Chờ đợi tại phòng công chứng (ảnh: TPO) |
Quá tải 10h sáng
Tôi có mặt ở phòng công chứng số 3 (phố Trần Đăng Ninh, Cầu Giấy – Hà Nội). Lố nhố kẻ đứng người ngồi. Quả là không ngoa khi có người ví rằng: “trông giống một cái chợ người!”. Phòng công chứng này hẹp, nằm ngay lề đường, mặt tiền chỉ khoảng 3m. Để vào đến nơi phải rẽ qua đám đông đứng kín vỉa hè.
Trong phòng, chỗ sát cửa ra vào chỉ có 4 cái ghế. Phía trong kê khoảng mươi, mười lăm cái nữa sát tường. Tổng cộng chỉ khoảng 20 người là có ghế ngồi chờ đàng hoàng tử tế. Còn lại, tất cả ra vỉa hè đứng hoặc ra giải phân cách giữa đường… kê dép ngồi!
Mới giữa giờ làm việc buổi sáng mà ở đây đã không nhận hồ sơ. Phần việc cuối buổi sáng của các công chứng viên là giải quyết những hồ sơ còn tồn đọng.
Ngán ngẩm quay ra, định bụng chiều quay lại, tôi được em trông xe mách nước: “Chiều ở đây làm từ 1 rưỡi, nhưng chị phải đến từ 12 rưỡi cơ!”. Tròn mắt ngạc nhiên. “Giữa trưa đến trước 1 tiếng làm gì?”. Nghĩ vậy nhưng tôi chỉ cười, gật đầu cảm ơn vì sự nhiệt tình của em.
Buổi chiều, tôi đã không quay lại đúng giờ như em trông xe nói. Đơn giản vì nghĩ: đến sớm quá thì mệt người! Căn giờ để đúng 1h30 phút tới nơi. Từ xa tôi đã thấy quang cảnh đông… không khác lúc sáng. Có vẻ mọi người đã đến và chờ đợi từ lâu lắm rồi. Vài người chạy vội vàng từ bên kia đường (chỗ gửi xe) sang, trèo cả qua dải phân cách.
Lại ngán ngẩm, tôi quyết định phóng thẳng đến phòng công chứng số 4 (phố Trần Duy Hưng) với hi vọng ở đó vắng hơn (do địa điểm trong ngõ, và là nơi cũng coi là mới mở nên có thể nhiều người chưa biết).
Tuy nhiên tôi đã nhầm! 1h40 đến nơi, cũng đông đặc người – có lẽ còn đông hơn phòng công chứng số 3.
Đang ngó nghiêng tìm chỗ gửi xe (bãi để xe trước đây - đối diện phòng công chứng này - đã xây thành nhà ở) thì 1 chị ra mời chào: - Em ơi gửi xe!
- Gửi ở đâu? - Ở đây!
Ở đây? Trên vỉa hè?- Ngạc nhiên hết sức, tôi ngơ ngác nhìn quanh. Mọi người xung quanh vẫn bình thản… nhìn tôi và nhìn nhau lơ đãng. Chị trông xe - rất nhanh nhẹn - ghi vé và dắt tuột xe đi mất hút. “Nhỡ gặp lừa đảo thì…!”- tôi chợt nghĩ. Người trông xe không có phù hiệu, không phải người của phòng công chứng, lại dắt xe đi đâu không biết. Cái vé bé tẹo nhàu nát chỉ có số và 1 chữ ký loằng ngoằng… Lo, nhưng lại nghĩ rằng: đầy người đứng thế này chắc không phải lừa đảo! Chờ đợi Bắt đầu công đoạn xếp hàng và chờ đợi.
Hà Nội hiện có 6 phòng công chứng, trong đó, Phòng Công chứng số 1, do vị trí "đẹp" nên tiếp khoảng 600 - 700 khách/ngày (ảnh: TTO) |
Trong phòng, hòa lẫn tiếng điện thoại là những cái chép miệng, tiếng xì xào, trò chuyện, gọi nhau í ới…cùng những cái lắc đầu cáu kỉnh của ai đó.
