Câu chuyện về một bài văn “lạ” đã gây xôn xao dư luận . Rất nhiều ý kiến đã gửi về VietNamNet .Nhiều người khen tác giả bài "văn lạ" là dũng cảm ,dám nói lên một điều mà nhiều thế hệ học sinh không dám nói ,nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng cậu học sinh này nói không đúng lúc ,đúng nơi...
Nguyễn Phi Thanh, học sinh lớp 11, trường THPT Việt Đức, Hà Nội, tác giả bài văn "lạ" |
Lê Quang Vinh, Hà Nội
Tôi rất sửng sốt khi thấy có một em học sinh dám dũng cảm nói lên sự thật mà không phải bất kỳ người lớn nào có trách nhiệm cũng muốn nghe (chứ chưa nói tới việc chấp nhận ý tưởng đó)!
Văn học là một môn học rất khó và dạy Văn là một công việc còn khó hơn nữa. Vai trò của người giáo viên dạy Văn là giúp các em học sinh tiếp cận các tác phẩm văn chương, chứ không phải chỉ đơn thuần chỉ ra cái hay, cái đẹp của tác phẩm rồi áp đặt cái hay cái đẹp ấy cho học sinh.
Mỗi người có sự cảm nhận riêng khi thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật. Không ai có thể dạy cho người khác cách cảm thụ nghệ thuật vì điều đó phụ thuộc rất nhiều vào vốn sống, vốn hiểu biết thực tế của mỗi người. Tất nhiên cái hay, cái đẹp thực sự rốt cuộc sẽ đến được với người thưởng thức, dù bằng nhiều con đường khác nhau, nhưng phải trên cơ sở tự nguyện thừa nhận của họ. Đề thi học sinh giỏi cũng là một vấn đề đáng bàn. Không chỉ môn Văn mà ngay môn Ngoại ngữ cũng có vấn đề. Nhiều câu hỏi mang tính đánh đố về ngữ pháp mà chính người bản xứ cũng thấy khó! Các môn Khoa học Tự nhiên chỉ thiên về lý thuyết mà không chú ý nhiều đến phần thực hành. Điều này báo chí đã nói nhiều, đặc biệt là qua các kỳ thi Olympic quốc tế.
Cải cách giáo dục đang được tiến hành với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có cải cách chương trình dạy và học. Điều mà chúng ta muốn có là tạo ra một thế hệ học sinh khỏe về thể chất, trong sáng về đạo đức và sáng suốt về trí tuệ, "thống nhất trong đa dạng", nhưng quyết không phải là "cá mè một lứa", ai cũng như ai, thụ động, không có bản sắc riêng, Trách nhiệm này không của riêng ai!
Tôi chỉ muốn nói lên những suy nghĩ của mình... |
Đó là tâm sự của Nguyễn Phi Thanh, cô học trò lớp 11 Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) với bài thi học sinh giỏi văn “lạc đề”. |
Nguyễn Ngọc Nguyen Truong Son, Nghệ An
Tôi là người đam mê Toán và Vật lý nên không quan tâm nhiều đến văn học. Tuy nhiên qua bài viết của một học sinh trong kì thi học sinh giỏi trên tôi có một vài ý kiến. Tôi cho rằng điểm kém là chính xác vì học sinh trên "không hề thích tác phẩm này" như lời học sinh đã nói. Và đương nhiên là đã sai đề. Nhưng tôi thực sự thấy đây là ý kiến đáng trân trọng, cảm phục và là điều mà Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm. Bởi vì đây là ý kiến của một em hoc sinh bày tỏ nỗi bức xúc cần phải cải cách giáo dục. Rất tiếc là ý kiến đó lại được trình bày không đúng nơi mà thôi. Tôi mong rằng ngành giáo dục và đào tạo nước ta nên xem đây là một chính kiến và cần đưa ra một kết luận cụ thể cho chính kiến này để có thể nâng cao hiệu quả dạy và học.
Anh, Hà Nội
Tham khảo bài văn "lạ" |
Trong thực tế Ngành Giáo dục của chúng ta hiện nay còn có rất nhiều bất cập. Nhiều khi chúng ta cứ đổ lỗi cho tình hình đất nước của chúng ta nhưng thực tế có rất nhiều việc làm cho chúng ta phải suy nghĩ lại ví dụ như trường hợp bài viết của bạn học sinh trên.
Bạn học sinh đó phải nói là đáng khen vì đã dám nêu lên một thực trạng của Ngành Giáo dục Việt Nam đó là không bám sát với thực tế của xã hội, ví dụ như môn Văn học nhiều khi giáo viên dạy môn này thường chỉ hướng cho học sinh đi theo cách nghĩ, cách suy luận của mình mà không cho phép học sinh được bày tỏ quan điểm riêng, sự cảm nhận của riêng mình về bài văn hoặc tác phẩm văn học nào đó. Có thể do những học sinh ngày nay được sinh ra trong thời bình nên các em không cảm nhận hết được những cái hay của các tác phẩm, cũng như các em không phải chịu cảnh ăn đói, mặc rét như thời xưa nhưng không có nghĩa là các em không thể cảm nhận được mà là do cách giáo dục của chúng ta hiện nay. Đó chính là điều chúng ta cần phải suy nghĩ nhiều, chúng ta cần đánh giá lại phuơng pháp giáo dục của chúng ta.
Chúng ta rất cần có những học sinh dám nói lên ý kiến của mình dù em biết chắc rằng với bài văn của mình thì không thể nào đạt được điểm cao nhưng em vẫn dám làm. Đó là điều chúng ta phải khen ngợi.
Lê Trung Thắng, Hải Phòng
Thật ra vấn đề này không phải là mới, nhiều người cũng nghĩ như vậy nhưng thể hiện không phải là trong một bài thi. Theo cá nhân tôi chính kiến phải đúng nơi, đúng lúc. Nếu ai cũng bày tỏ như vậy thì cũng chưa phải là hay, tuy nhiên, cũng không vì thế mà chúng ta bỏ qua những ý kiến đó. Điều này cũng là dễ hiểu một khi vẫn tồn tại cách học cô giảng trò chép, không có tranh luận, không nêu vấn đề để thảo luận do vậy điều gì đến sẽ đến khó tránh khỏi. Học sinh thì học thụ động, thiếu tính sáng tạo. Thầy cô giáo thì bị bó buộc trong giáo trình không thể mở rộng được, lại thêm việc trau dồi cập nhật kiến thức, thông tin không thường xuyên ...Thiết nghĩ học mà không có hành, học mà không được nói lên chính kiến của mình, học mà cứ phải dập theo một khuôn mẫu nào đó chắc chắn sẽ còn nhiều bất cập, nhất là hiện nay khi mà cải cách giáo dục với một nưóc còn nghèo như nước ta mà mỗi năm phải mất nhiều tỉ đồng in sách bài tập, sách học thì thật là lãng phí , học sinh học không có tính kế thừa, bố mẹ, anh chị khó dạy được con, em vì đổi mới liên tục. Dạy Văn tức dạy Người mà Thầy, Cô giáo không có kiến thức Sư phạm, không giúp các em hiểu được cái hay, cái đẹp trong các tác phẩm ...đó là lỗi tại Thầy, Cô, gia đình và xã hội cũng phải gánh trách nhiệm một phần.
