221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
886010
Làm gì để có bước đột phá trong cải cách hành chính?
1
Article
null
Làm gì để có bước đột phá trong cải cách hành chính?
,

(VietNamNet) - Công cuộc CCHC đã đến lúc cần làm nhiều hơn những gì chúng ta đã làm. Chúng ta cần chọn và triển khai tích cực công cuộc CCHC tại một tỉnh, thành cụ thể. Nếu lực lượng chuyên môn, nòng cốt tại tỉnh thành đó không đủ mạnh, Trung ương, Chính phủ cần hỗ trợ bằng cách gửi thêm lực lượng tăng cường. Việc tập trung lực lượng để triển khai CCHC triệt để tại một địa phương sẽ xác lập được quy trình, định mức giải quyết công việc hành chính cụ thể thống nhất trên cả nước.

(Bài tham gia diễn đàn “Độc giả hiến kế đột phá cải cách hành chính”)

Soạn: HA 1006743 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Cải cách hành chính (CCHC) hiện đang là mối quan tâm số một của toàn Đảng, toàn dân. Không còn nghi ngờ gì nữa, với một nền hành chính trì trệ, quan liêu, bộ máy hành chính cồng kềnh hoạt động kém hiệu quả, chúng ta khó có thể gặt hái được những thành tựu to lớn trong thời gian tới.

Cũng cần phải khẳng định rằng, Chính phủ và chính quyền các cấp từng đã có rất nhiều cố gắng để cải thiện chất lượng hoạt động hành chính, tuy nhiên kết quả có được từ những sự cố gắng đó gần như vẫn chưa đáp ứng được mong mỏi của mỗi chúng ta.

Vậy hãy cùng nhau bình tâm nhìn lại, vì sao có hiện trạng như đã nêu?

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch và ngân sách năm 2007, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ ra rằng chính thủ tục hành chính rườm rà đã làm tăng thời gian, tăng chi phí, gây mất lòng dân và là nguyên nhân chính khiến nền kinh tế của chúng ta chậm phát triển, không đạt mức tăng trưởng 8,5% trong năm vừa rồi.

Vậy chúng ta đã làm tăng lên thêm bao nhiêu thời gian? Chúng ta đã gây ra bao nhiêu lãng phí do thủ tục hành chính rườm rà? Chúng ta không thể trả lời được câu hỏi này.

Rõ ràng câu hỏi đã nêu trên là quá rộng, là không cụ thể, nhưng ngay cả với trường hợp thật cụ thể, đến thời điểm này, chúng ta cũng chưa có được một câu trả lời chính xác.

Xin đơn cử bằng một ví dụ cụ thể dưới đây:

Vừa qua, bằng sự cố gắng và do có sắp xếp lại quy trình làm việc liên thông hợp lí, phòng cấp phép kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch Đầu tư thành phố Hà Nội đã rút ngắn thời hạn cấp phép kinh doanh từ 22 ngày xuống còn 15 ngày. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Thời hạn 15 ngày như đã nêu đã thật hợp lí chưa? Lấy gì làm chuẩn mực cho sự hợp lí này?

Thật khó có thể có được câu trả lời thoả đáng cho những câu hỏi như vậy và thật đáng tiếc là các câu hỏi dạng như vậy có rất nhiều. Đó là các câu hỏi về thời hạn giải quyết hồ sơ khi sang tên nhà đất, thời hạn cấp chứng minh thư nhân dân, thời hạn giải quyết cấp đăng kí hộ khẩu thường trú...

Vấn đề như đã nêu tưởng chừng như quá nan giải nhưng thực ra nếu chú tâm xem xét, nó chẳng hề nan giải chút nào.

Lời giải cho bài toán định mức chính xác thời hạn giải quyết hồ sơ từng đã được đăng tải trên VietNamNet. Vấn đề còn lại chỉ là ở chỗ bằng cách nào chúng ta có thể nhanh chóng xây dựng chính xác định mức thời hạn giải quyết hồ sơ cho tất cả các ngành nghề, lĩnh vực trên phạm vi toàn quốc?

Tôi từng trăn trở và ví công cuộc CCHC của nước nhà như một chiến tuyến thực thụ. Ở chiến tuyến đó, cũng có ta, có địch và có thắng, có thua. Địch trong cuộc chiến này là tư tưởng trì trệ, quan liêu, là thái độ hách dịch, cửa quyền của những người không làm tốt phận sự được Đảng và nhân dân giao phó. Thua ấy là khi chúng ta không đạt được thời hạn, mục tiêu cụ thể do chúng ta đặt ra.

Thật đáng tiếc là kẻ thù của công cuộc CCHC lại chẳng yếu chút nào. Các số liệu có được từ cuộc khảo sát của Ban Nội chính Trung ương năm 2005 đã nói điều đó. Vậy chúng ta cần phải làm gì để có thể gây được những bước đột phá trong công cuộc CCHC khi kẻ thù của CCHC luôn tìm mọi mánh khóe, cách thức để cản trở tiến trình cải cách?

Cần phải tập trung lực lượng, cần phải có những vị trí đột phá trong công cuộc CCHC, cần phải coi vị trí đột phá trong công cuộc CCHC cũng quan trọng như những trận đánh quyết định trong chiến dịch quân sự.