Ngoài kia, mấy chị trông xe đang dẹp những người đứng trên vỉa hè để lấy chỗ để xe. Nhiều người loanh quanh tìm chỗ đứng. Khổ! Không đứng đấy thì đứng đâu? Trong phòng đã đông đặc người!
Phải nói rằng: các nhân viên công chứng cũng đã rất khẩn trương, không hề nói chuyện riêng mà chỉ tập trung làm việc. Các công đoạn chuyển từ ô nọ sang ô kia đã trở nên thành thục, đúng theo kiểu dây chuyền. Tuy nhiên, nhìn sơ đồ treo trên tường thì tôi thấy lực lượng công chứng viên mỏng quá! Cả một phòng khoảng hơn 100 con người chờ đợi mà chỉ có 4 công chứng viên (ngồi trên tầng 2 và 3), dưới tầng 1 có khoảng gần chục người nữa nhận hồ sơ, kiểm tra, thu tiền và đóng dấu. Nhân viên mỏng như vậy, lại luôn tay làm cả ngày nên rõ ràng không tránh được căng thẳng!
Sau nửa tiếng đứng chôn chân tại chỗ, tôi cũng nhanh mắt tìm được một cái ghế còn trống. Dù sao, chỗ này cũng rộng rãi hơn nhiều địa điểm khác, số lượng ghế khoảng 30 cái, luân phiên người đứng người ngồi cũng đỡ mỏi. Nhiều người khi tìm được ghế đã nhanh chóng úp tờ báo vào mặt và… ngủ. Mấy em học sinh nghe headphone, nhắm tịt cả mắt, chả để ý gì đến xung quanh. Những gương mặt bình thản chứng tỏ đã quá quen với việc chờ đợi rồi. Những người đi ra đi vào, chép miệng, cáu kỉnh… thì đích thị là chưa quen với công chứng!
Chờ đợi, đứng - ngồi, chả làm gì! Chiếc quạt trần lờ đờ và 1 cái quạt treo tường không đủ để xua đi sự bức bối, khó chịu. Chật đến mức phải gạt cả mọi người ra nếu muốn đi lại.
Kim đồng hồ cứ nhích từng phút một. Khoảng 3h. Một tấm biển được đem ra dựng ở cửa. Không nhận hồ sơ nữa! Vậy là, chỉ còn những người ngồi đây là được giải quyết nốt. Vài người tà tà phóng xe máy đến, thấy tấm biển lại quay xe.
Chị Nguyễn Ngọc L - một người đi công chứng nói với tôi: “Sáng đến phòng công chứng ở Hà Đông. 9h đã không nhận hồ sơ. Chiều lại đến đây. Thế là mất toi cả ngày!”. Chị nói vậy nhưng vẫn cười rất tươi, chẳng có gì là sốt ruột cả. Hóa ra chị đi công chứng cho cơ quan - thế này cũng coi như đi chơi!
3h15 phút. Điện phụt tắt. Quạt ngừng chạy. Thôi rồi. Mất điện! “Trả lại hồ sơ rồi!” – ai đó kêu lên. “Cứ mất điện là trả lại hồ sơ, bao giờ có điện làm tiếp!” – bác ngồi sau tôi giải thích.
“Không biết mình đến công đoạn nào rồi?” – bác chép miệng. Thật may là điện có ngay sau đó. Mọi người thở phào, tiếp tục… ngủ, tiếp tục nghe nhạc hoặc đi lại! …Và mệt!
Sau đúng 2 tiếng chờ đợi, tôi mới được gọi đến tên. Lúc này đã mệt mỏi, và hình như cũng có vẻ… bình thản giống những người đã quen đến đây rồi! 24 nghìn cho hơn 30 bản sao - số tiền không lớn nhưng thời gian đi lại, chờ đợi thì thật mệt mỏi! Hơn hết, đó là sự lãng phí thời gian!
