(VietNamNet) - Tuần qua, VietNamNet đã nhận được trên 3.600 thư phản hồi của bạn đọc trên cả nước cũng như ở nước ngoài. Nhiều nhất vẫn là ý kiến của bạn đọc trao đổi về bộ phim Nhật ký Vàng Anh và tăng học phí. Ngoài ra, nhiều bạn đọc cũng gửi ý kiến trao đổi về các vấn đề như tượng đài Điện Biên Phủ xuống cấp, "đậy nắp" sông Tô Lịch, học ĐH tại chức, tâm sự chuyện gia đình... Dư luận bạn đọc cũng rất lo lắng xung quanh dịch sốt xuất huyết đang lan nhanh trên diện rộng và sự xuất hiện cúm gia cầm ở một số tỉnh.
Tình hình sốt xuất huyết năm nay xem chừng rất mạnh, cả nước có 15.000 người phải nhập viện và có tới hàng chục người tử vong. Ấy vậy mà xem chừng các địa phương vẫn coi là chuyện nhỏ. Cho nên chúng tôi rất hoan nghênh việc ngày 29/6 Thủ tướng đã ra công điện nhắc nhở các địa phương và đặc biệt là giao nhiệm vụ cụ thể cho ngành y tế:
Bộ Y tế phải chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, phương tiện điều trị và giường bệnh để kịp thời tiếp nhận điều trị bệnh nhân. Thành lập đội cấp cứu lưu động, sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị trong xử lý, cấp cứu, điều trị, chăm sóc bệnh nhân.
Nhìn cảnh ngày hè nóng nực, mà bệnh viện hết gường các cháu phải nằm chung gường xếp chắc là do gia đình mang vào ..thật đáng lo ngại. Đã bị bệnh lại điều trị trong môi trường như thế không lo sao được? ( Lê Thị Lan Phương TK Cần Thơ)
Tăng học phí khiến không ít học sinh và các bậc phụ huynh lo lắng. Ảnh minh họa: Đoan Trúc Thông tin về việc sẽ tăng học phí khiến không ít các bậc phụ huynh lo lắng. Rất nhiều ý kiến cho rằng nếu áp dụng mức học phí mới thì rất nhiều gia đình sẽ không thể lo cho con em họ đi học được, nhất là những gia đình ở vùng sâu, vùng xa, miền núi. Và nếu có tăng học phí thì cũng nên tăng từ từ và phải có một lộ trình chứ không thể tăng nhanh và cao như vậy được. "Cứ tính chi phí sinh hoạt đắt đỏ như hiện nay, một cặp vợ chồng với tổng thu nhập 5 triệu/tháng đã thấy khó khăn khi chi tiêu, nếu có hai đứa con đều đang tuổi đi học thì quả là đau đầu! Thế những người công nhân chỉ có mức lương 1 triệu hoặc hơn một chút, cả hai vợ chồng chưa được 3 triệu thì làm thế nào?", bạn Mai Hiền, email: maihien…@yahoo.com lo lắng. Bạn đọc ở địa chỉ email: hongaito@yahoo.com có ý kiến: "Tôi là người dân sống tại thành phố HCM, khi đọc thấy bài báo nói về việc Sở Tài chính đồng ý tăng học phí đối với các trường, bản thân tôi thấy điều này không hợp lý chút nào. Nên xem xét lại vấn đề này, đừng vì một chút giảm ngân sách mà gây hậu quả nghiêm trọng cho sau này. Tại sao chúng ta sẵn sàng bỏ ra 600 tỷ bù lỗ cho xe buýt mà cho giáo dục lại không thể thực hiện được? Tôi nghĩ, việc tăng học phí hay không hãy hỏi người dân (những người đóng thuế cho ngân sách) họ sẽ là người trả lời chính xác nhất cho việc sử dụng những đồng đồng tiền đóng thuế của mình". Cho rằng việc tăng học phí của các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, phổ thông hiện nay là cần thiết để hỗ trợ một phần ngân sách cho nhà nước, nhưng tăng lên mức bao nhiêu là vấn đề cần phải tính toán, bạn Đoàn Duy Kỉnh, Ý