221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
896866
Cải cách hành chính: Còn nặng cơ chế quản lý "cho phép"
1
Article
null
Cải cách hành chính: Còn nặng cơ chế quản lý 'cho phép'
,
 

Chính nguyên lý quản lý "cho phép" đã tạo ra cơ chế "xin – cho". Bản thân từ cho phép đã thể hiện sự xin cho.  Tính chất chủ quan trong việc xử lý cho hay không cho đã tạo ra nạn tham nhũng.  Đã đến lúc chúng ta phải đổi mới nguyên lý quản lý xã hội vì đây là bài toán của những bài toán quản lý, vì đây là điểm xuất phát cho xã hội công nghiệp.

 Bài tham gia Diễn đàn "Hiến kế cho đột phá cải cách hành chính"

 

Soạn: HA 1028611 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Hộ khẩu là cách quản lý theo nguyên lý cho phép?
 

20 năm đổi mới đã đem lại cho chúng ta nhiều thay đổi to lớn. Chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên con đường đưa đất nước chúng ta trở thành một nước công nghiệp còn rất nhiều gian nan. Đổi mới đã thức tỉnh các nguồn lực của xã hội để xây dựng đất nước. Nhưng 20 năm trôi qua, mặc dù chúng ta rất quyết tâm nhưng chưa có giải pháp cụ thể để vượt qua những thách thức như: cơ chế "xin–cho"; bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu quả; nạn tham nhũng hoành hành; gánh nặng quá lớn về chi phí lương cho bộ máy quản lý hành chính và đặc biệt là chậm đổi mới tư duy. Tất cả những vấn đề đó về bản chất đều xuất phát từ việc chúng ta hiện vẫn đang vận hành xã hội theo nguyên lý quản lý xã hội thời chiến. 
    
 Do tính khốc liệt của chiến tranh, xã hội thời chiến được quản lý theo nguyên lý "cho phép", nói theo ngôn ngữ luật là : "chúng ta được làm tất cả những gì mà luật pháp cho phép". Nguyên lý quản lý "cho phép" còn được gọi là nguyên lý "quản lý tuyệt đối", để có thể "cho phép" người ta phải kiểm tra, đánh giá hết tất cả mọi vấn đề rồi mới "cho phép" một phần trong số đó.

Nhờ tính khốc liệt trong nguyên lý quản lý "cho phép" mà chính quyền duy trì được kỷ luật sắt trong toàn xã hội, tập trung được toàn bộ sức người, sức của cho cuộc chiến, vì mục tiêu chiến thắng. Những đội quân hùng mạnh nhất trong lịch sử chiến tranh đều là những đội quân của những xã hội có kỷ luật thép. Đó là cách lý giải khoa học về sức mạnh của quân đội La Mã, quân đội Nguyên Mông, quân đội Đức, Nhật và quân đội Xô Viết trong chiến tranh Thế giới thứ 2, sức mạnh của quân đội Việt Nam trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đây cũng chính là một trong những bằng chứng hùng hồn thể hiện trí tuệ thiên tài của Hồ Chủ Tịch trong phép dùng "nhân trị" để thu hút lòng người và dựa vào nguyên lý "quản lý tuyệt đối" để tạo ra 1 xã hội có kỷ luật thép trong thời chiến.  
   
Thời chiến quan hệ xã hội được đơn giản hoá, toàn xã hội chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là tập trung tất cả các nguồn lực cho chiến thắng. Việc quản lý xã hội được giản lược, nhờ đó người ta có thể kiểm đếm được số lượng các lĩnh vực "được phép" và kiểm tra, quản lý được các lĩnh vực đó. Tất cả chúng ta còn nhớ rõ các khẩu hiệu thời chiến như " Tất cả vì miền nam thân yêu" "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người"...chính những khẩu hiệu này là thước đo để đánh giá phẩm chất, sự đóng góp của từng cá nhân trong thời chiến và việc quản lý xã hội cũng dựa theo các chuẩn mực đó.

Tuy nhiên trong thời bình việc sử dụng nguyên lý quản lý thời chiến lại không đem lại kết quả như mong muốn. Xã hội thời bình là xã hội đa chiều, quan hệ xã hội, quan hệ sản xuất rất đa dạng và phức tạp. Ngay từ thời còn Liên bang Xô viết người ta đã tính rằng nếu sử dụng sức lực của toàn bộ xã hội thì Liên xô cần 17 năm để xử lý lượng thông tin mà xã hội Xô viết nhận được trong 1 năm. Loài người vượt qua barie thứ 3 về thông tin đã quá lâu rồi, khi mà toàn xã hội không thể xử lý được hết các thông tin nhận được.

