,
221
4923
Dữ liệu tham khảo
dulieu
/60nam/dulieu/
760420
Đại học đẳng cấp Quốc tế: Bài học từ Hàn Quốc
1
Article
4821
60 năm CHXHCNVN
vanhoimoi
/vanhoimoi/
,

Đại học đẳng cấp Quốc tế: Bài học từ Hàn Quốc

Cập nhật lúc 21:30, Thứ Bảy, 28/01/2006 (GMT+7)
,
Soạn: AM 690197 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Việc xây dựng trường Đại học đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam đã được Bộ Giáo Dục- Đào Tạo (GDĐT) và Chính phủ Việt Nam đặt ra trong thời gian gần đây, hiện tại đã thu hút sự quan tâm lớn của các nhà giáo dục, các thầy cô giáo, các nhà nghiên cứu chính sách và những học giả khác nhau. Theo lời kêu gọi của VietnamNet, là một giảng viên trẻ đã theo dõi sát sao tình hình kinh tế, chính trị và đặc biệt những biến chuyển của nền giáo dục nước nhà trong nhiều năm qua, tôi xin được chia sẻ vài suy nghĩ và kiến nghị trong vấn đề xây dựng trường Đại học đẳng cấp quốc tế như sau.   

 

I. Đặt vấn đề

 

Trong tất cả các thảo luận bàn về việc xây dựng ĐH đẳng cấp quốc tế cho Việt Nam, tôi rất tâm đắc với những ý kiến đóng góp mang nhiều kinh nghiệm của ông Thomas Vallely [1]. Tôi nghĩ rằng đây chính là điều kiện cần để xây dựng một trường ĐH đẳng cấp quốc tế không những ở Mỹ, các nước phát triển mà còn cho Việt Nam. Trong tinh thần chung chúng ta nên xem xét một cách kỹ lưỡng những ý tưởng chính của đề cương mà ông Thomas Vallley đã nêu ra trong bài viết. Tuy nhiên trong đề cương ấy, tác giả vẫn không nêu ra được mô hình Đại học cụ thể nào là thích hợp, xây dựng một trường ĐH để chủ yếu đào tạo sinh viên đạt đẳng cấp quốc tế, hay là một ĐH vừa kết hợp đào tạo và nghiên cứu, hay là một ĐH giống như một Viện nghiên cứu, và nghiên cứu thì nghiên cứu cái gì. Thiết nghĩ rằng việc định nghĩa rõ những khái niệm này, để tìm ra cho được một mô hình Đại học thích hợp, cần thiết nhất đáp ứng sự đòi hỏi của Việt Nam trong bối cảnh chung của nền kinh tế và giáo dục hiện tại là một bài toán cần phải được giải lúc này.

 

Trong bài viết này, tôi tập trung đưa ra ý kiến thảo luận để tìm ra một mô hình ĐH thích hợp cho Việt Nam ngày nay, và rằng không cần thiết phải nhắc lại ở đây tất cả những bất cập của nền giáo dục hiện tại mà nhiều nhà khoa học, giáo dục của chúng ta trong và ngoài nước đã nêu [2]. Tuy nhiên tôi sẽ nêu một số nguyên nhân được coi là gốc rễ để ra đời một ĐH như thế trong khung cảnh chung của GD Việt Nam, và sẽ nhấn mạnh một số yếu tố quyết định sự thành bại của mô hình ĐH này trên thế giới mà nhiều học giả chưa đề cập tới hoặc chưa đề cập đúng mức. Để thuận tiện tôi xin tạm dùng cụm từ “Đại học đẳng cấp quốc tế” trong bài viết này.

 

II. Mô hình nào cho Việt Nam?

Tôi quan niệm rằng muốn xây dựng một ĐH đẳng cấp quốc tế ở Việt Nam, thì trước hết chúng ta nên tự đặt câu hỏi rằng ĐH này có gì khác với hai ĐH quốc gia (có cơ chế thoáng từ 10 năm nay), có gì khác với Viện Khoa Học Việt Nam, khác với Viện Toán học- Các trọng điểm giáo dục bậc cao của chúng ta- Những nơi mà Việt Nam cũng có những nhà khoa học tầm cỡ trong khu vực, và được nhà nước đầu tư khá nhiều. Vậy tại sao các Đại học và các Viện nghiên cứu này không trở thành đẳng cấp quốc tế như chúng ta vẫn trông mong? Chúng ta hãy suy nghĩ về điều này, để thấy rằng do nhiều nguyên nhân chúng ta lãng phí ghê gớm, và có thể tự mình làm khó mình chăng.