Vị trí đột phá trong khái niệm đã nêu là một địa phương cụ thể, một tỉnh thành cụ thể. Việc tập trung lực lượng để triển khai CCHC triệt để, tạo ra được những chuyển biến tích cực trong CCHC xuất phát từ hai thực tế dưới đây:

Thứ nhất, do mối tương quan lực lượng. Một khi chúng ta coi công cuộc CCHC là một chiến tuyến thì mối tương quan lực lượng là yếu tố nhất định phải xem xét.

Như đã nói ở trên, kẻ thù của công cuộc CCHC chẳng yếu chút nào. Nơi nào có bộ máy hành chính yếu kém, nơi đó dễ phát sinh tham nhũng hơn cả. Tại những nơi phát sinh tham nhũng thường phát sinh những mối liên kết, liên minh ma quỷ, dưới hối lộ trên, trên bao che cho dưới, đồng bọn cấu kết giấu diếm cho nhau. Đẩy mạnh CCHC là đụng chạm đến “lợi ích” của nhóm người này, nên chẳng dễ chút nào.

Tôi cũng tuyệt nhiên không có ý khẳng định rằng lực lượng tích cực trong công cuộc CCHC là yếu ớt. Dù yếu ớt thì tập trung lực lượng để có được một sức mạnh áp đảo vẫn là việc nên làm.

Đã đành mọi chuyện so sánh đều khập khiễng, đã đành cuộc chiến không có bom đạn hôm nay có rất nhiều điều khác biệt với những cuộc chiến tranh mà đất nước từng đã đi qua. Tuy nhiên, cái tài của việc lựa chọn trận đánh quyết định, thao lược của việc tập trung binh lực của Bộ Chính trị và quân uỷ quân ương trong chiến dịch đại thắng mùa xuân 1975 vẫn có thể ít nhiều giúp chúng ta hiểu kĩ hơn về vấn đề này. Vấn đề tập trung binh lực cho trận chiến là quyết định. Việc dàn trải lực lượng như chúng ta vẫn làm trong công cuộc CCHC bấy lâu nay, nhiều ít sẽ có những hạn chế nhất định, nhất là ở những nơi có chính quyền cơ sở và lực lượng công chức yếu kém.

Thứ hai, tại thời điểm này, chúng ta rất cần có điểm sáng điển hình về CCHC. Chúng ta cần có những chuẩn mực cụ thể để đánh giá chất lượng công việc hành chính.

Hãy cứ nhìn lại những gì chúng ta đã có được từ công cuộc CCHC. Hãy cứ nhìn vào sự khác biệt về thời gian giải quyết cùng một loại công việc tại các tỉnh thành, chúng ta sẽ thấy ngay được sự bất cập trong việc xây dựng chuẩn mực thời hạn giải quyết hồ sơ.

Điều đáng nói ở đây là sự khác biệt về thời hạn hoàn thành cùng một loại công việc hành chính là rất khác nhau. Trong khi thành phố Hồ Chí Minh tính thuế trước bạ nhà đất trong quá trình sang nhượng nhà đất mất chỉ có 20 phút thì công việc này tại Hà Nội kéo dài những 10 ngày.

Nếu làm một cuộc khảo sát nho nhỏ khác, tôi tin là thời hạn giải quyết cùng một loại hồ sơ ở các quận, huyện khác nhau của cùng một tỉnh thành chắc chắn cũng rất khác nhau.

Sự khác biệt này là không thể chấp nhận được. Sự khác biệt xuất phát từ chỗ chúng ta chưa có được một chuẩn mực cụ thể thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Xin hỏi trình tự sang tên nhà đất tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội khác nhau những gì mà thời gian hoàn tất công việc lại có thể chênh nhau đến vậy?

Công cuộc CCHC đã đến lúc cần làm nhiều hơn những gì chúng ta đã làm. Chúng ta cần chọn và triển khai tích cực công cuộc CCHC tại một tỉnh, thành cụ thể. Nếu lực lượng chuyên môn, nòng cốt tại tỉnh thành đó không đủ mạnh, Trung ương, Chính phủ cần hỗ trợ bằng cách gửi thêm lực lượng tăng cường. Và nếu như đã dồn lực của toàn quốc vào một tỉnh thành mà lực lượng vẫn chưa đủ mạnh để có thể đè bẹp cái cũ, cái trì trệ thì chúng ta buộc phải chỉ tập trung lực lượng cho một vài quận, huyện.

Với lực lượng tập trung như vậy, rất nhanh chóng chúng ta sẽ có được kết quả dưới đây:

1. Xác lập được một quy trình hoàn thiện trong quá trình giải quyết từng loại hồ sơ, giấy tờ có liên quan đến người dân, doanh nghiệp một cách khoa học nhất.

2. Xác định chính xác được thời hạn cần thiết dùng cho việc giải quyết mỗi loại hồ sơ.

3. Định lượng chính xác về tương quan giữa nhân lực và khối lượng công việc làm tiền đề cho việc điều chỉnh biên chế khi cần.

Vẫn biết công vụ không chỉ đơn thuần gồm những gì như đã nhắc đến ở trên và không phải công việc hành chính nào cũng có thể cụ thể hoá bằng các định mức, thời hạn cụ thể. Tuy nhiên, làm tốt được những gì như đã trình bày, thực sự chúng ta đã có được một bước đột phá trong công cuộc CCHC.

·         Hà Mi, Hà Nội

Mời các bạn tham gia hiến kế cải cách hành chính:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,