Trước những vấn đề nổi cộm của nước nhà được các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên đề cập, bạn đọc Nguyễn Văn Luận qua VietNamNet muốn gửi tới Thủ tướng lá thư đầy tâm huyết. Tác giả bức thư hi vọng rằng có thể làm được một điều gì đó dù là rất nhỏ nhoi nhưng là thiết thực trong việc đóng góp công sức của mình cho sự phồn thịnh của nước nhà.
Kính thưa Thủ tướng!
Là một người dân, tôi thường rất quan tâm đến những vấn đề nổi cộm của nước nhà, đây là những vấn đề mà các phương tiện thông tin đại chúng thường hay nhắc đến. Trong quá trình theo dõi thông tin, mỗi khi gặp một sự kiện đáng phải suy nghĩ, tôi thường hay trầm tư, trăn trở, suy ngẫm và tự mình gắng tìm ra một giải pháp để giải quyết vấn đề nan giải còn chưa được giải quyết.
"Tôi trăn trở rất nhiều trước khi viết những dòng này trình lên Thủ tướng. Tôi quyết định không gửi thư lên Thủ tướng theo con đường chính thống như thông qua Bưu điện hoặc công văn là bởi tôi hi vọng nếu thư này được VietNamNet đăng tải, Thủ tướng sẽ có thời gian thích hợp để trực tiếp đọc những trăn trở trong suy nghĩ của tôi". |
Trong những lần trăn trở đó, cứ mỗi lần có một phát hiện, mà ý kiến chủ quan của cá nhân tôi cho là đúng, là hữu ích, tôi lại vội vàng đánh máy, in ra đề xuất của mình và gửi đến các cơ quan công quyền có liên quan.
Nhưng thật đáng tiếc, sự phản hồi của các cơ quan hữu trách với những đề xuất của cá nhân tôi không được như tôi từng mong đợi. Cũng có thể sự đánh giá của tôi về những đề xuất của tôi còn là quá chủ quan, tuy nhiên, không loại trừ một khả năng là do chính những người đã xem xét những đề xuất của cá nhân tôi hoặc thiếu tính thần trách nhiệm, hoặc không hiểu nổi tính đúng đắn của những điều tôi đã trình bày.
Để minh chứng cho những lập luận đã nêu trên, tôi mạn phép trình bày tại đây hai trong số nhiều đề xuất tôi từng gửi đến các cơ quan có trách nhiệm:
Đề xuất thứ nhất, liên quan đến vấn đề tìm kiếm và ngăn ngừa gian lận trong sử dụng hoá đơn giá trị gia tăng (Tôi đưa ra đề xuất trong bối cảnh kể từ vài năm lại đây tình hình gian lận trong sử dụng hoá đơn giá trị gia tăng luôn diễn ra hết sức phức tạp).
Hàng năm, số tiền có liên quan đến gian lận đã được chỉ ra luôn là con số hàng trăm tỷ VNĐ. Đặc biệt, trong năm 2005, chỉ tính riêng hai vụ gian lận thuế điển hình ở tỉnh Cần Thơ, doanh số có liên quan đến gian lận thuế đã lên tới gần 2.000 tỷ VNĐ. Số tiền gian lận thuế do các cơ quan chức năng phát hiện ra là vậy, còn số tiền gian lận không bị phát hiện lớn đến chừng nào, hẳn không ai có thể trả lời chính xác được câu hỏi này. Để có thể ngăn ngừa tình trạng tiếp tục gia tăng số vụ việc gian lận trong sử dụng hoá đơn giá trị gia tăng, tôi từng đưa ra đề xuất dưới đây.
Trong khi còn chưa có được một biện pháp thực sự hữu hiệu, ngành Thuế nên tập trung bảng kê khai thuế của các doanh nghiệp về một hoặc hai vị trí. Tại đây, ngành Thuế có thể triển khai nhập liệu thủ công số liệu của các hoá đơn vào vi tính. Với sự hỗ trợ của phần mềm tìm kiếm gian lận được cài đặt sẵn trong vi tính, việc chúng ta phát hiện ra các hành vi gian lận trong sử dụng hoá đơn sẽ chẳng còn là chuyện quá khó khăn.
