,
221
4824
Vận hội mới
vanhoimoi
/60nam/vanhoimoi/
707964
Chuyện những người "làm" Đất
1
Article
4821
60 năm CHXHCNVN
vanhoimoi
/vanhoimoi/
,

Chuyện những người 'làm' Đất

Cập nhật lúc 06:16, Chủ Nhật, 18/09/2005 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Chúng tôi hẹn gặp Bộ trưởng Mai Ái Trực sau khi ông họp giao ban sáng, nhưng ông đề nghị nên xuống Vụ và các phòng ''mục sở thị'' cán bộ, chuyên viên của ông để hiểu hơn về cách quản lý của một Bộ vốn được coi là quản lý lĩnh vực ''nóng nhất'' hiện nay ...

Công việc nó ''đuổi'' mình chạy

''Tôi còn nhớ chuyến kiểm tra thi hành Luật Đất đai tại TP. Hà Nội, Thứ trưởng Đặng Hùng Võ tiếp từ sáng đến hơn 1h chiều mà dân vẫn không muốn dừng vì còn đầy bức xúc muốn bày tỏ. Cuối cùng, chúng tôi phải ''chạy'' từ cuộc tiếp dân xã Trung Văn (Từ Liêm) tới cuộc tiếp dân Tứ Liên (Tây Hồ) trong vòng 40 phút; vừa đi, mọi người vừa tranh thủ ăn trưa cho đỡ đói".

Chị Đinh Thị Mai, chuyên viên Vụ Đất đai kể về đợt tổng kiểm tra thi hành Luật đất đai (viết tắt là Kiểm tra) của đoàn kiểm tra số 2.

Bộ trưởng Mai Ái Trực tiếp dân trong đợt Tổng Kiểm tra thi hành Luật Đất đai.

Trên đây chỉ là một trong nhiều chuyện "cơm bữa" trong đợt kiểm tra vừa qua mà các Đoàn thường gặp. Các thành viên trong Đoàn kiểm tra số 2 không thể nào quên chuyến kiểm tra ở vườn quốc gia Cát Bà (Hải Phòng).

Đến nhiều khu vực, ô tô không thể đi được vào đường đất, tất cả phải đón xe ôm đi. Khi xe ôm "bó tay", mọi người xắn quần, đi chân không đến địa bàn. Và đã có không ít cán bộ bị gai, cây rừng cào chân đến rớm máu. Có người không quen đi rừng, bị ngã oành oạch, khi đến nơi, người bị ướt sũng mà vẫn phải ngồi làm việc.

Khó khăn là vậy, nhưng khi đối diện với bức xúc bộn bề của người dân, các cán bộ nhận ra mình không hề phí công. Bởi, những chuyến đi cơ sở như vậy đã giúp cán bộ quản lý đất đai nắm được nhiều vấn đề.

Chị Mai ví dụ, khung giá đền bù của Hà Nội bị xem là không công khai dân chủ cho người dân. Điều này đã dẫn đến bức xúc cực điểm, người dân mong muốn được đoàn kiểm tra giải quyết, đến mức, trong các cuộc đối thoại với đoàn kiểm tra, họ quên mất rằng cần phải lắng nghe ý kiến từ chính quyền địa phương. “Bản thân người đi kiểm tra cũng nhận thấy giữa việc thực thi của chính quyền cơ sở với ý nguyện của dân có sự chênh lệch rất lớn, chủ yếu là do cách tổ chức triển khai và thực hiện Luật Đất đai”.

Kết thúc đợt tổng kiểm tra thi hành Luật Đất đai, những chuyên viên như chị Mai chưa kịp nghỉ lại bắt tay vào tổng hợp kết quả đợt kiểm tra, phân loại đơn, viết báo cáo.

Một chuyên viên đoàn kiểm tra số 2 cho biết, riêng đoàn này đã phân loại được hơn 6.000 đơn thư theo thẩm quyền giải quyết của các cấp, theo hình thức đơn tố cáo, đơn khiếu nại... việc này không hề đơn giản, nhưng thời gian phải hoàn thành chỉ trong vòng 1 tuần.

