Chán chường và thất vọng vì không làm được sổ đỏ sau hơn 6 tháng, tôi quyết định dừng việc “chạy cửa sau” và đi theo con đường “chính thống”. Tôi quyết định gửi thư đến các cơ quan cấp cao hơn để tìm câu hỏi cho mình cùng một lúc qua website của Chính phủ, website của Bộ Tài nguyên và Môi trường và cuối cùng là portal của UBND thành phố Hà Nội. Tôi thực sự ngạc nhiên khi nhận được phản hồi chính thức chỉ sau có 3 ngày…
Sau những nỗ lực tiếp thị, đeo bám khách hàng của mình, Chúng tôi nhận được một hợp đồng cung cấp thiết bị và dịch vụ cho một khách hàng... Vốn nhập hàng ở đâu ra đây? Câu hỏi này thực sự rất khó đối với tất cả các thành viên trong công ty chúng tôi, toàn những người trẻ và thiếu đủ thứ: kinh nghiệm, quan hệ, tiền… Chỉ có duy nhất một thứ là nhiệt huyết làm giàu, chúng tôi thường gọi là “máu”! Đặt nhà, đó là cách mà tôi đã chọn! “Đất nhà mình chưa có sổ đỏ, ngân hàng sẽ không cho vay khi đất không có sổ đỏ!”, bố tôi nói. “Nhưng gia đình mình đã nộp đơn xin cấp sổ đỏ lâu rồi mà? Chắc sẽ nhanh thôi”. Quyết tâm phải lấy được sổ đỏ đưa tôi vào một hành trình mới, một hành trình giúp tôi ngộ ra được rất nhiều điều. Nhưng chắc chắn không phải là “Đi một ngày đường học một sàng khôn” mà phải là “Đi một ngày đường học một sàng dại, sàng đi sàng lại mới được tí khôn”… Lên UBND phường, sau 2 ngày đi lại chủ yếu là chờ và… đợi, tôi được cán bộ địa chính phường thông báo “hồ sơ của gia đình em đã được chuyển xuống quận từ tháng 6/2005 rồi, em cứ xuống quận hỏi nhé!”. Một ngày đầu tuần tháng 6/2006 xuống quận, lại sau 2 ngày đi lại chờ và… đợi, tôi nhận được ngần này thông tin: “Em cứ về đi, hồ sơ nhiều lắm, anh chưa tìm thấy, tuần sau xuống!”. Sẽ làm gì với một tuần này đây trong khi hợp đồng ký với khách hàng đã sắp đến ngày triển khai? Nằm xuống giường rồi mà tôi vẫn thấy câu hỏi đó hiện lên trong đầu! Cuối cùng là điện thoại, gặp mặt, xin lỗi cộng với 1001 lý do khách quan… khách hàng của chúng tôi cũng đồng ý cho chậm lại 15 ngày. Theo đúng hẹn tại UBND quận, ngồi chờ 2 tiếng đồng hồ vì cán bộ đi… “ăn sáng” chưa về. Cuối cùng, tôi cũng gặp được anh cán bộ, người tiếp tôi hôm trước với câu trả lời như gáo nước lạnh dập tắt hi vọng: “Đất ở khu đó không cấp sổ được đâu, dừng lại hết rồi”. “Phải chạy cửa sau thôi!”, ý nghĩ tiêu cực đó xuất hiện trong đầu tôi ngay lúc đó. Dò hỏi người quen, bạn bè và qua… một số cửa, cộng với một số chi phí (tôi không muốn viết ra cụ thể trong bài viết này) kết quả cuối cùng là sau gần 15 ngày bội thực thông tin, tôi nhận được kết quả là “Đất không cấp được sổ đỏ”. Quá chán chường và thất vọng vì không làm được gì với gần 1 tháng vất vả, khách hàng cũng đã huỷ hợp đồng với chúng tôi. Tôi quyết định dừng việc “chạy cửa sau” của mình và đi theo con đường “chính thống” là đề nghị Phòng Tài nguyên Môi trường và Nhà đất Quận xem xét việc cấp sổ đỏ và phải trả lời câu hỏi của tôi là “Lý do gì, và tại sao không cấp?”