Sau hơn hai mươi năm xa quê hương, nay mới có dịp trở về thăm lại Đền Hùng, những kỉ niệm của một thời thơ ấu trong tôi thức dậy. Vẫn là những đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, vẫn những bậc tam cấp lên đến đỉnh Nghĩa Lĩnh thật uy nghi, vẫn những cây Chò nâu, Sao trắng, Xoan hồng da sần sùi cổ thụ, nhưng cảm giác ngày trở về sao mà bồi hồi xúc động !
Ngày trở về, tất cả các thành viên trong gia đình nhỏ bé của tôi đều háo hức ngay từ những phút đầu. Đền Hùng luôn trong nỗi nhớ quê của tôi, trong những bài sử mà bọn trẻ đã học, trong những bài giảng mà người bạn đời của tôi cũng chỉ dạy “chay” cho học sinh, chưa một lần đặt chân đến, dù cô ấy luôn tự hào “lấy chồng dân gốc Phong Châu”. Vì thế , đây là cơ hội hiếm hoi, cơ hội của hai mươi năm cho một gia đình bé nhỏ được tận mắt nhìn thấy Lăng vua Hùng, thấy sự uy nghi của ngọn núi Nghĩa Lĩnh trên đất Phong Châu huyền thoại.
Thế rồi, Việt Trì “thành phố bụi” của tuổi thơ tôi cũng đã hiện ra. Chiếc cầu Việt Trì hình như đã được sửa chữa, nó không giống với chiếc cầu của thành phố Ngã ba sông thời tôi còn đi học. Rồi đường phố, thênh thang những con phố dài từ chân cầu Cảng lên đến Gia Cẩm, uốn mình theo bờ sông Lô, đổ hết vào sông Cái. Đường Hùng Vương kéo dài, rộng rãi hoành tráng và oai phong khi được những rặng cây xà cừ che tán phủ mát hai bên. Những căn nhà mái bằng san sát nhau với nhiều màu sơn sặc sỡ, những công sở của tỉnh Phú Thọ ẩn hiện bên những dãy nhà cao tầng, nhưng không phải những “ống khói ngút trời” của nhà máy giấy, nhà máy dệt và những dãy “nhà không số, phố không tên” cái thời những năm tám mươi, khi tôi về đây học.
Đấy, đấy là trung tâm của tỉnh Phú Thọ đấy các bạn ạ ! Tôi giới thiệu với những người thân của mình mà như nói với những người bạn chưa một lần về thăm đất Tổ. Một niềm hạnh phúc trào dâng đến kì lạ trong mỗi thành viên của gia đình.
Sau khi về đến nhà, anh bạn vong niên từ cái thời trốn học đi đánh đáo, tắm sông ở trường trung học Phù Ninh là Lê Viết Hải đã điều cả chiếc xe bảy chỗ cho cả nhà tôi mượn để tham quan Đền Hùng và dạo ngắm sông Lô.
Dù đã có hàng chục lần đến cắm trại, biểu diễn văn nghệ từ thời còn cắp sách, nhưng sao cảm giác lần này đến Đền Hùng trong tôi khác lạ. Tôi vừa trong vai du khách, nhưng cũng đóng trong vai một hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ cho ít nhất là ba thành viên còn lại của gia đình vì có quá nhiều câu hỏi mà tôi cần trả lời.
Xe vừa chạy qua ngã ba Then, chỉ một xíu thôi, đã đến ngã ba Thậm Thình. Chiếc cổng chào vòng cung cực lớn hiện ra đón chào du khách về với quê hương đất Tổ.
Ngày hội Mồng mười tháng ba |
Nhưng về đến Đền Hùng mà không lên đến đền Thượng thì coi như chưa đến. Bởi vậy, dù rất lâu chưa “leo núi” nhưng mọi người đều cố gắng vượt qua 539 bậc tam cấp để lên đến đỉnh Nghĩa Lĩnh với độ cao 175 mét, ngọn núi đẹp nhất trong một trăm ngọn núi vùng Phong Châu xưa kia vua Hùng Vương thứ 18 chọn đóng đô. Lẽ dĩ nhiên là không thể vượt một lèo. Mà cứ đến đền Hạ, đền Trung lại nghỉ một xíu mới đủ sức lên đền Thượng. Dù vai áo ướt đẫm mồ hôi, nhưng tất cả mọi người đều vui vẻ chụp hình và cung kính những nén nhang bên bàn thờ Tổ.
Chỉ khi lên đến đỉnh núi Nghĩa Lĩnh oai phong như thế, thì người ta mới hiểu ra một điều rằng, quay trở về với nguồn cội là sự đánh thức tâm linh, ai đó đã từng nói như thế. Một trong những câu chuyện về Vua Hùng mà tôi nhớ nhất là Hoàng tử Lang Liêu dâng bánh chưng, bánh dày tượng trưng cho tinh hoa của đất trời lên Vua Cha. Tại sao Vua Hùng lại chọn những sính lễ đơn sơ nhất của Lang Liêu mà không chọn châu báu ngọc ngà của các Hoàng tử khác? Câu trả lời nghìn năm vẫn là “con người phải có nguồn cội”. Đúng là đến với Đền Hùng, người ta như được trở về với quá khứ oai hùng của cha ông, được trở về với thiên nhiên hoang sơ thời Văn Lang Âu Lạc.
Một buổi sáng với Đền Hùng chưa phải là dài, song việc xuống núi Hùng có vẻ còn khó khăn hơn khi lên núi rất nhiều. Không phải chỉ có “đầu gối run”, mà xuống bằng đường sau để được thăm đền Giếng, nơi thờ hai Công chúa Ngọc Hoa và Tiên Dung. Tương truyền rằng, Ngọc Hoa Mỵ Nương theo Sơn Tinh về núi, gây biết bao trận ngập lụt cho dân chúng khi Thuỷ Tinh dâng nước đánh Sơn Tinh. Nhưng Tiên Dung lấy Chử Đồng Tử nên được rước Kiệu vàng. Vì vậy, một tập tục còn được lưu giữ ở quê tôi là tục rước Kiệu mỗi dịp giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba. Bây giờ, ai đi qua đền Giếng cũng tìm cách bỏ một đồng tiền xu xuống Giếng Thần để được phù hộ, chính là vì ngưỡng mộ hai vị Tiên nữ này.
Sau khi đi qua hầu như tất cả các di tích của Đền Hùng, chúng tôi dừng chân bên bức phù điêu có tượng Bác Hồ đang nói chuyện với đoàn quân cách mạng và nhân dân Hy Cương từ năm 1954, với câu nói nổi tiếng : “ Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”
Thế rồi, giờ chia tay sao nhanh quá ! Chúng tôi tạm biệt bạn bè, tạm biệt xứ sở quê hương đất Tổ để trở về với công việc hàng ngày. Hình ảnh về Đền Hùng với bao nỗi nhớ sẽ và mãi mãi còn trong một chuyến đi. Với tôi, mọi kí ức vẫn còn đọng y nguyên không mảy may trong chuyến trở về quê mẹ, dẫu rằng đang ở cách xa hàng nghìn cây số.
Trần Quốc Hanh
Cảm xúc của bạn nhân ngày Quốc lễ "Mồng mười tháng ba"