Thời điểm này, cả Vụ Đất đai ''nóng'' lên vì lượng công việc khổng lồ đang phải khẩn trương hoàn tất. Cả Vụ có 13 nhân viên, 2 người đang đi công tác, số còn lại đều ''cắm cổ'' vào xử lý công việc.

Bộ trưởng Mai Ái Trực và Thứ trưởng Đặng Hùng Võ làm việc với phóng viên VietNamNet.

Lượng công việc khổng lồ như vậy, nhưng số chuyên viên về đất đai và thanh tra đất đai trong Bộ chỉ hơn 50 người. Với nguồn nhân lực quá ít so với yêu cầu công việc, Bộ trưởng Bộ TN&MT phải huy động toàn ''quân'' trong Bộ, kể cả các đơn vị không trực tiếp và không có chức năng, lao vào giúp Bộ trưởng về công tác quản lý đất đai, dốc sức thực hiện công việc này.

''Từ khi làm việc tại Bộ TN&MT, chúng tôi chưa có khái niệm 8 tiếng vàng ngọc trong ngày làm việc. Công việc nó luôn đuổi mình chạy, nên phải thường xuyên làm việc ngoài giờ". - chị Mai tâm sự.

Trong chuyến Tổng Kiểm tra, có cán bộ lần đầu tiên xa nhà hàng tháng trời, tới tận miền Trung cho đến hết đợt kiểm tra mới được về gặp gia đình, thì lại tiếp tục phải miệt mài với... đất.

"Tưởng Bộ trưởng, thứ trưởng thì không phải thế..."

Chị Mai cho biết, thời gian làm Luật Đất đai và ''siêu'' Nghị định, cả Bộ cũng ''nóng'' lên như hiện tại. Nhiều cán bộ của Bộ kể lại rằng, Bộ trưởng Mai Ái Trực, một ngày trước khi hoàn tất dự thảo Luật Đất đai, làm việc cùng với các chuyên viên đến 12h trưa, nhưng vẫn cặm cụi đọc duyệt văn bản, khi đói bụng, ông ăn ngon lành vài lát bánh mỳ với muối vừng cùng nhân viên để kịp 1h chiều làm việc với Văn phòng Chính phủ.

''Tôi cứ tưởng làm Bộ trưởng thì sướng lắm, ai dè cũng vất vả như thế!''- chị Mai nói.

Cả nhân viên bảo vệ ở Bộ TN&MT cũng “xót xa” cho sức khỏe của “sếp”: Bộ trưởng Trực và Thứ trưởng Võ nằm trong số những người rời cơ quan muộn nhất. Chuyện hai ông "đầu tàu" này ''chiến đấu'' hơn 12 tiếng trong một ngày hoặc làm việc cả ngày nghỉ tại cơ quan không còn là chuyện lạ.

Ông Trực luôn bận các cuộc điện thoại từ người dân.

Đây là lý do để những cán bộ như chị Mai thấy rằng, tinh thần làm việc của lãnh đạo đã cảm hóa tinh thần làm việc của những cán bộ dưới quyền như chị.

"Sếp cáu thì...cáu lại, miễn là được việc"?

''Chúng tôi tự nguyện làm việc, đến mức nếu Sếp cáu thì cũng sẵn sàng ''cáu lại'', vì ai ai cũng lao động hết mình cho công việc được suôn sẻ''- chị Mai nói.

Chúng tôi hẹn làm việc với Bộ trưởng Bộ TN&MT Mai Ái Trực trong vòng 30 phút buổi sáng, nhưng cuộc gặp đã kéo dài hơn dự định bởi câu chuyện luôn phải dừng nửa chừng vì cán bộ cấp dưới trình giấy tờ văn bản, xin ý kiến chỉ đạo và... điện thoại của dân gọi đến liên tục.

