221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
926726
Tiêu chuẩn quốc tế-cơ sở để khoa học VN hội nhập
1
Article
null
Tiêu chuẩn quốc tế-cơ sở để khoa học VN hội nhập
,

(VietNamNet) - Nếu không dựa trên cơ sở chuẩn mực khách quan đủ tin cậy là bằng sáng chế, phát minh và bài báo quốc tế, không có một cơ quan quản lý hay hội đồng chuyên môn nào của chúng ta có thể đánh giá đúng đắn và công tâm được một đề tài nghiên cứu dù là khoa học cơ bản hay ứng dụng, một nhà chuyên môn dù anh ta có bằng cấp cao đến đâu đi nữa. Sản phẩm chuẩn mực quốc tế là tiêu chí "thị trường" của khoa học.

 

>> ĐHQG phải là “trọng điểm của trọng điểm”

 

Tiêu chuẩn thị trường của khoa học

 

a.jpg

Một sản phẩm khoa học phải được kiểm định bằng tiêu chuẩn quốc tế.

Chúng ta thường báo cáo thành tích và tiềm lực khoa học qua số GS, TS, số đề tài khoa học các loại được thực hiện. Trong khi đó, trên trường quốc tế, người ta đánh giá khả năng và kết quả hoạt động khoa học của các cơ quan khoa học và các quốc gia qua số công trình công bố trên tạp chí quốc tế theo ISI (Institute for Scientific Infomation) hay SCI (Science Citation Index - mức lựa chọn trong ISI) và số bằng phát minh, sáng chế.

 

Vào website các đại học quốc tế, chúng ta dễ dàng tìm thấy các nhà khoa học và danh mục công trình chính của họ là các bài báo đăng trên tạp chí quốc tế. Bởi vậy, thật không bình thường là ở Việt Nam, các viện nghiên cứu và các đại học cơ sở đều không có được các thông tin tổng hợp định kỳ và danh mục công trình tương tự của các cán bộ khoa học chuyên môn.

 

Website của các cơ sở này chỉ chứa đựng các thông tin chung chung và hình thức về tổ chức bộ máy, các quan chức cùng các hướng chuyên môn gắn với tên của các quan chức đó mà cũng thường được coi là các ưu tiên chính của cơ sở cả về kinh phí và nhân lực phục vụ. 

 

Lảng tránh chuẩn mực quốc tế, khoa học Việt Nam sẽ không thể phát triển để tạo cơ sở cho một nền kinh tế hội nhập có sức cạnh tranh trong tương lai.

 

Những thông tin khách quan chúng ta có được gần đây từ các cơ quan quốc tế cho thấy, xếp hạng trình độ khoa học công nghệ của chúng ta (chủ yếu được đánh giá qua số công bố quốc tế và bằng phát minh sáng chế) là rất thấp, không chỉ so sánh với quốc tế nói chung mà là ngay cả với các nước trong khu vực, ngoại trừ một số thành tích được thừa nhận trong giáo dục phổ cập.

 

Các thống kê của GS. Phạm Duy Hiển từ các nguồn quốc tế đã cho những con số rất đáng ngại: Các công bố quốc tế của chúng ta còn thua xa một trường đại học của Thái Lan và các kết quả nghiên cứu đạt chuẩn mực quốc tế dựa trên nội lực của chúng ta đã kém lại hầu như không tăng trong những năm qua - trái với quy luật thông thường.

 

Thực tế là như vậy, bất kể kinh phí nghiên cứu và số đề tài các cấp đang được tăng mạnh trong thời gian qua. Số lượng đầu ra quả cũng có tăng, nhưng chỉ là ở con số những sản phẩm dễ dãi, nặng về hình thức và giá trị, đáng ngờ là các báo cáo tổng kết các đề tài, các báo cáo hội nghị và ấn phẩm địa phương không định lượng được theo các tiêu chuẩn quốc tế.

