Việc thu thuế từ lãi tiền gửi tiết kiệm theo như dự luật thuế thu nhập cá nhân là chưa hợp lý do mức thu nhập của người dân chưa cao, trình độ quản lý của chúng ta còn thấp. Việc đánh thuế tiền lãi tiết kiệm cũng khiến chúng ta khó huy động vốn để phát triển nền kinh tế.
Dư luận đang rất quan tâm tới dự án Luật thuế thu nhập cá nhân mà Quốc hội thảo luận. Một trong những nội dung được nhiều người dân chú ý là nên hay chưa nên quy định đưa thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm vào diện chịu thuế.
Theo giải trình của Bộ Tài chính, cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo dự luật, thực tiễn nước ta thời gian qua, thu nhập dân cư còn thấp, phần lớn người gửi tiết kiệm với mục đích bổ sung thu nhập chi dùng cho đời sống thường ngày, vì vậy trong bối cảnh đó, Nhà nước chưa thu thuế đối với khoản thu nhập này. Đến nay và những năm tới, thu nhập dân cư đã được cải thiện nên số người có tiền gửi tiền tiết kiệm gia tăng và thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm cũng tăng lên đáng kể, do đó cần đưa thu nhập này vào diện chịu thuế.
Để phù hợp với thực tiễn nước ta, dự luật dự kiến chỉ thu thuế đối với trường hợp có lãi tiền gửi tiết kiệm vượt trên 5 triệu đồng/tháng (trên 60 triệu đồng/năm) và thu với mức thuế suất thấp (5%), qua đó bước đầu góp phần kiểm soát thu nhập và thực hiện động viên công bằng, bình đẳng giữa các cá nhân có nguồn thu nhập khác nhau.
Phản biện lại với quan điểm của ban soạn thảo dự luật, chúng tôi cho rằng việc thu thuế từ lãi tiền gửi tiết kiệm theo như dự luật là chưa hợp lý.
Do tác động tâm lý, người gửi tiền không muốn bị công khai mức thu nhập trên tài sản của mình nên dễ dẫn đến tình trạng chia nhỏ khoản tiền tiết kiệm và nhờ người khác đứng tên, gây khó khăn cho người gửi tiền trong quản lý khoản tiền tiết kiệm của mình.
Bên cạnh đó, khi lạm phát ở nước ta còn ở mức tương đối cao và những người có số tiền lớn thường gửi với kỳ hạn dài thì số lãi thuần nhận được sẽ thấp hơn nhiều so với tiền lãi danh nghĩa (bao gồm cả mức lạm phát). Do đó, nếu đánh thuế vào lãi tiền gửi danh nghĩa sẽ gây thiệt thòi cho người gửi tiền.
Một điều quan trọng khác là Việt Nam đang là nước thiếu vốn để tiến hành CNH-HĐH, do vậy, rất cần huy động mọi nguồn vốn nhàn rỗi cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Việc đánh thuế vào những khoản thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm có thể tạo động lực để một số người góp vốn hay gửi tiết kiệm chuyển sang hình thức đầu cơ (chẳng hạn như: tích trữ vàng, ngoại tệ) và như vậy sẽ lãng phí nguồn lực xã hội do một phần vốn bị đóng băng, không được sử dụng. Việc đánh thuế sẽ làm giảm tiết kiệm trong nền kinh tế, dẫn tới nguồn vốn cho đầu tư giảm, kéo theo tăng trưởng kinh tế bị giảm sút.
Cũng cần nói thêm rằng hiện nay trình độ quản lý của chúng ta chưa cao, việc kiểm soát các khoản tiền gửi chưa tốt nên khả năng ngăn ngừa hoạt động tránh thuế bằng cách chia nhỏ các khoản tiền gửi, khoản góp vốn của một người hoặc thậm chí chuyển các khoản đầu tư này sang tên người khác chưa thể thực hiện được.
