Gia nhập tổ chức WTO, nhiều người ví rằng, con thuyền Việt Nam đang vươn ra biển lớn. Trước đại dương nhiều sóng dữ, bộ máy hành chính đóng vai trò như một dây chuyền đảm bảo tính liên tục, ăn khớp, vì sự hoạt động tuần hoàn của cả con tàu.
Trong năm qua, ít ai có thể phàn nàn về những cố gắng cải cách hành chính (CCHC) của chúng ta. Nhưng hình như đồng thời cũng ít ai thật sự hài lòng về hiệu quả của chúng.
Cần đủ sức vượt qua những trì trệ trong cơ chế hành chính đang tồn tại, sớm hoàn thiện, kiện toàn bộ máy để “vươn ra biển lớn”?
Trong phiên họp cuối năm, Chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đặt việc chuyển từ hành chính xin - cho sang phục vụ thành một trong ba việc trọng tâm của năm 2007. Điều này cho thấy sự cấp thiết và quyết tâm của Chính phủ trong công tác này, đặc biệt khi các cam kết của Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại quốc tế WTO bắt đầu có hiệu lực, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống.
Làm thế nào để Việt Nam đủ sức vượt qua những trì trệ trong cơ chế hành chính đang tồn tại, sớm hoàn thiện, kiện toàn bộ máy để “vươn ra biển lớn”?
Nhìn từ khía cạnh khác, nếu không chuyển đổi được toàn bộ hoặc chí ít sự thay đổi còn hạn chế, thì hậu quả của sự chậm trễ đó đối với nền kinh tế chung như thế nào? Những lĩnh vực nào chúng ta cần phải ưu tiên giải quyết trước? Không tập trung đi vào những trường hợp cụ thể, bài viết sau xin điểm qua một số nguyên nhân cơ bản của vấn đề. Từ đó mạn phép đưa ra một số cách giải quyết mang tính lý thuyết mà tác giả đánh giá là phù hợp với thực tiễn phát triển sắp tới của Việt Nam.
Ba nguyên nhân của sự trì trệ:
1. Nếu có thể gọi tên đích danh căn bệnh bằng một câu ngắn, xin được diễn đạt: Chúng ta đã đưa nhiều luật vào cuộc sống, nhưng vẫn chưa thành công trong việc đưa cuộc sống vào khuôn khổ pháp luật. Ở nước ta hiện nay, song song với việc có những đạo luật làm ra mới chỉ “để ngắm”, nhiều đạo luật xã hội đang cần chưa được đáp ứng đầy đủ. Các cuộc cải cách pháp luật còn mang tính “dội từ trên xuống”, còn ít xuất phát từ thực tiễn của nguời dân. (Hiện tượng này cũng xảy ra tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt tại các nước đang phát triển). Thiếu bộ khung pháp lý cộng với di sản cơ chế bao cấp trong thời gian dài làm cho bộ máy hành chính trở nên nặng nề, đặc biệt khi cần bứt phá để chuyển đổi.
2. Từ mảnh đất “trăng tối, trăng sáng” của thượng tầng pháp luật, dẫn đến sự biện dẫn và giải thích luật pháp một cách tuỳ tiện của các công chức trong bộ máy hành chính phía dưới. Câu chuyện người dân hiện nay đang dùng những biện pháp “đi đêm” hay “tay trong” phải chăng là do cán bộ vẫn còn xử lý công việc theo cảm tính, theo quan niệm của riêng mình? Ở đây đặt ra một câu hỏi: sự diễn giải luật theo kiểu “bẻ cong” như vậy xuất phát từ đâu? Một là do nguyên nhân khách quan: kiến thức, tư duy của công chức còn yếu kém, chưa được chuyên môn hoá rõ ràng. Hai nằm ở yếu tố chủ quan, do thiếu sự minh bạch chung của guồng máy nên hình thành lối suy nghĩ riêng tư, đưa những công việc gia đình, cá nhân vào mối quan hệ công việc, nhằm trục lợi bất chính cho bản thân.
3. CCHC vừa là thay đổi bộ máy, nhưng cũng vừa là chuyển đổi con người. Xét về mặt này, chúng ta không được phép bỏ quên yếu tố tâm lý. Xin đưa ra ở đây một ví dụ cụ thể. Kế hoạch sắp tới của công cuộc CCHC là giảm biên chế 15% công chức hiện nay. Mục tiêu đưa ra nhằm cải tiến và nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, tiết kiệm ngân sách và cải thiện chất lượng dịch vụ công. Cải cách này đúng, nhưng gặp sự không đồng tình ngay từ các công chức trong bộ máy. Lý do đơn giản là vì lợi ích của họ bị nguy hiểm. Những người bị giảm biên chế thì mất việc làm, không còn nguồn thu nhập. Những người được ở lại thì sẽ phải đảm đương công việc lớn hơn so với hiện tại, mà không biết tiền lương mỗi tháng có được tăng theo hay không. Chúng ta nhận thấy ngay một vấn đề khó khăn của sự chuyển đổi: công cuộc cải cách chịu lực cản từ phía những người vốn được hưởng lợi từ cơ chế cũ (một bộ phận trong số họ có vai trò quan trọng trong việc hoạch định chính sách).
