221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
803883
Thi tốt nghiệp THPT: Những điều “mắt thấy, tai nghe”
1
Article
null
Thi tốt nghiệp THPT: Những điều “mắt thấy, tai nghe”
,

Tình trạng lộn xộn trong kì thi tốt nghiệp THPT không chỉ diễn ra tại Hà Tây mà còn phổ biến ở nhiều địa phương trong cả nước. Nhiều người trong cuộc là thí sinh, phụ huynh, giám thị đã phản ánh những tiêu cực về kì thi này với VietNamNet.

 

Soạn: AM 797059 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Trèo tường ném bài giải tại Hà Tây.

Hoàng Anh, Hà Tây, hoanganh81@...


Theo tôi được biết, từ những năm trước, hiện tượng đi ném đề thi cho con em đã ngấm vào máu của người dân nơi đây. Con đi thi là cả nhà, cả anh xem xa gần đều đi "động viên". Với một sức nặng đè lên vai các em là phải đỗ đạt để con ra khỏi lũy tre làng suốt ngày cày cấy nên bố, mẹ đều đầu tư cho hết. Tuy nhiên, hiện tượng "tiếp phao" còn được chính các lực lượng "bên trong" tiếp tế. Các nhân viên, các cán bộ được "ở lại" trường tiếp nhận các "hợp đồng trọn gói" cho các học sinh. Cứ gần đến ngày thi, tại nhà riêng các cán bộ này "tiếp dân" nườm nượp, họ trả giá từng bài thi và cả trọn kỳ thi. Nhưng thiết nghĩ, thanh tra đi đến đâu lại báo trước cho cơ sở thì còn đâu là tính nghiêm túc, còn đâu là thanh tra nữa.

 

Đại Long, Yên Lạc, Vĩnh Phúc, dailongvl@...


Tình trạng thi cử ở đâu cũng như ở Hà Tây. Tôi đã một lần phải làm một việc mà tôi mong là không bao giờ phải làm lại, đó là coi thi tốt nghiệp. Tuy đã qua thời học sinh, sinh viên, tôi cũng hay đọc báo nhưng tôi không nghĩ thi tốt nghiệp lại như vậy. Không những phao được học sinh mang theo, người thân ném vào mà cả từ các thầy cô của trường (được cử ở lại để "phục vụ" kỳ thi) mang vào phân phát. Tôi không biết là nó đã thành lệ chưa, khi phát đề xong, nhiều học sinh còn không thèm đọc đề mà nằm nghỉ một cách bình thản đợi có người mang phao vào. Dù rằng rất muốn làm đúng nhiệm vụ của mình nhưng mà tôi lại "không được làm". Nhiều lúc tôi tự hỏi mình đứng đây để làm gì?

 

Nguyễn Thị Phương Thúy, Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội, phuongthuy_nh2005@...


Chuyện coi thi tốt nghiệp phổ thông như vậy đã có từ lâu rồi. Thực trạng này là cực kỳ phổ biến ở những vùng xa thị trấn, thành phố mà bất cứ giáo viên nào phải đi coi thi đều cảm thấy ớn. Bố tôi là giáo viên nên hầu như năm nào cũng phải đối đầu với chuyện này. Vẫn biết là vậy nhưng phép vua thua lệ làng, công an nhiều khi cũng chẳng giải quyết nổi. Nhiều bạn đồng nghiệp của bố tôi không may còn bị mấy kẻ côn đồ là người nhà thí sinh hành hung, ném đá. Tôi nghĩ đây không phải là chuyện đùa, có đem ra nói, ra bàn rồi lại để đấy. Phải có những biện pháp thật mạnh tay.

 

Hồng Giang, Hà Nội, fire_cat_vn@...


Em là một trong những thí sinh đi thi năm nay. Em thấy đề thi tốt nghiệp đúng là chỉ để phổ cập giáo dục thế nên phải gọi là rất dễ. Những môn tự nhiên thì học sinh trung bình cũng phải làm được trên 5 điểm. Còn với môn xã hội, trừ môn sử ra thì hầu hết không cần học nhiều, chỉ cần nắm được vấn đề, thậm chí trước khi đi thi chỉ cần một buổi ôn bài là có thể đạt trên 5 điểm.

