221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
920978
Từ vụ ép cung học sinh, nghĩ về đạo đức người thầy
1
Article
null
Từ vụ ép cung học sinh, nghĩ về đạo đức người thầy
,

(VietNamNet) - Qua sự việc hỏi cung, cùng với nhiều vụ việc nổi cộm của ngành giáo dục gần đây như thầy giáo gạ gẫm sinh viên đổi điểm bằng tình, nhục mạ hay xúc phạm nhân phẩm học sinh... một vấn đề lớn đang đặt ra cho toàn ngành giáo dục nước nhà là nâng tầm cả về kiến thức, kỹ năng lẫn đạo đức ứng xử của những người công tác trong ngành.

>> Trách nhiệm và lương tâm

>> HS 10 tuổi bị ép cung: Khó biểt trước hậu quả

>> “Ép cung” học sinh: Luật sư nói gì?

>> Bạn đọc bất bình về vụ hỏi cung HS 10 tuổi

 

a.jpg

Bé Trâm hoảng loạn cắn vào tay cha khi gặp người lạ.

Công Phong, TX Thủ Dầu Một, Bình Dương

Tôi là một sinh viên mới tốt nghiệp ra trường, đọc qua bài báo, tôi thật sự bức xúc. Tôi không hiểu vì sao những con người như các thầy, cô được ăn học đến nơi đến chốn mà ứng xử như một đứa trẻ bụi đời. Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, mà các thầy lại biến nó thành một nỗi ám ảnh đối với học sinh.

Tôi thật sự thất vọng về tình trạng suy thoái đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên hiện nay. Thiết nghĩ, chuyện này cần được các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý nghiêm minh đúng người, đúng tội. Có như vậy mới lấy lại niềm tin nơi các em cũng như các bậc phụ huynh được.

Có lẽ thầy Xem, thầy Ca và mấy anh công an xã nên được đi học lại môn đạo đức và pháp luật đại cương. Sống trong một đất nước làm việc theo pháp luật mà chính những con người đại diện cho pháp luật lại hành động phi pháp luật thì không thể chấp nhận được. 

Tôi chỉ xin có một đề nghị nhỏ là ngành giáo dục Đồng Tháp nói riêng và ngành giáo dục Việt Nam nói chung nên rà soát lại xem ai có đủ đạo đức nghề nghiệp thì tiếp tục cho theo nghề. Những ai suy thoái về mặt đạo đức như những người thầy kia thì nên cho về "ở ẩn" để cho nền giáo dục nước nhà được phát triển. Cuối cùng, tôi cầu mong cho bé Trâm nhanh lành bệnh để tiếp tục đi học.

quangthvn@yahoo.com.vn

Một bé gái 10 tuổi, nhà nghèo, học giỏi, là lớp phó đã được tập thể và thày cô tin tưởng giao cho làm "thủ quỹ" của lớp, giữ tiền quyên góp giúp các bạn HS khó khăn (và bản thân bé cũng đã góp tiền vào quỹ), mà bỗng chốc bị nghi ngờ là "kẻ cắp" chính quỹ ấy. Điều bất thường đến phi lý như thế mà những người lớn quanh bé không nhận ra thì thật thần kinh có vấn đề.

Những ông thày, những "quan" xã, những vị có trách nhiệm "bảo vệ trẻ em", "Tổng phụ trách" vào hùa với nhau truy bức cháu gái 10 tuổi đáng con, cháu mình liệu có xứng đáng với trọng trách ở địa phương mà dân giao phó?

Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến: Hãy mau chóng đưa họ ra trước vành móng ngựa để làm bài học cho các "quan" “mù” về luật pháp đang gây ra biết bao tai ương cho dân lành.

Điều này càng thấy những "lỗ hổng chết người" về trình độ, năng lực của các cán bộ ngành này. Nghĩ lại, kỳ họp Quốc hội trước, ông Chánh án Toà án nhân dân tối cao từng thú thực đã phải "vơ vét" cán bộ làm thẩm phán quả không phải là câu nói không sai sự thật.

leotopaz@yahoo.com

Theo dõi tin tức qua các báo về vụ việc của bé Trâm, tôi thấy thật xót xa. Thật đáng thương cho một cháu bé mới 10 tuổi. Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói "Trẻ em như búp trên cành". Có lẽ không một người nông dân nào lại chăm sóc những búp non một cách thô bạo và phi nhân tính như vậy.