Phân tích từ ba nguyên nhân trên, CCHC là cuộc chuyển đổi có hệ thống trên khía cạnh con người lẫn cơ chế. Nói có hệ thống vì lĩnh vực này không thể tiến hành theo lối “sai đâu, sửa đó”, thực nghiệm lẻ tẻ, mà cần phác thảo một kế hoạch thay đổi xuyên suốt như một quá trình tiếp diễn không ngừng.
Trong đó, cả hai yếu tố cơ chế và con người đều giữ một vai trò then chốt.
Giải pháp: ba giảm, năm tăng
(Ba giảm: Giảm sự chồng chéo; giảm sự phụ thuộc; giảm tính bị động của từng cơ quan và cá nhân).
Sự chồng chéo giữa các cơ quan công quyền với nhau gây nên tình trạng không rõ ràng về chức năng và nhiệm vụ. Người dân than phiền, khiếu kiện vì phải tốn nhiều thời gian để chờ đợi “cửa quan” nhưng không được việc. Không những vậy, sự chậm trễ từ việc không minh bạch về các quyết định, làm nhiều công ty đầu tư nước ngoài ngao ngán. Tôi đã từng nghe câu chuyện một tập đoàn Hàn Quốc muốn đầu tư vào thị trường địa ốc tại một tỉnh miền Trung. Ông Chủ tịch đã hứa sẽ cấp giấy phép, qua đến Bí thư tỉnh ủy lại bị từ chối thẳng thừng. Cuối cùng, hiệu quả của dự án đem lại cho tỉnh bao nhiêu thì không ai biết, nhưng lòng tin của giới đầu tư tại địa phương này qua sự kiện đó chắc chắn sẽ suy giảm đáng kể. Cần nói thêm, đây không phải là trường hợp nhùng nhằng về chức năng và nhiệm vụ đầu tiên đã từng xảy ra tại tỉnh này. Từ lý do trên, một trong những giải pháp quan trọng trong công tác CCHC sắp tới nên đặt trọng tâm giảm sự chồng chéo giữa các cơ quan với nhau; tiếp đó giảm sự phụ thuộc của các đơn vị theo chiều ngang, trách nhiệm theo chiều dọc cần được phân định rõ ràng bằng luật pháp, tránh tình trạng “lấn sân”, đạp dẫm lên trách nhiệm lẫn nhau.
Sự không minh bạch về nhiệm vụ dẫn đến sự thụ động kéo dài của từng cơ quan chức năng, do sợ bị liên lụy về trách nhiệm pháp lý. Hiện tượng “trái banh trách nhiệm” được chuyền đi chuyền lại từ cơ quan này sang đơn vị khác trở nên phổ biến trong quá trình giải quyết các chính sách công. Vì vậy, cùng với việc giảm sự chồng chéo và giảm phụ thuộc lẫn nhau, cần khuyến khích tính chủ động, giảm sự bị động thường trực trong từng đơn vị lẫn cá nhân trong quá trình tham gia xử lý công việc.
Hiệu năng của các tổ chức hành chính hiện đại chỉ có thể tối đa hoá một cách hợp lý nhất khi mỗi công chức được giao đúng bài, đúng việc, nhận lãnh cả quyền hạn và trách nhiệm song song.
(Năm tăng: tăng tính chuyên môn hoá; tăng khả năng trao đổi thông tin; tăng tính chủ động trong công việc; tăng niềm vui của người “công bộc” và sự hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công).
Khi công khai và minh bạch đã trở thành một điều khoản mà Việt Nam cam kết với thế giới, thì cũng chính phương châm này sẽ là vũ khí chính để giúp CCHC thành công. Đối với căn bệnh “nhũng nhiễu”, “làm phiền có mục đích” thì việc thiết lập một hệ thống thông tin đầy đủ trong đó quy định rõ ràng về quyền và trách nhiệm của người dân là một điều kiện vô cùng cần thiết. Ngoài ra còn cần những cơ quan chức năng làm công tác “Bao Công” giúp người dân có thể đảm bảo quyền công dân của mình như tạo một hệ thống thông tin hai chiều giữa lãnh đạo quản lý với người dân bằng cách công khai số điện thoại, địa chỉ email, thông tin liên lạc, tổ chức tiếp dân theo định kỳ,…
Trên thực tế một số doanh nghiệp ở nước ta vẫn chưa có thói quen làm đúng mọi việc theo quy định. Vì muốn cho nhanh hay được việc, họ thường đi tắt, xây dựng những mối quan hệ ngoài luật pháp. Biện pháp thường được dùng là biếu quà cáp, các tặng phẩm đắt tiền, tạo ra những cám dỗ vật chất nhất định nhằm kết thân sau đó gây ảnh hưởng để thu tóm lợi ích về phía mình. Hậu quả của những mối quan hệ như thế không sao lường hết.
Thứ nhất, nó làm méo mó các quan hệ thị trường, gây nên các tình trạnh không rõ ràng, minh bạch trong các công tác đấu thầu hay cung cấp dự án.