Yên, Nam Định, email: kinhkhdt@yahoo.com.vn viết: "Theo tôi, trong tổng số chi phí cho việc đào tạo một học sinh ở các cấp học phải gồm ba phần, ngân sách nhà nước; quỹ đào tạo nguồn nhân lực thu từ các doanh nghiệp sản xuất và nguồn tài trợ của các nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội, cá nhân; người học. Quá trình tăng học phí cũng cần có lộ trình khoảng 5-10 năm, trong đó, mức tăng tối đa không quá 50% tổng chi phi. Khi thực hiện, cũng nên chú ý tới các yếu tố về các vùng miền, các đối tượng học sinh, các ngành học để khuyến khích và đảm bảo sự phát triển của xã hội". "Đừng quá vội vàng, hãy nên xem xét ở mọi khía cạnh "đầu vào" và "đầu ra". Phần lớn các bạn trẻ mới có gia đình, có con nhỏ, thu nhập theo lương nhà nước chưa thể đáp ứng được mức thu phí cao như vậy. Là một công chức nhà nước, đã công tác gần 40 năm, lương tôi cũng chỉ mới xấp xỉ 3.000.000 đồng/tháng, còn các bạn trẻ mới ra trường vài năm, lập gia đình và có con (1-2 đứa) còn nhỏ dại, có khi còn phải sống dựa vào ông bà và với bao khoản chi khác... Chúng ta nên cân nhắc và phải bước những bước vững chắc", ý kiến của bạn đọc ở địa chỉ email: ttđt@yahoo.com.vn.
Trao đổi về vấn đề chất lượng của việc học ĐH tại chức, có nhiều ý kiến phàn nàn về cách dạy và học là thiếu nghiêm túc và học chỉ cốt để lấy bằng chứ không có kiến thức. Có một cách nhìn khác, bạn Đỗ Ngọc Thành, Phan Đình Phùng, Pleiku, Gia Lai, email: dongocthanhgl@...com.vn viết: "Tôi không đồng tình với cách đặt vấn đề "sau 32 năm giải phóng đất nước rồi thì không có lý do gì không học được mà phải học tại chức, hoặc học tại chức là con ông cháu cha, đa số học để trang trí...". Chúng ta đang khuyến khích học tập suốt đời, tạo điều kiện để mọi người có điều kiện tham gia học tập. Sự phân hoá giàu nghèo trong xã hội, những khó khăn từ thực tế cuộc sống của gia đình không phải em nào cũng có điều kiện để theo học hệ chính quy thì việc tổ chức các lớp học từ xa hoặc tại chức và có thể mở rộng nhiều hình thức học tập khác... là cần thiết, kể cả việc học tập để chuẩn hoá trình độ cũng là tốt. Nhiều trường hợp học tại chức nhưng chất lượng công tác không tồi. Vấn đề là công tác tổ chức quản lý việc đào tạo như thế nào không để xảy ra tiêu cực; phương pháp giảng dạy như thế nào để đem lại hiệu quả cao. Đừng để sự phân biệt hệ đào tạo dẫn đến tuột mất cơ hội cho những em học tại chức, từ xa... và không khuyến khích sự học tập trong xã hội".
Cũng là một người tham gia học ĐH tại chức, bạn Nguyễn Văn Nhơn, Vũng Tàu có ý kiến: "Kể từ khi các trường đại học mở hệ đại học tại chức thì bản thân tôi mới có điều kiện đi học để nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho mình. Bản thân tôi đang là sinh viên năm cuối của khoa tại chức, trong lớp tôi có nhiều anh chị sinh viên theo học thật sự để lấy kiến thức và học rất giỏi chứ không như mọi người thường nghĩ. Vậy, theo tôi, nên có cơ chế để quản lý hệ học này, việc áp dụng kiến thức đã học vào thực tế tuỳ theo điều kiện mỗi người nhưng bản thân tôi áp dụng được rất nhiều vào công việc giúp cho mình tự tin hơn trong công việc".