 

Tuy nhiên, với môn lịch sử thì không ổn. Môn lịch sử yêu cầu học cả phần lớp 12, đề cương của bọn em dài gần 50 trang. Với các bạn thi khối C thì không sao nhưng với học sinh thi các khối khác thì thật sự là ác mộng. Môn sử không thể học qua loa nắm ý mà đòi hỏi chính xác thời gian, địa điểm. Chỉ có những học sinh thực sự chăm chỉ và không biết quay cóp mới có thể học tất cả và dường như số lượng đó được coi là "hiếm".

 

Môn sử cũng giống như môn địa nếu nắm được bản chất thì học rất dễ dàng nhưng thử hỏi bọn em nắm được bản chất thế nào trong khi các thầy cô giáo ngày ngày lên lớp chép đầy lên bảng yêu cầu bọn em học thuộc lòng, không có chút trực quan?

 

Em thừa nhận là trong kì thi tốt nghiệp vừa qua em đã quay cop môn lịch sử. Những lời trên không chỉ là những lời biện hộ về việc không học bài. Trước kì thi, có ai đó đã tung rất nhiều tin giả về đề thi môn lịch sử, có một số câu được coi là trọng tâm và những bạn không muốn quay cóp đã học thuộc những câu được coi là trọng tâm ấy. Rốt cuộc đề thi khác xa với câu trọng tâm. Ở một số trường chuyên như Chu Văn An, Hà Nội - Ams, các bạn cũng có nói chuyện với em về việc quay cóp trong môn lịch sử. Giờ em cũng đã hiểu tại sao năm trước điểm thi đại học môn lịch sử lại như vậy.

 

Mặc dù em đi theo khối tự nhiên nhưng em cũng có niềm thích thú với một số môn xã hội. Theo em, môn lịch sử là một môn rất quan trọng và nó sẽ rất thú vị nếu giáo viên truyền cho chúng em cách học và cách "hiểu". Kì thi đã qua, giờ em không còn học trên ghế nhà trường để nghe các thầy các cô giảng về môn lịch sử nhưng em hi vọng Bộ Giáo dục sẽ thay đổi cách dạy, cách kiểm tra để môn lịch sử để nó không mang nặng tích chất học thuộc và chúng em sẽ không buộc phải quay cóp môn lịch sử.

 

Soạn: AM 797061 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Phao thi rải sau môn thi lịch sử tại THPT Hoài Đức A, Hà Tây.

Thanh Mai, 143 Trần Khát Chân, Hà Nội, Thanh_mai1719@...


3 ngày thi tốt nghiệp THPT đã trôi qua. Đa số học sinh lớp 12 thở phào “đã tốt nghiệp”. Tôi có cô con gái năm nay tốt nghiệp THPT và sắp tới cháu sẽ thi đại học. Cháu là học sinh giỏi suốt 12 năm (giỏi thật sự). Suốt 12 năm, cháu chưa hề quay cóp. Năm nay không cộng điểm thưởng nên hầu hết học sinh đều không học các môn chúng không thi ĐH. Con gái tôi cũng chuẩn bị phao như các bạn khác. Tôi  nhắc cháu học thì cháu bảo “Mẹ ơi, chẳng có bạn nào học đâu”. Bạn bè cháu, có cháu đạt tổng kết 9,3 cũng chuẩn bị phao thi. Các cháu còn đến tận nhà dạy con gái tôi cách để phao, gấp phao... Nói mãi cháu cũng chỉ đủ kiên nhẫn học 50% môn sử, chúng lý giải các bạn đều quay cả, mình học thì mất thời gian quá, đóng tiền bồi dưỡng giám thị 100.000/cháu để làm gì... Tin nhắn các cháu nhắn cho nhau trước khi vào phòng thi là chúc mọi người quay bài giỏi. Cả một thế hệ, tương lai của đất nước đã lớn lên như thế.