Thứ hai, vì sợ bị phiền phức hay không được việc, các doanh nghiệp chưa xây dựng được những mối quan hệ cũng bắt đầu tìm kiếm cho mình những liên lạc hành lang. Còn với các cán bộ có thẩm quyền quản lý thì chuyện cái hộp bánh, chai rượu mừng đã trở thành một việc dĩ nhiên cần phải có. Những vụ tham nhũng cỡ bự như Lã Thị Kim Oanh, PMU18 chẳng phải cũng bắt đầu từ những kịch bản tương tự như vậy? Kết quả cuối cùng là, mọi người chấp nhận sống chung với tiêu cực. Tôi nghe một anh bạn làm kinh doanh trần tình: Khi làm dự án, lúc nào chẳng để một phần dành cho chi phí “bôi trơn”, một tiền lệ quá ư đáng buồn! Cũng giống như các cuộc cải cách thể chế khác, CCHC là bài toán chủ yếu nhắm vào con người. Khác với sinh vật thích nghi với môi trường trực tiếp bằng cơ thể, nên sự tiến hoá của chúng là thay đổi cấu tạo cơ thể để có thể thích nghi cao hơn. Con người thích nghi với môi trường bằng tư liệu sản xuất và những sản phẩm do mình chế tạo ra. Vì thế, sự tiến hoá của con người nằm ở công đoạn cải tiến tư liệu sản xuất, mà động lực chính là thông qua trí tuệ. Ở đây, chúng ta còn hai vế tương hỗ với nhau trong một bài toán chưa có đáp số. Trước thời gian Đổi Mới, còn cơ chế xin - cho, mối quan hệ giữa người “công bộc” và “thượng đế” cũng nằm trong quỹ đạo này. Một nghịch lý mà ai cũng thấy rõ: “công bộc” được quyền ban phát, trong khi “thượng đế” phải luồn cúi mới cầu được việc. Đấy là đi nguợc lại hoàn toàn tương quan nhân - quả, gây bất ổn cho các mối quan hệ bình thường trong xã hội.
Động lực của sự phát triển bằng cách cải tiến tư liệu sản xuất trong trường hợp này trước tiên phải là:
1. Xóa đi cơ chế xin - cho đã không còn phù hợp;
2. Xây dựng lại cơ chế mới với phương châm hành chính công là dịch vụ cho nhân dân;
3. Xây dựng bộ máy mới, tư duy mới, con người thay đổi theo chiều hướng tích cực, với việc lấy đổi mới tư duy là kim chỉ nam hành động.
Nên định nghĩa lại vai trò của hành chính và công chức. Nền hành chính dịch vụ sẽ mang trong mình những tính chất mà các ngành dịch vụ khác sở hữu: mục tiêu chính là được sự hài lòng của khách hàng (trong trường hợp này là người dân); vì dân là chủ thể nên những ý kiến đóng góp của họ phải được thường xuyên lắng nghe và trao đổi (quyền được giám sát của người dân, thông qua cá nhân, các hiệp hội, xã hội dân sự,…); lấy cạnh tranh chất lượng dịch vụ làm tiêu chí để hoàn thiện. Trong trường hợp này, có thể tổ chức đánh giá năng lực cạnh tranh, sự hài lòng của người dân, thời gian giải quyết vấn đề… giữa các thành phố, tỉnh trong cả nước. (Biện pháp này nên để cho một cơ quan độc lập với chính quyền, hoặc tổ chức phi chính phủ chuyên về lĩnh vực đánh giá, giám sát đảm nhận).
Cuối cùng, khi đã xác định người công chức là một “công bộc” dịch vụ, thì bước kế tiếp làm sao phải khơi dậy niềm vui công việc trong mỗi người.
Ngoài việc khuyến khích lại tinh thần yêu nước, phục vụ nhân dân; các truyền thống đáng quý của người cán bộ... những biện pháp hành chính, kinh tế cũng cần được đặt lên bàn nghị sự, như: xây dựng một mức lương tối thiểu cho công chức; các thành viên trong bộ máy phải được tuyển chọn dựa trên khả năng chuyên môn của mình, thông qua thi tuyển công khai hoặc qua bằng cấp; cần có chính sách nhân sự bảo vệ thành viên và đảm bảo sự thăng tiến dựa trên tiêu chuẩn khách quan như thành tích, đóng góp, thời gian công tác.
Gia nhập tổ chức WTO, nhiều người ví von rằng con thuyền Việt Nam đang vươn ra biển lớn. Trước đại dương nhiều sóng dữ, bộ máy hành chính đóng vai trò như một dây chuyền đảm bảo tính liên tục, ăn khớp, vì sự hoạt động tuần hoàn của cả con tàu. Chính sự thay đổi để đảm bảo tính liên tục cốt yếu cho dây chuyền này sẽ tạo nên động lực mới, kéo con thuyền Việt Nam thoát khỏi những trì trệ cố hữu, vững chắc tiến về phía trước.
-
Nguyễn Chính Tâm
Ý kiến của bạn?