Tạo 'Đột phá và tăng tốc' cho GDĐH
"Cần phải có những đột phá trong GD ĐH". Ảnh: Lê Anh Dũng |
Giáo dục (GD) luôn gắn liền với sự tiến hoá của xã hội. Vì vậy, khi nói đến việc xây dựng một nền học của VN, ta nên gắn liền với mục tiêu phát triển đất nước.
Hãy đặt trọn niềm tin vào lớp trẻ
Thư của Đại tướng Lê Đức Anh gửi lưu học sinh VEF "Chúng cháu xin nhận sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc từ xa..." |
Từ năm 1996, nhất là sau Hội nghị lần thứ 2 của BCH TƯ Đảng CSVN khoá VIII, đã có nhiều nghị quyết đúng đắn về chấn hưng GD. Chúng ta đã cố gắng để vực GD lên. Tuy nhiên, sự trì trệ, tụt hậu chưa được khắc phục và đẩy lùi. Điều đó cho thấy nguyên nhân trì trệ không phải chỉ do những sai phạm về quản lý, mà chủ yếu từ nhận thức, quan niệm và tư duy. Bài viết này trong khuôn khổ bàn tròn về: "Đột phá và tăng tốc", lấy GDĐH làm nền tảng để kiến nghị một số giải pháp về cơ chế, chính sách trong đổi mới GDĐH.
Trong GD luôn có hai chủ thể chính, người học và người dạy (ngoài ra có thể kể đến một chủ thể khác là người làm quản trị GD). Cụ thể trong GDĐH, hai chủ thể người học và người dạy còn bao hàm một chủ thể khác là người làm nghiên cứu. Vì vậy khi bàn về cơ chế cho GDĐH, ta nên bàn tới cơ chế cho người học, người dạy, người làm nghiên cứu và người làm quản trị GD. Những cơ chế này có những nét đặc thù riêng và cũng có mối quan hệ hữu cơ, bổ sung cho nhau.
Về cơ chế cho người đi học.
Thí sinh căng thẳng tham gia kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2005. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Chúng ta cần nhớ lại các mục tiêu đã từng được xác định: Nâng cao dân trí; Tạo nguồn nhân lực; Phát triển nhân tài.
Trường ĐH là môi trường dân chủ, nơi tất cả đều có thể vào học để nâng cao dân trí, thoả mãn khát vọng "muốn biết". Không lạ khi thấy ở nhiều nước, nhiều nơi, có các cụ già trên 60, 70 tuổi vẫn học ĐH.
Lại cũng có nhiều bạn trẻ vào học ĐH không phải để thành GS, tiến sĩ. Họ cần những kỹ năng và phương pháp để đáp ứng với nhu cầu tuyển dụng ngày càng gắt gao của thị trường lao động. Họ chính là đội ngũ vô cùng cần thiết cho đất nước hiện nay.
Một thiểu số khác lại muốn học ĐH để đi theo con đường nghiên cứu, phát triển. Đội ngũ này cũng rất quan trọng cho một quốc gia (nếu quốc gia đó muốn lên ngồi "chiếu trên" với các nước phát triển).
Nguyễn Việt Hùng. |
Nếu thấu hiểu điều này, các nhà làm chính sách GD sẽ dễ hơn trong việc hoạch định chính sách, các cơ sở đào tạo sẽ dễ hơn trong việc xây dựng chương trình (cho nhiều đối tượng). Người đi học sẽ dễ quyết định và vui vẻ trả tiền học để nhận lấy cái gì mình muốn lấy thực sự.
Cụ thể, trong việc xây dựng chương trình, cần linh hoạt theo cơ chế tín chỉ, lấy người học làm trung tâm. Để mọi đối tượng được học những gì cần thiết cho họ và tạo điều kiện cho người học khám phá và phát huy tối đa năng lực bản thân. Không nên cứng nhắc bắt buộc tất cả SV trong một khoá cùng học một chương trình, lên lớp chép bài thụ động mà không có thời gian tự nghiên cứu.
Cơ chế tín chỉ cũng giúp cho việc học được linh hoạt và phát huy hơn nữa tính độc lập sáng tạo của SV. Xã hội hoá, tư nhân hoá GDĐH cũng tạo ra nhiều lựa chọn hơn cho người học. Chúng ta không nên sợ chất lượng đi xuống mà có những biện pháp hành chính cứng nhắc để quản lý ĐH. Người học và thị trường suy cho cùng, sẽ quyết định sự thành công cho tên tuổi của một trường ĐH.