Trong kỷ nguyên bùng nổ thông tin như hiện nay, với tất cả các nguồn lực sẵn có của toàn xã hội, chúng ta cần hàng chục năm để kiểm đếm, đánh giá và xử lý toàn bộ lượng thông tin nhận được trong 1 năm. Sau chiến tranh, các mối quan hệ sản xuất, quan hệ xã hội đa chiều bùng phát nhanh chóng. Bộ máy hành chính thời chiến tỏ ra không đủ khả năng "quản lý tuyệt đối" xã hội. Một phần vì cơ chế mệnh lênh, một phần vì sự bất lực cho nên đã tạo ra xu thế cấm đoán, gò ép không cho cái mới phát triển. Xu thế cấm đoán này hiện đang là sức cản lớn đối với sự phát triển của xã hội.

Chính nguyên lý quản lý "cho phép" đã tạo ra cơ chế "xin – cho". Bản thân từ cho phép đã thể hiện sự xin cho. Hầu hết các mối quan hệ sản xuất và xã hội đều không có các văn bản luật hoặc dưới luật hướng dẫn thực hiện nên người dân buộc phải xin và người quản lý được quyền cho. Tính chất chủ quan trong việc xử lý cho hay không cho đã tạo ra nạn tham nhũng. Mong muốn kiểm tra được hết các mối quan hệ đã tạo ra sự không kịp thời, không đủ trong việc ra các văn bản hướng dẫn và lỗ hổng thiếu hụt đó ngày càng lớn nên nạn tham nhũng ngày càng có điều kiện để phát triển. Nạn tham nhũng như một căn bệnh ung thư đang lan khắp các bộ phận của xã hội và nguy cơ tàn phá xã hội của nó vô cùng lớn.

Nguyên lý quản lý xã hội "cho phép" buộc bộ máy hành chính ngày càng phình to. Nguyên nhân là quan hệ xã hội mới ngày càng nhiều, nhu cầu kiểm tra và quản lý các mối quan hệ mới đó ngày càng lớn, buộc bộ máy hành chính  phải lớn theo. Mặc dù chương trình tinh giảm biên chế đã được Chính phủ thực hiện nhiều năm nhưng lực lượng cán bộ quản lý hành chính  không hề giảm mà sẽ gia tăng nhanh chóng do nhu cầu "cần quản lý" ngày càng gia tăng. Nói cách khác là số lượng người ăn lương nhà nước vẫn đang tăng và chi phí của ngân sách cho hệ thống lương cũng gia tăng. Càng ngày nguyên lý quản lý "cho phép" càng buộc bộ máy hành chính  phình to ra và chắc chắn gánh nặng về chi phí lương sẽ càng lớn.  
 
Nguyên lý quản lý "cho phép" là một trong những nguyên nhân cơ bản tạo ra một bộ máy hành chính cồng kềnh và kém hiệu quả. Thực tế  hiện nay chúng ta đang quản lý rất nhiều lĩnh vực không cần thiết. Nhiều nước trên thế giới, giấy phép kinh doanh của các công ty mới thành lập ghi rõ "được hoạt động trong tất cả các lĩnh vực mà luật pháp không cấm". Trong khi đó các công ty của chúng ta phải đăng ký ngành nghề kinh doanh, mỗi lần có ý định kinh doanh mới lại phải xin thay đổi đăng ký kinh doanh và bắt buộc giám đốc phải đến xin trực tiếp. Điều này gây mất rất nhiều thời gian của doanh nghiệp, đồng thời làm cho doanh nghiệp mất tính chủ động trong kinh doanh.

 Về bản chất, nhà nước chỉ cần quan tâm đến 2 vấn đề: trách nhiệm thuế của các công ty và các công ty không được hoạt động trong các lĩnh vực cấm như buôn bán ma tuý, vũ khí và một số ngành khác mà luật pháp cấm hoạt động. Trong ví dụ cụ thể này nhà nước thì phải nuôi thêm một bộ máy cồng kềnh để quản lý, doanh nghiệp thì lãng phí thời gian và nhiều khi mất cả cơ hội kinh doanh.

 Nếu có dịp đi nước ngoài, các bạn sẽ thấy tất cả các nước tiên tiến, kể cả các nước ASEAN, khi bạn lưu trú lại trong các khu dân cư không bao giờ bạn bị hỏi giấy tờ hay phải thông báo với công an khu vực. Còn chúng ta để có thể "quản lý tuyệt đối" đối với việc cư trú, tạm trú chúng ta cần có một bộ máy hành chính và lực lượng công an không nhỏ ở các cấp phường xã và đi kèm với nó là chi phí ngân sách khổng lồ. Rõ ràng các nhà nước tiên tiến đã tiết kiệm hơn chúng ta một khoản chi đáng kể và điều này hoàn toàn không có nghĩa là họ quản lý xã hội kém hơn chúng ta nếu không nói là ngược lại.

