221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
878046
Đề án chỉnh trị Sông Hồng “trùng hợp” ý tưởng?
1
Article
null
Đề án chỉnh trị Sông Hồng “trùng hợp” ý tưởng?
,

Thời gian qua, nhiều bạn đọc có thư gửi về toà soạn,trong đó có Họa sĩ Văn Thơ  đến tòa soạn VietNamNet đề cập tới việc đề án chỉnh trị sông Hồng mà Tổ dự án Hà Nội hợp tác với Seoul (Hàn Quốc) giống với đề án chỉnh trị sông Hồng của họa sĩ Văn Thơ. Phải chăng đây là trường hợp ý tưởng trùng nhau? Về vấn đề này, các báo đã có những bài viết cụ thể, riêng báo Khoa học & Đời sống đã có buổi hội thảo phân tích nhiều mặt, chúng tôi xin giới thiệu bài viết đăng trên báo Khoa học & Đời sống số ra ngày 18/12/2006, để bạn đọc tham khảo.
 
Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long để xây dựng đế đô cho muôn đời sau. Sự nghiệp ấy đang đặt lên trên vai thế hệ hôm nay. Nhiều đề án, ý tưởng đã được đề xuất, có cả tham vấn các nhà khoa học nước ngoài. Tuy nhiên, có chăng sự trùng hợp lạ lùng giữa ý tưởng của Tổ dự án Sông Hồng (Seoul, Hàn Quốc) với ý tưởng đã công bố của họa sĩ Văn Thơ.

 

Đề án chỉnh trị sông Hồng của họa sĩ Văn Thơ.

Một ý tưởng mạnh dạn và hoành tráng
 
Tháng 7/2005, họa sĩ Văn Thơ đề xuất đề án mang tính ý tưởng với tên gọi “Thành phố Sông Hồng”, đặt vấn đề xây dựng lại tuyến đê 2 bên bờ Sông Hồng trở thành đại lộ cố kết từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì. Đồng thời sử dụng các bãi đất cù lao giữa lòng sông và các bãi ngoài đê mới để xây dựng các khu nhà cao tầng và công viên du lịch. Có lẽ ý tưởng do các họa sĩ đưa ra với các hình ảnh rất hoành tráng đã không tránh khỏi những cái nhìn hoài nghi. Tuy nhiên, sau khi xem xét kỹ cơ sở khoa học của nó, nhiều nhà chuyên môn đã tỏ ý đồng tình với những giải pháp đồng bộ và khá triệt để của ý tưởng này. 
 

Đề án chỉnh trị sông Hồng mà Hà Nội hợp tác với Seoul (Hàn Quốc).

Báo Khoa học và đời sống cùng với 12 tờ báo khác, trong đó có những tạp chí chuyên ngành đã giới thiệu khá đầy đủ và chi tiết đề án của Văn Thơ.

 

Được sự động viên khuyến khích của dư luận, tháng 4/2006, Văn Thơ tiếp tục hoàn thiện đề án của mình, mở rộng phạm vi ra thành đề án “Điều chỉnh dòng chảy Sông Hồng và Sông Đuống đoạn chảy qua thủ đô Hà Nội”. Cốt lõi của đề án này là nắn sửa lại những con đê cũ đã trở thành đê kiên cố vĩnh cửu, giải thoát dòng chảy để không xảy ra lụt lội hay vỡ đê, đồng thời, biến những con đê thành đại lộ giao thông, biến những bờ bãi thành phố xá và công viên cây xanh… Như vậy, đề án “Thành phố Sông Hồng” trở thành một phần quy hoạch cụ thể và chi tiết nằm ở đoạn giữa các tuyến đê nói trên.
 
Tác giả Văn Thơ đã trình đề án của mình lên các cơ quan chuyên môn và công quyền của Hà Nội, gửi tới một số vị lãnh đạo của Trung ương đồng thời đã tiến hành đăng ký bản quyền.
 

"Đây là một ý tưởng sâu sắc của một công dân Hà Nội... Chúng tôi, những nhà quy hoạch hoan nghênh ý tưởng của tác giả và cũng mong ý tưởng đó trở thành hiện thực trong dự án “Quy hoạch đô thị hai bờ Sông Hồng” - dự án hợp tác giữa UBND TP Hà Nội và Hàn Quốc”.

