221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
928722
Gặp những người lính thợ Trường Sa
1
Article
null
Gặp những người lính thợ Trường Sa
,

(VietNamNet) - Vượt hàng trăm hải lý trên biển, tàu Titan của Đoàn M25 Hải quân đã đưa đoàn công tác chúng tôi đến đảo Song Tử Tây - điểm đầu trong chuyến thăm huyện đảo Trường Sa. Tiếng còi tàu trầm hùng kéo dài chào đảo. Chúng tôi chạy ào lên boong. Điều làm tôi vô cùng ngỡ ngàng là giữa đại dương bao la có những ngôi nhà khang trang, kiên cố, mái đỏ tươi xen lẫn với bạt ngàn cây xanh.

 

Lính thợ giữa đại dương

 

b.jpg
Bờ biển Trường Sa
Sau cái bắt tay chắc nịch của những người giữ đảo, chúng tôi được chỉ huy đảo Song Tử Tây bố trí về ở cùng cán bộ, chiến sỹ Cụm CĐ1. Ngay cạnh nơi chúng tôi ở có một dãy nhà tạm được che chắn cẩn thận bằng các loại tôn, ván, cót ép cũ. Điều lạ là đã gần 3 giờ chiều mà trong dãy nhà tạm đó có rất đông bộ đội đang ăn cơm. Chờ cho bộ đội ăn xong, tôi rủ thêm một anh phóng viên báo Quân đội nhân dân sang thăm họ.

 

Người ra đón chúng tôi là thiếu tá Lâm Thiên Chống. Anh Chống giới thiệu, anh là quyền Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 886 thuộc Đoàn Công binh T3 Hải quân. Hàng năm, anh được trên giao nhiệm vụ chỉ huy đơn vị ra đảo làm nhiệm vụ xây dựng các công trình quốc phòng.

 

Như đoán được sự có mặt "đột xuất" của chúng tôi, vừa rót nước mời khách, anh Chống vừa nói: “Hôm nay thuỷ triều xuống muộn, nên toàn đơn vị phải tập trung bốc xếp, chuyển tải hết số vật liệu xây dựng còn lại trên tàu, để cho tàu còn hành trình, cấp phát hàng hoá cho các đảo theo kế hoạch. Ngày biển êm như thế này, nếu không tận dụng tối đa thời gian để bốc xếp hết số vật liệu đó, đến khi gặp phải đợt sóng to, biển động thì có khi cả tuần cũng chẳng có vật liệu để làm. Do vậy, trong thời gian làm nhiệm vụ ở đảo, có thời điểm chúng tôi không thể duy trì các chế độ theo quy định được, ví dụ như hôm nay, nếu để đơn vị nghỉ ăn trưa thì tiến độ công việc sẽ bị chậm, nên giờ này đơn vị mới tổ chức "ăn bữa trưa" là vì lí do đó”.

 

Mệt nhọc, vất vả là vậy, nhưng tất cả các chiến sỹ lần đầu tiên ra đảo làm nhiệm vụ xây dựng công trình đều tự tin và quyết tâm. Binh nhất Lê Văn Tài, quê ở Đà Nẵng, là thanh niên lớn lên ở thành phố, nhưng mọi việc nặng nhọc được giao, Tài vẫn hăng hái đảm nhận và hoàn thành tốt.

 

Tài cho biết: “Do yêu cầu công việc, có hôm cả đơn vị phải làm việc từ 5 giờ sáng tới trưa, ăn trưa xong lại tiếp tục làm đến tối mới nghỉ, có hôm làm đến 9, 10 giờ đêm cũng là chuyện bình thường”.

 

Để hoàn thành được nhiệm vụ "bình thường" mà theo Tài nói, có lẽ cũng ít người tin rằng, bình quân những ngày bốc vật liệu, mỗi người lính công binh phải bốc vác 100 bao cát, gạch, xi măng từ tàu xuống xuồng và từ xuồng lên đảo với quãng đường hơn 100 mét.

 

Tôi nhẩm tính sơ bộ mỗi ngày họ phải vác trên vai tới 5 tấn. Đó là chưa kể tới những hôm trời nắng nóng như "thiêu", vận chuyển những khối vật liệu "khổng lồ", họ vẫn trụ vững nơi đảo xa như những con ong thợ cần mẫn xây tổ.