Về GD bậc cao ở Việt Nam và vấn đề xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế, tôi xin nêu ra những ý kiến sau đây:

1. Phải xác định rằng, nếu chúng ta có xây một hay hai trường ĐH đẳng cấp quốc tế, thì ĐH đẳng học đẳng cấp quốc tế này cũng không thể gánh vác hết vai trò để đáp ứng được công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa, phát triển của đất nước. Vì vậy không thể coi nhẹ những việc phải làm để cải tiến hệ thống các trường ĐH vốn có của chúng ta, chúng ta cần một nền GD để trang bị cho mọi người khả năng giải quyết các vấn đề và phân tích hiện tượng, chứ không phải giúp họ lấy được bằng cấp và những thứ khác…Bất cập chính của GD đại học hiện tại là cơ chế, đội ngũ giảng viên, thiết kế chưong trình giảng dạy, phương pháp dạy và học [3].

2. Mục đích chính của việc xây dựng ĐH đẳng cấp quốc tế ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là xây dựng một mô hình mẫu mực cho công cuộc nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ của nước nhà, đào tạo cung cấp hiền tài cho đất nước nhằm gây ra hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng hàn lâm, đồng thời nhằm hồi hương và thu hút chất xám hải ngoại trong tương lai.

3. Chúng ta nói việc xây dựng Đại học đẳng cấp quốc tế, vậy định nghĩa “Đại học đẳng cấp quốc tế” ấy là gì? Là một ĐH để tạo sinh viên, hay là ĐH nghiên cứu, hay là một ĐH kiểu các Viện nghiên cứu như Viện công nghệ Ấn Độ (IIT), hay như Viện nghiên cứu khoa học và công nghê Hàn Quốc (KAIST, KIST). Như đã nói ở trên vấn đề chính là chúng ta phải tìm cho được mô hình phù hợp với Việt Nam, mô hình này phải được xuất phát từ bức tranh chung của nền kinh tế, giáo dục, khoa học công nghệ, mà thực tế đất nước đang cần đòi hỏi.

Tôi xin đi vào khía cạnh thứ ba này. Thực tế như chúng ta đã biết, trong gần 100 trường ĐH của Việt Nam, thì hầu như chưa có được một ĐH nào theo đúng nghĩa là Đại học nghiên cứu. Quan niệm hiện hữu của các trường ĐH hiện nay là “dạy là chính, và nghiên cứu là phụ”. Điều này đồng nghĩa là giáo dục sau Đại học của chúng ta có nhiều vấn đề, mà những thống kê gần đây cho thấy rõ điều đó. Tôi cho rằng nguyên nhân sâu xa của vấn đề GD sau đại học là bởi có vì có khoảng cách quá lớn giữa giới kinh doanh (các xí nghiệp, công ty tư nhân, quốc doanh, và liên doanh…) và giới hàn lâm. Điều này có thể trả lời nỗi băn khoan “Tiền đâu để làm nghiên cứu” [4] của Giáo sư, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội Vũ Minh Giang trong hội nghị đào tạo sau ĐH vừa qua.

Qua việc nghiên cứu hệ thống các ĐH nghiên cứu ở Mỹ, Đại học Thanh Hoa của Trung Quốc, hệ thống các Viện công nghệ (IIT) của Ấn Độ, và KAIST, KDI, và KIST của Hàn Quốc. Tôi xin nêu ra hai mô hình để thảo luận sau đây. Một là, Đại học nghiên cứu như các ĐH nghiên cứu của Mỹ. Hai là, mô hình Viện nghiên cứu giống như Viện KIST của Hàn Quốc. Theo quan điểm của tôi, nghĩ rằng việc xây dựng Đại học đẳng cấp quốc tế theo mô hình viện KIST của Hàn Quốc là thích hợp cho thực tế của Việt Nam hơn cả. Tôi xin trình bày chi tiết ở phần sau.

III. Các Đại học nghiên cứu của Mỹ

Hệ thống giáo dục ở Mỹ đặc biệt ở bậc cao có nhiều ưu điểm vượt trội, so với các nước khác trên thế giới [5], tuy nhiên cũng có rất nhiều bất cập như lạm phát điểm [6], phương pháp sư phạm của giảng viên, không phải cứ thầy giỏi là giảng dạy tốt, nhiều giảng viên thì quá tập trung vào nghiên cứu mà coi nhẹ giảng dạy ĐH. Hiện tại nước Mỹ có khoảng 3200 các ĐH giáo dục bậc cao, trong số này không phải trường nào cũng là tốt so với các nước khác, các trường này được phân loại rất cụ thể và nằm trong các hiệp hội, tổ chức khác nhau, ví dụ Hiệp hội các ĐH Mỹ (AAU) quy tụ 62 trường hàng đầu của nước Mỹ.