Ho ten: Thu Hien, Tuy Hòa
Noi dung: Trước hết tôi rất hoan nghênh tinh thần dũng cảm của em, em có thể chấp nhận hậu quả viết một bài văn lạc đề để thể hiện quan điểm của mình. Song, vấn đề này trong trường hợp cụ thể này tôi không tán thành. Đúng là em đã quá nông nổi. Em nghĩ em là ai? Em đã có được những gì mà em dám phê bình? Hay bản thân em không cảm thụ được bài văn? Nếu em không cảm nhận được bài văn hay thì em không nên làm bài (bỏ trống trang giấy). Nếu có làm chỉ nên viết: "Em cảm nhận bài văn này không hay", thế là đủ. Nếu muốn góp ý để nói lên quan điểm của mình thì tôi nghĩ em nên viết báo. Vì em là học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường nên cần phải biết mình là ai. Em vẫn chưa đủ khôn lớn để có quyền chê trong khi em chưa làm gì đóng góp cho xã hội này cả. Nếu phần lớn học sinh cùng đồng tình với em cho rằng việc học văn dở không phải vì mình mà vì những bài văn các em được học là không hay thì bản thân tôi rất lo cho xã hội mai sau. Không rõ chất văn các em sẽ có được những gì? Và ở đâu?
richyfam@yahoo.com
Bài viết đã phản ánh đúng thực trạng về sách và cách giáo dục của Việt Nam hiện nay. Làm văn mà lúc nào cũng chỉ có khen mà không được chê chỉ là một cách áp đặt vào lý tưởng cũng như ý chí của học sinh. Những bậc trưởng bối thường cho mình là làm gì cũng hoàn toàn đúng trong khi chính mình đã bị lạc hậu và rất chậm tiến , không cho lớp trẻ có chính kiến. Việc làm của học sinh kia rất đáng khâm phục là đã dám nói lên chính kiến của mình mà không sợ bị điểm không và bị kỷ luật của nhà trường vì đã chê tác phẩm quá lỗi thời mà vẫn đem ra giáo dục học sinh. Tôi đọc bài của học sinh này mà thầm cảm ơn vì học sinh đó đã can đảm dám nói lên những điều mà tôi không dám nói trong suốt thời gian học ở trường.
Chauanh.dang@gmail.com
Rõ ràng đây một dịp hiếm hoi để em học sinh này có thể trình bày quan điểm của mình về cách dạy môn Văn hiện nay, bởi vì em sẽ không bị trừ điểm vào thành tích học tập của mình. Tôi dám chắc là không có em nào dám viết như vậy trong bài làm văn ở lớp. Báo chí đã nói nhiều về tình trạng dạy và học văn của học sinh hiện nay, song Bộ Giáo Dục vẫn chưa có sự thay đổi nào. Dạy Văn mà buộc các em phải nhận thức được những quan điểm đã có sẵn trong giáo án, các em phải hiểu được điều này, điều kia mà chưa bao giờ các em có cơ hội trình bày mình có cảm nhận được điều gì khác không. Chính vì vậy hiện tượng copy văn mẫu trong các kỳ thi mới xảy ra. Các em đâu cần phải cảm điều gì! Chỉ cần nêu được quan điểm của thầy là có điểm tốt.
Tôi mong các nhà Giáo dục hãy thành thực nhìn lại mình đang dạy gì cho thế hệ trẻ, khi mà, một học sinh tốt nghiệp phổ thông không biết nổi những câu chữ đơn giản, không biết trình bày một lá đơn thì làm sao có thể gọi là hoàn tất chương trình phổ thông? làm sao có thể có được sự cảm thụ văn học?
Trần Nam Quốc, Hà Tĩnh
Theo tôi bạn học sinh nay đã làm cho chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều. Phải chăng bài văn tế nay không hay, hay là những người giảng và truyền đạt chưa tốt.
Tôi cũng là một người trẻ tuổi (27) nhưng tôi cho rằng bài văn tế thật sự là một tác phẩm hay và đáng được đưa vào trong chương trình chỉ có điều không nên coi nó như là chương trình bắt buộc, mà là ở dạng một bài tham khảo và dành riêng một giờ để thảo luận. Trong đó học sinh có quyền nêu lên chính kiến của mình. Nhưng không có nghĩa là chúng ta không nên biết về những tác phẩm như vậy. Chúng ta phải được học và hiểu về lịch sử và văn học của dân tộc. Ngày hôm nay là " Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc" còn ngày mai và sau này liệu Truyện Kiều của Nguyễn Du, Hịch Tướng sỹ, Đại Cáo Bình Ngô.. sẽ ra sao?
Nguyễn Thanh Liêm,T.p Hồ Chí Minh
Là một chiến sỹ Công an Nhân dân, tôi thật sự xúc động và khâm phục tinh thần dũng cảm của em học sinh đó. Bản thân tôi thật sự xấu hổ khi không làm được điều mà em đã làm trong suốt thời gian ngồi trên ghế nhà trường. Quả thật suốt thời gian đi học, môn Văn là nỗi ám ảnh đối với tôi vì thật tình tôi không có chút ham thích nào ở môn học này. Không một chút cảm xúc, làm bài tập làm văn như một cái máy, vào lớp học thuộc bài văn mẫu của cô giáo để rồi đi thi tôi chép lại y nguyên, khác chăng là thêm vài từ. Tôi làm theo như một cái máy vì một mục đích cuối cùng là áp lực điểm số và thành tích. Đã đến lúc tôi nghĩ chúng ta phải nhìn nhận nghiêm túc lại chương trình đào tạo ở nuớc ta, Văn học là Văn học, Lịch sử là Lịch sử..đừng đem những bài lịch sử khô khan để giảng dạy văn học
Lê Giang Thanh
Tôi cũng đã đi qua tuổi sinh viên được 4 năm tình cờ được đọc một bài viết của một bạn học sinh trên trang web này. Tôi gặp lại suy nghĩ của mình khi phải viết những bài văn có tính chất lịch sử. Tôi cũng đã rất khó khăn khi hoàn thành vì là dân chuyên toán. Tôi cũng cho là vô nghĩa khi phải ngồi phân tích chúng. Nhưng khi đi vào cuộc sống thì những bài văn đó, kiến thức lịch sử đó giúp tôi rất nhiều trong giao tiếp đặc biệt tại nước ngoài. Họ không hài lòng vì là người Việt Nam lại không hiểu nền văn học đặc biệt là văn học lịch sử của quốc gia mình. Ở đây các bạn học sẽ bổ trợ cho kiến thức lịch sử của mình. Tôi cũng như các bạn may mắn được sinh ra trong thời bình tôi không biết gì về chiến tranh, tôi hiểu suy nghĩ của các bạn. Tuy nhiên, theo cá nhân tôi ta nên trân trọng lịch sử, đừng quay lưng lại lịch sử. Chúng ta nên có cái nhìn sâu sắc hơn. Thẳng thắn của tuổi trẻ rất đáng được kích lệ. Các bạn hãy nghĩ rằng nhờ có điều đó các bạn mới có cuộc sống như ngày hôm nay lúc đó các bạn sẽ viết được những bài luận, phân tích tốt.
huyvult@yahoo.com
Noi dung: Thực sự khi đọc được bài văn của bạn học sinh đó, tôi thấy không có gì phải trách cả. Tôi cũng là một người không thích học văn nhưng không vì thế mà tôi không yêu thích các tác phẩm văn học, ngược lại tôi thích tìm đọc để cảm nhận cái hay theo sở thích riêng của mình mà không bị gò bó theo chương trình học trong nhà trường. Điều không nên của bạn học sinh này chỉ là nêu ý kiến không đúng chỗ. Không phải không có chỗ để trình bày chính kiến của mình mà phải trình bày vào bài thi như vậy. Bạn học sinh đó có thể trình bày chính kiến qua ở nhiều chỗ khác như trên báo vẫn thường có những bài phản ánh chương trình giáo dục hiện vẫn thu hút sự quan tâm của nhiều người.
david_marry03@yahoo.com
Tất cả những người yêu tự do về tư tưởng, suy nghĩ và cách cảm thụ văn học đều thích thú bài này dù người đưa ra chỉ là một em học sinh phổ thông. Đây quả là một lời cảnh tỉnh mạnh mẽ giáng vào hệ thống bảo thủ, ưa thành tích của ngành Giáo dục.
