Quản lý ngành dọc- hiệu quả cao hơn?
Mô hình quản lý hành chính bốn cấp: Trung ương, tỉnh, huyện, xã như hiện nay là ổn định. Nhà nước, dù là nhà nước cách mạng cũng không thể thiếu tính khoa học. Tôi chỉ nêu tính khoa học mà thực tiễn tôi đã tiếp cận, kinh qua và cũng rất trăn trở.
Trước hết nói về cấp địa phương. Trải qua nhiều lần tách nhập, sau hơn nửa thế kỷ dưới chính quyền cách mạng, chúng ta cũng phải quay trở về tấm bản bồ địa giới hành chính dưới thời thực dân Pháp (cơ bản là vậy). Cho dù thời đại tiến hóa, nhưng quy mô một tỉnh như vậy là vừa trình độ và phù hợp với năng lực của bộ máy công chức.
Bộ, ngành trung ương hiện nay quá nhiều đầu mối. Chỉ riêng về các bộ cũng cần sắp xếp cho phù hợp với người ta để mà hội nhập. Nên có Bộ Công nghiệp - Thương mại chung (vì sản xuất để bán). Bộ Nông nghiệp và Thủy sản cũng nên thống nhất để không bị cắt khúc, dễ cho đầu tư phát triển và liên kết sản xuất, như thế chắc chắn sẽ mạnh hơn hiện nay. Quan trọng hơn là cần xác lập vai trò quản lý hành chính ngành dọc.
Năm 1988, tôi được Tỉnh ủy phân công làm Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh An Giang và được (thí điểm) trao toàn quyền quản lý dọc đến xã, kể cả quyền đề bạt và cách chức thuộc cấp. Thực tiễn, theo tôi, rất thành công. Sau đó Tỉnh ủy cho ý kiến nhân ra toàn tỉnh và UBND tỉnh có Quyết định 05 để thực hiện. Tiếc rằng do không có tổng kết, làm đề án hoàn chỉnh để báo cáo Trung ương nên khi mô hình quản lý mới vừa phát huy tác dụng thì phải xếp lại và tổ chức lại như hiện nay. Phải chăng cách quản lý ngành dọc là rất cực, đòi hỏi trình độ và trách nhiệm rất cao, không còn chỗ cho bệnh quan liêu, cửa quyền khu trú nên cả bộ, ngành trung ương và địa phương dễ dàng chấp nhận chủ trương “tăng phân quyền phân cấp” cho địa phương, một chủ trương bề ngoài có vẻ dân chủ?
Hệ quả là khi xảy ra sự cố thì không quy trách nhiệm được cho ai, làm lùm xùm một lúc rồi huề cả làng, còn khi có thành tích thì ai cũng có công. Nhưng thực tế không phải đã có sự phân quyền sòng phẳng dân chủ đâu. Cái gì khó thì giao địa phương. Thí dụ: huyện quản lý giáo dục cấp I và II; tỉnh cấp III, cao đẳng và cả đại học. Địa phương làm sao đủ tiền và trình độ chuyên môn quản lý một ngành đồ sộ như vậy. Trong khi đó bộ chỉ loay hoay ở các viện, trường và các dự án của bộ; mà dự án đổi mới sách giáo khoa thì đổi hoài nên tuy có mới nhưng không được xã hội thừa nhận; tốn bao nhiêu tiền, vay bao nhiêu là nợ nước ngoài. Quản lý giáo dục kiểu này mà quốc gia không tụt hậu mới là lạ.
Còn đầu vào của các nguồn ngân sách, kể cả viện trợ cho địa phương, thì không thể nào Bộ Kế hoạch và Đầu tư để lọt về cho ai. Đầu tư từ nguồn ngân sách có dân chủ đâu, đầu tư cầu đường cho nơi không có xe cộ có phải là biểu hiện của dân chủ? Những nơi không đủ gạo ăn mà cũng được chia hạn ngạch xuất khẩu gạo, thậm chí khi Iraq chưa có chiến tranh thì những nơi này còn được ưu tiên xuất gạo vào thị trường béo bở này là sao?
Về điều động và luân chuyển cán bộ, mới làm thử mà đã thấy khó. Tôi đề nghị tiếp tục làm mạnh hơn. Các chức danh, bí thư, chủ tịch, giám đốc các sở là do Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng và bộ trưởng điều động, không để ai ở một tỉnh quá năm năm, nhất là nơi chôn nhau cắt rốn. Tất nhiên cơ chế bổ nhiệm cũng phải ngăn cho được việc bổ nhiệm sai lầm và phải bảo đảm quyền của cấp ủy và HĐND địa phương kiến nghị bãi miễn hoặc thuyên chuyển người không đủ đức, tài. Nếu điều tra kỹ (khai thật) thì bộ máy ở địa phương hiện nay, có nơi bà con gần xa, sui gia với nhau là chuyện không hiếm. Để lâu nữa tệ “cát cứ” là không tránh khỏi. “Quy hoạch cán bộ” cũng lòng vòng chuyện quy hoạch “con em chúng ta” mà thôi. Dân và người tài ngoài vòng ảnh hưởng làm sao mà chen vô được. Kể cả việc chỉ định cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, Trung ương có trọn quyền đâu. Tham khảo các cụ và tập thể lãnh đạo ở địa phương không chịu thì cũng đành “cây nhà lá vườn” vậy. Vậy thì dân chủ hay cát cứ? Tụt hậu là phải!
Vấn đề nữa là cơ chế trách nhiệm. Tuy là nguyên tắc tập trung dân chủ, nhưng điều lệ Đảng và pháp luật Nhà nước phải ghi rõ mọi việc nếu quy trách nhiệm thì quy cho ai: bí thư hay chủ tịch, bộ trưởng hay giám đốc sở? Không thể chỉ nói là tập thể lãnh đạo hoặc người đứng đầu. Tập trung và dân chủ, mối quan hệ này cần phải được thể chế hóa trên cơ sở khoa học hơn, để tập trung dân chủ thật sự hơn. Và đương nhiên, khi đổi mới cơ chế tổ chức của cả hệ thống chính trị, phải tính đến tính đồng bộ của nó. Không thể giải quyết theo kiểu chữa cháy, quá độ, cục bộ vì sẽ nảy sinh cái bất hợp lý khác, có khi là “cải lùi” chứ không phải cải tiến.
Tuy là nguyên tắc tập trung dân chủ, nhưng điều lệ Đảng và pháp luật Nhà nước phải ghi rõ mọi việc nếu quy trách nhiệm thì quy cho ai: bí thư hay chủ tịch, bộ trưởng hay giám đốc sở? Không thể chỉ nói là tập thể lãnh đạo hoặc người đứng đầu.
Nguyễn Minh Nhị- nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An giang (TBKTSG)