 

Công bố quốc tế là thước đo của các nhà khoa học khi các công trình của họ được kiểm định nghiêm ngặt bởi các chuyên gia ẩn danh hàng đầu am hiểu lĩnh vực chuyên môn sâu. Đó không chỉ là trách nhiệm chuyên môn suốt đời của một nhà khoa học chuyên nghiệp đóng góp phần mình cho nghề nghiệp, mà điều quan trọng không kém là buộc họ phải liên tục học hỏi, cập nhập thông tin quốc tế để giữ được trình độ của mình (từ đó mới có thể làm mới) trong một nền khoa học và công nghệ liên tục vận động phát triển như hiện nay.

 

Các nhà khoa học chuyên nghiệp ở các đại học và viện nghiên cứu đều phải đi theo con đường đó, dù họ làm nghiên cứu cơ bản hay ứng dụng, trong khoa học tự nhiên hay kỹ thuật, công nghệ, dù họ xuất xứ từ các nền khoa học tiên tiến Âu, Mỹ, Nhật, Hàn ngày nay hay từ các nước anh em Đông Âu gần gũi với ta xưa kia, cho tới các láng giềng Trung Quốc, Thái Lan, Philippine bên cạnh. Câu phương ngôn ở các ĐH Mỹ: "Công bố (bài báo khoa học) hay là chết" [Publish or Perish] đã thể hiện súc tích thực tế đó.

 

Một số các đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng có thể dẫn ngay tới các kết quả là các sản phẩm mới, công nghệ mới với hiệu quả kinh tế đo được. Tuy nhiên, đa số các đề tài nghiên cứu cơ bản hay ứng dụng còn cần các phát triển tiếp theo trong khi giúp nâng cao nền khoa học công nghệ nước nhà (bởi vậy và nhờ vậy nó mới được cấp kinh phí bao cấp). Tuy chưa có hiệu quả kinh tế ngay thì mỗi đề tài cũng phải chứa đựng các kết quả mới được kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế.

 

Khoa học hiện nay đã phát triển rất rộng và chuyên sâu. Nếu không dựa trên cơ sở chuẩn mực khách quan đủ tin cậy là bằng sáng chế, phát minh và bài báo quốc tế, không có một cơ quan quản lý hay hội đồng chuyên môn nào của chúng ta có thể đánh giá đúng đắn và công tâm được một đề tài nghiên cứu dù là khoa học cơ bản hay ứng dụng, một nhà chuyên môn dù anh ta có bằng cấp cao đến đâu đi nữa. Sản phẩm chuẩn mực quốc tế chính là tiêu chí "thị trường" của khoa học.

 

Khoa học Việt Nam cần một động lực mới

 

Điều đáng lo cho khoa học Việt Nam là số nhà khoa học tâm huyết của chúng ta đạt tới trình độ công bố quốc tế SCI hiện còn ít. Tối thiểu là những đầu tàu này cần được tạo điều kiện vật chất tốt hơn để phát triển và làm gương cho các đồng nghiệp khác từ trang thiết bị tối thiểu làm việc, mua sắm tài liệu, dự hội nghị quốc tế tới phụ cấp thu nhập. Điều này hoàn toàn nằm trong khả năng của Quỹ nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ quốc gia.

 

Nhiều nhà khoa học hiện nay ở Việt Nam có thu nhập cao từ các đề tài nghiên cứu bao cấp dù nhiều kết quả của họ không rõ ràng về giá trị thực tiễn cũng như ý nghĩa khoa học. Nhưng số nhỏ "nhà khoa học đạt tới trình độ công bố SCI" lại thường không được rơi vào nhóm đó do bị "cơ chế cũ" bỏ qua.

 

Một số người phải ra nước ngoài làm thuê kiếm tiền, dẫn tới nghịch cảnh là công bố quốc tế ở ta chủ yếu do cộng tác quốc tế (trong khi ở Thái Lan thì lại từ nội lực là chính - thống kê của GS. Phạm Duy Hiển).

 

Một số TS trẻ đã có thành tích công bố quốc tế ở nước ngoài trở về phải lo dạy thêm và chật vật kiếm sống, không tập trung được vào chuyên môn. Họ sẽ bị thui chột dần và rơi vào lối mòn của các bậc đàn anh.

