221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
850710
Cơ chế giải quyết khiếu kiện còn mang nặng tính quan liêu
1
Article
null
Cơ chế giải quyết khiếu kiện còn mang nặng tính quan liêu
,

Để việc giải quyết khiếu kiện của người dân có tính đột phá thì các giải pháp phải thực sự có khả năng rỡ bỏ được sự quan liêu trong quá trình giải quyết khiếu kiện. Đó phải là một giải pháp có đầy đủ tính chất pháp lý và đáp ứng được với những yêu cầu xã hội, yêu cầu chính trị của công tác giải quyết khiếu kiện hiện nay.

 

Soạn: HA 919905 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Đối thoại với người khiếu kiện vẫn chủ yếu mang tính hình thức

Những năm gần đây, tình trạng khiếu kiện xảy ra khá phức tạp và đã trở thành một hiện tượng bức xúc được cả nhà nước và dư luận xã hội quan tâm. Mặc dù có nhiều giải pháp đưa ra, đặc biệt là việc Quốc hội vừa sửa đổi luật khiếu nại, tố cáo có nhiều điểm mới tiến bộ, nhưng nhìn chung tình hình khiếu kiện có vẻ vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực, khả quan hơn.

 

Nguyên nhân thì có nhiều và đã được nhiều cuộc hội thảo chuyên đề phân tích mổ xẻ nhưng theo chúng tôi, nguyên nhân chính đó là cơ chế giải quyết khiếu kiện hiện nay còn mang nặng tính quan liêu.

 

Việc giải quyết của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền chủ yếu dựa trên hồ sơ tài liệu, giấy tờ báo cáo do những cán bộ công chức cấp dưới lập. Do quá lệ thuộc vào những báo cáo đó mà thiếu đi sự điều tra xác minh nên người lãnh đạo, người có thẩm quyền giải quyết thường thiếu thông tin, không nắm chắc được sự việc và nguyện vọng của người dân dẫn đến việc giải quyết khiếu kiện chưa đến nơi đến chốn, hình thức, hời hợt, chưa tạo được sự tin cậy với người dân.

Gần đây, một số phương tiện thông tin đại chúng có đưa tin về các buổi làm việc tiếp dân của các cấp lãnh đạo chính quyền đã cho thấy rất rõ tình trạng thiếu thông tin, không nắm được tình hình, sự việc đến mức chính những người lãnh đạo đó đã phải bức xúc phản ứng gay gắt với các cán bộ dưới quyền của mình ngay tại buổi tiếp dân.

 

Nghiên cứu luật khiếu nại tố cáo sửa đổi mới được ban hành, chúng tôi thấy có nhiều điểm mới, tiến bộ như: Bắt buộc người giải quyết khiếu nại phải có buổi đối thoại với người khiếu nại; Người khiếu nại có quyền thuê luật sư giúp đỡ và luật sư được tham gia trong quá trình giải quyết khiếu nại… Tuy nhiên, chúng tôi thấy đó chưa đủ để tạo ra sự đột phá trong công tác giải quyết khiếu kiện hiện nay.

 

Thứ nhất, không phải người khiếu nại nào cũng có khả năng thuê luật sư. Hầu hết những vụ việc bức xúc về khiếu nại thường tập trung vào những đối tượng dân nghèo. Mặt khác, tuy luật quy định cho luật sư được tham gia quá trình giải quyết khiếu nại nhưng cụ thể họ được làm những việc gì? Có được quyền xác minh vụ việc không, những kết quả tài liệu xác minh của họ có được công nhận hay không và giá trị pháp lý đến đâu? Họ có được tranh luận, đối thoại với cơ quan, người có thẩm quyền không, có quyền kiến nghị hướng giải quyết vụ việc hay không?…, những điều này Luật Khiếu nại, tố cáo lại chưa quy định cụ thể.

 

Cũng phải nói thêm rằng, ngay trong các hoạt động tố tụng, giới luật sư cũng đã thường phàn nàn là ý kiến của họ rất ít được toà án chú ý, chấp nhận. Vậy trong giải quyết khiếu kiện khi mà những quy định của luật còn chưa cụ thể liệu sự tham gia của luật sư có thực sự hiệu quả để giúp cho công tác giải quyết khiếu kiện phá tan được sự quan liêu lâu nay hay không?

 

Thứ hai, việc tổ chức buổi gặp gỡ, đối thoại với người khiếu nại không phải là một quy định mới mẻ, có khác chăng là luật đã quy định “phải” thay vì chỉ tiến hành “khi cần thiết” như quy định trước đây. Cách thức giải quyết không có gì thay đổi thì không thể gọi là đột phá được. Nếu quy định như hiện nay, khi không có sự giám sát trực tiếp thì buổi đối thoại này cũng chỉ mang tính “độc diễn” và dần dần sẽ trở thành việc làm mang tính hình thức của cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện.

 

Để đi tìm một giải pháp mang tính đột phá, điều trước tiên là phải làm rõ tính chất của tình trạng khiếu kiện hiện nay. Theo chúng tôi, tình trạng khiếu kiện hiện nay có 3 tính chất nổi bật sau:

 

Thứ nhất, nó là hiện tượng pháp lý-hành chính, điều này chắc không cần phải bàn cãi vì khiếu kiện, giải quyết khiếu kiện là công việc hành chính, được thực hiện theo các quy định của pháp luật.

 

Thứ hai, tình trạng khiếu kiện hiện nay mang tính chất xã hội bởi nó liên quan đến tất cả các chính sách xã hội của nhà nước ta, từ đất đai, nhà ở, công ăn việc làm đến các chính sách cứu trợ... nói chung là tất cả các chế độ chính sách xã hội hiện nay. Việc giải quyết khiếu kiện suy cho cùng cũng là việc giải quyết các chế độ chính sách xã hội của Nhà nước có liên quan đến quyền và lợi ích của một bộ phận dân cư không nhỏ trong xã hội.