Nguyễn Đình Tựu, Quy Nhơn
Đôi lời tâm sự với bạn :
Mình hoàn toàn đồng ý và thông cảm với những bức xúc của bạn. Mình cũng là một học sinh cấp 3 như bạn vì vậy mình cũng có thể hiểu được áp lực điểm số trong các bài kiểm tra, các bài thi là thế nào. Thật ra mình không hề ghét môn Văn nhưng những bài giảng văn sáo rỗng trên lớp mình không muốn học, cũng không phải mình có ý chê giáo viên dạy văn nhưng những gì mình tiếp thu được trên lớp làm mình không muốn tiếp nhận văn học. Có những bài văn mà khi đọc mình chẳng hiểu nó nói gì và cũng chẳng biết cái hay của nó nhưng mỗi lần đến kỳ thi là mình è cổ ra học thuộc lòng từng chữ trong những bài văn mẫu. Áp lực điểm số không cho phép mình dám nói những cảm nhận của bản thân với cô qua bài kiểm tra. Vì vậy, khi đọc được những dòng này của bạn mình cảm thấy có người đã nói hộ nỗi lòng của mình mà lại trong một kỳ thi học sinh giỏi. Mình rất cảm ơn bạn và mình chúc bạn sẽ có cơ hội để nói ra những cảm nhận thật sự của mình về một tác phẩm văn học chứ không phải là những câu văn bê nguyên xi từ bài giảng trên lớp hoặc từ một cuốn sách đọc thêm nào đó.
Vài lời thưa với thầy cô:
Qua đây em cũng mong muốn các Thầy cô hãy cho chúng em có cơ hội để chúng em có thể tiếp nhận tác phẩm văn học theo cách riêng của mình. Thầy cô có thể hướng chúng em vào những cái hay, cái đẹp của tác phẩm đồng thời cũng đừng gạt bỏ những ý kiến của chúng em khi không thể chấp nhận ý kiến đó.
Trần Ngọc Tuyển, Đà Nẵng
Học văn không chỉ để biết cái hay về câu chữ, ý tứ mà còn qua đó để biết và tôn trọng lịch sử. Em học sinh trên cần xem xét lại bản thân, phải tu dưỡng đạo đức, phải hiểu được vấn đề thì mới phê phán được. Em học sinh hãy đọc thật nhiều. Xem phim Trung Quốc và đọc văn học Trung Quốc để thấy được ngoài giá trị văn học, thơ ca còn có giá trị lịch sử và ghi nhận lịch sử.
Phạm Thanh Hiếu, Hà Nội
Vấn đề ở đây không phải là điểm số. Tôi không hề tán thành với sự tranh cãi "nên cho em đó bao nhiêu điểm". Tôi chắc rằng khi bày tỏ chính kiến của mình em học sinh đó đã chấp nhận mình sẽ được điểm gì rồi. Thật đáng xấu hổ khi tình trạng chạy theo điểm số vẫn còn ăn sâu trong cách nghĩ của thầy cô. Nền giáo dục của chúng ta sẽ đi đến đâu nếu cứ chạy theo thành tích, điểm số?Ngành Giáo dục nên xem lại chính mình
Ngọc, Hà Tây
Đây cũng là suy nghĩ của bản thân tôi khi tôi còn là một học sinh chuyên văn nhưng tôi không đủ bản lĩnh để nói lên chính kiến của mình như bạn học sinh kia. Tôi cũng đã chạy theo thành tích nên cố công ca ngợi những tác phẩm tôi hoàn toàn không thích. Thiết nghĩ những nhà làm công tác giáo dục nên tìm hiểu nhu cầu, suy nghĩ của lớp học sinh hiện nay để có sự điều chỉnh thích hợp hơn. Hãy khuyến khích các em tìm tòi, sáng tạo chứ đừng biến các em thành những người nói dối giỏi, nói dối hay.
Phan Xuân Trung, Tp.HCM
Khi bạn là học sinh nghĩa là bạn là người đi học, học những điều bạn chưa biết. Học văn là học về cái đẹp. Trong vạn vật vạn sự, luôn luôn có nhiều mặt khác nhau, trong đó hẳn nhiên có mặt tốt đẹp của nó. Học văn là để khai thác cho được nét đẹp đó. Khai thác, khám phá cho được tối đa vẻ đẹp bên trong của sự vật là mục tiêu của việc học hành. Để làm đề tài, thầy ta có thể cho bất kỳ bài thơ, bài văn nào để ta tìm cái đẹp. Nếu ta không làm được điều đó nghĩa là ta không thành công trong việc học. Trong trường hợp này, đề tài là một bài văn tế danh tiếng đã được giảng dạy qua bao thế hệ. Chắc hẳn ta sẽ tìm được khá nhiều bài văn bình luận hay của các học sinh khác. Trường hợp của em học sinh này đã gây xáo trộn một trật tự vốn có, gây tranh cãi vô lý ở chốn học đường và xã hội.
Em dự một kỳ thi học sinh giỏi nhưng đã không thể hiện được mình ở vị trí một học sinh ở mức độ bình thường bởi lẽ em đã đi lạc từ chuyện hành văn sang chuyện xã hội. Nhiệm vụ của học sinh là học và thi cử đúng theo những gì đã học. Ngoài công việc học tập thi cử, em có quyền phát biểu chính kiến của mình về những điều em suy nghĩ. Em không thể phê phán giáo dục là chuyện xã hội trong bài thi của em là chuyện học hành. Tôi không tán thành việc hành văn lạc đề như vậy và cũng không tán thành ý kiến cho rằng vì mình không sống trong thời đại đó nên không cảm thụ được những xúc cảm của bài văn tế. Sự kiện này là một sự bốc đồng, xốc nổi, không đáng được khuếch đại.
phuong_anh283@yahoo.com
Từng là một học sinh Việt Nam tôi đã được học qua rất nhiều về văn học Việt Nam, đã từng thi rất nhiều kỳ thi với những đề văn tương tự. Quả thật học sinh chỉ được quyền khen, yêu tác phẩm... còn việc nêu lên những điểm dở, điểm yếu của tác phẩm không phải là việc của họ. Tôi nghĩ như vậy thật bất công, chèn ép tư tưởng sáng tạo của những người học văn như tôi. Thành thật mà nói, tôi yêu văn học Việt Nam, nó thật hay và sâu sắc. Nhưng không phải vì thế mà lúc nào chúng tôi cũng phải khen vì cảm nhận của mỗi người trước một tác phẩm văn học thuộc về phạm trù tinh thần và do đó nó khác biệt nhau. Tôi rất hoan nghênh ý kiến của em học sinh trên. Và tôi cũng thật sự rất vui vì thế hệ học sinh mới đã bắt đầu lên tiếng, có những chính kiến của riêng mình. Điều đó thể hiện sự sáng tạo và mạnh mẽ trong tranh luận. Theo tôi thấy Thầy cô nên khuyến khích, động viên học sinh mạnh dạn bày tỏ sự cảm thụ văn học một cách tự nhiên mà vẫn tôn trọng giáo viên. Như thế, chính là Thầy cô đang thổi một luồng gió mới vào việc giảng văn trong nhà trường.
tuanvmt5@yahoo.com
Tôi chưa được đọc bài thi của em học sinh này, tuy nhiên qua nội dung của bài viết này, tôi thấy em là một người dũng cảm và có chính kiến. Mặc dù trong suy nghĩ và nhận thức của em còn có nhiều phiến diện nhưng theo tôi những suy nghĩ đó không hoàn toàn lỗi tại em. Điều quan trong nhất là những thầy cô dạy em không truyền đạt được cho em những cái nhìn toàn diện. Chúng ta cần lại nhìn nền giáo dục của chúng ta trong những năm qua. Giáo dục của chúng ta đang tụt lùi một cách toàn diện, mặc dù đã trải qua rất nhiều cái gọi là cải cách.
