳng khi nào thấy những dòng thông báo như trên. Vậy, trí thức Việt kiều có kiến thức nhưng không có tiền đầu tư thì nên tìm đến chỗ nào để đem kiến thức phục vụ cho Tổ quốc? Nhà nước kêu gọi Việt kiều về nước nhưng bao nhiêu người được cấp thẻ tạm trú từ 1 năm trở lên, kể cả khi họ đã kết hôn với công dân Việt Nam? Trong khi đó, theo luật pháp quy định, họ có thể  được cấp thẻ thường trú. Những vấn đề này, chính phủ có quan tâm không? Chúng tôi vẫn luôn muốn đem khả năng nhỏ nhoi của mình đóng góp vào sự nghiệp phát triển nước nhà nhưng không ai tạo cho chúng tôi cơ hội được đóng góp cả! Tôi thấy rất buồn vì quán tính nghĩ về Việt kiều là người ta cứ nghĩ đến "chất xanh" (tiền USD) mà không nghĩ đến "chất xám" của họ. Lượng "chất xám" này có thể đem đến lợi nhuận gấp hàng triệu lần "chất xanh" nhưng sao chẳng thấy sự tận dụng nào thật hiệu quả?

Nước Việt Nam ta lớn hay nhỏ? Tôi nghĩ tận sâu thẳm trong tâm can, ai cũng có thể trả lời câu hỏi đó. Vấn đề lúc này là làm thế nào để đất nước phát triển thực sự và thay đổi nếp tư duy nhỏ trong từng mỗi con người. Điều đó cần nỗ lực của từng cá nhân và cũng cần chính sách của chính phủ. Bao giờ?

James Nguyễn- Việt kiều Mỹ (Thanh Niên)

Ý kiến của bạn?

,

Tin khác

Tin khác của 'Diễn đàn'

,
,