Thế hệ con cháu chúng tôi hôm nay, được về thăm quê Bác, thấy được những cái đơn sơ mộc mạc mới hiểu được nếp sống giản dị mà thanh cao của Bác, hiểu được triết lý sống của một con người vĩ đại.
Làng Sen, quê ngoại Bác. |
Đường vô xứ Nghệ quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ
Con đường dẫn về làng Hoàng Trù (quê ngoại Bác) và làng Sen (quê nội Bác) uốn lượn giữa cánh đồng lúa xanh mượt. Gió tháng tư đưa hương lúa thơm nồng lan toả khắp nơi, phả vào mặt chúng tôi mát rượi. Lạ thay, miền quê quanh năm chịu hứng bao khắc nghiệt của thời tiết nhưng lại mang một vẻ trù phú mỡ màu. Đây đó, lấp ló những mái ngói giữa các lùm cây, con đường quê mát rượi bóng râm, đàn bò thong dong gặm cỏ...
Điều đầu tiên mà chúng tôi cảm nhận là quê Bác thật thanh bình, cảnh quê trù phú nhưng không hề bị ảnh hưởng và đổi thay bởi nếp sống đô thị. Người dân đến thăm quê Bác rất đông, có rất nhiều đoàn xe từ Hà Nội, Hà Tĩnh, Phú Thọ, Đà Nẵng, Bắc Ninh... đủ các tầng lớp nhân dân về thăm quê Bác trong mấy ngày nghỉ lễ, họ đều mang hoa đến dâng Bác trong nhà lưu niệm với một tấm lòng thành kính như đứa con xa có dịp về thăm quê cha mẹ.
Bước chân về làng Hoàng Trù, làng Sen mà như đang bước chân về quê vậy. Ngay từ con đường vào nhà chúng tôi đã thấy rất thân quen, bờ tre, hàng dâm bụt, hoa cau, hoa bưởi thơm nồng, con đường đất nhỏ đơn sơ mộc mạc, đặc biệt là mái nhà tranh in dấu ấn thời gian nhưng không hề bị xiêu vẹo.
Mọi kỷ vật vẫn còn nguyên vẹn, án thư nơi cụ thân sinh Bác vẫn thường dạy cho các con học, khung cửi nơi mẹ Hoàng Thị Loan vẫn ngồi dệt vải, phản gỗ nơi các nhà nho yêu nước thường đến bàn chuyện thời cuộc nước nhà với cụ Nguyễn Sinh Sắc...
Người dân ở đây thật khéo giữ gìn, họ vẫn lặng lẽ hàng ngày chăm sóc cho mấy gian nhà, mảnh vườn, người dân chăm chút giữ gìn nhà của Bác như nhà của mình. Những kỷ vật và công chăm sóc gìn giữ của nhân dân đã khiến cho chúng tôi cảm thấy Bác và những người thân trong gia đình Bác vẫn hiện hữu ở đây, vẫn tiếp đón chúng tôi với tấm lòng hiếu khách truyền thống của người dân xứ Nghệ. Và tôi hiểu, Bác Hồ đối với chúng tôi vừa gần gũi thân thương, lại vừa lắng đọng thành văn hoá trường tồn mãi trong lòng người dân Việt.
Thế hệ con cháu chúng tôi hôm nay, được về thăm Quê Bác, thấy được và hiểu được những cái đơn sơ mộc mạc thì mới hiểu được nếp sống giản dị mà thanh cao của Bác, hiểu được triết lý sống của một con người vĩ đại.
Thật cảm động khi chúng tôi nhìn thấy một đoàn các em nhỏ nông thôn đi xe đạp, mồ hôi mướt mát, mặt em nào cũng đỏ ửng vì cái nắng trưa hè và vì phải đạp xe một chặng đường rất xa. Trông các em chỉ độ chừng 12 - 13 tuổi, trên tay các em có một bó hoa cúc vàng tươi. Các em nói là để vào dâng Bác. Tôi hỏi: “Nhà các em có xa không?”/ “Xa lắm ạ, chúng em ở tận Nghi Lộc ạ”/ “Thế các em có đi cùng cô giáo không?”/ “Dạ không, chúng em chỉ mấy bạn rủ nhau đi thăm quê Bác thôi”/ “Thế đi xa thế này các em có mệt không?”/ “Cũng hơi mệt nhưng mỗi năm chỉ đi được có một lần nên thích đi lắm ạ!”/ “Các em thích những hoạt động gì ở quê Bác?”/ “Chúng em muốn dâng hoa lên Bác, và thích nhất là nghe các cô hướng dẫn kể chuyện về Bác ạ”.