Trong suốt những năm vừa qua và cả bây giờ ngành Giáo dục đang mắc căn bệnh thành tích trầm trọng. Điều cốt yếu của giáo dục là dạy con người cách sống, cách làm người, dạy cho học sinh biết thế nào là cái đẹp, cái đúng, biết cảm nhận cái hay, cái đẹp trong văn học, nghệ thuật, các kiến thức cần thiết trong cuộc sống và đối xử xã hội.
Lâu nay cách dạy ở các cấp học là thầy đọc, trò chép, nhồi nhét càng nhiều càng tốt, chúng ta bắt học sinh phải đi theo những lối mòn sáo rỗng trong các cuốn sách tham khảo mà không cho học sinh phát huy được khả năng độc lập sáng tạo. Như thế vô hình trung nền giáo dục đã làm hỏng các thế hệ học sinh, biến các em thành những con người thụ động, những con rôbôt chỉ biết sao chép lại của người khác.
Trần Nguyễn Hoàng, Tp.Hồ Chí Minh
Em rất đồng tình với ý kiến của học sinh này vì đó là những lời nói thật, những ý kiến sát thực về chương trình dạy hiện nay của Bộ Giáo dục đề ra. Chúng em, những học sinh, sinh viên đều mong muốn được bày tỏ những ý kiến của mình đối với việc dạy và học hiện nay, góp phần cải thiện nền giáo dục Việt Nam.
votes@yahoo.com
Nói chung đây là một học sinh kém. Năng lực cảm thụ của học sinh này thực sự tồi và không có khả năng đặt mình vào địa vị người khác. Để hiểu được lịch sử (hay nói chung là hiểu một vấn đề nào đó), có người đã phải nghiên cứu hàng trăm ngàn tài liệu đặt mình vào hoàn cảnh lịch sử (hay vào hoàn cảnh của vấn đề cần nghiên cứu). Nếu em này không cảm thụ được thì đương nhiên bị điểm kém trong kỳ thi đó là đúng (làm sai yêu cầu của đề bài). Muốn bày tỏ quan điểm, có thể làm nhiều cách khác.
Phong Trần, Hà Nội
Là một học sinh đang du học và đã từng học ở Việt Nam, tôi cũng có cùng quan điểm với người học sinh viết bài trên. Phải công nhận rằng rất rất nhiều tác phẩm trong chương trình sách giáo khoa là hay, nhưng nó có dễ cảm thụ? Tệ hơn nữa là học sinh phải viết những thứ mà mình không hề hiểu, không hề thích, tất cả chỉ vì điểm số. Đúng là chỉ có kì thi học sinh giỏi học sinh mới dám viết những điều đó, vì nếu viết trong bài kiểm tra thường thì ai đọc, mà còn có khi bị mắng vì viết vớ vẩn... Học sinh chỉ được nhìn tác phẩm qua lăng kính của thầy cô, mà không được có chính kiến của mình. Chính cách dạy này đang giết chết những tiêu chuẩn cần thiết trong thời đại ngày nay: tính tư duy và sáng tạo. Nhiều thế hệ học sinh đã học qua Kiều đều viết Kiều là một con người đáng thương, đẹp đẽ, Từ Hải là một bậc anh hùng, Hồ Tôn Hiến là kẻ xảo trá, lưu manh...nhưng nhìn từ một khía cạnh khác xem Từ Hải là kẻ hữu dũng vô mưu, thua chỉ vì nghe lời vợ, Hồ Tôn Hiến là một bậc kì tài, không dùng được sức lực thì phải dùng kế... Barem chấm văn ở Việt Nam được xây dựng kĩ lưỡng, từng này ý mới cho từng này điểm, trong khi barem chấm điểm văn ở nước ngoài cho rất lỏng, thường là chấp nhận tất cả các ý kiến, miễn là có lý và thuyết phục.
dua_con_than_zot@yahoo.com
Mình thật sự thấy khâm phục bạn vì bạn đã nói lên điều mà lâu nay đã nhiều học sinh không dám nói, hay chăng chỉ là nói với nhau mà thôi. Đúng như những gì bạn đã viết trong bài văn của mình, khi chúng ta không có cảm xúc thì làm sao chúng ta có thể viết nên những dòng văn hay hoặc những cảm xúc thật từ tâm trạng của mình, chỉ khi chính bản thân chúng ta cảm nhận được và hiểu được thì ta mới thấy nó hay nó đẹp ở đâu. Cũng như tác giả khi họ sống trong hoàn cảnh thực thì họ mới có cảm hứng sáng tác cho tác phẩm của mình mà thôi. Thế nhưng trong suốt những năm qua chúng ta luôn phải cảm nhận vẻ đẹp cũng như những ai oán hoặc bi tráng trong tác phẩm văn thơ mà bản thân chúng ta không hiểu nó thế nào và cũng không thích nó. Bài văn chúng ta viết liệu chỉ dựa trên cảm nhận mà thầy cô hướng dẫn và cho chúng ta những cái đã có sẵn, ta chỉ việc viết vào mà thôi?
Lê Tân, Hà Nội
Một năm trước đây, tôi có tham dự buổi bảo vệ khoá luận tốt nghiệp do khoa Báo chí, Đại học KHXH&NV Hà Nội tổ chức. Trong buổi bảo vệ này, có một sinh viên đã thiết kế luận văn của mình theo lối tổ chức thông tin bằng nhiều cửa. Cách thức này chưa bao giờ được áp dụng cho các khoá luận tốt nghiệp và được coi là không đúng quy chuẩn trình bày của Bộ GD&ĐT Việt Nam. Tuy nhiên, thay vì phê bình, vị Giáo sư phản biện đã đánh giá cao cách thức mới này. Ông nói: "Có thể cách mới này chưa phải là hoàn hảo nhưng chúng ta phải tôn trọng những người biết nghĩ khác với mọi người". Quay trở lại trường hợp một bài văn lạ gây xôn xao của một em học sinh ở Hà Nội, tôi thấy chúng ta cần phải tôn trọng ý kiến cá nhân của em. Lâu nay, chúng ta vẫn dạy văn chương theo kiểu "áp bức" khả năng cảm thụ của học trò. Không thể tiếp tục duy trì kiểu đào tạo này được. Đã là cảm thụ thì mỗi người phải có một cảm xúc khác nhau, không thể đánh đồng ai cũng như ai vì mỗi người sinh ra trong một hoàn cảnh riêng biệt và có năng lực không giống nhau. Có thể "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" là hay với tôi, với bạn nhưng không phải là hay với cả thế giới. Trong một giờ học văn, hãy để cho học sinh nói tất cả những suy nghĩ và cảm thụ của mình. Vấn đề là phải kích thích để học sinh đưa ra lập luận chứng minh cho cách suy nghĩ và cảm thụ riêng biệt đó. Nếu tôi là người chấm bài văn trên, tôi sẽ chấm điểm 20/20 cho khả năng tư duy, sáng tạo. Học văn hay học bất kỳ môn học nào khác, không thể cứ mãi dẫm lên mảnh vườn mà người ta đã đào xới.