Rất có thể, sẽ có nhiều chuyên gia, nhà chuyên môn cho đề xuất đã nêu là cẩu thả, là viển vông vì chi phí cho nhập liệu thủ công là quá lớn, là không tương xứng với số tiền gian lận được chỉ ra. Nhưng thực ra đề xuất đã nêu hoàn toàn không viển vông một chút nào.
Để tìm cách minh chứng cho tính đúng đắn của giải pháp đã đưa ra, chúng tôi đã tiến hành thử nghiệm nhập liệu và tìm kiếm gian lận trong phạm vi khoảng 2.000 doanh nghiệp tại thành phố Hà Nội. Kết quả thử nghiệm cho thấy, chỉ cần ba nhân viên nhập liệu là có thể nhập xong số liệu của các hoá đơn đã được phát hành của 2000 doanh nghiệp trong phạm vi một tháng. Điều này cũng có nghĩa là với khoảng 360.000 doanh nghiệp trên toàn quốc, ngành Thuế chưa cần đến khoản chi phí 15 tỷ VNĐ đã có thể nhập liệu và cơ bản kiểm tra hết tất cả các hoá đơn đã được phát hành trong một năm của tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động trên phạm vi toàn quốc.
Xét về cả hai góc độ hiệu quả xã hội và kinh tế, với hoàn cảnh hiện tại, việc tiến hành nhập liệu thủ công để phát hiện ra các hành vi gian lận trong sử dụng hoá đơn giá trị gia tăng là việc rất nên làm.
Cũng cần phải nói thêm là, tôi đưa ra đề xuất trên cũng chỉ xuất phát từ chỗ tôi được biết Đài Loan đã từng làm như tôi đã trình bày. Người lao động của Đài Loan có thu nhập cao gấp hàng chục lần của ta, điều này có nghĩa là chi phí cho nhập liệu của họ cao hơn của ta tới hàng chục lần. Họ làm được hà cớ gì ta không làm được?
Đề xuất thứ hai, về vấn đề cải cách hành chính. Cùng với việc gửi đề xuất của mình đến với các cơ quan có trách nhiệm, tôi từng gửi đăng bài viết của mình trên các báo điện tử. Bài tôi viết được đăng trên VietNamNet với tiêu đề "Cần định mức chính xác thời hạn giải quyết hồ sơ" và bài được đăng trên báo điện tử của Vụ Cải cách hành chính trong mục ý kiến góp ý của người dân.
Cần định mức chính xác thời hạn giải quyết hồ sơ để giải quyết các thủ tục hành chính. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Với đề xuất này, tôi khẳng định thời hạn giải quyết hồ sơ của các cơ quan công quyền hiện quá chậm chạp và kéo dài một cách vô lí. Tôi từng đưa ra lập luận là, với phần lớn các công việc hành chính mang tính thủ tục như: Sang tên nhà đất, cấp phép kinh doanh ngành nghề bình thường, thủ tục cấp phép thay đổi địa chỉ trụ sở, bổ sung ngành nghề kinh doanh..., việc hoàn tất hồ sơ cũng chỉ đơn giản như việc hoàn thiện một sản phẩm trên một dây chuyền sản xuất.
Các cơ quan chủ quản, chính quyền các cấp hoàn toàn có thể chỉ ra một cách chính xác, xét duyệt mỗi loại hồ sơ sẽ gồm bao nhiêu khâu, công đoạn, mỗi công đoạn cần bao nhiêu thời gian để có thể đưa ra một hạn mức thời gian thật chính xác. Trong đề xuất đó, tôi cũng từng chứng minh cái phi lí của lập luận cho là: Tại rất nhiều cơ quan công quyền, do người ít việc nhiều nên dẫn tới việc ùn tắc hồ sơ là không tránh khỏi.
Tôi tuyệt đối tin, nếu đề xuất trên của tôi được chính quyền các cấp thực sự chú tâm xem xét, chúng ta có thể rút ngắn thời hạn giải quyết hồ sơ của rất nhiều vụ việc từ vài chục đến vài trăm lần. Lợi ích này đối với xã hội thật không nhỏ chút nào.
