(VietNamNet) - Nhiều bạn đọc đã có thư gửi về Toà soạn thắc mắc vì sao trên địa bàn thành phố tồn tại khá nhiều nhà siêu mỏng trái với Quyết định 28 của UBND Thành phố? Lần theo thư bạn đọc PV VietNamNet đã có mặt trước những căn nhà siêu mỏng...
Con phố Đào Tấn trở nên quen thuộc với người dân Thủ đô không chỉ bởi vì đây là một trong những tuyến phố đẹp nhất của Hà Nội mà còn bởi, trên con phố này có sự xuất hiện của 15 ngôi nhà cao tầng siêu mỏng mọc lên san sát đã được báo chí nhắc đến nhiều. Khái niệm nhà siêu mỏng giờ đã trở nên quá quen thuộc đối với người dân Hà Nội, những ngôi mà sự tích của nó gắn liền với các dự án quy hoạch.
Có lẽ, khi khai sinh ra một công trình xây dựng mới, các kiến trúc sư, các nhà quy hoạch không thể ngờ rằng, con đường của mình lại có thể sản sinh ra những ngôi nhà với hình thù kỳ dị, chưa bao giờ có tên trong các tác phẩm kiến trúc. Đó là những ngôi nhà mà bề dày chỉ dưới 1m, . Nhà siêu mỏng rất đa dạng về kiểu dáng. Từ hình tam giác, hình vuông, hình ống, hình lục giác... thậm chí là những hình thù kỳ quái mà trong từ điển hình học không có từ để diễn tả. Bộ mặt đô thị cũng vì thế mà trở nên méo mó, dị dạng.
Dự án Ngã Tư Sở, dự án mở rộng đường Đào Tấn, đường Lạc Long Quân... đã làm nảy sinh những ngôi nhà siêu mỏng khiến báo chí tốn không biết bao giấy mực. Nay, dự án tuyến Quốc lộ 32, tuyến đường huyết mạch phía tây bắc của Thủ đô Hà Nội, đang được khởi công xây dựng. Những ngôi nhà siêu mỏng lại được dịp mọc lên trên đoạn đường đi qua thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm.
Nhà siêu mỏng và siêu siêu mỏng
Dọc đường Cầu Diễn, chúng tôi bắt gặp một ngôi nhà có diện tích khoảng... 3m2 (1x3). Ngôi nhà này xuất hiện sau khi giải phóng mặt bằng thi công Quốc lộ 32. Theo chúng tôi được biết, chủ nhân của nó đã nhận tiền đền bù, với giá 11 triệu/1m2, nhưng vì còn một chút đất chưa qua mốc chỉ giới nên tận dụng nốt chút mặt tiền còn lại làm nơi kinh doanh.
|
Nhà... 3m2. Ảnh M.A |
Đi tiếp con đường này, chúng tôi bắt gặp một ngôi nhà siêu mỏng khác. Đó là một ngôi nhà hai tầng với kiểu kiến trúc rất độc đáo, "thượng đa, hạ thiểu". Tầng một ngôi nhà có chiều rộng chỉ khoảng 70cm, chiều dài 3m, dùng làm nơi kinh doanh. Tầng hai lấn chiếm không gian nên rộng hơn tầng dưới, dùng làm chỗ ở. Để đi từ tầng một lên tầng hai, chủ nhà sẽ phải vất vả trèo lên cái thang nhỏ xíu kê sát vào góc nhà.
|
Kiến trúc nhà theo kiểu "thượng đa, hạ thiểu". Ảnh M.A |
Trên đoạn đường này còn có hai ngôi nhà kề nhau mà độ mỏng của nó khiến người ta phải giật mình, không biết gọi đó là nhà có đúng không nữa.
|
Nhìn bề ngoài, hai ngôi nhà trên vẫn "bình thường" như bao ngôi nhà khác. Ảnh MA |
|
|
Ngôi nhà phía bên tay trái nằm trên một mảnh đất có chiều dài 1,8m, chiều rộng một bên là 30cm, một bên là 60cm. Chủ nhân của nó cũng đã nhận được tiền đền bù như bao hộ gia đình khác. Tuy nhiên, vì còn thừa ra một ít đất, họ vẫn cố cất lên một căn nhà "kiên cố" được bảo vệ bằng một cánh cửa sắt khoá kín. Diện tích nhà phía bên trong siêu nhỏ, không đủ để kê bất cứ thứ gì, ngay đến một chiếc ghế nhỏ. Vậy mà, mảnh đất này được chủ nhân rao bán cho người hàng xóm ở trong ngõ với giá... 40 triệu đồng một mét vuông, gấp 4 lần giá đền bù. Cả miếng đất này trị giá 47 triệu đồng.
|
Nhà chả đủ kê bất kỳ thứ gì nhưng vẫn xây. Ảnh M.A |
Ngôi nhà kế cận treo biển hiệu "Hồng Quang, chuyên xe máy" có diện tích rộng hơn một chút, với diện tích 9m2, hình chữ L mà một cạnh chỉ vẻn vẹn 80cm, được rao bán với giá 60 triệu/1m2. Người mua ở đây không thể là ai khác ngoài người hàng xóm mà chúng tôi vừa nêu. Vậy là, để "vượt ngõ ra đường", người hàng xóm này phải mất gần 600 triệu cho hai miếng đất trên.
"Tiền đâu ra mà mua!". Đó là lời than vãn của người hàng xóm kém may mắn, sống tại ngôi nhà trong ngõ phía sau với phóng viên VietNamNet. Gia đình người hàng xóm này vốn dĩ cũng định vay tiền ngân hàng để mua 2 mảnh đất trên, với mong muốn được ra mặt đường để có nơi buôn bán. Cuối cùng, họ đành ngậm ngùi bỏ ý định. Hai vợ chồng làm nghề buôn bán nhỏ lẻ, biết bao giờ mới trả được khoản vay lớn như vậy?
Chính quyền biết nhưng làm ngơ?.
Theo Quyết định số28/2006/QĐ-UB của UBND thành phố Hà Nội về cấp phép xây dựng các công trình trên địa bàn thành phố, lô đất có diện tích nhỏ hơn 15m2 có chiều rộng mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng nhỏ hơn 3m, hoặc những lô đất có kích thước hình học không đủ điều kiện để xây dựng công trình theo quy hoạch, kiến trúc (phần diện tích xây dựng công trình có nhiều góc cạnh, tỷ lệ chiều dài, chiều rộng không hợp lý,…) thì không được phép xây dựng.
Những ngôi nhà siêu mỏng được đề cập trên được xây cách trụ sở UBND thị trấn Cầu Diễn và UBND huyện Từ Liêm vài trăm mét. Theo như những người dân ở đây thì họ đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền . Tuy nhiên, lãnh đạo của UBND thị trấn Cầu Diễn và UBND huyện Từ Liêm không hề có biện pháp giải qyết , mặc chúng hiên ngang tồn tại.
Các quy định thì đã rõ. Tuy nhiên, việc triển khai, quản lý của các cơ quan chức năng và ngay cả ý thức của người dân về cải tạo công trình của mình cho đúng với quy định và đóng góp tạo cảnh quan kiến trúc đô thị chưa cao. Xem ra việc xử lý triệt để tình trạng nhà siêu mỏng vẫn chưa có hồi kết.
-
Mai Anh
Ý kiến của bạn?