 

Thứ ba, tình trạng khiếu kiện từ chuyện của gia đình, cá nhân khi không được giải quyết sẽ trở thành khiếu kiện tập thể hết sức phức tạp. Điều này có thể có nhiều ý kiến không đồng ý, nhưng theo chúng tôi, khi hiện tượng này diễn ra phổ biến và phức tạp như hiện nay, lôi kéo một lực lượng không nhỏ người dân tham gia, lại có biểu hiện của sự bất mãn, không tin tưởng vào sự giải quyết của cơ quan Nhà nước thì từ hiện tượng mang tính chất pháp lý - xã hội thuần tuý, nó đã dần có những biểu hiện chính trị rất dễ bị lợi dụng.

 

Từ những phân tích trên, chúng tôi thấy để là một giải pháp có tính đột phá thì giải pháp đó phải thực sự có khả năng rỡ bỏ được sự quan liêu trong quá trình giải quyết khiếu kiện. Đó phải là một giải pháp có đầy đủ tính chất pháp lý và đáp ứng được với những yêu cầu xã hội, yêu cầu chính trị của công tác giải quyết khiếu kiện hiện nay.

 

Theo dõi công tác giải quyết khiếu nại và nghiên cứu thủ tục giải quyết khiếu nại hiện nay, chúng tôi thấy khâu yếu nhất là khâu điều tra xác minh vụ việc. Chính vì luật chưa chú trọng đúng mức đến bước điều tra xác minh, cộng với việc cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, xem nhẹ việc giải quyết khiếu kiện cho dân nên đã dẫn đến tình trạng việc điều tra xác minh nếu có được thực hiện thì cũng chỉ được tiến hành rất hời hợt, hồ sơ tài liệu không phản ánh đúng sự thật (thậm chí có trường hợp cán bộ không trung thực làm sai lệnh hồ sơ) làm ảnh hưởng đến kết quả giải quyết khiếu kiện của người có thẩm quyền. Chỉ khi vụ việc được điều tra xác minh đầy đủ, đến nơi đến chốn thì bước gặp gỡ, đối thoại với người khiếu nại mới đạt được kết quả mong muốn. Cũng giống như việc giải quyết các vụ án, nếu quá trình điều tra thu thập chứng cứ mà không làm đầy đủ thì việc xét xử của toà án cũng khó đạt kết quả, vì mỗi giai đoạn tố tụng có những nhiệm vụ và mục đích khác nhau mà không thể làm thay cho nhau được.

 

Điểm hạn chế thứ hai mà chúng tôi thấy đó là những quy định về hoạt động giám sát của các tổ chức, cơ quan và đại biểu của nhân dân đối với công tác giải quyết khiếu kiện còn rất hình thức, thụ động. Ví dụ như: nhận đơn, chuyển đơn, yêu cầu báo cáo, theo dõi… Những quy định này cho thấy hoạt động giám sát rõ ràng chỉ mang tính chất gián tiếp với hình thức là trao đổi qua lại của công văn hành chính; nặng về theo dõi trên báo cáo một chiều từ cơ quan giải quyết khiếu kiện mà chưa đi sâu, đi sát vào thực tế của sự việc.

 

Hiện nay, tình trạng khiếu nại, tố cáo khá phức tạp, tập trung ở đó rất nhiều những bức xúc trong xã hội và nguyện vọng tha thiết của người dân. Điều đó đã thật sự đòi hỏi các cơ quan quyền lực và đại biểu của nhân dân phải đi sâu, đi sát, nắm rõ tình hình để có những tác động trực tiếp, tích cực vào công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

 

Như trên đã phân tích, khi hiện tượng khiếu nại, tố cáo đã có những biểu hiện của sự bất mãn, người dân không tin vào các cơ quan giải quyết khiếu kiện thì đó cũng là lúc cần có sự tham gia của các cơ quan quyền lực và đại biểu của nhân dân và pháp luật thì cần phải thể chế hoá sự tham gia đó bằng các quy định cụ thể.

 

Theo chúng tôi có thể quy định cho đại biểu hội đồng nhân dân tham gia vào quá trình giải quyết khiếu nại tố cáo với các hình thức sau:

 

1. Tham gia buổi gặp gỡ, đối thoại do người có thẩm quyền giải quyết tổ chức trong một số trường hợp nhất định để giám sát đồng thời theo dõi, trao đổi và lắng nghe các ý kiến trình bày của các bên. Có quyền chất vấn người giải quyết khiếu kiện ngay trong buổi làm việc đó.

 

2. Khi thấy cần thiết hoặc khi có yêu cầu của người dân trong một số trường hợp nhất định, đại biểu HĐND có quyền yêu cầu người giải quyết khiếu kiện tiến hành điều tra xác minh và trực tiếp tham gia vào việc điều tra xác minh đó để giám sát việc làm này.

 

Với việc quy định cụ thể về bước điều tra xác minh sự việc trong trình tự thủ tục giải quyết khiếu kiện và thể chế hoá sự tham gia của các cơ quan quyền lực và đại biểu HĐND, chúng tôi tin là công tác giải quyết khiếu kiện sẽ có bước chuyển biến tích cực, chắc chắn sẽ tạo được lòng tin của nhân dân. Vai trò của người đại biểu nhân dân chắc chắn sẽ được quần chúng ghi nhận rõ ràng hơn, tin tưởng hơn.

           

  • Nguyễn Phụng Thành, Cục Hải quan Quảng Ninh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,