221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
881470
Bạn đọc VietNamNet đề xuất giải pháp giảm thiểu TNGT
1
Article
null
Bạn đọc VietNamNet đề xuất giải pháp giảm thiểu TNGT
,

Ngay sau khi Bộ Giao thông Vận tải và Uỷ ban ATGT quốc gia kêu gọi người dân đóng góp ý kiến về các giải pháp nhằm giảm thiểu TNGT, rất nhiều bạn đọc VietNamNet đã gửi ý kiến đề xuất của mình…

Bạn đọc hiến kế cho bài toán giao thông Hà Nội

Soạn: HA 996293 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Đường hai chiều là một nguyên nhân gây ùn tắc giao thông.

Hoang Gia Khanh,

232/8 Tôn Đức Thắng, Hà Nội
Để giải quyết nạn ùn tắc giao thông, tôi xin đề xuất một số giải pháp trước mắt trong điều kiện cơ sở hạ tầng hiện nay như sau:

1. Thiết lập đường phố hai chiều trong nội thành thành đường một chiều; Kết hợp với việc phân luồng/làn trên đường phố cho thích hợp với từng loại phương tiện tham gia giao thông (trừ ngõ cụt - chỉ có một lối ra vào); Cắm biển điều phối phương tiện tham gia giao thông phù hợp với hiện trạng đường phố. Trước mắt có thể qui định đi một chiều trên đường phố nội đô đối với tất cả các loại ôtô, kể cả xe buýt, dần dần chuyển sang qui định một chiều cho tất cả các loại phương tiện tham gia giao thông.

Đường một chiều tránh được nạn phương tiện tham gia giao thông đổi hướng theo chiều ngược lại, hoặc phương tiện đi ra từ các phố, ngõ cắt ngang dòng phương tiện đang lưu thông để đi ngược lại với hướng đi đã được qui định. Đường một chiều cũng tránh hiện tượng hai ôtô loại lớn đi ngược chiều nhau và gặp nhau trên cùng một tuyến đường trong nội đô gây ùn tắc giao thông...

2. Tại các nơi giao nhau có điều khiển bằng tín hiệu đèn, chỉ nên cho phép các phương tiện hai bánh được rẽ phải khi đèn đỏ bật sáng, không nên cho phép cả ôtô, xe 3 bánh vì loại phương tiện này chiếm diện tích khá lớn, trong khi chỗ ngoặt của đường phố lại hẹp, thời gian lại ngắn... Khi có nhu cầu rẽ phải/hoặc trái, cần qui định người điều khiển phương tiện phải chuyển đúng làn đường qui định, nếu vi phạm thì xử phạt.

3. Cơ quan quản lý cần thường xuyên kiểm tra, kịp thời thay thế những bóng đèn bị hư hỏng tại hệ thống đèn điều khiển giao thông các nơi giao nhau. Hệ thống đèn này phải hoạt động thường xuyên trong ngày (24h/24h), tạo thuận lợi cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông chấp hành đúng luật giao thông.

Cần nghiên cứu để sắp xếp khoa học, tạo thế liên hoàn giữa các hệ thống đèn tín hiệu tại các nút giao thông trên cùng một trục đường trong nội thành (có thể dựa trên tốc độ bình quân cho phép đối với phương tiện cơ giới được qui định tại Luật Giao thông đường bộ), cũng như thời gian chuyển màu đèn thích hợp. Điều này sẽ làm cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông chú ý giữ tốc độ ổn định để đi liên tục...

Thực tế, trong nội thành thành phố Hà Nội có một số ít tuyến đảm bảo được ý trên, dòng phương tiện chuyển động liên tục, không bị ùn tắc (ví dụ: phố Huế - Hàng Bài; Hàng Bài - Đinh Tiên Hoàng; Tràng Thi - Ngã năm Cửa Nam....).

4. Các biển báo giao thông, đặc biệt là biển báo cấm, cần được treo ở nơi mà người điều khiển phương tiện dễ thấy, trên cột riêng và theo khoảng cách như qui định trong Luật Giao thông đường bộ. Trên các đường phố nội đô, đa số các biển báo được treo ở nơi thích hợp, tuy nhiên còn không ít biển báo được treo theo kiểu “tiện đâu treo đấy”, thậm chí treo cả lên cây, bị cây hoặc cột điện che khuất... làm cho người điều khiển phương tiện lúng túng, xoay xở không kịp, gây cản trở giao thông.

5. Bến xe buýt không nên đặt ở vị trí khi mới qua nút giao thông vì khi có bến xe thì xe buýt phải dừng để đón, trả khách và thế là các phương tiện khác bị chặn lại, gây ùn tắc (ví dụ bến ô tô buýt trên phía Văn Miếu trên đường Tôn Đức Thắng).