Trung bình mỗi người 2 tiếng chờ đợi, vài trăm con người ở 1 phòng công chứng mỗi ngày nhân lên thời gian đó, lãng phí biết chừng nào! Tôi để ý: có bà lão tóc bạc trắng, run lập cập phải có người đi kèm cũng đến đó chờ hàng tiếng đồng hồ. Có ông bố trẻ vì cần “3 tờ giấy” cho con mà đi mất 2 ngày (Anh này chưa đi công chứng bao giờ, cần 3 bản sao nhưng lại đi pho to đúng 3 bản. Thế là, theo nguyên tắc, phòng công chứng giữ lại một bản. Anh kêu ầm lên là mình có 3 bản. Khi được giải thích, anh ngậm ngùi về, mai đến tiếp!)
Hôm nay là buổi thứ 2 anh đến đây, sau khi về bị vợ mắng cho te tua! Ngồi chờ đợi ở đây, nghe được khối chuyện “hay ho” (Chẳng muốn nghe thì nó cũng lọt vào tai). Có người nói: “Muốn nhanh thì phải kẹp tiền vào!”. Người lại bảo: “Chẳng làm thế. Biết bao nhiêu thì vừa. Nhà tôi gần đây, tôi cứ đến đợi!”
Nhiều câu chuyện thậm chí rất rôm rả về chuyện nhà chị, nhà tôi… “nhà chị may chỉ có 1 cháu chứ nhà tôi còn 3 đứa”… truyền đạt kinh nghiệm đi công chứng, và… cả bàn luận về những vấn đề to tát của xã hội ở tận đẩu tận đâu!
Đôi điều muốn nói
Thời điểm này, nhu cầu công chứng là rất lớn (học sinh, sinh viên nhập học, người đã tốt nghiệp sao giấy tờ đi xin việc làm). Ngoài ra còn có các hộ đăng ký kinh doanh, các công ty kinh doanh, các hộ mua bán - chuyển nhượng nhà đất, ô tô, người đi lao động nước ngoài… Mặc dù UBND xã (phường), quận (huyện) có quyền chứng thực giấy tờ nhưng hầu hết mọi người vẫn tìm đến các phòng công chứng.
Có nhiều lý do, trong đó lý do quan trọng là: bên giao dịch, đối tác, nơi tiếp nhận hồ sơ thường chỉ công nhận những giấy tờ được chứng thực ở phòng công chứng vì... bảo đảm. Điều này không ai nói ra nhưng mọi người đều ngầm hiểu như vậy, và nhất nhất theo như vậy. Thêm nữa, công chứng ở xã (phường), quận (huyện) phải theo lịch làm việc. Có nơi chỉ làm vào thứ 3, thứ 5. Có nơi lại làm vào thứ 2, 4, 6; công chứng không phải lúc nào cũng lấy được ngay mà có khi hẹn hôm sau mới trả. Người dân đôi lúc muốn đến những nơi này nhưng không nhớ lịch, nhỡ đến không phải ngày làm việc thì mất công!...
Thế nên, dẫu biết phải chờ nhưng người ta vẫn đến phòng công chứng. Và điều này dẫn đến sự quá tải! Địa điểm các phòng công chứng đều chật hẹp so với số người đến đây. Phòng công chứng phố Trần Duy Hưng đã không còn bãi để xe, chỉ có các hộ dân bên cạnh trông trên vỉa hè. Một vài người để xe dưới lề đường (mà thực chất là mặt ngõ) đã bị công an tịch thu xe về đồn. Thế là, đang xếp hàng ở trong, nhớn nhác quay ra đã thấy xe bị thu giữ!
Nên chăng, nhà nước nên mở thêm nhiều phòng công chứng hơn ở các thành phố lớn – nơi mật độ dân đông và nhu cầu công chứng nhiều, chọn địa điểm rộng rãi, bố trí nhiều ghế ngồi…, và lực lượng công chứng viên thì cần đông hơn để tránh quá tải và cả áp lực (nếu có) cho họ và cho các phòng công chứng.
Ra về, tôi vẫn nhớ lời “truyền đạt kinh nghiệm” của bác ngồi sau: “Cứ các giấy tờ bằng cấp thì photo công chứng càng nhiều… càng tốt (kiểu gì cũng dùng đến, dùng lâu dài)! Đằng nào cũng mất một lần chờ đợi!”... (!!?)
Quỳnh Hương
Bạn có ý kiến gì về vấn đề này?