 

Nếu chúng ta cư xử bình đẳng: cấp kinh phí nghiên cứu cơ bản ứng theo điểm công trình những năm gần đây nhất, số TS trẻ đã có vốn kết quả nghiên cứu ở nuớc ngoài sẽ thi đua được với các đồng nghiệp thâm niên kể cả nhiều vị chức bậc cao để có kinh phí làm chuyên môn và thêm thu nhập thay cho làm ngoài.

 

Để hiện đại hoá khoa học Việt Nam, Bộ KH-CN và Bộ GD-ĐT cần quan tâm tới các nhà khoa học trẻ. Cử họ đi đào tạo ở các nền khoa học tiên tiến chưa đủ. Cần phải tạo điều kiện cho họ phát huy tài năng, tiếp tục phát triển những kiến thức đã có được, đừng để họ bị các đàn anh cấp trên ở cơ sở lấn át và đẩy vào đường mòn phi khoa học.

 

Hãy dựa vào họ để giúp đổi mới khoa học Việt Nam. Hãy đảm bảo với họ rằng nếu họ nghiên cứu khoa học đạt tới chuẩn mực quốc tế, họ sẽ được đảm bảo thu nhập đủ để không phải làm thêm ngoài chuyên môn, điều kiện làm việc tương ứng với tài năng, và được thăng tiến nhanh trong nghề nghiệp. Đừng để những thói quen làm khoa học nghiệp dư xuất phát từ những khó khăn kéo dài của thời kỳ bao cấp vốn đã thấm đẫm trong số đông cán bộ khoa học của chúng ta cản trở các yếu tố tích cực và thế hệ trẻ được đào tạo để hướng tới hội nhập. Đòi hỏi chuẩn mực quốc tế cũng sẽ giúp chúng sắp xếp tổ chức lại các cơ sở nghiên cứu và đội ngũ cán bộ khoa học thành các bộ phận nghiên cứu hay triển khai theo tinh thần Nghị quyết 115.

 

Cũng như quốc tế, chúng ta cần có các mức ĐH nghiên cứu và ĐH giảng dạy là chính, để đáp ứng các mức nhu cầu khác nhau của xã hội. Đối với các ĐH hàng đầu, phải hạn chế giờ dạy và làm thêm ngoài của các giảng viên, đồng thời nâng đòi hỏi về kết quả nghiên cứu đối với họ, tài trợ kinh phí nghiên cứu và thu nhập thêm cho họ thông qua kết quả nghiên cứu theo chuẩn mực nghiêm ngặt.

 

Các ĐH hàng đầu, viện nghiên cứu phải phấn đấu tăng số bài báo công bố khoa học đạt chuẩn mực quốc tế SCI (ISI) và số tác giả có các công bố đó. Ngành nào và nơi nào công bố còn yếu (đối chiếu so sánh với quốc tế và các nước trong khu vực), ta cần ưu tiên cử người đi nước ngoài đào tạo, tăng cường đầu tư trang thiết bị nghiên cứu tương ứng, và chấn chỉnh công tác quản lý. Lãnh đạo các cơ sở phải chịu trách nhiệm nếu kết quả nghiên cứu chuẩn mực quốc tế của cơ sở không tương xứng với vốn đầu tư và kinh phí nghiên cứu được giao.

 

Như một số nhà khoa học đã nói, công bố quốc tế còn là một thành tố văn hóa của khoa học Việt Nam để xây dựng vị thế của mình và đem đến cho chúng ta sự tôn trọng quốc tế. Chúng ta cũng có khả năng và biết phấn đấu vươn lên đóng góp phần mình chứ không chỉ biết đi theo và bắt chước. Không có tinh thần đó và chính sách khuyến khích hợp lý thì không thể mơ một ngày Việt Nam sánh vai được với các cường quốc năm châu.

 

  • Phạm Đức Chính, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam

 

Ý kiến của bạn?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,