7. Trả lại sự thông thoáng lòng đường và hè phố.

8. Cấm treo biển quảng cáo có hình ảnh động ở nơi đường phố giao nhau. Biển quảng cáo treo tại nơi này, đặc biệt là các màn ảnh phát hình lớn (như nút Đại Cồ Việt, Lê Duẩn - Giải Phóng - Đào Duy Anh; Giảng Võ - Láng Hạ - Đê La Thành), sẽ làm người điều khiển phương tiện bị phân tán, không tập trung khi qua nút đường giao nhau theo đèn tín hiệu hoặc theo hướng dẫn của cảnh sát giao thông gây nguy hiểm và ùn tắc.

9. Nơi qua đường dành cho người đi bộ cần bố trí ở nơi có đèn tín hiệu giao thông, nếu bố trí ở giữa đường thì cần phải có đèn tín hiệu để người đi bộ có thể tự điều khiển để xin đường trước khi qua (loại này chỉ nên áp dụng đối với các tuyến phố quá dài), đảm bảo an toàn cho người đi bộ khi qua đường.

Thực tế trong nội thành Hà Nội, trên một số tuyến phố, phần đường dành cho người đi bộ được bố trí tuỳ ý, không có đèn tín hiệu giao thông (ví dụ đường Hai Bà Trưng) dễ xảy ra tai nạn đối với người đi bộ qua đường và khi có tai nạn lại gây ùn tắc.

Ở những nút giao thông có đường lớn (như đường Giải Phóng, Đại Cồ Việt, Trần Khát Chân...) hoặc đường có lưu lượng phương tiện giao thông tham gia với mật độ cao nên làm cầu vượt (bằng sắt thép hoặc bê tông vĩnh cửu) dành riêng cho người đi bộ. Có chế tài xử phạt người bộ hành qua đường không đúng nơi qui định.

10. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông bằng nhiều hình thức, thường xuyên đăng báo, giới thiệu trên truyền hình (kèm hình ảnh cụ thể)... các qui định trong Luật Giao thông đường bộ để tất cả mọi người đều hiểu, nắm được Luật Giao thông khi tham gia giao thông trên đường phố.

11. Hạn chế, tiến tới cấm một số loại xe thô sơ lưu thông trong nội đô như xe xích lô không có tổ chức (xích lô đen), xe thồ, xe ba gác, xe bán hàng rong (có động cơ và không có động cơ); trước mắt nên cấm các xe này hoạt động trong giờ cao điểm (tương tự như qui định đối với ôtô tải).

12. Việc hạn chế xe máy, mô tô cũng cần được tiến hành, nhưng cần phải đi đôi với phát triển tốt mạng lưới xe buýt, khuyến khích mọi người đi xe buýt.

Nguyễn Lê Quang, Hàng Gai, Hà Nội

1. Trước mắt, chúng ta có thể bố trí lệch giờ làm việc của 1 số nhà máy và các trường học sớm hoặc muộn hơn so với giờ làm việc bình thường 30 phút. Việc bố trí lệch giờ chỉ dành cho những người trực tiếp sản xuất và học sinh, sinh viên, còn những người làm việc hành chính vẫn giữ nguyên giờ làm việc vì họ còn phải giao dịch giữa các cơ quan Nhà nước với nhau.

2. Không cho làm bãi để xe dưới lòng đường, nhất là một số đường phố hẹp và có lưu lượng tham gia giao thông rất lớn như phố Hàng Ngang hoặc Hàng Đào.

3. Không cho các tour du lịch chở khách bằng xe xích lô đi hàng đoàn dài, chỉ được đi từng tốp nhỏ 5 chiếc một, chính những đoàn xe xích lô này đã gây tắc đường rất nhiều vì những phố cổ của Hà Nội rất hẹp và đông.

Trần Quốc Vượng, 06 Lê Thanh Nghị, Nha Trang

Theo tôi, chúng ta không nên tranh cãi nhiều về vấn đề ùn tắc giao thông và đổ hết lỗi cho ý thức người dân. Chúng ta phải nhìn vào thực tế là hạ tầng giao thông đô thị Hà Nội quá kém. Tôi xin phép phải dùng từ như vậy để nói đúng thực tế.

Nhìn qua các thành phố trong khu vực như Bangkok hay Quảng Châu, với hệ thống đường sá được đầu tư xây dựng đồ sộ, bài bản, lượng xe hơi lớn gấp rất rất nhiều lần Hà Nội nhưng họ không có ùn tắc, kẹt xe nghiêm trọng như ta. Tôi không cho rằng ý thức của người Thái hay người Trung Quốc cao hơn người Việt Nam. Nói vậy để thấy rằng hệ thống giao thông quyết định ý thức của người dân.