Đinh Đình Văn, Hải Phòng
Tôi thiết nghĩ việc em học sinh này nhìn nhận một bài văn tế nổi tiếng ca ngợi khi phách anh hùng của một dân tộc. Dân tộc đó đã sản sinh ra cả một thế hệ các em sau này. Truyền thống gia đình các em cũng được ông bà, cha mẹ các em và đến bản thân các em gìn giữ. Vậy tại sao các em không biết đến truyền thống anh hùng dân tộc của đất nước, của những con người coi cái chết tựa lông hồng, lấy máu nóng rửa sạch vết nhơ nô lệ. Các em có những quan điểm mới về lịch sử? Sai lầm, tất cả các quốc gia, các dân tộc, các giáo phái trên thế giới này đều phải xây nhà bảo tàng lịch sử, xây dựng tượng đài lịch sử.... và “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” là một bản anh hùng ca các em không thể quên. Còn về sự khô cứng, nhàm chán một phần do chính bản thân học sinh và một phần do bài giảng quá thụ động, ngay bản thân người giảng cũng mơ hồ. Tôi thiết nghĩ nên có biện pháp giáo dục và không nên khuyến khích kiếu suy nghĩ này không đến một lúc nào đó các em vô cảm trước tuyên ngôn độc lập hay thờ ơ với cả truyền thống lịch sử dân tộc.
vohieuminh@yahoo.com
Em ấy đã nói đúng (mặc dù không hẳn là đúng lúc). Chúng ta có thể làm một cuộc điều tra xem có bao nhiêu trong số em học sinh đang học "vẹt" các bài văn mẫu kia thực sự có cảm xúc và có suy nghĩ về các bài thơ, truyện ngắn cũng như những gì các em đang phải học thuộc. Bây giờ, hình như các em đang phải học "thuộc lòng văn" thay vì "tập làm văn". Chuyện này làm tôi nhớ đến một kỷ niệm. Ngày xưa khi làm bài kiểm tra phân tích hình ảnh của Thúy Kiều trong tác phẩm cùng tên của Nguyễn Du, tôi đã cho ý kiến hoàn toàn là của mình (dĩ nhiên là sẽ ngược lại ý kiến chủ đạo của đề cương, sách giáo khoa), nhưng may mắn cho tôi là tôi đã gặp được một cô giáo thực sự tôn trọng ý kiến của tôi...và tôi được điểm 8/10 thay vì điểm 0. Điều này làm tôi càng thêm yêu thích môn Văn hơn (mặc dù tôi học trường Chuyên, lớp chuyên Toán). Chúng ta cần phải thay đổi cách dạy và học, nếu không, chúng ta có lỗi với thế hệ con em chúng ta.
tonhigl@yahoo.com
Tôi thật sự bất ngờ trước "bài văn" của em học sinh này. Tôi có một số điểm không đồng tình với em, chẳng hạn như em khẳng định bài "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" là không hay, tôi cho rằng em khá phiến diện. Bản thân tôi công nhận giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật của bài văn tế, nên trước hết em cần hiểu đựơc giá trị của nó. Nhưng tôi rất đồng tình khi em nêu lên chính kiến của mình như thế.
Bản thân tôi thấy bài văn tế là có giá trị nhưng tôi không nhận ra được vẻ đẹp của nó, không thấy cái hay của nó, thì làm thế nào tôi phân tích được. Các thầy cô giáo nên xem xét lại làm thế nào để truyền cảm hứng đến cho học sinh, nếu như ta thấy hay, đẹp, ta phải làm sao cho học sinh cũng cảm nhận được điều đó. Còn những tác phẩm chỉ có giá trị lịch sử mà không hay, khó phân tích thì nên đưa ra khỏi chương trình.
totochana@yahoo.com
Tôi tiếc là thế hệ mình đã không làm được như thế. Nếu không có những bài văn như thế này thì nền giáo dục của chúng ta còn tiếp tục bị ru ngủ bởi những đống thành tích và hậu quả là nước nhà tiếp tục thụt lùi. Thế giới đã đi đến đâu mà chúng ta còn tiếp tục nhồi vào đầu con trẻ mớ kiến thức bất hợp lý như vậy. Cách học và dạy văn nói riêng cũng như cách học và dạy các môn nói chung của Bộ Giáo dục là tước đi quyền tự do của con người là được học và tự trau dồi những kiến thức cần có cho cuộc sống.
Chúng ta vẫn cần có những môn học bắt buộc như: Sử, Toán, Văn. Chúng ta cần môn Sử vì chúng cần phải biết được mình là ai? từ đâu tới? Chúng ta cần môn Toán vì cuộc sống có quy luật, có nhận thức về Toán học để phát triển tư duy. Chúng ta cần môn Văn để hiểu được thời đại và những con người, những dân tộc khác cũng như dân tộc mình đã sống và suy nghĩ thế nào qua từng thời kỳ lịch sử. Nhưng cách tiếp nhận nó, cảm nhận nó thì là tự do cá nhân. Làm sao có thể bắt tôi nghĩ giống bạn được. Cách ép học sinh vào những bài văn khuôn mẫu là trà đạp lên tính sáng tạo, tính đa dạng của cuộc sống, ngăn cản sự cạnh tranh và phát triển đến vươn đến cái tốt hơn, đẹp hơn, đúng hơn.
Chính các nhà giáo dục đã nhận thức được rằng chương trình giáo dục của chúng ta có tới 30% là không cần thiết, còn tôi thì cho rằng có tới 70-80% là vô tác dụng. Vậy thì chúng ta còn chờ gì nữa mà không thay đổi đi? Nếu không thì tụt hậu là điều không thể tránh khỏi. Hãy xem thế giới làm gì? Hãy nhìn lại mình và tự cải cách, cải cách và cải cách thật lực mới mong tiến kịp.
Mai Gia Hà, Hà Nội
Khi tôi học ở phổ thông tôi cũng có những ý nghĩ như em học sinh này. Quả thực thì cách ra đề của phần lớn giao viên là bắt học sinh phải đưa ra cùng một chính kiến. Văn tế là một bài văn cho thấy sự xót thương. Vậy cái vẻ đẹp của loại văn này là gì? Bài văn tế cho ta thấy một phần của lịch sử. Nếu như nói rằng tôi không thích bài văn này thì em học sinh đó quả là tầm thường. Còn nếu bắt buộc em học sinh đó phải nói bằng được đó là "một áng thơ văn bất hủ" thì em học sinh này có lý. Đã đến lúc các nhà làm giáo dục phải nhìn nhận vào thực trạng thực của vấn đề này. Chúng ta có thể có nhiều cách tiếp cận lịch sử hơn là phải bắt học sinh khen những bài văn tế đại loại như thế này.
ngdo59@yahoo.com
Tôi là nhà thơ và cũng từng là thầy giáo dạy văn cấp 3. Điều mà em học sinh trên nói là điều mà tôi từng dạy cho các học sinh của tôi khi tôi còn đứng trên bục giảng: hãy trả lời câu hỏi : tác phẩm đó có hay không, có và không với chính kiến của chính bản thân mình. Thế mà, than ôi, mấy chục năm sau mới có một thí sinh nói được điều tôi mong muốn.Hãy vì cuộc sống mà cho phép đời sống thực lên tiếng! Hãy đào tạo học sinh thành những "con người" chứ đừng đào tạo những cái máy sao chép ý kiến của người khác.Một lần nữa cảm ơn em, có thể em sẽ trượt kỳ thi này nhưng những người như em mới có khả năng quyết định tương lai tươi sáng của Việt Nam.
Đỗ Thị Loan, Hà Nội
Sau khi đọc xong bài văn hay nói chính xác là bài viết của em tôi vô cùng ngạc nhiên và khâm phục. Vì một hành động mà cả thế hệ chúng tôi -những người cách các em vài tuổi – đã không một ai dám làm. Mặc dù tôi dám khẳng định rằng 100% chúng ta không ai thích bài văn tế đó và cả những bài văn khô khan khác. Như em học sinh đó nói chúng ta không bao giờ quay lưng lại với lịch sử nhưng có nhất thiết bắt buộc, những đứa trẻ sống trong một thế giới hoàn toàn khác với thế giới ngày xưa, phải ôm ấp mãi về thế giới đó.