. Sau gần 6 tháng im hơi lặng tiếng từ phía Quận, tôi quyết định gửi thư đến các cơ quan cấp cao hơn để tìm câu hỏi cho mình. Cùng một lúc là qua website của Chính phủ, website của Bộ Tài nguyên và Môi trường và cuối cùng là portal của UBND thành phố HN. Tôi thực sự ngạc nhiên khi nhận được phản hồi rất nhanh của các cơ quan cấp Trung ương. Chỉ sau 3 ngày, tôi đã có phản hồi chính thức. Văn phòng Chính phủ phản hồi đầu tiên, rồi đến Bộ Tài Nguyên và Môi trường. Nhưng portal của UBND TP Hà Nội thì hình như không hoạt động gì vì không có phản hồi (nếu ai đó đã có câu hỏi qua Portal này chắc chắn sẽ có cùng suy nghĩ như tôi). Và điều quan trọng nhất và làm tôi rất vui mừng là câu trả lời của Bộ Tài nguyên và Môi trường là mảnh đất của gia đình tôi hoàn toàn hợp pháp và đủ điều kiện để cấp sổ đỏ chứ không phải theo kiểu trả lời của cán bộ phòng Tài nguyên Môi trường quận. Hiện nay, tôi đang chờ kết quả xử lý cuối cùng. Kể dài dòng về chuyện riêng của mình, tôi muốn gửi gắm và chia sẻ đôi chút ý kiến cá nhân của mình về việc cải cách hành chính mà nhân dân, doanh nghiệp cũng như toàn xã hội đang nói và kỳ vọng rất nhiều vào Chính phủ. Bản thân tôi không có đủ trình độ về lý luận để có thể nêu ra những điều mang tính lý luận, triết học, xã hội học... Tôi xin chọn cách đặt câu hỏi và hi vọng trong thời gian gần (đáng ra là phải cực gần hoặc ngay lập tức mới đúng) sẽ có những câu trả lời và những biện pháp sắc ngọt để cải cách hành chính thực sự hiệu quả cho đời sống xã hội. Tại sao các cơ quan cấp Trung ương có thể dành thời gian trả lời những việc rất nhỏ của người dân một cách nhanh chóng như vậy, trong khi các cán bộ ở địa phương (cụ thể là Quận và Phường) lại không thể làm được như vậy? Năng lực gắn liền với hành động. Một khi người dân có thể hiểu chính sách hoặc dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu chính sách thì cán bộ bắt buộc phải tự nâng cao năng lực của mình nếu không anh sẽ tự đào thải mình. Vậy cách thức và phương tiện truyền thông của chúng ta đã đúng và đủ để cho từng người dân có thể nắm bắt được chính sách pháp luật hay chưa? Chẳng thể mong một cầu thủ đá bóng giỏi lại có thể là một hoạ sĩ tài ba, sáng tạo. Nếu ông đá dở tôi và khán giả hâm mộ sẽ phát hiện ra ngay mà ông chẳng thể nào nói rằng “em còn bận vẽ tranh”. Ngành dọc và ngang có khi còn chéo nữa, hệ thống phức tạp dẫn đến tình trạng “một cổ năm bẩy tròng”. Cán bộ cấp dưới đã yếu về năng lực lại càng sợ trách nhiệm dẫn đến việc của dân, doanh nghiệp cứ ùn tắc hoặc chậm trễ mãi. Chuyên môn hoá, chúng ta đã làm chưa, làm đến đâu, có “đo, đếm” được không? “Quan chức là công bộc của nhân dân”, điều đó có thực chất đúng? Có trở thành kim chỉ nam cho các “quan” đã và sẽ làm trong tương lai không? Và câu hỏi muôn thuở “Tôi làm thế, tôi được gì?” trả lời thế nào đây? Có lẽ, đã đến lúc, chúng ta phải nghiêm túc xây dựng một nền văn hoá “quan chức” một cách bài bản cũng như trả lời thoả đáng và hài hoà câu hỏi “Tôi làm thế, tôi được gì?”. Vài dòng tham gia cùng bạn đọc VietNamNet, tất cả đều chỉ là ý kiến chủ quan của cá nhân tôi. Tôi viết ra với tất cả niềm tin và hi vọng trong một tương lai gần Việt
|