Trong bản luận tội bao giờ hội đồng xét xử cũng dành phần nói về những “công trạng đóng góp của họ” rồi dựa vào đó mà giảm nhẹ hình phạt.. Phải chăng đây là nguyên nhân tại sao nạn tham nhũng không hề thuyên giảm, những kẻ phạm tội không mấy biết sợ mà còn tinh vi hơn
Tôi cũng như phần đông những người Việt Nam, dù sống ở trong nước hay định cư ở nước ngoài đều có chung một bức xúc về tệ tham nhũng đang hoành hành đất nước mình. Chúng ta ai cũng hiểu rằng nạn tham nhũng đã và đang kìm hãm sự phát triển của nước nhà, làm cho nước mình nghèo hơn, dân mình khổ hơn.
Tôi rất đồng tình với bài trả lời phỏng vấn của nguyên Thủ Tướng Võ Văn Kiệt cùng bạn đọc về biện pháp phòng chống tham nhũng của Quốc hội. Tôi xin được đóng góp thêm vài ý kiến nhỏ.
Gần đây dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng đã phần nào đáp ứng được lòng mong mỏi của nhiều người dân Việt Nam. Nhưng trong chúng ta hẳn vẫn còn thắc mắc, tự hỏi là liệu luật đó sẽ được thực thi thế nào và nó sẽ “sống” như thế nào trong đời sống xã hội ?
Chống tham nhũng phải chống từ gốc, vì thực tế là chỉ có những người có chức có quyền mới tham nhũng được. Càng ngày nạn tham nhũng càng tinh vi hơn và mức thiệt hại cũng cao hơn rất nhiều. Từ những vụ án được xử gần đây và nhiều vụ án đang được điều tra đã cho chúng ta thấy được mức độ thiệt hại mà nhà nước và người dân phải chịu là vô cùng lớn. Những tham quan “đã giàu có, thậm chí rất giàu có mà còn muốn giàu có hơn nữa bằng con đường chiếm đoạt tài sản của nhà nước…” tham quá, đúng là tham quá.
Vụ án Năm Cam hẳn vẫn còn làm nhiều người bàng hoàng khi nhớ lại trong số những kẻ phạm tội trước vành móng ngựa có người là Thứ trưởng Bộ Công An, có người là Phó Chủ tịch kiêmTổng thư ký Hội nhà báo Việt Nam - là đại biểu quốc hội, có người là Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, có người là những sỹ quan công an,cán bộ Viện kiểm sát địa phương có chức vụ cao… Tất cả bọn họ đã không vượt qua được sự cám dỗ của đồng tiền. Gần đây công luận đang theo dõi vụ án mà người phạm tội cũng là một thứ trưởng: Thứ trưởng Mai Văn Dâu và đồng bọn trọng vụ chạy quota.
Tôi cho rằng khi đã phạm tội, tội gì cũng vậy, quan cũng phải bị xử lý nghiêm như những người dân thường nếu không muốn nói rằng đáng lẽ ra họ còn phải bị xử lý nghiêm hơn, nặng hơn. Phần lớn những ông quan tham của mình khi bị xử dường như chưa được xử đúng người, đúng tội. Trong bản luận án bao giờ hội đồng xử án cũng dành ra một phần để nói về những “công trạng đóng góp của họ” rồi dựa vào đó mà giảm nhẹ hình phạt. Khi vào trong tù họ hình như họ cũng được hưởng những ưu ái hơn người. Rồi sau một thời gian, đợi dư luận nguôi ngoai, họ là những người được hưởng chính sách đặc xá - được ra tù trước thời hạn với lý do “cải tạo tốt”. Cũng chính vì những “ưu ái” này mà bao kẻ vẫn không biết sợ, vẫn tiếp tục đục khoét tiền của nhà nước dù rằng cũng có lúc họ ý thức được về việc mình đang làm là không đúng, không tốt.
Chính sách của nhà nước ta là công bằng và bình đẳng, mọi người sinh ra đều bình đẳng như nhau, vậy sao điều này không được áp dụng trong hình phạt dành cho những kẻ phạm tội? Đã phạm tội thì quan cũng phải bình đẳng như dân,Công là công, tội là tội - không có lý gì mà họ lại được xử ưu ái hơn người. Đây là nguyên nhân tại sao nạn tham nhũng không hề thuyên giảm, những kẻ phạm tội không mấy biết sợ mà còn tinh vi hơn. Những kẻ đang tham nhũng mà chưa bị vạch mặt cũng không sợ vì biết rằng khi bị bắt, bị xử, họ sẽ được xử “ưu ái” hơn người. Và vẫn còn nhiều những ông quan phạm tội được xử lý “nội bộ”, “giải quyết nội bộ” “kiểm điểm nội bộ” mà thực chất của vấn đề theo người dân hiểu là bao che cho nhau. Thuyên chuyển công tác nhiều khi được áp dụng với các tham quan và được coi như là một hình thức kỷ luât nhưng thực tế họ lại được chuyển về những nơi dễ kiếm hơn, hời hơn - nơi mà thói tham nhũng của họ “có đất để dụng võ” hơn.
Trước kia Trung quốc là một quốc gia có tệ tham nhũng cao, nhưng hình phạt mà đất nước này dành cho những kẻ phạm tội đó ở mức rất cao - thậm chí là tử hình (nếu tôi không nhớ nhầm). Biện pháp này đã có hiệu quả cao trong việc chống tham nhũng ở đất nước này.
Sự nghiêm minh của pháp luật, sự trừng phạt đích đáng, đúng người đúng tội là lời giải cho bài tính chống tham nhũng mà những kẻ phạm tội là những ông quan tham. Chống tham nhũng phải chống từ gốc mới có hiệu quả cao. Người dân Việt Nam rất hoan nghênh Luật Phòng chống tham nhũng mà Quốc hội sẽ thông qua và mong rằng nó sẽ đem lại hiệu quả ngăn ngừa và giảm thiểu tố đa nạn tham nhũng .
- Nguyễn Thị Ngà (UK, nga@ngabevan.wanadoo.co.uk)
Ý kiến của bạn?