,
221
4824
Vận hội mới
vanhoimoi
/60nam/vanhoimoi/
783316
Bài 3: Tuyển trưởng phòng, TP.HCM cần quyết liệt!
1
Article
4821
60 năm CHXHCNVN
vanhoimoi
/vanhoimoi/
,

Bài 3: Tuyển trưởng phòng, TP.HCM cần quyết liệt!

Cập nhật lúc 09:57, Thứ Hai, 10/04/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Hai đại biểu nói "hăng" của HĐND TP.HCM là Đặng Văn Khoa và Võ Văn Sen đã gửi gắm những ý kiến bức xúc của mình về đề án thi tuyển cạnh tranh chức danh trưởng, phó phòng đến lãnh đạo TP.HCM trong cuộc trao đổi với VietNamNet.

Ông Đặng Văn Khoa: Các lãnh đạo UBND TP.HCM cần tranh thủ thời gian, nhanh tay xúc tiến việc này, để bộ máy nhà nước có thể mạnh được. Bởi vì, đề án này nhằm vào con người - nhân tố mấu chốt của cải cách hành chính.

Rất tiếc, việc xúc tiến thi tuyển đã giậm chân tại chỗ trong nhiều năm qua. Điều này làm chúng ta ngạc nhiên, vì đây là việc quan trọng. Nhưng lại không ngạc nhiên lắm, vì đề án này đụng đến cái cốt lõi, nhạy cảm nhất: sự dích dắc của chức, quyền, tiền, bạc, thân thích. Nó chi phối hầu như toàn bộ việc chọn lựa vị trí suốt thời gian dài vừa qua.

Ông Võ Văn Sen: Bí quyết phát triển từ bao năm nay của các nước là bố trí những người xuất sắc nhất vào những vị trí quan trọng nhất. Đây là điều chúng ta chưa làm được.

Trung Quốc đã thí điểm thành công thi tuyển cạnh tranh trưởng, phó phòng, giám đốc Sở tại một số địa phương. Cho nên, bên cạnh phương pháp tuyển chọn truyền thống: qua đề bạt của cấp dưới; sự lựa chọn của cấp ủy, Đảng..., bây giờ nên có thêm phương pháp thi tuyển này.

"Cạnh tranh công bằng sẽ không thiếu người tham gia!"

Soạn: AM 740725 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Ông Đặng Văn Khoa: "Những người đặt quyền lợi của dân tộc, của TP lên trên hết thì đều đồng tình với đề án này". (Ảnh: P.C) 

- Thưa ông, TP.HCM liệu có trở thành địa phương "đi trước, về sau" trong thi tuyển cạnh tranh một số vị trí lãnh đạo, bởi vì một số địa phương khác, như Long An, Quảng Nam..., cũng đã "rục rịch" áp dụng cạnh tranh trong bổ nhiệm cán bộ?

- Ông Đặng Văn Khoa: Đây là vấn đề đáng quan tâm, vì TP.HCM có truyền thống luôn đi đầu, tạo những tiền lệ cho cả nước. Lẽ nào TP lại đi chậm trong việc này, trong khi TP có nhiều điều kiện thuận lợi như: tập trung nhiều nhân tài; người dân có sự nhiệt huyết tham gia vào công việc xã hội...

- Ông Võ Văn Sen: TP.HCM có quy mô lớn hơn, nên cần thận trọng hơn các địa phương khác, vì những sai sót nếu xảy ra sẽ có ảnh hưởng mạnh hơn. Nhưng thận trọng không có nghĩa là không khẩn trương.

Vì vậy, cần kiểm điểm lại, rút kinh nghiệm và nhanh chóng xúc tiến công việc này, để vẫn giữ tư thế "đi trước, về trước" (như một số lãnh đạo Trung ương nói), chứ không phải "đi trước, về sau".

- Có ý kiến nhìn nhận, nguyên nhân của sự do dự trong triển khai thí điểm đề án là do một số Sở - ngành cho rằng: sẽ không nhiều người đăng ký thi, vì nếu thi được thì không sao, thi không được sẽ bị giảm uy tín. Ông nghĩ sao về việc này?

- Ông Đặng Văn Khoa: Tôi không đồng ý với điều đó. Nếu có điều đó thì cũng không cần quan tâm đến những người như vậy. Đáng quan tâm là những người có năng lực đóng góp cho xã hội. Những người không có năng lực thì hãy làm việc khác, chứ đừng cố giành chức vụ quan trọng.

Hãy từ bỏ tư duy cũ kỹ đó đi. Tôi tin rằng một đề án cạnh tranh công bằng thế này không thiếu người tham gia đâu.

- Ông Võ Văn Sen: Đương nhiên thi đậu thì phấn khởi, thi rớt thì buồn. Đó là sự phân hóa có lợi cho xã hội. Người rớt phải biết rút kinh nghiệm để lần sau thi tiếp. Người thắng thì phải khẳng định mình.

Sẽ hết đất cho người thích "chạy chọt"

- Có quan điểm cho rằng, những người phản đối thi tuyển cạnh tranh là những người không có đề án phát triển ngành, lĩnh vực mình phụ trách, theo yêu cầu của quy chế thi tuyển; hoặc vẫn còn nặng tâm lý sống lâu lên lão làng, muốn chạy chức chạy quyền, lobby...

