,
221
4821
60 năm CHXHCNVN
vanhoimoi
/vanhoimoi/
786236
"Xếp hạng" trường đại học?
1
Article
null
,

'Xếp hạng' trường đại học?

Cập nhật lúc 17:01, Thứ Hai, 17/04/2006 (GMT+7)
,
"Tất cả các trường ĐH sẽ buộc phải kiểm định chất lượng - đó là chủ trương của Bộ GD-ĐT đối với công tác kiểm định chất lượng trường ĐH” - TS Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết.

Tiến sĩ Trần Văn Nghĩa
- Mười trường ĐH đầu tiên thực hiện thí điểm kiểm định chất lượng từ năm 2005 đã hoàn tất khâu tự đánh giá và bắt đầu chuyển sang giai đoạn đánh giá ngoài và dự kiến sẽ được công nhận kết quả kiểm định chất lượng trong năm 2006. Hiện Bộ GD-ĐT đã lựa chọn được 10 trường ĐH tiếp theo tự nguyện tham gia kiểm định chất lượng, trong đó có hai trường ĐH dân lập đầu tiên. Đó là các trường: ĐH Nông nghiệp 1, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH dân lập Hải Phòng, ĐH Ngoại thương, ĐH Thương mại, ĐH Sư phạm (thuộc ĐH Huế), ĐH Thủy sản Nha Trang, ĐH dân lập Văn Lang, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh và ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh. Dự kiến các trường này cũng sẽ được công nhận kết quả kiểm định trong năm 2006.
 
- Kiểm định chất lượng có nhằm đưa ra kết quả xếp hạng các trường ĐH không, thưa ông?
 
- Chủ trương của Bộ GD-ĐT khi tiến hành kiểm định chất lượng các trường ĐH sẽ theo quan điểm “chất lượng của cơ sở đào tạo là sự đáp ứng mục tiêu đề ra”, và mục tiêu của công tác kiểm định chất lượng là chỉ ra cho các cơ sở giáo dục những điểm yếu để từng bước nâng cao chất lượng, không nhằm mục đích và không dùng kiểm định để xếp hạng trường.
 
Chính vì vậy, các bộ tiêu chuẩn kiểm định phải phù hợp với điều kiện Việt Nam và từng bước tiếp cận với chuẩn khu vực và thế giới. Quy trình kiểm định chất lượng sẽ gồm ba bước: tự đánh giá của trường ĐH, đánh giá bên ngoài và thẩm định của cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục và cuối cùng quyết định công nhận trường ĐH đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng. Có ba cấp độ công nhận cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng tương ứng với mức độ các trường đạt được của các tiêu chí đánh giá.
 
- Qua thực tế triển khai thí điểm kiểm định chất lượng, các trường đã thực hiện như thế nào, nhất là ở khâu tự đánh giá có đạt yêu cầu “chính xác, khách quan”?
 
- Lúc đầu, các trường tự đánh giá có vẻ khá dè dặt nhưng rồi hầu hết các trường đã khá mạnh dạn chỉ ra được những khuyết điểm, tồn tại và lộ trình để thực hiện. Mức độ còn khác nhau, có trường cởi mở hơn, có trường còn chừng mực. Nhưng tôi cho rằng dần dần khi các trường tin tưởng hơn vào công tác kiểm định chất lượng, đặc biệt là khâu đánh giá bên ngoài, các trường sẽ tự tin và làm tốt hơn. Muốn thế, cơ quan quản lý nhà nước cũng như công luận, dư luận cần khích lệ các trường nhìn nhận ra những khuyết điểm tồn tại và có kế hoạch khắc phục, chứ không phải thông qua kiểm định, đánh giá, nhăm nhăm tìm điểm yếu, khuyết điểm để phê phán...
 
- Kết quả kiểm định chất lượng của từng trường ĐH có được công bố công khai rộng rãi không, thưa ông?
 