- (Trích công văn số 392/VQH-NCK-HQHXD của Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn do Viện trưởng Lưu Đức Hải ký ngày 18/8/2006)

 

Cũng cần lưu ý: Tuyến đê điều chỉnh này tương tự và trùng hợp với đề xuất của “Đề án điều chỉnh dòng chảy của Sông Hồng và Sông Đuống đoạn qua Hà Nội” của tác giả Văn Thơ đã công bố tháng 4 năm 2006

- (Trích bản nhận xét của Phan Đình Đại - Tổ viên tổ công tác dự án quy hoạch phát triển khu vực Sông Hồng (Phía Việt Nam) - Ngày 27/11/2006).

UBND Thành phố đã có công văn đề nghị Sở Quy hoạch và Kiến trúc tổ chức hội thảo để đánh giá bản quyến đề án của tác giả Văn Thơ. Ngày 7/4/2006, Sở này đã tổ chức một hội thảo quy mô nhỏ. Tại đó có nhiều ý kiến hoan nghênh, đồng tình, cũng có ý kiến phản bác, nhưng vẫn còn để ngỏ, chưa đi đến kết luận nào cả. Tuy vậy, ngày 7/5/2006, UBND gửi công văn cho tác giả với kết luận “Hiện nay, Hà Nội chưa có điều kiện triển khai dự án theo ý tưởng của tác giả Văn Thơ”.
 
Một sự trùng hợp ý tưởng?
 
Được biết có khoảng hai chục đề án liên quan đến việc chỉnh trị Sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội, nhưng hầu như chưa đạt tầm. Việc tham vấn kinh nghiệm của nước ngoài là rất cần thiết. Tháng 9/2005, thành phố Seoul, Hàn Quốc đã ký kết “Bản ghi nhớ” về việc hợp tác quy hoạch phát triển Sông Hồng với Hà Nội. Về phía bạn đã hình thành cả một hệ thống tổ chức dự án, trong đó có tổ dự án ở Hà Nội. Về phía Việt Nam, UBND Hà Nội đã ra quyết định 26/QD-UBND ngày 26/6/2006 về việc thành lập tổ công tác hỗ trợ thực hiện dự án này.
 
Tháng 9/2006, Tổ dự án đã có báo cáo đầu kỳ và đến tháng 11/2006, Tổ đã công bố báo cáo “Lập quy hoạch phát triển Sông Hồng đoạn qua Hà Nội” dày 125 trang. Trong báo cáo này, đáng chú ý là ngoài những phần cụ thể về xử lý đất đai, xây dựng công viên cây xanh… phần xương sống quan trọng nhất là việc điều chỉnh tuyến đê hai bên bờ Sông Hồng và Sông Đuống hầu như trùng hợp với đề án của tác giả Văn Thơ.
 
Không rõ đây là những ý tưởng lớn gặp nhau hay là có sự tham khảo ý tưởng của tác giả Văn Thơ (nhưng không nêu). Vì đề án của Văn Thơ đã được công bố và đăng ký bản quyền trước. Và theo báo cáo đầu kỳ của tổ dự án thì có ghi mục 3-2 là “Thành phố Hà Nội: cung cấp các tài liệu sẵn có cho tổ dự án”. Song, khi tác giả Văn Thơ hỏi người có trách nhiệm bên Sở Quy hoạch và Kiến trúc thì được trả lời là không hề đưa tài liệu phía đối tác (trong khi chính Văn Thơ đã có kiến nghị cung cấp cho họ tham khảo). Chính vì lẽ đó, tác giả Văn Thơ tỏ ra rất bức xúc về vấn đề bản quyền của mình, nên đã viết thư cho tổ công tác phía đối tác thông qua Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội để hỏi về vấn đề này.

Và nếu như quả thật có sự trùng hợp ngẫu nhiên, lại là một khẳng định cho giá trị của ý tưởng Văn Thơ, nhưng lại bị chính ta tự coi thường “hàng nội”?

 

(Theo Khoa học & Đời sống)


 
Bạn nghĩ gì về về vấn đề này?

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,