Kính thưa Thủ tướng! Những gì tôi đã trình bày trên, tôi từng đã gửi đến những cơ quan có trách nhiệm để xem xét. Ngoài hai đề xuất trên tôi còn gửi đi nhiều đề xuất khác. Tôi quyết định viết và trình bày lại đề xuất của mình lên Thủ tướng vì những trăn trở dưới đây. Thứ nhất, trước khi đưa ra hai đề xuất trên, tôi từng đã cân nhắc rất nhiều và tôi tuyệt đối tin những đề xuất của mình là có cơ sở khoa học và không chút viển vông. Cũng chính vì sự tin tưởng vào đề xuất của mình mà tôi nhận thấy sự lĩnh hội của chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng có liên quan tới đề xuất của người dân là còn chưa tích cực. Tôi xin được đưa ra những câu hỏi dưới đây:
Nếu đề xuất của tôi đưa ra là viển vông thì là một nhẽ còn nếu đúng thì sao? Hà cớ gì chúng ta không cân nhắc, xem xét, đánh giá để sử dụng ngay? Trong khi tình hình gian lận thuế mỗi ngày có thể gây tổn thất cho nước nhà không dưới 1 tỷ VNĐ thì tại sao ngành Thuế không bỏ ra ngay khoảng 5 tỷ để tiến hành rà soát tất cả các hoá đơn đã được phát hành trong vòng ba tháng gần đây nhất, để có thể phát hiện các hành vi gian lận, qua đó có thể cảnh báo, răn đe, ngăn chặn ngay tình trạng gian lận thuế trong sử dụng hoá đơn vẫn tiếp tục gia tăng?
Trong khi các doanh nghiệp hiện đang phải chờ tới 10 ngày để có thể hoàn thành thủ tục thông báo thay đổi trụ sở hoặc bổ sung ngành nghề đăng kí kinh doanh, sao không áp dụng ngay những đề xuất hợp lí để doanh nghiệp chỉ phải chờ đợi khoảng 30 phút thôi?
Trong khi người dân làm thủ tục nộp thuế trước bạ nhà đất hiện phải chờ đến 10 ngày, sao cơ quan chức năng không áp dụng quy trình hợp lí như đã đề xuất để người dân chỉ phải chờ đợi vài chục phút là cùng?
Kính thưa Thủ tướng! Trong phần trình bày trên, dù chưa thật đầy đủ, nhưng tôi đã nói khá nhiều về hai đề xuất của mình. Tôi đề cập đến hai đề xuất không phải để Thủ tướng phải dành thời gian hiếm hoi của mình đọc mà bận tâm. Là người dân, như muôn vàn người dân khác, chúng tôi đặt niềm tin nơi Thủ tướng và kì vọng ở Thủ tướng nhiều hơn.
Hai đề xuất đã nêu, tôi chỉ coi như một minh chứng ví dụ cho trăn trở của tôi. Tôi tự hỏi, mỗi ngày, mỗi tháng, người dân trên toàn quốc từng đã đưa ra bao nhiêu đề xuất có ích cho nước nhà và những người trực tiếp tiếp nhận những đề xuất đó đã từng làm gì với những đề xuất của mỗi người dân. Sẽ thật là phí hoài nếu những đề xuất có giá trị thiết thực của người dân mãi mãi bị lãng quyên hoặc chậm chạp trong khâu xem xét thẩm định.
Nên chăng Chính phủ, chính quyền các cấp cần có một giải pháp cụ thể để có thể lắng nghe thấu đáo đề xuất của muôn dân. Nên chăng Chính phủ, chính quyền các cấp cần có một giải pháp cụ thể để có thể kiểm soát được tinh thần làm việc và năng lực làm việc của những người từng tiếp nhận và trực tiếp xem xét đề xuất của người dân.
Kính trình và kính mong Thủ tướng xem xét.
Hà Nội, ngày 15 tháng 1 năm 2007
-
Công dân Nguyễn Văn Luận, 27 Tây Sơn, Hà Nội
Bạn có thể gửi câu hỏi tham gia trực tuyến với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại đây: