Chiếm dụng đất công cũng là một hình thức tham nhũng, tạo ra sự bất công xã hội. Thiết nghĩ, bên cạnh việc rà soát lại tình hình nhà công trên phạm vi cả nước, Thủ tướng Chính phủ cũng nên chỉ đạo rà soát lại tình hình quản lý và sử dụng đất công.
Vốn là đất công " lòng vòng" thành nhà riêng |
Tin Văn phòng Chính phủ vừa có công văn hỏa tốc 6208 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc yêu cầu lãnh đạo các Bộ, UBND các tỉnh rà soát toàn bộ việc quản lý nhà công sở, nhà công vụ và việc bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê và báo cáo này phải trình lên Thủ tướng trong tháng 12/2006 làm người dân phấn khởi, vui mừng. Tài sản Nhà nước từ đây về sau được bảo vệ chu đáo, được sử dụng đúng mục đích ích nước lợi dân; sẽ không còn chuyện biến nhà công thành nhà tư, những cán bộ nào “lỡ mua”, “lỡ xin”, “lỡ nhận”… nhà công phải nhanh chóng tự giác trả ngay cho Nhà nước.
Người dân chưa kịp mừng lâu lại phải buồn ngay lập tức vì lại đọc được tin Báo cáo của Thanh tra Chính phủ trình Quốc hội nêu rõ “28 bộ, ngành và 58 tỉnh gởi về Thanh tra Chính phủ cho thấy chỉ có trên 30 bộ, ngành, địa phương báo cáo có phát hiện vụ việc tham nhũng, còn lại báo cáo không phát hiện vụ việc tham nhũng nào ở địa phương mình”.
Chuyện 58 tỉnh thành mà chỉ có 28 tỉnh, thành phát hiện có tham nhũng nếu đúng sự thật thì rõ ràng là điều đáng mừng. Thế nhưng thực tế không phải vậy, trong danh sách 28 tỉnh, thành được liệt kê là “phát hiện sai phạm có dấu hiệu tham nhũng” lại không có tên những địa phương mà thời gian gần đây “liên tục nổi tiếng” trên các phương tiện thông tin đại chúng bởi những “tá điền” và “địa chủ” quan chức mới, với những khu đất “hoàng gia” của quan chức với cái danh sách dài dằng dặc; hay xây bệnh viện chưa kịp sử dụng thì nhà sập, ăn chặn tiền tỷ từ kinh phí chống dịch cúm gia cầm,…
Những vụ việc kể trên nếu không gọi bằng cụm từ “có dấu hiệu tham nhũng” thì không biết gọi bằng gì cho đúng bản chất của nó.
Điều đáng buồn hơn là những vụ việc ấy không phải do cơ quan chống tham nhũng, cơ quan quản lý, cơ quan pháp luật địa phương phát hiện mà đều là do người dân và báo chí phát hiện. Sự việc rõ ràng như vậy nhưng người ta còn cố tình báo cáo sai để lừa dối Chính Phủ bằng sự ổn định, liêm khiết giả tạo; làm cho người dân không khỏi lo lắng liệu việc tổ chức rà soát nhà công sở, nhà công vụ và việc bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng sẽ đạt kết quả trung thực được mấy phần trăm?
Đấy là mới chỉ rà soát về nhà công, còn đất công thì sao?
Báo chí liên tục phát hiện khi thì tỉnh này, khi thì tỉnh nọ, người ta thi nhau xà xẻo, chia chác đất công cho “con, cháu hay vợ của... chú này, chú kia” hay những cán bộ “cùng cánh” với quan. Thời buổi hiện nay “tấc đất tấc vàng”, một hecta đất nông nghiệp giá trị chẳng kém một căn nhà phố công vụ, một nền đất ở tại “khu hoàng gia” giá trị chẳng kém đống vàng.
Chiếm dụng đất công cũng là một hình thức tham nhũng, tạo ra sự bất công xã hội khi người có nhu cầu về đất sản xuất, đất làm nhà ở thì không được giải quyết, còn người không có nhu cầu về đất hoặc đã có đầy đủ rồi nhưng vẫn được cấp thêm và đem đất đó cho người nghèo thuê lại hay bán hưởng chênh lệch gấp nhiều lần giá thị trường. Hậu quả là làm thất thu ngân sách Nhà nước, làm mất lòng tin của người dân vào cán bộ Đảng và Nhà nước, là nguyên nhân dẫn đến người dân khiếu kiện tập thể kéo dài.
Cuộc chiến chống tham nhũng được lãnh đạo cao nhất nước phát động phải là cuộc đấu tranh triệt để và toàn diện, không thể chống mặt này mà bỏ lơi mặt khác.
Thiết nghĩ, bên cạnh việc rà soát lại tình hình nhà công trên phạm vi cả nước, Thủ tướng Chính phủ cũng nên chỉ đạo rà soát lại tình hình quản lý và sử dụng đất công. Đất công phải được giao đúng đối tượng cần giao, không thể chấp nhận tình trạng người nông dân không có đất sản xuất phải đi thuê lại đất của “ quan chức”, người cần đất làm nhà ở phải đi mua lại đất của quan với giá trên trời. Đồng thời xử lý nghiêm minh, kịp thời, “vứt các ngôn từ dày công o bế ra bên lề cuộc sống...” mà làm “quyết tâm tới nơi tới chốn” (chữ dùng của nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng) những hành vi “ăn đất”. Được như vậy thì người dân thật có phúc lắm thay.
Tạ Phong Tần, Sở Thương mại - Du lịch Bạc Liêu
Ý kiến của bạn về Vấn đề vừa nêu?