Chúng ta sống vì hiện tại, tương lai và tri ân những gì mà cha ông đã để lại chứ không phải ngày qua ngày chỉ biết tiếc thương quá khứ. Tôi thấy cần phải có những hành động thiết thực hơn để thúc đẩy mạnh mẽ sự sáng tạo của các em học sinh, giúp các em được sống và làm việc theo khả năng và tình cảm của mình. Đừng để giáo dục nước nhà mãi chỉ được biết đến trong vòng ba nước Đông Dương, đó mới chính là điều làm chúng ta tủi hổ với tổ tiên -những người đã hy sinh cả đời mình cho Tổ quốc, cho cuộc sống hôm nay.
vdtvnam@yahoo.com
Những bức xúc trong việc dạy và học của học sinh hiện nay đã được nói đến rất nhiều trên các trang báo, cũng như các phương tiện thông tin đại chúng khác. Theo tôi, mặc dù là lạc đề văn nhưng em đã nói lên đúng những gì mà học sinh bây giờ muốn nói. Ngày xưa, khi được học văn, toàn bộ những bài văn được học thì khi phân tích, bình giảng đều bị các thầy cô giáo bắt học sinh phân tích cái hay cái đẹp của bài văn mà không bao giờ cho phép học sinh nói lên những cảm nghĩ thực của mình. Cứ như vậy, lâu dần các lớp học sinh đều quen với việc phải chỉ ra được những cái hay thôi.Chính điều đó tạo nên cách suy nghĩ theo lối mòn.Không thể tạo nên những cách suy nghĩ mới, nhưng cái nhìn mới về văn học. Bên cạnh đó, hiện nay có rất rất nhiều sách văn tham khảo. Điều đó cũng làm cho các em học sinh có những SUY NGHĨ – cách NGHĨ giống với sách - mà không hề có những nghĩ mới.
Các thầy cô giáo, những người mang sự nghiệp cao cả: SỰ NGHIỆP TRỒNG NGƯỜI, hãy thay đổi trong cách dạy cũng như truyền đạt kiến thức cho các em về môn văn.
Katie, Australia
Về ý tưởng, bạn trẻ này đã có một quyết định dũng cảm để nói lên suy nghĩ của mình. Tuy nhiên, tiếc rằng bạn đã nói không đúng cách và không đúng lúc. Lời phê của giám khảo rất chính xác. Tôi chỉ muốn nhắc các bạn trẻ một điều, ở đời, không phải chỉ cần biết những điều mình thích. Văn chính là lịch sử, là con người. Các bạn không thể không đến với lịch sử mà không biết đến các tác phẩm phản ánh hiện thực, tâm tư của con người thời đại đó. Nếu ngành giáo dục có lỗi thì đó là lỗi đã không cho các bạn tiếp xúc một cách sinh động, cởi mở hơn, đã chưa dạy hay các tác phẩm đó. Nhưng, những tác phẩm như vậy luôn cần có mặt trong sách giáo khoa văn học, bạn à.
Giới trẻ phương Tây không chỉ phải học và phân tích một trích đoạn như bạn, họ cũng phải đọc và học toàn bộ tác phẩm dày hàng trăm, hàng nghìn trang như Hamlet, tiểu thuyết của Hemmingway... để hiểu về con người, thời đại. Không có gì hiện thực hơn tiếp xúc với những con người đã sống qua lịch sử băng các tác phẩm của họ. Thế hệ trẻ không thể chỉ tiếp xúc với các tác phẩm đương đại đâu bạn à. Và một điều nhắn nhủ nhỏ, bên cạnh việc đòi hỏi người khác lắng nghe mình, các bạn trẻ cũng cần lắng nghe và thử đặt mình vào vị trí người khác để cảm nhận tình cảm, suy nghĩ của họ, trong hoàn cảnh, thời đại bấy giờ nhé. Bạn thử tìm hiểu những gì ngành giáo dục muốn gửi gắm thông qua tác phẩm, thử nghĩ về các thầy cô giáo đang đọc bài của bạn xem.
Lê Thị Hợi, ĐH QGHN
Em đó đã nói ra điều mà các học sinh khác đã muốn nói từ rất lâu rồi. Tôi muốn nói rộng ra một chút về cách dạy học ở các trường học hiện nay. Chúng ta luôn bức xúc, tìm hiểu nguyên nhân của việc học sinh Việt Nam kém năng động và thiếu kiến thức thực tế, rồi là không sáng tạo, rồi là học vì điểm...Vậy tại sao chúng ta không nói thẳng ra nguyên nhân dù có phải động chạm đến người này hay người kia? Đừng giết chết sự sáng tạo của tuổi trẻ bằng sự rập khuôn và cách dạy học sáo rỗng cũ, đặc biệt là với học sinh. 12 năm học điều mà họ cần là được khuyến khích và nuôi dưỡng tính sáng tạo, luyện tập về thể chất chứ không phải là sự tuân thủ vô nghĩa và bảng điểm cho sự tuân thủ đó. Tất nhiên điểm cao không phải là xấu, nhưng nó chỉ có nghĩa khi có một cách nhìn mới, một cách đánh giá mới với học sinh, hãy nhìn những mặt tích cực của học sinh để cho điểm, hãy làm theo đúng nghĩa từ "giáo dục" mà những nhà giáo dục học đã định nghĩa - điều này tôi tin chắc các thầy cô của chúng ta đã phải "học và thi" ở trường đại học!
Lê Phương Anh, Hà Nội
Chúng tôi hoàn toàn tán thành bài văn của em học sinh đó.Thực trạng này nên đề cập đến từ rất lâu. Và không chỉ tồn tại trong môn văn mà thôi, đây là thực trạng của cả nền giáo dục nước nhà. Chúng tôi khẩn thiết đề nghị những người có trách nhiệm hãy dám vì tương lai con em chúng ta, vì tương lai của đất nước xem đây như là phát pháo hiệu mở đầu cho một cuộc cải cách sâu rộng, triệt để cho sự nghiệp giáo dục ở Việt Nam!
Phạm Kinh Kha, Hà Nội
Tôi nghĩ rằng đây là một học sinh có chính kiến rõ ràng và rất dũng cảm nói lên những suy nghĩ của mình. Trong việc này chúng ta cần phải nhìn nhận lại cách giảng dạy của chúng ta ở nhà trường bởi cách giảng dạy, cách thi đã theo lối mòn và không có gì kích thích sự sáng tạo và lòng dũng cảm của học sinh. Văn chương là của từng người, cái hay cái dở cũng ở từng người. Tại sao chúng ta lại bắt các em học sinh bây giờ phải học những tác phẩm khó hiểu mà có lẽ chỉ nên dành cho nhà nghiên cứu?!
tuhang19@yahoo.com
Em rất đồng tình với ý kiến của thầy Hà Bình Trị về bài văn "lạc đề". Nhìn chung cách học văn ở Việt Nam vẫn còn mang nặng tính hình thức, một chiều. Do vậy, học sinh không có điều kiện để phát huy khả năng sáng tạo. Sự sáng tạo có chăng cũng bị gò ép trong một khuôn khổ nhất định. Bên cạnh đó, các thầy cô giáo thường hướng học sinh đi theo một lối mòn trong suy nghĩ, điều đó không những làm hạn chế khả năng tư duy và sáng tạo mà còn hạn chế học sinh không dám nghĩ theo hướng khác và bảo vệ quan điểm của mình.