Bên cạnh việc tạo ra bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu quả nguyên lý "quản lý tuyệt đối" đang tạo ra sức ỳ trong xã hội. Trước những cái mới người ta thụ động chờ đợi "mệnh lệnh" và chính điều này cản trở sức sáng tạo, cản trở tính quyết liệt dám nghĩ, dám làm đang vô cùng cần thiết trong thời đại cạnh tranh khốc liệt mang tính toàn cầu. Chúng ta ai cũng hiểu rằng nếu chỉ biết nghe mệnh lệnh thì không thể có người tài. Trong thư gửi Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Liên xô, Khrutxôp, Kapitsa, nhà vật lý Xô viết lỗi lạc đã viết: "Nếu chúng ta chỉ cần một xã hội biết vâng lời, chứ không biết chấp nhận những cá nhân có chính kiến thì làm sao có nhân tài được?" 


Tính "mệnh lệnh" đang lan rất sâu vào ý thức hệ, tư duy của toàn xã hội. Học sinh của chúng ta cũng giống như những người lính thời chiến, ngay từ những ngày đầu tiên đến trường đã phải thực hiện muôn vàn các mệnh lệnh. Tuyệt đại các cháu mẫu giáo đều rất sợ các cô giáo. Hiện tượng các cháu sợ các cô đến mức không dám hỏi để phải tè dầm, ị đùn là phổ biến. Các cháu học sinh ngay từ lớp 1 đã phải làm bài tập hàng ngày đến 10h đêm. Từ lớp 1 tất cả các cháu đã phải đi học thêm. Điều vô lý là phần lớn các gánh nặng bài tập và học thêm đó không đem lại sức sáng tạo cho học sinh mà phần nhiều chỉ đem lại sự thuộc lòng, hoặc sao chép thụ động. Nhận xét chung của các giáo sư nước ngoài đã đến Việt Nam giảng bài là sinh viên Việt Nam rất thụ động. Công việc ưa thích của sinh viên Việt Nam là chép lời giảng. Hầu hết những học sinh giỏi của chúng ta kể cả các học sinh đoạt các giải quốc tế ra đời đều rất ít thành đạt (kể cả số ở lại làm việc ở nước ngoài) mà nguyên nhân chủ yếu là tính thụ động vâng lời.

 Tiêu chí cơ bản của các trường học của chúng ta là Thuộc bài và Nghe lời khác rất xa so với tiêu chí của các trường ở nước ngoài. Ví dụ tiêu chí của trường Liên hiệp quốc ở Hà nội (UNIS Hà nội) là Giao tiếp đối thoại, Ham hiểu biết, Đương đầu với hiểm nguy, Suy nghĩ, Tri thức, Kỷ luật, Chịu đựng, Tiếp thu cái mới, Cân bằng và biết điều.

     Tất cả các nhà nước tiên tiến hiện nay đều quản lý xã hội theo nguyên lý : "được làm tất cả những gì mà luật pháp không cấm". Hay nói cách khác họ chỉ quan tâm đến "quản lý mức độ" và chỉ tập trung trong một số lĩnh vực cần cấm. Trước hết chúng ta cần thấy rằng số lượng các lĩnh vực cần cấm ít hơn rất nhiều so với lĩnh vực cần cho phép, cho nên bộ máy hành chính quản lý các lĩnh vực cần cấm ít hơn rất nhiều so với bộ máy hành chính quản lý những điều cần cho phép.  Hơn thế nữa các lĩnh vực cần cấm nảy sinh trong quá trình phát triển xã hội cũng ít hơn rất nhiều so với các lĩnh vực mới cần cho phép. Điều này cho phép các nước đó giảm nhẹ chi phí quản lý hành chính.

Trong một xã hội được quản lý theo nguyên lý quản lý các lĩnh vực "cần cấm", cơ chế "xin-cho" hầu như không còn. Nạn tham nhũng cũng được giảm tối đa, đặc biệt ở những nước mà việc quản lý xã hội minh bạch thì nạn tham nhũng hầu như không có. Nguyên do cũng rất đơn giản bởi vì trong những lĩnh vực không bị cấm thì mọi người được hoạt động tự do và người quản lý hành chính hoàn toàn không đóng vai trò phán xét và cho phép. Bộ máy công an cũng được giảm nhẹ gánh nặng về quản lý xã hội mà tập trung vào các lĩnh vực chống tội phạm và giữ gìn an ninh xã hội. Nói cách khác công an được giảm nhẹ chức năng quản lý người ngay mà chỉ tập trung vào việc chống bọn tội phạm. Trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp (và sẽ luôn luôn hạn hẹp) việc dàn trải các lĩnh vực cần quản lý như hiện nay làm cho ngành công an không có điều kiện  đầu tư phát triển theo chiều sâu, đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ cao. 
      
Đã đến lúc chúng ta phải đổi mới nguyên lý quản lý xã hội vì đây là bài toán của những bài toán quản lý, vì đây là điểm xuất phát cho xã hội công nghiệp.

 Chính nguyên lý quản lý "cho phép" đã tạo ra cơ chế "xin–cho". Tính chất chủ quan trong việc xử lý cho hay không cho đã tạo ra nạn tham nhũng. Cải cách hành chính: Còn nặng cơ chế quản lý "cho phép"


     Phạm Huy Thưởng
    Viện Kinh tế chuyển đổi


      Ý kiến của bạn?

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,