Cần lưu ý rằng, để có thể quản lý thu được khoản thu nhập này, phải thực hiện cơ chế khấu trừ tại nguồn, tức là, các ngân hàng, tổ chức tín dụng, người vay vốn, doanh nghiệp nhận vốn góp phải khấu trừ tiền thuế trước khi chi trả thu nhập. Như vậy, nếu khấu trừ ngay từ những đồng thu nhập đầu tiên để thực hiện kiểm soát chặt chẽ thì sẽ không công bằng và sẽ phát sinh khối lượng công việc thoái trả thuế lớn.
Nếu chỉ khấu trừ khi quy mô thu nhập đạt đến một ngưỡng nào đó thì phải có cơ chế và điều kiện để kiểm soát được việc tránh thuế bằng cách chia nhỏ các khoản đầu tư, tức là phải kiểm soát được đầy đủ thông tin của toàn bộ hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Do vậy, nếu quy định đánh thuế TNCN vào các khoản thu nhập này có thể không khả thi.
Khi trình độ quản lý được nâng cao và thu nhập đầu người cao khiến quy mô các khoản đầu tư này lớn đến mức khó chia nhỏ để tránh thuế thì có thể đưa các khoản thu nhập từ đầu tư này vào đánh thuế. Thời điểm ấy, theo dự báo của một số chuyên gia phải từ sau năm 2015.
Vân Ninh Hà Nội
Việc tính cách thu thuế cần tránh "nhũng nhiễu" và lợi dụng
Trong xu hướng hội nhập nền kinh tế toàn cầu của Việt Nam, thì việc quốc hội hoàn chỉnh luật và tạo ra các cơ chế chính sách thông thoáng,việc đánh thuế thu nhập cá nhân mục đích chính là tăng nguồn ngân sách quốc gia, điều tiết các hoạt động tài chính, tái đầu tư và phát triển kinh tế. Tuy nhiên trong luật có đề ra là việc đánh thuế thu nhập cá nhân vào tiền gửi tiết kiệm, tôi là một công dân xin hỏi một vài câu như sau và mong VietNamnet có thể chuyển câu hỏi này đến quốc hội để xin ý kiến:
1. Nếu một công dân có lãi suất tiền gửi tiết kiệm trên 5 triệu đồng một tháng, đồng thời người này cũng đang là nhà kinh doanh và thu nhập của họ cũng trên 5 triệu đồng một tháng thì sẽ đánh thuế thu nhập ra sao?
2. Nếu ta đánh thuế theo hình thức, thuế l•i suất tiết kiệm có đánh và thuế thu nhập cá nhân hàng tháng cũng đánh thì tổng thu nhập của cá nhân của họ chỉ bị đánh ở mức > 10 triệu đồng. Vậy thì ta phải đánh thế như thế nào.
3. Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, thu nhập của người do chủ đề tài thuê và làm cho họ cũng được gọi là thu nhập cao và bị đánh thuế. Vậy khi các Giáo Sư trong trường đại học khi có đề tài và muốn tạo điều kiện cho sinh viên có thu nhập thì sinh viên đó cũng bị đánh thuế sao? (bản thân sinh viên là rất nghèo) vậy quốc hội cho ý kiến.
4. Tôi cho rằng đất nước chúng ta còn nghèo, thu nhập còn thấp, thủ tục hành chính còn rất phức tạp, do vậy khi áp dụng thuế thu nhập cá nhân tính theo việc nuôi dưỡng cha mẹ, con cái sẽ tạo nên nhiều bất ổn trong xãhội từ việc xác định ai được đánh thuế và ai không phải đánh thuế là rất phức tạp. Đồng thời tạo ra điểm đen cho các cán bộ thuế không tốt đục khoét.
5. Việc tạm thu thuế thu nhập cá nhân của một cá nhân khi có một hoặc hai tháng nào đó trong năm tới mức 5 triệu, và việc hoàn trả thuế thu tạm thời này có rất nhiều bất cập đó là: giấy tờ cho việc chứng minh trong năm đó tổng thu nhập không lớn hơn 60 triệu là rất mất thời gian; tạo ra nhiều cơ hội cho những kẻ cầm quyền có tính xấu hành tỏi người nghèo và thậm chí khó có thể lấy lại số tiền đã bị tạm thu.
Nguyễn Quang Hùng
Dia chi: Số 5 Đường Thành Hoàn Kiếm Hà Nội