Khi em là thành viên của đội tuyển văn, em cảm thấy niềm yêu thích văn học của em tỉ lệ nghịch với thời gian ôn luyện trong đội tuyển. Nguyên nhân là do cách dạy học và học nhồi nhét, tư duy một chiều, dập khuôn. Các thầy cô giáo dạy trong đội tuyển đều là những người trong nghề lâu năm, có tâm huyết với học sinh và đã từng có nhiều học sinh đoạt giải Quốc gia. Nhưng có lẽ để các thầy cô thay đổi cách dạy trong một sớm một chiều là điều không đơn giản.
Nên chăng Bộ Giáo dục nên đưa vào chương trình dạy của trường ĐH Sư phạm những phương pháp giảng dạy nhằm phát huy tư duy sáng tạo cho sinh viên để sinh viên, các thầy cô giáo tương lai, khi ra trường có thể áp dụng trở lại phương pháp ấy vào lớp học.
secret2000vn@yahoo.com
Quả thật, để đọc, để hiểu một tác phẩm văn học không chỉ đơn thuần là việc ngồi đó nhìn, xem, đọc mà chúng ta cần tìm hiểu xem tác phẩm được ra đời trong hoàn cảnh như thế nào? cảm xúc, tâm trạng của tác giả ra sao? để từ đó chúng ta mới có cái nhìn sâu sắc hơn về tác phẩm, cái nhìn toàn diện về bối cảnh lịch sử vào thời điểm đó và chúng ta mới có thể viết nên cảm xúc của mình vế tác phẩm đó.Tất nhiên chỉ là trong sự hình dung, tưởng tượng mà thôi vì hiện tại giờ đây chúng ta không phải là thế, đó chỉ là những hình ảnh tái hiện một quá khứ hào hùng của dân tộc mà thôi. Có lẽ chính vì điều này mà bạn học sinh ấy không thích tác phẩm này, không muốn viết nên những bài văn nghị luận không thật với chính cảm xúc của bạn ấy. Có thể bài văn của bạn ấy được giáo viên chấm điểm 3/15 với lí do lạc đề, nhưng lối suy nghĩ, hành động thể hiện của bạn ấy rất đáng được những người trong cuộc phải xem xét và ngẫm nghĩ.
Nguyễn Như Quỳnh, Châu Long
Với bài văn ‘‘lạ’’ gây xôn xao làng giáo dục tôi cảm thấy được chia sẻ với học trò đó mặc dù cách đây gần 10 năm tôi cũng là một học sinh phổ thông rất yêu thích môn văn. Ở mỗi bài viết tôi cũng hay nêu ra ý kiến của mình nhưng ở một cuộc thi học sinh giỏi em đó viết được như thế thật là tuyệt, nó vượt lên trên những yêu cầu của đề thi. Có thể em đã không đạt được kết quả cao nhưng tôi tin rằng tất cả mọi người đều biết nhận thức của em ấy đáng trân trọng biết bao. Văn học là cảm nhận của mỗi người. Vậy thì tại sao chúng ta cứ bắt buộc học sinh của mình, những mầm non nói lên những điều không có thật trong suy nghĩ của các em. Chúng ta làm việc và sống theo pháp luật chứ không cảm nhận, rung động theo các nguyên tắc. Tôi muốn nói đến sự trung thực và lòng dũng cảm bởi đó là nền tảng nhân cách, đạo đức để làm nên những điều kỳ diệu của cuộc sống. Tôi thật sự được chia sẻ bởi người học trò đó đã đem đến cho chúng ta những suy tư về cuộc sống, giáo dục hiện nay.
Q.nguyen4@pgrad.unimelb.edu.au
Tôi nghĩ bạn học sinh đó đã dũng cảm đã chỉ ra một vấn đề lớn của cả dân tộc. Ở Úc, tranh luận là một kỹ năng cơ bản của mọi công dân. Sinh viên từ cấp trung học đã được dạy kỹ năng tranh luận dựa trên mô hình Socrat, qua đó sinh viên học các đánh giá một vấn đề độc lập, đưa ra quan điểm của mình, bảo vệ quan điểm của mình. Triết lý của Socrat là thông qua tranh luận, sẽ đi đến gần hơn kết quả đúng. Thông qua tranh luận, các quyết định sẽ bớt sai lầm, xã hội sẽ phát triển.Ở Việt Nam cách dạy và học từ thời nhà nước phong kiến dùng các kỳ thi để tuyển quan lại bằng cách học thuộc lòng các áng văn Khổng tử, phần nhiều muợn từ Trung quốc. Hiện giờ chúng ta vẫn chưa thay đổi mấy.
do_anh_xo@yahoo.com
Tôi nhất trí với ý kiến của thầy Hà Bình Trị trong lời phê đính kèm. Theo tôi:
1. Các nhà giáo dục cần có cách nhìn mới đối với học sinh ngày nay, họ không thể giống các thế hệ thầy cô giáo về nếp nghĩ, cách làm. Trước đây, sự khác biệt chưa sâu sắc do tốc độ phát triển của xã hội cũng như từng cá nhân chưa nhanh nhưng hiện giờ tốc độ đó là rẩt lớn. Nếu không tự đổi mới thì thầy cô sẽ trở nên lạc hậu so với học sinh và trường hợp như trên sẽ không là cá biệt.
2. Số học sinh dám bày tỏ thái độ như em học sinh trong bài viết kia là hiếm. Thậm chí đội ngũ giáo viên hiện tại cũng có nhiều ý kiến khá táo bạo về nền giáo dục của chúng ta hiện nay song họ có thể vì một lý do nào đó mà chưa có điều kiện bộc bạch trước công luận. Qua đây, tôi muốn các cơ quan hữu trách tạo nhiều cơ hội cho họ phát biểu quan điểm của mình từ những vấn đề nhỏ nhất đến những vấn đề mang tính quốc gia, chắc chắn nền giáo dục của chúng ta sẽ tiến bộ nhanh hơn.
Nguyễn Thuỳ Dung, Hà Nội
Sau khi đọc bài báo này tôi hoàn toàn đồng ý và hoan nghênh về việc Báo Vietnam Net đã viết bài này để độc giả của báo có thể tham gia bình luận và bày tỏ ý kiến của cá nhân về vấn đề giáo dục và chương trình giáo dục ở Việt Nam hiện nay.
Là một phụ nữ trẻ chưa lập gia đình nhưng tôi thực sự quan tâm tới giáo dục Tiểu học và Trung học Cơ sở tại Việt Nam. Tôi nhận thấy ý kiến của em học sinh trong bài viết trên rất chân thực, một chính kiến thực tế, một suy nghĩ có thể thấy ở hầu hết các em học sinh đang tham gia vào hệ thống giáo dục ngày nay. Những đối tượng đang buộc phải theo học các chương trình mà mình không có quyền được lựa chọn. Điều này buộc các nhà quản lý giáo dục phải nhìn nhận và trân trọng mong muốn trong việc học tập của học sinh- những đối tượng của giáo dục hơn nữa.
Nguyễn Trang Kiều Diễm, Cần Thơ
Bài viết này đã làm tôi nhớ lại thời học sinh. Khi đó để viết một bài văn, tôi luôn phải ép mình viết theo những cái hay, cái đẹp mà tôi đã được thầy cô dạy. Tôi nghĩ, đây không phải là lỗi của thầy cô đã không truyền đạt được cái hồn của tác phẩm cho học sinh, mà đơn giản, như bạn học sinh đó nói, những bài văn này không phù hợp với chúng tôi. Tại sao không cho chúng tôi học những bài văn, bài thơ hay trong thời kỳ hiện đại này. Hay là như người ta vẫn nói, người làm nghệ thuật thì sẽ chỉ được người đọc thực sự biết đến khi họ không còn ở trên đời này nữa.