Các ĐH học nghiên cứu là những Đại học vừa nghiên cứu vừa giảng dạy thường “tỷ lệ” nghiên cứu so với giảng dạy trong khoảng 40%- 60%, nhiều ĐH có tỷ trọng nghiên cứu lớn như là Cornell, Caltech… hiện tại ở Mỹ trong số 3200 các ĐH giáo dục bậc cao, thì có khoảng 100 ĐH là nghiên cứu, và hầu hết các ĐH nghiên cứu này lại là những ĐH học tốt nhất ở Mỹ. Các ĐH nghiên cứu này đều có cơ chế quản lý, và cơ cấu tổ chức giống nhau (có thể tham khảo đề cương của Thomas Vallely). Theo Trung tâm thống kê, nghiên cứu và đánh giá cạnh tranh của các ĐH nghiên cứu Mỹ tại ĐH Florida [7], thì 5 thành phần quan trọng nhất cho sự thành công của ĐH nghiên cứu là: 1- Nghiên cứu. 2- Hỗ trợ từ các tư nhân, cá nhân.  3- Chất lượng giảng viên. 4- Đào tạo bậc cao. 5- Sinh viên ĐH.

Tiền cho nghiên cứu trong mục (1) đến từ chính phủ các bang, các công ty, xí nghiệp, các quỹ tài trợ của nhà nước và các tổ chức phi lợi nhuận. Các ĐH nghiên cứu phải cạnh tranh để nhận được sự hỗ trợ này, có báo cáo kết quả và chịu sự giám sát khá chặt chẽ. Sự hỗ trợ trong mục (2) đến từ các cá nhân (chủ yếu các cựu sinh viên của trường các nhà từ thiện), sự hỗ trợ này được thể hiện dưới hình thức tặng khoản (gifts).

Ở đây xin nhấn mạnh, nhà nước không đóng vai trò chính trong việc quản lý các ĐH, nhưng vai trò của nhà nước (thông qua các quỹ hỗ trợ liên bang) tạo ra môi trường cạnh tranh trong các ĐH Mỹ, cạnh tranh tạo ra và đảm bảo chất lượng trong các ĐH này. Vì vậy không có ngạc nhiên rằng số tiền tài trợ từ nhà nước lại là chỉ số rõ ràng nhất đánh giá khả năng cạnh tranh, thứ hạng của từng ĐH.

Trong mỗi ĐH nghiên cứu của Mỹ, có rất nhiều trường nhỏ ở trong và bao gồm nhiều các ngành nghề, nghiên rất cứu rất rộng, nhưng cũng khá thực dụng, nghiên cứu đi liền sản xuất đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn đất nước và thời đại, nhiều trường có cả các cơ sở dịch vụ công cộng lớn phục vụ nông nghiệp và công nghiệp. Lấy ví dụ trường ĐH Florida (UF) nơi tôi đang học tập và nghiên cứu lớn thứ tư về quy mô ở Mỹ với hơn 48000 sinh viên, có nhiều ngành trong mười trường (top ten) mạnh nhất ở Mỹ như Hóa phân tích, Khoa học vật liệu, Kỹ thuật hạt nhân, Thuế, Nông nghiệp… và các ngành trong 20 trường mạnh nhất ở Mỹ, như Môi trường, Kỹ thuật công nghiệp, Kỹ thuật Hàng không (theo US News and World Report)…;Trong Khoa Kỹ thuật Hàng không có cả máy bay, trường có phòng thí nghiệm đặt tại Trung Tâm Vũ Trụ Kennedy, có một trung tâm nghiên cứu y học đồng thời là một bệnh viện vào loại tốt ở Florida để phục vụ nhân dân. Trong số các trường ĐH nghiên cứu ở Mỹ, nhiều trường có bề dày lịch sử hàng trăm năm, trải qua nhiều thăng trầm. Thí dụ ĐH New York, trong những năm đầu của thập kỷ 70, trường này chuẩn bị phá sản, nhưng bây giờ lại là một trong những trường mạnh và thu hút được nhiều sinh viên giỏi nhất ở Mỹ và các nơi đến học.

Những điều nói ở trên là để cung cấp một vài ý tưởng về ĐH nghiên cứu ở Mỹ. Trong công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, Việt Nam không thể không có những ĐH này. Nếu chúng ta xây dựng ĐH đẳng cấp quốc tế theo mô hình này, chúng ta phải cố gắng phấn đấu ĐH này hướng tới tiêu chuẩn, có cái gì đó giống như là một trong 25 trường ĐH nghiên cứu hàng đầu của Mỹ (chú ý bảng này theo điểm, tiêu chuẩn), hoặc 10 trường ĐH công nghiên cứu hàng đầu của Mỹ[8](vì hiện tại các ĐH của VN chủ yếu là ĐH công), khó khăn đấy!chúng ta không được ảo tưởng, phải nỗ lực đấy! bằng không mục đích ĐH đẳng cấp quốc tế của ta sẽ thất bại.

