Đất lành chim làm tổ
Từ hơn 100 năm trước, bác sĩ danh tiếng A. Yersin đã chọn Nha Trang làm nơi sống - chết của ông. Hơn trăm năm sau, vào nghĩa trang thành phố thấy không ít mộ chí người nước ngoài. Có thể nói Nha Trang có truyền thống đãi người bốn phương trời. Hầu hết người nước ngoài định cư tại Nha Trang đều bảo bắt đầu từ tình yêu đôi lứa. Nhưng yêu nhau xong rồi phải ăn, muốn có ăn phải làm, thế là những con chim lạ từ phương xa không chỉ đến đậu, chúng làm tổ. Khu phố Tây ra đời như vậy, trên một thành phố biển của chúng ta.
Chuyện ở phố Tây
Thích ăn bánh pizza thì đến La Bella Napoli, món thịt cừu xông khói luôn luôn có ở "Good Morning Vietnam", rất nhiều món Tây hiện diện tại các nhà hàng Con gà Pháp, Turkish Restaurant, Rainbow Bar, Sailing Club... Rượu Tây có ở bất cứ nơi nào, chỉ cần xê dịch trong vòng dăm ba phút. Một ngày trên phố Tây ở Nha Trang có thể cảm nhận được nhịp sống rất riêng của thành phố biển.
Từ đường Lê Thánh Tôn ra Trần Phú, băng qua Hùng Vương, Nguyễn Thiện Thuật rồi thẳng xuống Biệt Thự, Trần Quang Khải, phố Tây dài chừng non non cây số. Dường như tất thảy mặt tiền đều treo bảng hiệu viết bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, một vài nơi có cả tiếng Italia, Tây Ban Nha và Hàn Quốc. Chẳng hạn quán càphê nơi tôi ngồi "Made in Nha Trang" nhưng từ khâu designe đến viết menu đều xài song ngữ Việt-Anh, nội thất gợi liên tưởng đến thánh địa Hồi giáo Mecca - một điểm đến hấp dẫn chớ bỏ qua.
Chọn góc khuất trên bancông quán càphê Mecca ở góc đường Hùng Vương - Trần Quang Khải, tôi lặng lẽ ngắm phố Tây chào bình minh khi mặt trời đã vượt qua lưng chừng núi. Tom - người bạn Thụy Sĩ rất sành Nha Trang - nhận xét: "Dân Nha Trang có thói quen thức dậy sớm, chơi thể thao trước biển; riêng phố Tây nhịp sống chuyển về đêm nên ngày bắt đầu khá muộn. Nếp sinh hoạt ở đây có đôi chút lai Tây, tấp nập nhưng không ồn ào, nhiều người biết tiếng Anh và khoái nhất là có thể tìm thấy hương vị Châu Âu trong một số nhà hàng "Tây"... thứ thiệt".
Người quản lý Mecca Café tỏ ra thông thạo: "Muốn thành công phải hiểu "gu" khách, Tây không ai thích uống càphê đậm đặc, không dùng quá nhiều sữa và sẽ không trở lại dù chỉ một lần phải chờ 5-10 phút". Bà Bích Hải sống ở đường Biệt Thự đã hơn 50 năm kể rằng: Khoảng mươi lăm năm trước, một số nhà mở khách sạn mini, Tây "balô" mách nhau riết rồi ngày càng đông đúc. Bây giờ ra ngõ gặp Tây vì nhà nào cũng mở shop và ngày nào cũng giao dịch với khách Tây. Phố Tây chủ yếu kinh doanh khách sạn, bar, nhà hàng, quán càphê, tổ chức lặn biển, bán vé tour, hàng lưu niệm..., gần như đến đâu khách cũng được miễn phí nếu muốn vào Internet."
Mặt trời đứng bóng, Tom tạm biệt tôi để đi làm khi phố Tây còn nhiều cửa hàng chưa mở cửa. Chị Mỹ Tâm, sống bằng nghề môi giới kinh doanh, nói: "Nơi đây bắt đầu nhộn nhịp từ 7 giờ tối".
Và đêm
Tính đến ngày 28.2.2006 trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà có 49 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được cấp phép đã chính thức hoạt động với tổng số vốn đăng ký xấp xỉ 380 triệu USD. Từ năm 2001 đến nay, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đóng góp cho nguồn thu ngân sách địa phương hơn 450 tỉ đồng, năm 2006 dự kiến khoảng 160 tỉ đồng. Tổng số lao động người nước ngoài đang sống và làm việc tại Khánh Hoà là 594, con số này thường xuyên thay đổi tuỳ theo nhu cầu công việc nhưng luôn có xu hướng tăng dần. Nguồn: Sở KHĐT và CA tỉnh Khánh Hoà |
Nhóm bạn từ Sài Gòn ra nhờ tìm hộ vài địa chỉ tẩm quất hoặc mátxa thật "thi vị". Tôi dạo một vòng quanh công viên, gần 3 cây số bờ biển, nhưng tuyệt nhiên không gặp ai chào mời tẩm quất. Dũng - thành viên đội thanh niên xung kích Nha Trang - bật cười: "Xưa rồi, mấy năm thực hiện "ba không" làm gì còn mátxa dạo biển, muốn thì lên đường Nguyễn Thị Minh Khai - bấm huyệt, mátxa chân, 3-4 điểm kinh doanh đã thành thương hiệu".