 

Nguyễn Quang Ánh, THPT EAH'LEO, Đăklăk, tomhdb@...


Xin chào VietNamNet! Nếu những ngày diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi các bạn có mặt ở hội đồng thi của trường tôi thì chắc là "vui lắm". Nhiều lúc tôi nghĩ, không biết Bộ Giáo dục tổ chức thi làm gì, cứ xét điểm cho tốt nghiệp cho đậu có lẽ sẽ đỡ tốn tiền nhà nước và tiền của phụ huynh học sinh. Thực chất thi chỉ là hình thức che mắt thiên hạ mà thôi.

 

Tôi đi coi thi ở một trường X huyện khác. Trước mỗi buổi thi, khi nào chủ tịch hội đồng cũng nói xin các đồng chí giám thị hãy làm đúng qui chế, hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng tài liệu của học sinh. Nhưng hỡi ôi… khi môn thi còn khoảng 30 phút tuỳ theo môn thời gian dài hay ngắn, là tài liệu bài giải, đáp án cứ ùn ùn vào phòng thi. Chúng tôi cố gắng nhặt các bài giải được photo này vứt ra ngoài phòng thi thì lại bị sở tại đe doạ.

 

Các môn tự luận thì không nói làm gì, riêng cả môn mà bộ chúng ta luôn lên tiếng là trắc nghiệm khác quan trung thực (Tiếng Anh) mà vẫn có tài liệu bài giải cả bốn mã đề đưa vào phòng thi. Vậy đề thi ở đâu ra để họ giải? Giám thị ư? Không đời nào chúng em dám làm cái chuyện đánh ôổi cả sự nghiệp của mình như thế. Vậy đề thi ở đâu lộ ra? Vẫn biết “một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân” nhưng tôi muốn góp một tiếng nói nhỏ để chúng ta cùng suy nghĩ về cái cách làm đổi mới của Bộ Giáo dục. Đổi mới về hình thức thôi chứ chưa đổi mới về cách làm và hơn hết là cái đầu thì chất lượng giáo dục không bao giờ nâng lên được. 

 

Le Thi Thuy, Thạch Hà, Hà Tĩnh


Chúng em học ở trường Mai Thúc Loan. Trường em thi gộp với hai trường là Nguyễn Văn Trỗi và Nguyễn Đổng Chi. Em muốn hỏi tại sao hai trường Mai Thúc Loan và Nguyễn Văn Trỗi có sự thả lỏng trong thi cử còn trường Nguyễn Đổng Chi lại bắt bài học sinh quá chặt? Tỷ lệ học sinh trường Mai Thúc Loan gấp mấy lần học sinh trường Nguyễn Văn Trỗi và Nguyễn Đổng Chi gộp lại. Em muốn hỏi tại sao có sự khác biệt trong một hội đồng thi như thế? Mong Bộ Giáo dục trả lời giùm.        

 

Le Ngoc Son, 179 Thong Nhat, Tp.Vung Tau, lsonvt@...


Bao giờ thi tốt nghiệp BTVH ở Bà Rịa Vũng Tàu mới hết sử dụng tài liệu?

Trong kì thi tốt nghiệp THPT từ ngày 31/5 đến ngày 2/6 năm 2006 về phía bổ túc văn hóa (BTVH), tôi thấy rằng nội quy của Bộ Giáo dục là cấm thí sinh mang tài liệu vào phòng thi, dù chưa sử dụng cũng sẽ bị đình chỉ thi. Nhưng thực tế, tại các phòng thi tại HĐ thi  D.T vào ngày 31/5 có rất nhiều tài liệu môn văn học được rải khắp.