IV. Viện Nghiên Cứu KIST Và Mô Hình Cho Việt Nam:

Bức tranh của nền giáo dục nước hiện nay có nhiều điểm giống với Hàn Quốc vào những năm đầu thập kỷ 60. Vấn đề lớn nhất trong giáo dục lúc đó của Hàn Quốc cũng là trình trạng nghiên cứu trong các Trường ĐH và Viện nghiên cứu có một khoảng cách quá lớn với kinh doanh, không đáp ứng sự đòi hỏi của thực tiễn thời đại, cho nên rất cần một bộ phận để nối kết giữa giới doanh nghiệp và hàn lâm. Câu chuyện Thủ tướng Phan Văn Khải của chúng ta sang thăm Mỹ vào tháng 6.2005 đề nghị Mỹ giúp đỡ chúng ta xây dựng ĐH đẳng cấp quốc tế, rất giống với câu chuyện đề nghị sự giúp đỡ của Mỹ trong chuyến thăm Mỹ của Tổng Thống Hàn Quốc Park Chung- Hee vào tháng 6. 1964. Mới đầu Mỹ cũng đề nghị giúp đỡ Hàn Quốc xây dựng một ĐH đẳng cấp quốc tế kiểu Mỹ, nhưng Hàn Quốc chỉ chọn mô hình Viện công nghệ, sau đó Mỹ đề nghị mô hình kiểu Viện Bell, một Viện hàng đầu của thế giới có nhiều đã từng được giải Nobel. Phía Hàn Quốc tỏ ra e ngại vì không đủ sức xây dựng một Viện như vậy, cuối cùng Hàn Quốc chọn mô hình là viện Battelle (có một số tài liệu gọi là Bartell). Sau đó có những cuộc tranh luận, thảo luận kéo dài đến 2 năm, cuối cùng Viện khoa học và Công Nghệ Hàn Quốc KIST (tên tiếng Anh Korea Institute of Science & Technology) mới được thành lập, và có Viện trưởng đầu tiên là Tiến sĩ Choi Hyong- Sup [9].

Hệ thống Vận hành và Quản lý của Viện KIST như sau:

(1) Thành lập viện nghiên cứu độc lập như một pháp nhân, trên cơ sở luật đặc biệt; (2) Chính phủ đầu tư và các doanh nghiệp tư nhân hỗ trợ về mặt tài chính dưới hình thức “Chi- Trả lại sản phẩm”; (3) Hình thành quỹ để vận hành; (4) Hệ thống kế toán tự chủ; (5) Thuê các nghiên cứu viên trên cơ sở hợp đồng…

Hiện tại số các nhà khoa học và nhân viên tại KIST là 164 tiến sĩ giữ vai trò nhà khoa học nghiên cứu chính, 130 tiến sĩ là các nhà khoa học nghiên cứu có thâm niên, 140 nhà nghiên cứu có bằng thạc sĩ, 28 kỹ sư là nhân viên quản lý, 55 người trong tất cả các ban lãnh đạo, số nhân viên hỗ trợ là 234.

Nghiên cứu chính của Viện KIST là: Khoa học ứng dụng, Hóa kỹ thuật, Khoa học Polymer và Ceramics, Công nghệ kim loại, Cơ khí và hệ thống điều khiển, Công nghệ thông tin và Điện tử, Công nghệ môi trường, Công nghệ sinh học, và Hoạch định nghiên cứu.

Một vài điểm đáng nhớ xung quanh câu chuyện thành công của viện KIST từ thủa ban đầu [Tham khảo 9]:

(1) Được Tổng thống Park Chung- Hee quan tâm đặc biệt, và chỉ đạo sát sao; (2) Chọn được vị Giám đốc Choi Hyong-Sup xuất chúng; (3) Tuyển chọn được những cá nhân xuất sắc từ nước ngoài về làm việc; (4) Nghiên cứu gắn liền với thực tiễn sản xuất, nghiên cứu từ những cái nhỏ nhất; (5) Tạo môi trường nghiên cứu tuyệt diệu, và tạo điều kiện sống ổn định cho các nhà nghiên cứu, cụ thể là cung cấp cho họ nhà ở và bảo hiểm y tế. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc giáo dục con cái họ, trả lương cho họ tương đương bằng 1/4 mức lương họ nhận được ở Mỹ, vì vậy mà hầu hết các nhà khoa học là đều từ Mỹ trở về; (6) Rất nhiều thư kiến nghị gửi Tổng Thống phản đối mức lương của viện KIST, và người phản đối KIST gay gắt nhất hồi bấy giờ là Hiệu trưởng ĐH quốc gia Seoul, ông cho rằng viện KIST có thể gây ra những vấn đề xã hội; (7) Nhiều nước phát triển được Mỹ hỗ trợ tương tự, bao gồm cả Mỹ La Tinh, trong đó có cả những viện và ĐH được thành lập theo sáng kiến của Mỹ và bằng viện trợ của Mỹ, đã không thành công.