Giáo dục là sự nghiệp "trồng người". Những người công tác trong ngành giáo dục được xã hội giao cho trách nhiệm quan trọng là "ươm trồng" cho nước nhà những cây to, khoẻ và trổ hoa thơm trái ngọt. Nhưng nếu những người "nông dân" của ngành giáo dục nước nhà đều vô trách nhiệm, hành xử một cách thô thiển và kém cỏi như những người được gọi là "thầy" như ông Xem và Ca thì tiền thuế của nhân dân dành cho giáo dục, trong đó một phần lớn để trả lương cho các vị ấy liệu có xứng đáng không?

Một câu hỏi lớn đang đặt ra cho toàn ngành giáo dục nước nhà là nâng tầm cả về kiến thức, kỹ năng lẫn đạo đức ứng xử của những người công tác trong ngành, đặc biệt quan trọng là những người trực tiếp đứng lớp, tiếp xúc và giảng dạy.

Qua sự việc đau thương này, cùng với nhiều vụ việc nổi cộm của ngành giáo dục như thầy giáo gạ gẫm sinh viên đổi điểm bằng tình, nhục mạ hay xúc phạm nhân phẩm học sinh... tôi thiết nghĩ, cả xã hội phải cùng vào cuộc, tạo dư luận mạnh mẽ phản đối, tẩy chay các hành vi phi giáo dục trong nhà trường.

Các nhà quản lý trong ngành giáo dục, cụ thể là Bộ GD-ĐT, cần nhanh chóng xử lý vụ việc bé Trâm một cách nghiêm khắc, đủ sức răn đe, ngăn chặn các hành vi phi giáo dục, đi ngược truyền thống hiếu học của dân tộc ta.

Riêng với 2 công an trực tiếp thẩm vấn bé Trâm, đề nghị Sở Công an Đồng Tháp xử lý công khai và khai trừ vĩnh viễn ra khỏi ngành để làm gương cho toàn lực lượng.

Đối với việc chăm sóc bé Trâm, đề nghị các cơ quan chức năng xử phạt các đối tượng liên quan bồi thường thiệt hại cho cháu, để gia đình cháu, vốn rất khó khăn, có thêm điều kiện chăm sóc và chạy chữa cho cháu.

Quang Long, TP.Hồ Chí Minh

Thời của chúng tôi, thầy cô giáo luôn là một biểu tượng của sự cao quý. Thầy cô giáo là những người ngoài việc giảng dạy kiến thức ở trường còn hướng dẫn chúng tôi cách hành xử trong cuộc sống. Thời ấy cách đây cũng chẳng bao xa, chỉ khoảng 15 năm trước đây thôi.

Thế mà giờ đây, những gì chúng tôi thường nghe về môi trường sư phạm khiến bản thân tôi vừa cảm thấy đau lòng vừa cảm thấy lo lắng cho thế hệ của con mình. Nào là tiêu cực ở trường Lê Quý Đôn, nào là thầy gạ tình học sinh, thầy giáo đánh đập học trò đến gãy tay, người lớn "ép cung" một học sinh chỉ mới 10 tuổi đến hoảng loạn tinh thần... Sự học của thế hệ học sinh con em chúng tôi bây giờ sao mà tội nghiệp đến đau lòng!

Tôi rất quan tâm đến giáo dục. Giáo dục là nền tảng hưng thịnh của một quốc gia. Thế mà giờ đây, giáo dục nước nhà còn nhiều nỗi đau quá. Xin hãy nghiêm khắc với những vi phạm trong ngành giáo dục.

Phan Anh, Hà Tĩnh

Sự việc không đơn thuần là do thiếu hiểu biết pháp luật của công an địa phương và giáo viên mà tôi thấy đây là sự vô trách nhiệm, thiếu lương tâm trước một học sinh do mình dạy dỗ. Người ta chỉ nghĩ đến việc tìm cho ra 48.000 đồng bạc mà quên danh dự, phẩm cách của một học sinh để dẫn đến hậu quả nặng nề. Tại sao các vị coi 48.000 bạc hơn cả một con người?