Đây chỉ là ý kiến cá nhân của tôi, nhưng tôi tin rằng, phần lớn các bạn hoc sinh đều có mong muốn được học những gì phù hợp với tư tưởng, quan điểm của một xã hội mới. Còn những gì trong quá khứ, hãy dạy cho chúng tôi biết giá trị của nó bằng chính những cố gắng của những con người trong thời đại này, để làm sao phát huy được những cái mà cha ông chúng ta đã để lại, cụ thể là làm cho đất nước phát triển hơn nữa, và giữ được vẻ đẹp riêng của con người Việt Nam, chứ không phải chỉ là nhìn về quá khứ và ca ngợi quá khứ trong khi chúng ta lại không thực sự quan tâm đến hiện tại. Một đất nước, hay bất cứ một người nào, khi bước đi mà không nhìn về phía trước thì chắc chắn sẽ bị bỏ lại đằng sau. Chúng ta chỉ nên nhìn lại đằng sau để biết rằng chúng ta đã làm được gì, và để cố gắng làm thật tốt, xứng đáng với những cố gắng của người đi trước.
hanhpn@mk.com.vn
Em là một học sinh có chính kiến và dám nói. Một hiện tượng rất hiếm hoi trong số những học sinh sáo rỗng, trì trệ - sản phẩm của nền giáo dục rập khuôn, cứng nhắc, tiêu diệt sự sáng tạo. Trước đây tôi cũng là một học sinh giỏi văn, với điểm số luôn nhất nhì lớp. Tuy nhiên, điểm số cao như vậy không phải vì tôi đọc nhiều, có nhiều ý kiến, lý luận sáng tạo, sắc sảo mà bởi vì tôi chịu khó đi học thêm, chịu khó đọc thuộc lòng sách giáo khoa, vở ghi văn có những lời cô giáo giảng. Sau đó trong những bài kiểm tra chỉ cần ghi lại những ý kiến "không bao giờ sai" đó là an toàn. Điều này tạo cho tôi và các học sinh khác nói chung thói quen rập khuôn, không hề sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm. Và hậu quả sau này rất tai hại: các kỹ năng giao tiếp, lý luận, thuyết phục đều rất kém. Học sinh của chúng ta thường được dạy chỉ có một chân lý đúng - chân lý sách giáo khoa, mà không được khuyến khích cách tư duy sáng tạo.
Đào Đại Dương, Tuyên Quang
Tôi đánh giá rất cao về bài văn này. Đây là lời cảnh tỉnh cho những nhà giáo dục Việt Nam. Cần phải thay đổi nền giáo dục chạy theo thành tích, điểm số hiện nay bằng một nền giáo dục tiên tiến hơn, có vậy nước ta mới có thể sánh vai cùng với cường quốc năm châu
Nguyễn Hoàng Minh, Hà Nội
Trước hết, chúng ta phải hoan nghênh em học sinh đó đã dám nói thẳng, nói thật những gì mình thích và không thích trong một kỳ thi học sinh giỏi không chuyên.Có lẽ ai là công dân Việt Nam đều biết rõ hoặc chút ít (những người biết chút ít là những người không quan tâm đến môn Văn học) về tác phẩm "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc". Đây là một tác phẩm đã sống và phản ánh một thời kỳ lịch sử Việt Nam cũng như Văn học Việt Nam. Vì chúng ta muốn học sinh hiểu được lịch sử của Đất nước thông qua các tác phẩm văn chương mang tính lịch sử nên việc đưa các tác phẩm đó vào trong việc giảng dạy từ khi các em còn đang ngồi trên ghế nhà trường là hoàn toàn đúng, song chúng ta cũng cần phân tích để các em nhìn được những phần ưu điểm, khuyết điểm của một tác phẩm chứ không nên ép buộc các em phải "yêu" tác phẩm khi mà chính các em không được sống vào đúng thời điểm đó. Suy nghĩ mà em học sinh đưa ra là xác đáng và chúng ta cần phải hoan nghênh để các em mạnh dạn bày tỏ những ý nghĩ, nhận xét của mình nhiều hơn nữa.
Phạm Quỳnh Trang, Hà Nội
Từng là một học sinh giỏi các môn xã hội trong đó có môn Văn, nên tôi đã trải qua quá trình học và chấm điểm trong trường phổ thông, tôi rất ủng hộ những quan điểm của bạn. Là một học sinh đang thời kỳ đi học chúng tôi cũng có quyền hiểu và tư duy theo phương thức nhiều chiều, chứ không nhất thiết theo một chiều được nhắc đi nhắc lại, nó tạo ra thói quen luôn nghĩ một chiều, còn các chiều khác thì nghi ngờ không biết như thế có đúng không? Cái chúng tôi cần là được thảo luận và đưa ra tất cả những cảm nhận của chính mình về một tác phẩm sau đó thầy cô sẽ tập trung và khái quát lại cũng như bổ sung thêm các khía cạnh còn thiếu.Làm được như vậy giáo dục Việt Nam sẽ tiến bộ vượt bậc.
Nguyễn Vĩnh Lộc, Australia
Trước tiên tôi xin ngả mũ kính phục em, một người tôi chưa hề quen biết vì em đã rất dũng cảm nói lên cái điều mà học sinh biết, thầy cô biết thậm trí mọi người đều biết mà chẳng ai dám nói công khai.
Tôi hoàn toàn đồng ý với em rằng thế hệ em, thế hệ chúng tôi, thế hệ cha mẹ chúng ta đều bị ảnh hưởng ít nhiều bởi phương pháp giáo dục một chiều theo kiểu cái gì ta yêu bao giờ cũng hay, cái gì ta ghét bao giờ cũng dở. Phương pháp giáo dục này không chỉ áp dụng trong giảng dạy môn Văn mà còn thực hiện trong giảng dạy đối với rất nhiều môn khác đặc biệt trong các môn xã hội. Học sinh chỉ được nghĩ theo một hướng đã định, hướng mà mọi người đều biết. Họ không được, hay nói đúng hơn là không dám nghĩ theo một hướng khác. Theo tôi, giáo dục như thế sẽ bóp chết sự tìm tòi sáng tạo, thứ mà mọi xã hội cần có để phát triển. Nếu con người không dám nghĩ khác với những kiến thức cũ thì làm sao chúng ta được biết rằng Trái đất của chúng ta hình tròn hoặc có thể là một hình khác nếu ai đó chứng minh được trong tương lai.
Tôi là một trong những người may mắn được học tập theo cả phương pháp giáo dục của ta và phương pháp giáo dục của phương Tây. Tôi thấy rằng phương pháp giáo dục của phương Tây thường lấy học sinh làm trung tâm tức là thầy cô chỉ là người hướng dẫn để cho học sinh phát triển trí sáng tạo của mình. Vì thế trong giờ học giáo viên rất chú ý khuyến khích học sinh phát triển và bảo vệ ý kiến của mình. Thậm chí rất vui lòng nếu quan điểm đó đối lập với quan điểm của chính giáo viên. Phải chăng vì thế mà sinh viên phương Tây họ rất thẳng thắn và mạnh mẽ trong môi trường làm việc sau khi tốt nghiệp.
Phương pháp giáo dục của ta là lấy giáo viên làm trung tâm trong giờ học, giáo viên đọc học sinh chép bài, những gì thầy cô nói được coi như là chân lí và hiếm có học sinh nào dám công khai có ý kiến, quan điểm ngược lại với giáo viên của mình. Chính điều này đã khiến đa số học sinh, sinh viên của ta kém tự tin trong công việc. Tôi hy vọng rằng bài văn "lạ" này sẽ khiến những nhà hoạch định giáo dục của chúng ta đặt câu hỏi cho chính mình: Phải chăng những gì ta cho là đúng lại không đúng?