Những thành công và tác động của Viện KIST đối với nền kinh tế Hàn Quốc:

(1) Viện KIST hiện tại là viện khá nổi tiếng trên thế giới, KIST đã gây hiệu ứng lan tỏa cho quá trình hiện đại hóa các Viện khác như là Viện Khoa Học và Công Nghệ Cao Cấp Hàn Quốc (KAIST), Viện Phát Triển Hàn Quốc (KDI), Viện Năng Lượng Nguyên Tử Hàn Quốc, các Viện và các trường ĐH khác; (2) Đã góp phần để hồi hương chất xám hải ngoại, Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên ở Châu Á thành công trong việc chống chảy máu chất xám; (3) Là cơ quan nghiên cứu và cũng là “Bộ tham mưu”- (Think- Tank) về Khoa Học Công Nghệ cho chính phủ Hàn Quốc; (4) Viện KIST đã tạo ra một cuộc cách mạng khoa học và công nghệ cho Hàn Quốc, và thúc đẩy nền kinh tế Hàn Quốc (cụ thể nền kinh tế dựa vào trí thức). Sức mạnh kinh tế hiện nay của Hàn Quốc đã được thế giới nghi nhận, Hàn Quốc có những tập đoàn hàng đầu thế giới như Hyundai, Samsung…đặc biệt ngày nay Hàn Quốc là quốc gia đứng thứ 2 thế giới có số lượng bằng phát minh (tính theo đơn vị 1 triệu người).

 V. Những Đề Nghị

Xuất phát từ bối cảnh của GD và kinh tế Việt Nam, và kinh nghiệm từ các nước như đã đề cập ở trên, tôi xin có vài đề nghị và nhấn mạnh trên một số điểm sau đây:

1. Mỹ có nhã ý giúp VN trong việc xây dựng ĐH quốc tế, vì vậy nên để Mỹ giúp chúng ta, khoa học kỹ thuật của Mỹ rất mạnh, và có họ kinh nghiệm trong vấn đề này. Chúng ta có thể yêu cầu Mỹ để giúp ta xây dựng một Viện theo mô hình KIST, giúp đỡ ta trong vai trò tư vấn, nhân lực. Ví dụ chúng ta mời ông S. Malcolm Gillis (hiện tại trong ban quản trị của quỹ học bổng VEF) là một chuyên gia lão luyện trong GD đã từng là Hiệu trưởng ĐH Rice (một ĐH tốt của Mỹ) vào trong hội đồng quản trị hay Phó Giám đốc ĐH quốc tế. Chúng ta thậm chí có thể nhờ Mỹ giúp đỡ cả về thiết bị thí nghiệm, nhưng không nên để Mỹ áp đặt mô hình, tất cả phải được bàn thảo trên cơ sở khoa học và phù hợp với thực tế Việt Nam.

Mọi người có thể đặt câu hỏi rằng nếu chúng ta xây dựng ĐH đẳng cấp quốc tế như mô hình Viện KIST thì chúng ta không có sinh viên đẳng cấp quốc tế? Tôi xin trả lời như sau, trước hết chúng ta phải xác định cái yếu kém chính của hệ thống GD bậc cao của chúng ta là gì? Điều này đã được đề cập ở trên (nên nhớ rằng không phải ai tốt nghiệp ở những ĐH hàng đầu của Mỹ cũng giải quyết được những công việc cụ thể trong thực tế). Sau nữa là tôi lạc quan với những gì mà Bộ GD và đào tạo đã làm gần đây, tôi hy vọng VIST (Vietnam Institute of Science & Technology) của Việt Nam sẽ có tác động tích cực đối với 2 trường ĐH quốc gia, và các ĐH Bách khoa, các ĐH khác để gánh vác trọng trách này. Hai Đại học quốc gia của chúng ta mới được thành lập 10 năm nay (có cơ chế thoáng nhất trong số các ĐH của chúng ta), đã có những dịch chuyển làm tôi lạc quan, nhất là trong các vấn đề tiếp cận với thế giới bên ngoài, tuy nhiên chúng ta phải tiếp tục nhìn nhận những điểm yếu kém của chúng ta để điều chỉnh, làm cuộc cách mạng thậm chí phải chấp nhận những liệu pháp sốc.

2. Chọn được đúng người làm Giám đốc ĐH đẳng cấp quốc tế, là một nhân tố tối quan trọng quyết định sự thành công của Đại học lúc ban đầu. Giám đốc phải là người am hiểu về giáo dục, có đầu óc kinh doanh, đặc biệt phải có kinh nghiệm quốc tế và mang bản sắc của dân tộc Việt Nam. Giám đốc có thể là người Việt ở trong nước hay người Việt ở hải ngoại nhưng yêu quê hương, tận tâm với công cuộc phát triển của đất nước. Hiện tại không thiếu những cá nhân ưu tú, nói như danh nhân Nguyễn Trãi, đại ý rằng “Nước Việt chúng ta, cũng có lúc thịnh lúc suy, nhưng hào kiệt thì thời nào cũng có”, cái chính là chúng ta có nhìn thấy hoặc muốn những ngôi sao đó chiếu sáng hay không? Có nhiều người Việt ở nước ngoài rất xuất sắc, có người từng làm trong chính phủ Mỹ, hiểu từng ngõ ngách trong nội bộ chính phủ Mỹ, có thể kiểm chứng dễ dàng những người này qua các dự án, tổ chức liên quan đến Việt Nam. Vì vậy nếu chúng ta yêu cầu Mỹ giúp đỡ thì tốt nhất nên chọn những người này.

3. Tuyển chọn những người để làm nghiên cứu tại ĐH này, phải thực sự xuất sắc đáp ứng sự đòi hỏi của ĐH. Có chế độ đãi ngộ như Viện KIST đã làm, về vấn đề trả lương ví dụ những nghiên cứu sinh VN sau khi ra trường đi làm ở ngoài hoặc Trợ lý Giáo sư tại các trường ĐH Mỹ lương điển hình $50.000- $100.000 một năm chưa trừ thuế (khoảng $4000- $8000 một tháng), chúng ta có thể tuyển để trả họ khoảng $1000- $2000 một tháng tùy theo kinh nghiệm và trình độ. Tôi nghĩ rằng trả lương như vậy cho những người làm khoa học thực sự là hoàn toàn xứng đáng.

4. Phải có sự ủng hộ và chỉ đạo sát sao của Đảng và chính phủ, để vượt qua những khó khăn, những thách thức ban đầu, những hiệu ứng xã hội có thể có.

5. Hướng nghiên cứu của ĐH, phải hướng vào tương lai và công nghệ bản địa. Tôi đề nghị chúng ta nên tập trung nghiên cứu vào những lĩnh vực sau đây (1) Công nghệ hóa học và Công nghệ sinh học; (2) Công nghệ thông tin và Điện điện tử; (3) Cơ khí và Cơ điện tử , Điều khiển tự động; (4) Khoa học vật liệu; (5) Khoa học tính toán (Computational Science).

Tôi xin giải thích lĩnh vực thứ (5) Khoa học tính toán, chúng ta có thể hiểu nôm na là lĩnh vực liên quan đến nhiều đến Mô hình hóa… đây là lĩnh vực bao gồm Cơ học tính toán (Computational Mechanics), Vật lý tính toán (Computational Physics), Hóa tính toán (Computational Chemistry), và Toán ứng dụng (Applied Mathematics)…, là lĩnh vực rất quan trọng liên quan tới tất cả các ngành nghề để giải quyết các vấn đề phức tạp trong khoa học kỹ thuật. Hiện tại chính phủ Mỹ coi Khoa học tính toán là một trong những ngành quan trọng nhất đảm bảo sự cạnh tranh của Mỹ [10]. Tôi rất mừng và ngạc nhiên là một Viện Khoa học tính toán như vậy vừa được thành lập tại Thành phố Hồ Chí Minh [11], có lẽ do sức hấp dẫn của Thành phố và do sự nhanh nhạy, năng động, và cởi mở của đội ngũ lãnh đạo Thành phố HCM đã có sự ra đời một Viện như thế. 

Sự tập trung nghiên cứu các lĩnh vực ở trên cho phép chúng ta phát triển các công nghệ chế biến, từ các sản phẩm nông nghiệp, hải thủy sản, đến sản phẩm từ dầu mỏ. Chúng ta phát triển công nghệ thông tin ứng dụng vào mọi ngành nghề, phát triển công nghiệp đóng tàu, phát triển máy móc phục vụ nông nghiệp, chế tạo máy móc tự động hóa trong các nhà máy, doanh nghiệp. Chế tạo các phần trên của các giàn khoan, các ống công nghệ trong nhà máy lọc hóa dầu. Công nghiệp máy tính, luyện kim…thực tế có nhiều vấn đề bức xúc từ cuộc sống mà đòi hỏi khoa học kỹ thuật ở VN, chúng ta cần giải quyết, ví dụ nghiên cứu để làm sao kè đê điều cho hiệu quả (vì hiện tại các đê của sông Hồng, sông Thái bình ở nhiều nơi đang đe dọa cuộc sống mùa màng của bà con nông dân). Chúng ta học tập từ Hàn Quốc nghiên cứu từ những cái nhỏ nhất, xe đạp, vòng bi…sau này tiến tới chế tạo ô tô, máy bay…nghiên cứu đưa ngay vào sản xuất để kiểm chứng các phát minh và xuất khẩu những phát minh đó [12].

6. Địa điểm để xây trường ĐH đẳng cấp quốc tế: Có nhiều ý kiến cho rằng ĐH đẳng cấp quốc tế phải được xây dựng ở Hà Nội, và Thành Phố Hồ Chí Minh. Thiết nghĩ chúng ta phải xem xét kỹ và cẩn thận điều này. Một là, kinh nghiệm của các nước như đã đề cập ở trên, đây là một dự án có sự rủi ro, vì vậy chúng ta cũng phải tính đến trường hợp xấu nhất; hai là, địa điểm phải phù hợp với quy hoạch tổng thể của cả nước, từng vùng, từng địa phương, phát huy và tận dụng nội lực của địa phương, tạo ra một sự hài hòa cho nền kinh tế của chúng ta sau này; ba là, như đã nói ở trên về Viện, ĐH nghiên cứu cần không gian thoáng để có tổ hợp các phòng thí nghiệm lớn, các cơ sở dịch vụ để thử nghiệm ngay việc nghiên cứu của chúng ta, đặc biệt có khuôn viên thoáng đãng, yên tĩnh cho các nhà nghiên cứu.

Hiện tại mọi thứ của chúng ta bị ảnh hưởng quá nhiều của tư tưởng tập trung, cơ chế tập trung. Chúng ta vẫn có quan niệm rằng Hà Nội là thủ đô nên phải tập trung mọi cái về thủ đô. Thực tế thủ đô chỉ nên là trung tâm chính trị văn hóa của cả nước. Về kinh tế phải do nội lực của từng địa phương khai thác, nếu chính phủ muốn xây dựng trung tâm kinh tế lớn của cả khu vực, thì tôi nghĩ nơi đó nên là TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Về giáo dục chính phủ càng phải điều tiết chuyện này. Hiện tại Hà Nội chiếm 90% các viện nghiên cứu của cả nước, chiếm 64 % các trường ĐH, và 57% tổng số tri thức của cả nước. Hà Nội có 86.2 % số Giáo sư của cả nước, trong khi đó TP. Hồ Chí Minh chỉ có 9.5%. Chúng ta thử xem như thế có hợp lý không? Tâm lý chung nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp chỉ muốn ở lại nơi mà mình đã học, nhất lại là thành phố lớn. Chính vì điều này mà mỗi mùa tuyển sinh, Hà Nội lại chật cứng người. Hậu quả là nguyên nhân góp phần gây ách tắc giao thông thường xuyên và ô nhiễm môi trường. Một phần vì điều này mà lãnh đạo Hà Nội gần đấy phải ra quyết định mang tính tiêu cực là không cho người dân đăng ký xe máy…

Đây là vài ví dụ về cơ chế tập trung của chúng ta. Trong quá khứ cách đây khoảng 15 năm chúng ta đã chuyển Học Viện Kỹ Thuật Quân Sự (được Liên Xô xây dựng), và ĐH Tài Chính… khi các trường này đang có một cơ ngơi khang trang ở Phúc Yên nơi cách Hà Nội chỉ có 30-40 KM. Các Bộ, các Tổng Công ty có nhất thiết là cứ phải ở Hà Nội không? Tại sao không đặt ở Hải Phòng, Nam Định, Vinh, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh…lấy một ví dụ Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (PETROVIETNAM) nên chuyển trụ sở vào TP. Hồ Chí Minh, để ở Hà Nội là lãng phí tiền bạc của nhà nước, khi hầu hết cán bộ đi họp là đều từ trong Nam…