Những em nhỏ thật ngoan và thật đáng quý, các em khiến tôi nhớ lại tuổi thơ của mình. Hồi nhỏ, vào ngày sinh nhật Bác 19/5, mấy đứa chúng tôi cũng thường rủ nhau đạp xe lên thăm quê Bác, mặt cũng đỏ ửng vì nắng hè, vì đường xa, nhưng bao giờ chuyến đi cũng vui và đầy hứng thú.
Có lẽ điều để lại trong tôi nhiều ấn tượng và xúc động mạnh mẽ nhất là những cô hướng dẫn viên du khách tham quan. Tất cả các cô đều là con gái xứ Nghệ, nói chất giọng Nghệ trong trẻo mà ngọt ngào ấm áp, sâu lắng như nước dòng sông Lam. Các cô kể về gia cảnh nhà Bác, về thuở thiếu thời, về cả cuộc đời thanh cao vĩ đại của Bác bằng chất giọng sâu lắng ấm áp ấy một cách rất tự nhiên, như đang kể cho chúng tôi về một người thân trong gia đình mình vậy: “Đây là cái án thư, nơi cha Bác thường dạy mấy anh em học chữ, đây là cái sập gỗ nơi cha Bác thường bàn chuyện nước nhà với các bậc cha chú. Và các anh chị biết không, đây chính là nơi hình thành lòng yêu nước thương dân của Bác chúng ta. Đây là bàn ăn mà người Nghệ thường gọi là cái mươn, nơi cả nhà Bác quây quần ngày hai bữa, bữa trưa và bữa tối.... Các anh chị biết không, 11 tuổi Bác chúng ta đã đi bộ từ Huế ra Nghệ An, trên tay bế đứa em khát sữa...”
Tất cả chúng tôi đều bị cuốn hút thật sự bởi chất giọng ngọt ngào đặc biệt ấy, và cuốn hút hơn hết là câu chuyện mà cô đang kể, câu chuyện thân thương gần gũi như giữa đời thường về cuộc đời Bác, lại như được nghe một câu chuyện cổ tích về một ông tiên. Cô chu đáo nhiệt tình dẫn chúng tôi đi mọi nơi, từ gian nhà trong ra gian nhà ngoài, ra bếp, rồi ra nhà thờ của dòng họ, cô còn kể cả về cây mít hơn một trăm tuổi trong vườn nhà Bác. Mấy mảnh vườn xinh xắn trồng toàn cây lạc, ngô và khoai lang, thỉnh thoảng có mấy gốc cau xen vào. Cô hướng dẫn kể: “Một lần Bác về thăm quê, bà con xóm giềng ngỏ ý trồng hoa trong vườn nhà, Bác nói: “Bác đồng ý cho các cô các chú trồng hoa, nhưng mà phải là hoa khoai. Bác thấy hoa khoai rất đẹp...”. Bà con hiểu ý, từ đó chỉ trồng khoai trồng lạc trong vườn thôi”.
Chúng tôi vây quanh cô hướng dẫn, người đứng người ngồi trong một không gian rất thoải mái, mát mẻ, ai cũng cảm thấy như ở nhà mình vậy. Một số người trong đó có tôi đã không ngăn được những giọt nước mắt xúc động khi nghe kể vể cuộc đời bôn ba gian khổ và tấm lòng hy sinh vì dân vì nước cao cả của Bác. Không một ai phải nhắc nhở chúng tôi, mà cũng chẳng ai trong số khách tham quan nói ra, nhưng mọi người đều cảm nhận mình đang ở một nơi rất thiêng liêng nhưng lại rất đỗi mộc mạc thanh bình - chúng tôi đang được ở quê Bác.
Còn rất nhiều điều nữa mà tôi muốn nói, muốn kể với các bạn, những mong tỏ tấm lòng tự hào về quê hương tôi, về mảnh đất đã sinh ra Bác Hồ, người cha của cả dân tộc Việt Nam. Nhưng có lẽ “hữu xạ tự nhiên hương”, tự cảnh vật và con người nơi đây đã thay lời tôi nói lên tất cả.
-
K.H, rubihavn@yahoo.com