 

Một thí sinh ở đây cho biết năm nay giám thị coi thi rất dễ ngay từ đầu giờ và em đã chuẩn bị 1-3 bộ tài liệu phô tô thu nhỏ và cả những cuốn sách đề phòng nhưng không ngờ giám thị coi thi rất dễ, thí sinh có thể xem tài liệu thoải mái. Hơn nữa, các giám thị còn nói rằng cứ xem thoải mái, khi thấy ra hiệu thanh tra đến thì phải cất tài liệu ngay, rồi sau đó mới xem tiếp.

 

Tôi hỏi một thí sinh khác cũng là học sinh của trường bổ túc văn hóa Nguyễn Thái Học thì được biết giám thị coi thi dặn rằng tài liệu nào không liên quan thì các em bày lên bàn để thanh tra thấy rằng phòng này nghiêm túc nộp tài liệu và giám thị coi thi rất chặt nên bỏ qua. Còn tài liệu cần sử dụng thì phải hết sức khéo léo, nên dùng tài liệu nhỏ, nếu tài liệu quá lớn sẽ bị tịch thu.

 

Vào ngày thi cuối cùng, buổi sáng môn toán. Ngay từ sáng sớm khi thí sinh vào phòng thi, sau khi phát đề 10 phút, chúng tôi thấy ở ngoài cổng trường, mọi người tụ tập rất đông và chụm lại từng nhóm, đến gần chúng tôi biết họ đang giải đề thi. Sau đó, tôi thấy có người ra cầm bài giải vào, lúc này không biết thanh tra và lực lượng an ninh đi đâu mà không thấy ai làm nhiệm vụ.

 

Từ những nhốn nháo trong kì thi bổ túc văn hóa nêu trên tại Bà Rịa Vũng Tàu, tôi xin đặt ra câu hỏi với cơ quan ban ngành của Bộ Giáo dục là một kì thi như vậy thì tổ chức làm gì? Một đội ngũ trí thức rầm rộ là giáo viên - giám thị coi thi lại thua một nhóm dân đen hay sao? Như vậy còn gì là kỷ cương phép nước nữa? Mong rằng Bộ Giáo dục cần có biện pháp chấn chỉnh để các kì thi tới công bằng, có chất lượng cao hơn.

 

Trần Vui, THPT số 1 Quảng Trạch, Quảng Bình
Tôi vừa đi làm nhiệm vụ coi thi về. Những gì tôi nhìn thấy (và hiện thực) trong hơn 10 năm trở lại đây là: Thi tốt nghiệp THPT chỉ là một trò đùa. Đề nghị VietNamNet mở một cuộc điều tra trên mạng xem trong cả nước có bao nhiêu tỉnh, thành đã tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT như là một trò đùa như ở Hà Tây, Nghệ An, Quảng Bình... và đề nghị các thầy cô giáo đi coi thi về và các em học sinh vừa thi về tham gia. Tôi nghĩ thông tin này sẽ cực kỳ bổ ích cho những nhà hoạch định chiến lược giáo dục. Xin nói thêm việc tổ chức thi trắc nghiệm "khách quan" môn ngoại ngữ cũng chỉ là một trò đùa! Xin đừng mơ tưởng đến việc gộp kỳ thi ĐH vào cùng với kỳ thi tốt nghiệp.

 

Bui Kim Thu, Thủy Nguyên, Hải Phòng
Chào các bạn! Mình là một thí sinh vừa thi tốt nghiệp. Ở trường nào thì tình trạng lộn xộn thi cử cũng thế thôi, kể cả trường chuẩn quốc gia như trường mình. Quy chế thì mặc quy chế, phao chìm phao nổi vẫn bay vèo vèo. Bạn nào ra khỏi phòng thi cũng đề có câu để hỏi nhau là: "Ê, chép tốt chứ?" thay cho câu hỏi là: “Làm bài tốt chứ?” Và ngay sau đó là câu trả lời: "Chép thoải mái luôn". Thế là kì thi tốt nghiệp THPT đã trôi qua một cách suôn sẻ. Rất  mong rằng các kỳ thi sau đừng như thế này nữa.

 

 

 

Ý kiến của bạn?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,