Nếu chủ trương xây dựng 2 trường ĐH quốc tế, thiết nghĩ trước hết chúng ta nên xây dựng một trường đã, để rút kinh nghiệm, và sẽ xây dựng trường thứ 2 sau. Trường này nên đặt ở trong Nam vì trong Nam có sức hút và sự hấp dẫn hơn. Chúng ta thử nghĩ trường này có thể đặt ở Nha Trang được không? Nha Trang điều kiện, cơ sở hạ tầng tự nhiên tốt, là chỏm đầu của khu vực kinh tế đầy năng động Miền Đông Nam bộ (Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Vũng Tàu) và không quá xa các khu kinh tế lớn ở miền Trung. Đối với ngoài bắc chúng ta nên xây dựng trường ĐH quốc tế trong quy hoặch vùng thủ đô Hà Nội tương lai sau này [13], trường này có thể ở một trong các tỉnh đồng bằng sông Hồng (xứ Đông- xứ Đoài- xứ Nam- xứ Bắc). Chúng ta thử nghĩ đặt ở Hải Dương (HD) thì sao (TP. Hải Dương, hay Chí Linh HD, địa thế rất lý tưởng cho nghiên cứu)? Hải Dương nằm trong vùng thủ đô trong tương lai, có hệ thống giao thông tương đối tốt, là trung tâm của đồng bằng Bắc bộ, cách Hà Nội hơn 50 KM, cách Hải Phòng 40 KM, nằm ở trọng tâm tam giác phát triển kinh tế phía bắc, Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh. Bố trí như vậy sẽ giảm gánh nặng cho Hà Nội và hài hòa cho sau này. Các địa phương lân cận với Hải Dương như là Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh cả khu vực này có 5 triệu dân mà hiện chưa có một ĐH nào. Nếu nhìn lại lịch sử Khoa Cử Việt Nam từ thời xa xưa, Hải Dương nơi đây chính là mảnh đất học trong 185 kỳ thi, từ 1057 đến 1919, cả nước có 2898 tiến sĩ, thì Hải Dương, tính theo địa bàn hiện nay đã có 500 người, chiếm 1/6 của cả nước; trong số 47 trạng nguyên, Hải Dương có 12 người [14]. Những người con vĩ đại nhất của dân tộc Việt chúng ta cũng đang ngả lưng ở đây như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi và nhà giáo đầu tiên của chúng ta Chu Văn An…Nơi đây cũng là quê hương của Nguyễn Thi Duệ, nữ tiến sĩ đầu tiên của Đại Việt [15]. Trên đây là nhìn từ khía cạnh vĩ mô, quản lý nhà nước và địa thế. Còn đối với giới trí thức những người làm khoa học thực sự nói chung, cái quan trọng nhất là làm sao đảm bảo cuộc sống vợ con, gia đình, có môi trường làm việc tuyệt diệu, có internet tốc độ cao, có dịch vụ bưu điện tốt để xử lý và trao đổi các thông tin nhanh với thế giới bên ngoài. Thích những nơi yên tĩnh thoáng mát, không ồn ào và ô nhiễm môi trường. Việc lựa chọn một địa điểm thích hợp và thuận tiện, bao gồm cả địa thế, để xây dựng ĐH quốc tế là một vấn đề quan trọng, có liên quan đến sự thành bại của nó, vì vậy chúng ta phải nghiên cứu bàn thảo cho kỹ.

Với tư cách là một công dân của Việt Nam, tôi xin nêu vài suy nghĩ và đề nghị trên đây về việc xây dựng Đại học đẳng cấp quốc tế. Hy vọng rằng tất cả ý kiến của mọi người đều được lắng nghe, và bàn thảo trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tế Việt Nam.

Đặng Đình Thi

(Giảng viên trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Nghiên cứu sinh Kỹ thuật Hàng không, University of Florida, Hoa Kỳ)

Tài liệu tham khảo:

[1]. Thomas Vallely.  “Đề cương thảo luận: Xây dựng trường ĐH hàng đầu tại VN”.  VietnamNet 05.10.2005.

[2]. Nhóm seminar về giáo dục, của GS. Hoàng Tụy.

[3]. Đặng Đình Thi. “9 đề nghị để đưa học liệu mở vào VN”. Vietnamnet, 24.12.2005

[4]. Kiều Oanh. “Nhiều đại học lúng túng với dự thảo quy chế sau ĐH”. Vietnamnet, 04.01.2006.

[5]. The Economist.Secrets of success: America's system of higher education is the best in the world. That is because there is no system”.  08.09.2005

[6]. Sally Abrahms. “When ‘A’ is for Anybody”. NEWSWEEK, Fall 2002.

[7]. John Lombardi. “Quality Engines: The Strategic Principles for Competitive Universities in the Twenty-First Century”. TheCenter, UF 2001.

[8]. John Lombardi  et al. “2004 Top American Research Universities (1-25)”. TheCenter, UF.

[9]. Choi Hyong- Sup “Phát triển Khoa Học Và Công Nghệ Hàn Quốc (1960-1980)”, KOICA, 2001. (Không công bố rộng rãi).

[10]. President’s Advisory Committee. “Report to the President. Computational Science: Insuring America’s Competitiveness”. June 2005.

[11]. Tố Phương & Thùy Mai.  TP.HCM sẽ thành lập Viện Khoa học Công nghệ Tính toán”. Vietnamnet (người viễn xứ), 05.01.2006.

[12].  Michael T. Rock. “ The Korean Experience. Can Export Service Assistance Make a Difference?”. A.I.D Technical Report No. 7; April 1993.

[13]. Kiều Minh. “Sẽ có Vùng Thủ đô Hà Nội''. Vietnamnet 26.08.2004.

[14].  Ngô Đức Thọ và cộng sự “Các nhà khoa bảng Việt Nam”.  NXB Văn Học, Hà Nội 1993.

[15].  Nam Chính “Tiến sĩ đầu tiên của Đại Việt lại là... Một cô gái”, trang web của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, 24.10.2005.

 

,
,