Thầy cô giáo lạm dụng danh nghĩa người thầy chửi bới xúc phạm thậm tệ danh dự của học sinh thậm chí đánh đập các em, nếu các em không dám phản ứng gì vì sợ sẽ bị coi là hỗn, sợ cô thầy thù không cho đủ điểm lên lớp, xếp loại hạnh kiểm không tốt... Và các em ấm ức mãi, kí ức ấy theo các em cho đến hết đời.

Tôi thấy, đã đến lúc Bộ GD-ĐT cần xem lại vấn đề đạo đức của giáo viên trong nhà trường. Song song với việc nâng cao trình độ chuyên môn, chúng ta cần bồi dưỡng thêm phẩm chất của giáo viên, quản lí đầu vào ngành sư phạm chặt chẽ hơn. Có làm được như vậy nền giáo dục nước nhà mới khởi sắc được.

Dương Thiện Duy, Lê Đại Hành, Nha Trang

Đọc bài báo nói về vụ cháu Trâm, tôi thật sự phẫn nộ, phẫn nộ về cách hành xử của các thầy giáo, những con người được xã hội kính trọng bởi nghề nghiệp của họ. Đất nước ta có được thịnh vượng, có nền tảng tri thức hay không là ở họ vì chính họ sẽ đào tạo cho đất nước thế hệ kế thừa. Thật buồn thay, chính họ lại hành xử với cháu Trâm không đúng với bản chất của nghề nghiệp, đẩy cháu bé vào những chuỗi ngày của sự hoảng loạn.

Tôi tự hỏi, không biết vị hiệu trưởng, vị tổng phụ trách đội có gia đình yên ấm hay không? Họ có những đứa con ngoan hiền hay không? Nếu có, họ có cảm nhận được tình thương yêu của mình dành cho con cái và của chính con cái dành cho họ, cảm nhận được tình người nơi chính những tình cảm xung quanh? Họ có thấy đau lòng khi con cái họ bị người khác đối xử tệ bạc, họ còn có đủ tính người để cảm thấy sợ khi làm tổn thương người khác?

Lê Tuệ Tĩnh, TP. Hồ Chí Minh

Tôi không biết phải nói gì khi đọc xong bài báo. Trong tôi là một nỗi buồn, nỗi thất vọng và sự thương cảm với em Trâm. 48.000 đồng, số tiền không đáng là bao nhưng lại gây một hậu quả khá nghiêm trọng.

Ở đây, tôi không muốn nói về tình trạng của em mà chỉ muốn nói về cách cư xử của người lớn và vấn đề giáo dục.

Việc thầy giáo đưa em Trâm đến công an xã để tra hỏi và để em bị tra xét là một hành động thật sự không cần thiết và phản giáo dục.

Bé Trâm mới chỉ có 10 tuổi, ở tuổi này, nhận thức và tâm lý em chưa thật sự ổn định, làm sao có thể chống đỡ các câu hỏi từ phái công an?

Còn về phía nhà trường và giáo viên, tôi không biết họ có suy nghĩ gì khi hành động như vậy? Điều đó thật sự quá tàn nhẫn với em. Đúng như TS. Phương Duy nói: "Đó là sự thiếu lương tâm và trách nhiệm, không nghĩ đến mục tiêu giáo dục mà chỉ mong cho xong việc của mình. Những người thầy giáo ấy không chỉ thiếu kỹ năng mà còn vi phạm nặng về mặt đạo đức".

Có lẽ hậu quả để lại cho em Trâm sẽ còn rất lâu. Tôi mong về phía Bộ GD-ĐT sẽ có những hành động cụ thể để ngăn chặn hiện tượng này tái diễn và có hình phạt thích đáng dành cho những cá nhân vi phạm.

Khi cả nước đang tiến hành cải cách giáo dục với mong muốn giáo dục nước nhà ngày một phát triển, mong cho thế hệ trẻ có cơ hội được hưởng thụ một môi trường giáo dục tốt nhất, những hành động như vậy sẽ chỉ làm cho mọi việc trở nên tồi tệ và niềm tin của người dân suy giảm mà thôi.

 

Ý kiến của bạn?

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,