Cơ chế cho người dạy và cán bộ nghiên cứu
Thực hành trong phóng thí nghiệm. Nguồn: Trang web của ĐH Cần Thơ |
Cơ chế đánh giá năng lực khoa học
Công việc của giảng viên ĐH đòi hỏi khả năng sáng tạo cao, kết hợp giảng dạy với nghiên cứu khoa học (NCKH). Muốn giảng viên phát huy tối đa năng lực trong giảng dạy và nghiên cứu thì nên mạnh dạn áp dụng những cơ chế linh hoạt. Quan trọng nhất là làm sao đánh giá được hết năng lực hiệu quả thật công bằng. Điều này không chỉ bó gọn trong các cơ sở đào tạo mà phải gắn kết với các hiệp hội chuyên môn, cả trong nước lẫn quốc tế.
Cơ chế cho việc thực hiện công tác NCKH
Gần đây, Chính phủ đã có Nghị định 115 về "Hiệu quả hoá, thực tế hóa hoạt động nghiên cứu khoa học" mà nếu triển khai và thực hiện đúng sẽ là đòn bẩy rất tốt để nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảng dạy.
Louis Pasteur từng nói: "Tri thức không có biên giới quốc gia - Knowledge knows no nationality". Một yếu tố quan trọng để việc đầu tư cho KH thành công là phải thúc đẩy những hình thức hợp tác quốc tế cả về tư vấn chính sách lẫn thực thi quá trình nghiên cứu để tận dụng kinh nghiệm, thiết bị tài liệu của các nước tiên tiến.
Làm được như thế, sẽ vừa nâng cao hiệu quả của quá trình nghiên cứu, vừa làm tiền đề để đẩy mạnh chuyển giao tri thức, công nghệ trong NCKH. Vấn đề này cần thiết cả trong NCKH cơ bản lẫn KH công nghệ và ứng dụng. Phải làm sao để thu hút các công ty, tập đoàn lớn, cơ sở nghiên cứu lớn mở chi nhánh ở VN. Đây sẽ là chất xúc tác để tạo môi trường thúc đẩy KHCN nước nhà phát triển, đẩy nhanh quá trình chuyển giao tri thức, công nghệ hiện đại, tránh được nạn chảy máu chất xám, điều mà các nước đang phát triển đang phải đối diện. Cần có cơ chế minh bạch trong việc đầu tư cho các hình thức hợp tác quốc tế để tránh lãng phí chất xám cũng như tài chính.
Ở Trung Quốc, Chính phủ của họ đã thành công khi kêu gọi được những công ty lớn như IBM, Microsoft, Google mở các trung tâm nghiên cứu gần những trường đại học như Thanh Hoa, Bắc Kinh, Phúc Đán. Và sự hợp tác nghiên cứu giữa những trung tâm này với các trường đã giúp ích rất nhiều cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu của các trường ĐH, góp phần giúp các trường này bước vào bản đồ các trường danh tiếng thế giới. Ngoài ra, cũng thu hút nhân tài TQ từ các nước trở về làm việc.
Không phải thiếu tiền, vấn đề là đầu tư đúng và minh bạch, công bằng. Tài chính là một câu hỏi muôn thuở. Thực ra tiền chúng ta đầu tư cho giáo dục không ít, nhưng đầu tư đúng chỗ, công bằng mới là quan trọng, mới phát huy được hiệu quả. Vấn đề này đã được nhiều bài báo đề cập. Ở đây chỉ xin nhấn mạnh thêm là vai trò của các hiệp hội chuyên môn độc lập trong việc đánh giá tiêu chuẩn khoa học, giáo dục nhằm tư vấn cho việc đầu tư tài chính lẫn vai trò của người quản trị giáo dục rất cần được nângcao.
Cơ chế cho quản trị ĐH
Gần đây, Bộ GD&ĐT đã mạnh dạn đưa ra chủ trương "Xoá bỏ cơ chế Bộ chủ quản". Theo Thứ trưởng Bành Tiến Long, “Mục tiêu xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản là trao quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội cao nhất để các trường có được một không gian tự do nhất định cho các hoạt động học thuật, sáng tạo, năng động và hiệu quả từ đó tạo nên sự đột phá và phát triển của từng trường dẫn đến sự phát triển của toàn hệ thống trong tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế".
Chủ trương đáng hoan nghênh này là một bước đột phá, tháo gỡ táo bạo, sẽ trao quyền rất lớn cho các trường mà ở đó vai trò của những người quản trị ĐH vô cùng to lớn. Họ chính là những kiến trúc sư vạch nên tiền đồ và tuơng lai cho các trường ĐH mặc dù nguồn nhân lực nghiên cứu và nguồn lực tài chính cũng rất quan trọng.