Chưa đầy một giờ đồng hồ, có hàng chục cuộc điện thoại của người dân trực tiếp gọi Bộ trưởng kêu bức xúc về đất đai. Vị Bộ trưởng kiên trì trả lời nhỏ nhẹ và hướng dẫn trực tiếp người dân rất nhiệt tình, dù ông đang còn rất nhiều việc phải giải quyết ngay.

Không chỉ có điện thoại, mỗi ngày, ông Trực nhận rất nhiều email từ người dân. Trong ảnh, ông Trực đang kiểm tra thư điện tử.

Bộ trưởng cho biết, không chỉ điện thoại, hàng ngày ông còn nhận rất nhiều email của dân gửi về, bức xúc có, hỏi pháp luật có, góp ý có... Những lá thư điện tử trên được Bộ trưởng xem như một kênh thông tin giá trị, giúp ích rất nhiều cho ông trong công tác quản lý.

Bộ trưởng Trực là một trong số chính khách tận dụng triệt để hiệu quả của máy tính và email trong công việc.

Từ khi ông về lãnh đạo Bộ, tất cả nhân viên đều được trang bị máy tính riêng và mọi thông tin nội bộ được trao đổi qua mạng LAN, trang web riêng, thậm chí theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TN&MT, cơ quan này đang hoàn thành một chương trình giao lưu trực tuyến.

Chuyện vi hành và "Dại gì không cởi mở với báo chí!"

Khi được hỏi, ông làm thế nào để quán xuyến tốt cả 6 lĩnh vực: đất đai, nước, môi trường, khí tượng thủy văn, khoáng sản, đo đạc bản đồ; trong đó có lĩnh vực đất đai được xem là nóng bỏng?

Bộ trưởng Trực nói, ông giao quyền cho các Thứ trưởng rất rộng, các lĩnh vực đều được giao cho các Thứ trưởng đảm trách, trong từng lĩnh vực cũng xác định trọng tâm trọng điểm để làm. Anh em trong Bộ nói người khó tính đến mấy cũng làm việc được với Bộ trưởng. Ông cũng nhấn mạnh, cán bộ dưới quyền vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Một cán bộ nguyên là Phó văn phòng Tổng Cục Khí tượng thủy văn được cấp 60m2 đất, nhưng lại xây nhà thành 70m2, trường hợp này đã được xử lý nghiêm khắc, phá bỏ hoàn toàn diện tích vượt quá tiêu chuẩn được cấp.

Thứ trưởng Đặng Hùng Võ làm việc với Bộ trưởng Mai Ái Trực.

Bộ trưởng Mai Ái Trực vốn nổi tiếng hay ''vi hành'', thích đối thoại với dân. Ông cho biết, nhiều chuyện nghe dân nói rất chất phác, không cao xa nhưng mình thấy rất chính đáng, nếu ngồi trong Bộ thì sẽ không bao giờ thấy và nghe được.

Ông kể, ông bị ám ảnh bởi câu nói của một người dân trong cuộc đối thoại ở Lạng Sơn khi người này bị thu hồi đất: ''Tôi không quan tâm đến giá đất, tôi chỉ muốn thu hồi một lô đất ở của tôi thì trả lại cho tôi một lô đất ở khác''. Đây là một trong những câu chuyện đã ''đi vào chính sách'' đất đai trong những văn bản Bộ TN&MT trình Chính phủ.

Lãnh đạo Bộ TN&MT cũng nổi tiếng là cởi mở với báo chí: ''Dại gì không cởi mở với báo chí vì báo chí là diễn đàn của dân, lại tuyên truyền chính sách pháp luật của mình đến với dân, dù vấn đề có nhạy cảm đến thế nào cũng đâu có ngại''.

Bộ trưởng Trực nói, ông rất ngại lên báo nhưng trách nhiệm phải trả lời. ''Các câu hỏi của báo chí gợi mở những vấn đề trong cách quản lý mang hơi thở của cuộc sống. Báo chí hỏi nhiều chính là bắt mình phải nghĩ nhiều, trả lời báo chí chính là trả lời cuộc sống''.

  • Kiều Minh - Phan Công

,
,