Muốn phát triển kinh tế không có biện pháp hữu hiệu nào hơn là đầu tư cho hạ tầng giao thông, không chỉ tại Hà Nội. Tôi rất sợ khi có việc phải đi trên Quốc lộ số 1. Nó quá nhỏ bé, nguy hiểm. Do vậy, chúng ta không nên tranh cãi thêm nữa. Vấn đề là Nhà nước phải đầu tư lớn hay huy động nguồn lực của tư nhân, nước ngoài để làm lại hệ thống đường sá. Có như vậy, trong tương lai mới không còn những tai nạn giao thông đáng tiếc.

Hoàng Ngọc Bình, 226 Lê Duẩn, Hà Nội

Có nhiều nguyên nhân gây ách tắc và tai nạn giao thông, trong đó có xe buýt. Vậy làm thế nào để xe buýt vừa phục vụ tốt nhân dân lại vừa an toàn? Tôi chỉ xin đưa ra một giải pháp có thể gọi là đơn giản nhất và hiệu quả nhất đối với xe buýt, đó là: Đề nghị Công ty xe buýt ban hành quy định đối với các lái xe điểu khiển xe phải luôn giữ khoảng cách bắt buộc giữa các xe buýt đi cùng một chiều đường là 50m (xe trước phải cách xe sau ít nhất là 50m). Khi có bất kể sự cố tắc đường hay phải dừng trả - đón khách, xe buýt không được phép vượt nhau, đồng thời không cho 2 xe buýt cùng tránh nhau tại một nút giao thông (qua ngã ba, ngã tư, điểm giao cắt chỉ cho phép lần lượt các xe đi theo thứ tự quy định tại Luật Giao thông đường bộ, xe nào đến điểm giao cắt sau thì phải dừng lại hoặc chạy rất chậm ở đường nhánh để xe đến trước thoát khỏi điểm giao cắt mới được đi tiếp).

Tôi hy vọng với giải pháp này, riêng xe buýt đã góp phần đáng kể vào giải quyết ách tắc giao thông và tai nạn giao thông... Kính mong các cơ quan, ban ngành và Công ty xe buýt tiếp thu, thực hiện.

Nguyen Thanh Ha, npq00@yahoo.com

Việc Bộ Giao thông Vận tải kêu gọi toàn dân hiến kế giảm tai nạn giao thông là cần thiết và đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, đây là việc làm cấp bách và đòi hỏi giải quyết rất nhiều vấn đề, liên quan đến Chính phủ, các Bộ trong thời gian dài. Trong khi đó, hàng ngày vẫn có khoảng 20-30 cái chết vô nghĩa và oan uổng diễn ra trên cả nước vì tai nạn giao thông. Vì vậy, trong tình trạng hiện nay, Chính phủ cần ban bố tình trạng khẩn cấp với các giải pháp tình thế để giải quyết ngay vấn nạn này. Theo tôi, trước mắt, Chính phủ cần quyết ngay những việc sau:

1. Thông báo trong vòng 10 ngày tới sẽ tạm thời áp dụng các hình phạt lỗi vi phạm Luật Giao thông ở mức thật cao: Tịch thu phương tiện, phạt tiền. Phát các tờ rơi thông báo các mức phạt tạm thời cho toàn dân để mọi người biết.

2. Thay đổi giờ làm việc của các cơ quan Nhà nước để giảm tải cho hệ thống giao thông. Chúng ta nên quản lý nhân viên theo công việc chứ không nên quản lý theo thời gian.

3. Đưa ra các hình phạt nghiêm khắc hơn nữa đối với những cảnh sát giao thông nhận hối lộ.

Nguyễn Lâm Chiến, lamchien@gmail.com
Nâng cao ý thức cho người điều khiển phương tiện giao thông

Tôi thường làm việc với người nước ngoài, và cũng thường đi công tác với họ. Và rất nhiều lần, chúng tôi chứng kiến tai nạn giao thông. Họ thường xuyên thấy những người dân Việt Nam đi xe máy không theo phép tắc, luật pháp nào cả, muốn chạy nhanh bao nhiêu cũng được, muốn sang đường lúc nào cũng được. Những lần như vậy, tôi thực sự thấy xấu hổ.

Mộ số người nước ngoài nói với tôi rằng người Việt Nam dùng khung sắt để bảo vệ đèn cho xe máy trong khi lại không chịu đội mũ bảo hiểm để bảo vệ chính cái đầu của mình, và bài học đầu tiên khi học đi xe máy là "Quay lại đằng sau", đây là "bài học cứu mạng".

Chúng ta lâu nay vẫn luôn nói về ý thức của người tham gia giao thông. Theo tôi, tai nạn giao thông xảy ra nguyên nhân chính vẫn là do ý thức quá kém của người điều khiển phương tiện. Tôi nghĩ, chỉ khi nào ý thức của người điều khiển phương tiện cao thì tai nạn giao thông mới giảm được.

Ý kiến của bạn?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,