Nguồn lực quản trị đó, chúng ta tìm ở đâu có lẽ cũng là một chủ đề thảo luận lý thú. Rất nhiều trường ĐH danh tiếng trên thế giới mà hiệu trưởng, hiệu phó là các nhà quản trị chuyên nghiệp, tài năng bên cạnh những tên tuổi khoa học lẫy lừng. Nhiều trường ĐH nhờ những tài năng quản trị này đã vuơn lên không chỉ thành trung tâm đào tạo, học thuật đẳng cấp mà còn là những trung tâm phát triển kinh tế, xã hội nâng cao vị thế cho cả một vùng, một quốc gia (xem tài liệu tham khảo 1).
Chúng ta đã có chủ trương thuê giám đốc điều hành (thậm chí là người nước ngoài) cho một số tổng công ty nhà nước, tại sao lại không với các trung tâm ĐH - nơi đầu tư cho tương lai. Trường ĐH tổng hợp bang Arizona gần đây là một điển hình về phát huy năng lực quản trị và lãnh đạo hiệu quả, tạo ra uy tín quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu (xem tài liệu tham khảo 1).
Một số ý kiến đã cho rằng, phát triển phải bằng nội lực, tận dụng nguồn lực trong nước. Tôi cũng cho rằng đột phá, tăng tốc thì cũng phải dựa trên những gì đang có chứ không thể viển vông, trông cậy hoàn toàn vào ngoại lực. Cái cần tháo gỡ để tăng tốc là những tập quán cũ, những quán tính lỗi thời. Và điều cần thiết là học hỏi, hợp tác chứ không thể phát triển trong một môi trường kín. Đây cũng là xu thế chung của thời đại.
Các trường ĐH ở Mỹ sở dĩ thành công như hôm nay cũng là biết học hỏi những mô hình tiên tiến của Anh, Đức (như Cambridge, Oxford ở Anh, Humboldt ở Đức - xem tài liệu tham khảo 2). Để rồi ngày nay, các trường ở Anh, Đức lại quay về học theo mô hình thành công ở Mỹ để đổi mới mình.
Ví dụ: Cambridge có Phó Hiệu trưởng (thực chất là hiệu trưởng vì hiệu trưởng danh nghĩa là Hoàng tử Philip, chồng nữ hoàng Anh) nguyên là hiệu trưởng của ĐH Yale (xem tài liệu tham khảo 3). Oxford có hiệu trưởng mới nguyên là hiệu trưởng ĐH Auckland, New Zealand. Các vị này nhậm chức để cải tổ bộ máy tổ chức, nhằm cạnh tranh với những trung tâm ĐH hàng đầu của Mỹ và thế giới chứ không ngủ quên trên hào quang quá khứ hàng trăm năm của mình. Một lần nữa, tri thức không có biên giới quốc gia.
Nhà nước ta gần đây cũng đã có những chủ trương đúng hướng về cải cách, chấn hưng GD. Đó là tiền đề đáng mừng và đáng hy vọng. Để tạo động lực cho tăng tốc và đột phá, chúng ta cần mạnh dạn áp dụng những cơ chế táo bạo quyết liệt. Kế hoạch thần tốc, bất ngờ của vua Quang Trung đã làm nên chiến thắng xuân Kỷ Dậu 1789, đại phá 29 vạn quân Thanh xâm lược. Quyết sách thần tốc, táo bạo đã dẫn đến đại thắng mùa xuân 1975, thống nhất đất nước.
Chúng ta có quyền tin rằng, những cơ chế táo bạo, quyết liệt sẽ làm nên một mùa xuân mới cho nền GDVN, góp phần cho sự phát triển bền vững của đất nước. Nhân dịp đầu xuân, chúc VietnamNet và độc giả một năm mới dồi dào sức khoẻ, thái hoà, an khang, thịnh vượng.
-
Nguyễn Việt Hùng
Nghiên cứu sinh TS ngành CNTT ĐH Tổng hợp bang Arizona
Tư liệu tham khảo
[1] New American University, a new gold standard for American Research University -
http://www.asu.edu/president/newamericanuniversity/
[2] Secret of Success - Higher Education Survey. The Economist -
http://www.economist.com/displayStory.cfm?story_id=4339944
[3] The Cambridge 800th Anniversary Campaign -
http://www.foundation.cam.ac.uk/800-home.php