Với 20 trường ĐH được công nhận, Bộ GD-ĐT hoàn thành mục tiêu Chính phủ yêu cầu có 20% trường ĐH được kiểm định chất lượng trong năm 2006. Trong giai đoạn 2006-2010, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành kiểm định chất lượng tất cả các trường ĐH còn lại và bắt đầu kiểm định chất lượng một số chương trình đào tạo. 
- Có chứ. Không để xếp hạng nhưng vẫn cần và phải được công bố công khai rộng rãi cho người học, cho xã hội biết. Được biết về kết quả công nhận kiểm định chất lượng của các trường ĐH là một quyền lợi của người học mà các nhà trường rồi đây đều phải thực hiện.
 
Bản thân các trường cũng không thể hài lòng với kết quả đã đạt được. Kết quả kiểm định chất lượng chỉ có giá trị trong năm năm. Sau đó lại bắt đầu một chu kỳ đánh giá, kiểm định mới. Có thể nói đối với các trường ĐH, kiểm định chất lượng là một quá trình thực hiện liên tục, dưới sự giám sát không chỉ của cơ quan quản lý nhà nước mà của toàn xã hội. Ngay sau khi có kết quả kiểm định chất lượng, các trường lại phải bắt đầu ngay một quá trình phấn đấu mới cho lần kiểm định chất lượng tiếp theo.
 
- Thưa ông, bước đầu chỉ thực hiện với 10 - 20 trường đã có sự thiếu hụt về chuyên gia và nhân lực có chuyên môn về kiểm định chất lượng, lúng túng trong thực hiện khâu đánh giá ngoài... Vậy nếu tiến hành kiểm định chất lượng bắt buộc với hàng trăm trường ĐH trong 2-3 năm liệu có khả thi?
 
- Đúng là công tác kiểm định chất lượng đang đứng trước không ít khó khăn: thiếu đội ngũ chuyên gia về công tác kiểm định chất lượng giáo dục, việc xác lập các mức chuẩn phù hợp với điều kiện Việt Nam... Trong khi các cơ sở đào tạo chưa nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác kiểm định chất lượng, vẫn còn tâm lý ngại “bị kiểm định”. Các khó khăn về tài chính, về chuyển đổi cơ chế đảm bảo chất lượng ở các trường cũng là trở ngại không nhỏ khi đưa kiểm định chất lượng trở thành một hoạt động bắt buộc, thường xuyên của giáo dục ĐH.
 
Nhưng qua giai đoạn đầu thí điểm, tôi thấy thực tế cũng không đến mức phải bi quan. Bên cạnh hai trung tâm đảm bảo chất lượng của hai ĐHQG (Trung tâm Đảm bảo chất lượng đào tạo và nghiên cứu phát triển giáo dục của ĐHQG Hà Nội, Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng giáo dục của ĐHQG TP Hồ Chí Minh) đã được đưa vào hoạt động, chỉ trong năm 2005 đã có thêm 23 trường ĐH thành lập các bộ phận đảm bảo chất lượng. Kết quả này cho thấy đã có sự chuyển biến đáng kể trong nhận thức về kiểm định chất lượng và các trường ĐH đã bắt đầu có sự chuẩn bị về bộ máy, nhân lực... Một mình bộ đứng ra lo hết thì sợ không khả thi, chứ nếu các trường cùng xắn tay vào thì không có gì phải ngại.
 
Hiện chúng tôi cũng tính đến việc phải tuyển chọn, cử đi đào tạo ở nước ngoài trong khuôn khổ các chương trình học bổng, nhất là học bổng du học bằng ngân sách, một số chuyên gia về kiểm định chất lượng về làm nòng cốt để sau đó có thể về bồi dưỡng, tập huấn xây dựng đội ngũ làm kiểm định chất lượng trong nước.
 
- Xin cảm ơn ông
 
(Theo Tuổi Trẻ)
,
,