- Ông Đặng Văn Khoa: Tôi chỉ muốn nói ngắn gọn: Những người đặt quyền lợi của dân tộc, của TP lên trên hết thì đều đồng tình với đề án này.

- Ông Võ Văn Sen: Nếu chức vụ được thi tuyển thì những người từ trước đến nay lên chức bằng cách chạy chọt, vận động, lobby cấp trên, hay có ý định đó thì sẽ không có đất sống.

Nhưng phản ứng của họ có đủ mạnh hay không lại là chuyện khác. Điều quan trọng là sự kiên định của chúng ta.

- Ngay cả khi chỉ có vài người dự thi, có ý kiến cho rằng cũng không đáng lo, bởi vì chỉ cần từng ấy người dự thi nhưng là những người có năng lực, còn hơn sử dụng phương pháp bổ nhiệm cũ?

- Ông Đặng Văn Khoa: Tôi ủng hộ hoàn toàn. Nếu biết cách thức mới có lợi cho quốc gia thì hãy mạnh dạn đặt bước chân đầu tiên. Đừng chần chừ, đi bước đầu rồi sẽ có những bước tiếp theo.

- Tuy nhiên, mức lương còn thấp cũng là cản trở đối với việc triển khai đề án này?

- Ông Đặng Văn Khoa: Tôi hoàn toàn không tán đồng mức lương cán bộ, công chức hiện nay - một mức lương ảo. Bộ máy công chức quá cồng kềnh, rườm rà, thành ra đồng ngân sách chia năm, xẻ bảy.

Phải có một cuộc cách mạng dữ dội trong biên chế nhà nước: tinh giản tối đa bộ máy, tránh trồng chéo, nhiều người nhưng làm không nhiều việc, để tập trung những người giỏi, một người làm bằng 3 - 4 người.

Lấy ý kiến người dân, nhưng cần tiêu chuẩn hóa công việc

Soạn: AM 747073 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Ông Võ Văn Sen: "Cái chậm ở đây không phải do có nhiều khâu, mà do dùi dắng khi thực hiện các khâu, vừa làm vừa chơi". (Ảnh: P.C)
- Trong quy chế bãi nhiệm đối với trưởng, phó phòng sau khi thi tuyển có điều tra lấy ý kiến của người dân. Tuy nhiên, ý kiến của người dân nên có tác động đến mức nào đến chiếc ghế trưởng, phó phòng?

- Ông Võ Văn Sen: Không thể tuyệt đối hóa ý kiến đánh giá của người dân đối với cán bộ. Như thế dễ tạo sự đối phó, cốt sao cho vừa lòng dân để mị dân. Có những đề án hướng tới lợi ích cho một tương lai xa, chẳng hạn, cấm xe máy tại một số đường, có thể trước mắt sẽ không được lòng dân.

Hiện nay, ý kiến của người dân chỉ nên mang tính tham khảo. Sự đánh giá quan trọng nhất vẫn thuộc về cấp lãnh đạo đơn vị và cấp ủy Đảng.

- Tuy nhiên, sự đánh giá của cấp lãnh đạo vẫn có thể mang tính cảm tính. Như thế, người trưởng, phó phòng sau khi đã thi cạnh tranh sòng phẳng có thể lại phải lấy lòng lãnh đạo, thậm chí chạy chức, chạy quyền, trở về cái vòng luẩn quẩn?

- Ông Đặng Văn Khoa: Đúng thế. Muốn giải quyết vấn đề này, mỗi chức vụ phải gắn với mô tả công việc. Có thể bám vào đó để đánh giá cán bộ một cách rõ ràng. Ví dụ, một năm chỉ cho phép cúp điện 10 lần, không để cúp đột xuất.

Nhất thiết phải xây dựng quy trình quản lý ISO ở tất cả các lĩnh vực. Quy trình này làm mọi thứ minh bạch hơn: Phải xong bước 1 thì mới qua bước 2. Từng bước phải có quy định rõ ai làm, ai chịu trách nhiệm. Như vậy không thể có bước 2,5 và 1,5. Cần công khai hóa, minh bạch hóa.

"Chậm do vừa làm vừa chơi!"

- Là đại biểu HĐND, trước việc triển khai đề án thi tuyển chức danh trưởng, phó phòng bị xem là chậm trễ, ông có nhắn nhủ gì với lãnh đạo TP.HCM?

- Ông Võ Văn Sen: Không nên cứ ngồi bàn tán rồi suy đoán những khó khăn. Cứ thực hiện thí điểm đi, rồi rút kinh nghiệm sau.

Đề án gồm những khâu nào thì cứ thực hiện đầy đủ, không nên bỏ sót. Nhưng phải thực hiện nhanh, dứt khoát. Cái chậm ở đây không phải do có nhiều khâu, mà do dùi dắng khi thực hiện các khâu, vừa làm vừa chơi.

- Ông Đặng Văn Khoa: Tôi mong lãnh đạo TP.HCM giải trình cụ thể xem có những khó khăn gì để người dân được rõ. Từ đó người dân có thể cùng tham gia giải quyết.

- Xin cảm ơn!

  • Phạm Cường (thực hiện)

Bài 2: Làm sao giải quyết chuyện xưa nay hiếm: Bãi nhiệm?
Bài 1: TP.HCM, thi tuyển trưởng phòng nằm chờ đến bao giờ?

,
,