 

Trực tiếp chứng kiến công việc họ làm, tôi hiểu rằng: Có lẽ, ý thức trách nhiệm của mình trước vận mệnh Tổ quốc, dân tộc đã tôi luyện cho họ có ý chí, nghị lực và sức mạnh đó.

 

Cứ thế, hết công trình này, rồi lại đến công trình khác; hết năm cũ lại đến năm mới, những người lính công binh hải quân có mặt khắp quần đảo Trường Sa để làm nhiệm vụ.

 

Họ thấy được tầm quan trọng của những công trình mà mình đang xây dựng. Nếu công trình họ xây dựng vượt tiến độ sớm đưa vào sử dụng không chỉ tiết kiệm được ngân sách của Nhà nước, mà điều quan trọng là giúp cho đồng đội mình nơi đảo xa bớt được một phần khó khăn, vất vả. Đó chính là động lực, niềm hạnh phúc lớn nhất đối với họ - những người lính công binh hải quân đi xây dựng công trình đảo.

 

Phía sau người lính công trình

 

a.jpg

Các chiến sĩ đơn vị Công binh T3 vận chuyển vật liệu xây dựng vào đảo. (Ảnh: Báo QĐND)

Ngoài công việc nặng nhọc hàng ngày họ làm, có lẽ khó khăn lớn nhất của lực lượng công binh xây dựng công trình đảo chính là điều kiện đảm bảo nơi ở, sinh hoạt và các chế độ, tiêu chuẩn. Riêng nước ngọt phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt cũng chỉ đảm bảo được 24 lít/người/ngày.

 

Ngoài chế độ tài chính theo quy định, họ cũng chỉ được trả thêm 5.000 đồng cho một ngày công lao động. Đó là chưa kể đến hàng năm họ phải đi xa đơn vị, gia đình từ 8 đến 10 tháng.

 

Nếu như một quân nhân làm nhiệm vụ ở Trường Sa liên tục 18 tháng, sau đó được luân chuyển vào bờ, thì người lính công binh xây dựng công trình đảo không có khái niệm "luân chuyển". Họ chỉ "luân chuyển" đi xây dựng công trình ở đảo này rồi đến đảo khác.

 

Thiếu uý chuyên nghiệp Nguyễn Văn Nhuận, 33 tuổi, thợ xây dựng Đoàn Công binh T3 Hải quân có thâm niên 15 năm trong quân ngũ, thì có tới 14 lần nhận nhiệm vụ xây dựng công trình ở Trường Sa. Nếu tính liên tục thì anh Nhuận có trên 10 năm ở đảo.

 

Được biết, vợ anh cũng là công nhân viên quốc phòng đang công tác cùng đơn vị. Trong quá trình làm nhiệm vụ ở đảo, mọi chuyện chăm lo xây dựng gia đình, giáo dục con cái đều đè nặng lên đôi vai người vợ. Khi gia đình anh có chuyện gì bất trắc xảy ra thì vợ anh chỉ biết nhờ đến đồng đội ở bờ đến giúp đỡ, vì gia đình nội ngoại đều ở ngoài miền Bắc. Ấy vậy mà khi hỏi về nguyện vọng, không chút đắn đo, suy nghĩ, anh Nhuận bảo: “Chỉ mong sao cho sóng yên, biển lặng để các công trình xây dựng ở đảo đảm bảo được tiến độ thi công và đạt chất lượng tốt. Còn việc gia đình đã được chỉ huy đơn vị thường xuyên quan tâm, giúp đỡ rồi”.

 

Những ước nguyện khiêm nhường, giản dị của người lính công trình nơi đảo xa đã làm tôi thật sự xúc động và cảm phục. Họ luôn vững vàng nơi tuyến đầu của Tổ quốc, chúng ta càng yên tâm và tin tưởng về sự trường tồn của đất nước Việt Nam.

 

Tạm biệt Trường Sa. Một ngày mới lại đến. Những cây phong ba, bàng vuông đang đua nhau nở hoa, khoe sắc làm cho Trường Sa đẹp hơn, xanh hơn. Rồi đây, Trường Sa còn được Nhà nước tiếp tục đầu tư để cho Trường Sa ngày càng mạnh về phòng thủ, đẹp về lối sống, tốt về cảnh quan môi trường, trong đó có phần công sức đóng góp của bộ đội công binh hải quân.

 

  • Đàm Duy Khánh Hải Quân

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,