Thả bộ dọc "con đường vàng" Trần Phú đến ngã ba Biệt Thự - nơi nhộn nhịp nhất phố Tây, chúng tôi vào Sailing Club. Đây là bar duy nhất được chính quyền cho phép mở cửa đón khách đến 3h sáng. 1h sáng tất cả khách Tây còn thức đều đổ về đây. Sailing Club mở cùng lúc 3 nhà hàng AÁ-Âu-ấn, có thể gọi tất cả các loại rượu trên thế giới và có thể mời bạn nhảy bất cứ lúc nào. Sau khi ăn khuya xong du khách đi bách bộ ven bờ biển hoặc ngồi uống rượu, tán gẫu, chơi bài, đánh billiards... Peter Michael Vidotto - Ông chủ Sailing Club - là một người Australia nổi tiếng "chịu chơi, chịu làm" đến Nha Trang từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Chị Vân - PGĐ công ty liên doanh, trực tiếp điều hành Sailing Club - cho biết: "Doanh thu mỗi năm khoảng hơn 20 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế năm 2005 đạt 4,7 tỉ đồng, các khoản đóng góp cho ngân sách xấp xỉ 3 tỉ đồng/năm; lực lượng lao động ổn định trên dưới 90 người được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước và thu nhập bình quân 2,3 triệu đồng/tháng".
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoà - Chủ tịch phường Lộc Thọ - nhận xét: "Hầu hết người nước ngoài đến làm việc tại Khánh Hoà đều tạm trú ở phường Lộc Thọ và phố Tây cũng nằm trọn trên địa bàn phường. Nhìn chung những cư dân mới rất tự giác chấp hành các quy định của pháp luật, nộp thuế đúng hạn. Một số người còn tham gia hoạt động từ thiện nhân đạo".
Hầu hết chủ bar, nhà hàng là người nước ngoài ở Nha Trang đều "xuất gia" trên đường đi du lịch. Lặng lẽ làm ăn như bất cứ người dân nào trong thành phố nhưng sự tham gia kinh doanh của người nước ngoài đã tạo nên sắc thái mới trong làng du lịch Nha Trang. Hầu hết cơ sở của người nước ngoài đều có website riêng; cung cách phục vụ không quá thân mật, nhưng rất ân cần và trung thực. Hơn ai hết, họ hiểu rằng con đường tiếp thị ngắn nhất và nhanh nhất là thông qua khách, bởi 1 người biết thì sẽ có thêm ít nhất 10 người biết.
Đó là điều mà không ít người Nha Trang đã và đang lưu tâm thể nghiệm. Ông Trần Sơn Hải - GĐ Sở Du lịch Thương mại Khánh Hoà - nói: "Hầu hết những dự án lớn của ngành du lịch địa phương đều có sự tham gia đầu tư và trực tiếp quản lý, điều hành của người nước ngoài. Các ông chủ nước ngoài luôn luôn tiến hành đồng thời khâu tiếp thị, quảng bá với việc triển khai xây dựng cơ sở vật chất và đào tạo đội ngũ nhân viên - tất cả đều bài bản và chuyên nghiệp. Nhiều người trong số họ đã trở thành đầu mối thông tin, không ít nhà đầu tư nước ngoài đến Nha Trang thông qua con đường du lịch. Sản phẩm du lịch của thành phố biển sẽ rất đơn điệu nếu như không có người khám phá, thử nghiệm và đăng ký thương hiệu. Chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện để họ buôn bán, kinh doanh hợp pháp".
Sau mấy năm làm GĐ điều hành Trung tâm Dịch vụ du lịch giải trí Guava, anh Nguyễn Tô An nhận xét: "Tôi đã học được cách quản lý có hệ thống và đầu óc tính toán thực tế của người phương Tây". Còn chị Thuỳ Linh - chủ cửa hiệu bán hàng lưu niệm ở phố Tây - thì băn khoăn: "Người ở phương trời xa lạ đến Nha Trang ăn nên, làm ra, tại sao mình không chịu khó vươn lên?". Nhìn từ góc độ thị trường, đó cũng là một trong những động cơ tạo sự cạnh tranh để người Nha Trang vươn lên hội nhập.
-
Theo Lao động