Hệ thống điện lại bị đặt trong tình trạng căng thẳng. (Ảnh minh hoạ: TCT Xây dựng Công nghiệp) |
Sản xuất điện, cung không đủ cầu nên giải pháp chính vẫn là cắt điện. Không có điện khiến nhiều nhà máy phải hoạt động cầm chừng, công nhân rỗi việc, ngồi chơi vào những lúc mất điện, các cơ quan, công sở thì tìm nhiều biện pháp để hạn chế lượng điện tiêu thụ như tắt bớt những thiết bị tiêu tốn điện không cần thiết, cắt giảm hệ thống điều hoà, các hộ gia đình thì lo lắng, tìm nhiều cách để khắc phục tình trạng thiếu điện. Nhưng tất cả chỉ là những giải pháp tình thế và không thể kéo dài mãi tình trạng thiếu điện. "Không thể để thiếu điện như hiện nay. Chúng ta luôn hô hào nào là hiện đại hóa, công nghiệp hóa, tin học hóa... và rồi chúng ta đang tiến vào thế kỷ 21, đất nước đang hội nhập và cạnh tranh... Thế mà điện liên tục bị cắt trên diện rộng và vẫn cứ đợi và chờ. Đơn cử tại Hải Phòng hiện nay, một thành phố công nghiệp nhưng một tuần bị cắt đến 3 ngày tại cùng một khu vực", ý kiến của bạn Văn Tuấn Tài, Hải Phòng, email: taitrans@...com.
"Theo như thông tin mà báo chí phản ánh thì sẽ cắt điện luân phiên để tránh hiện tượng thiếu hụt điện. Theo tôi, vấn đề này không nên làm vì có nhiều biện pháp để không cần phải cắt điện luân phiên, gây khổ sở cho người dân nhất là khi buổi trưa, nhiệt độ lên đến 38, 40 độ C. Thứ nhất, tăng cường mua điện từ nước ngoài. Thứ hai, cho các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư và xây dựng, khai thác các nhà máy điện tại Việt Nam. Thứ ba, không nên dựa vào việc "hồ Hoà Bình cần nước, mực nước các sông đang giảm nên không thể vận hành các tổ máy...", bởi vì con người có thể thay đổi được thiên nhiên. Tại sao chúng ta đang sống ở thế kỷ 21 mà lại phải chịu bó tay trước những việc như vậy", trao đổi của bạn Nguyễn Thành Nam, Hà Nội, email: nguyen_nam1403@yahoo.com.
Bạn Lê Anh Chiến, email: chien_inter@yahoo.com bày tỏ: "Tôi rất buồn về hệ thống điện Việt Nam. Một đất nước đang đổi mới từng ngày mà điện cứ cắt luân phiên thế này có thu hút được đầu tư nước ngoài nữa không? Nền kinh tế sẽ thiệt hại bao nhiêu nếu cứ cắt điện thế này?".
Những tin tức xung quanh sự việc nước tương vẫn thu hút được rất nhiều sự quan tâm, trao đổi ý kiến của bạn đọc. Bạn Trần Quốc Cường, Ngô Quyền, email: quoccuong...@yahoo.com bức xúc: "Tôi thấy niềm tin và quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm phạm một cách tệ hại bởi các công ty sản xuất ra sản phẩm có độc tố. Và thật thất vọng hơn khi các cơ quan có thẩm quyền cũng làm ngơ trước quyền lợi của người tiêu dùng bị đe doạ! Vậy, trách nhiệm của cơ quan là ở đâu? Họ làm việc là cho ai và vì ai? Họ có xứng với niềm tin của người tiêu dùng?".
Bạn Nguyễn Dũng, Lai Châu, email: dungquenhl@...com.vn hoan nghênh báo chí đã công khai công bố những vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm và cho rằng việc làm của cơ quan công quyền trong vụ việc này là thiếu trách nhiệm: "Đây là vấn đề lớn đã được quyết định là một chương trình y tế quốc gia, hàng năm nhà nước và nhân dân đổ không ít tiền vào công tác này. Thế mà với trách nhiệm là người được giao nhiệm vụ kiểm soát các hoạt động liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, lãnh đạo của Sở Y tế TP.HCM đã rất thiếu ý thức trách nhiệm đối với công việc, đối với người dân. Như chúng ta đã biết, chính phủ đang ban hành quy định trách nhiệm của những người đứng đầu các cơ quan nếu trong cơ quan mình để xảy ra hiện tượng tham nhũng, tham ô. Trách nhiệm tới đâu thì cơ quan chức năng sẽ phán xét, nhưng trước hết cần sự xử lý nghiêm khắc kịp thời của các cơ quan quản lý, chứ không thể " nghiêm túc ’ chỉ là kiểm điểm...
Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được phản ánh của bạn đọc về một số vấn đề sau:
Một trẻ sơ sinh bị chết sau khi tiêm ngừa bệnh lao: Mai Hoa, Hà Nội: "Đề nghị Bộ Y tế cho kiểm tra lại chất lượng các loại vắc-xin, xem xét trách nhiệm của các cán bộ trong ngành, kiểm điểm các cán bộ thiếu trách nhiệm dẫn đến hàng loạt trẻ bị chết sau khi tiêm vắc-xin lao, viên gam, tai biến sau tiêm vắc-xin dại, hội chứng teo cơ delta".
Cuộc chiến trên "tuyến lửa ma túy" chưa bao giờ ngưng nghỉ... |
Cuộc chiến không ngừng trên mặt trận phòng chống ma tuý: Email: ngocthuytinh77@yahoo.com.vn: "Tôi thực sự khâm phục và tỏ lòng ngưỡng mộ các chiến sỹ công an, biên phòng, phòng chống ma túy ở vùng Tây Bắc. Tôi đã đọc nhiều bài viết về họ, những con người dũng cảm, xả thân vì sự bình yên của cuộc sống. Đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa quên hình ảnh anh công an Phạm Văn Cường khi nhìn thấy ảnh của anh được phát trên ti vi sau khi anh hy sinh. Đó quả là một sự tổn thất quá lớn cho ngành công an, trong khi đất nước đã im tiếng súng hơn 30 năm rồi mà vẫn có những chiến sỹ phải ngã xuống vì cuộc sống tươi đẹp của chúng ta. Các chiến sĩ công an PCMT, bộ đội biên phòng thân mến, tôi muốn nói với các anh rằng, tôi rất kính trọng các anh và biết ơn về những việc các anh đang làm cho tổ quốc thân yêu này. Cuộc chiến đấu trên mặt trận PCMT còn rất nhiều cam go và sự khắc nghiệt, kính chúc các anh luôn vững bước và bản lĩnh để giành chiến thắng và cũng cầu mong rằng các anh phải hết sức cẩn thận khi làm nhiệm vụ, dẫu biết rằng công việc là rất nguy hiểm nhưng mỗi lần đọc báo đài, nghe tin chiến sỹ của chúng ta lại đổ máu vì đấu tranh với tội phạm ma túy thì tôi lại cảm thấy rất đau lòng. Cuối cùng, kính mong các cấp lãnh đạo quan tâm hơn nữa đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của các chiến sỹ trong lực lượng PCMT để động viên các chiến sĩ yên tâm công tác, hoàn thành mọi nhiệm vụ giao phó.
Biện pháp hạn chế thói quen xả rác bừa bãi của người dân: Đặng Thị Huế, ĐH Curtin, Western Australia, email: huedang...@hotmail.com: "Theo tôi, chẳng khó nhưng cũng chẳng dễ khi cấm mọi người xả rác bừa bãi trên bãi biển hoặc tất cả các khu công cộng khác ở Việt Nam nếu như chúng ta không thực hiện được luật. Chúng ta phải làm thật nghiêm khắc, đưa ra mức phạt thật nặng để những người vi phạm thấy được mức độ nghiêm trọng của việc mình làm, còn không họ sẽ vứt rác bữa bãi rồi úi xùi cho xong. Mặt khác, việc bổ sung thêm các thùng rác ở những nơi công cộng là rất cần thiết, luyện dần cho người dân thói quen "thải rác đúng nơi quy định" và họ cũng có chỗ để mà bỏ rác khi cần thiết. Nếu có thể, chúng ta nên có những video clip quay các cảnh ở nước ngoài hoặc trong nước về ý thức bảo vệ môi trường, cảnh các em bé tự chạy đến thùng rác công cộng để bỏ rác khi ăn xong que kem hay gói kẹo... để họ thấy được rằng, trẻ con còn làm được nữa là người lớn chúng ta".
Có nên chặt hạ cây xanh giữa mùa hè?: Hùng Nguyễn, Đường Giải Phóng,HN email: giaiphongroad@yahoo.com: "Chúng tôi là những hộ dân ở đường Giải Phóng, thời gian qua, bỗng dưng thấy có người lấy danh nghĩa là người của Công ty Công viên cây xanh đã cưa những cây xanh mà người dân ở đây đã trồng cả chục năm nay và đang là bóng mát cũng như góp phần bảo vệ môi trường của dân ở đây. Khi nhân dân thấy vô lý và phản ứng thì họ bảo là đốn cây đi để trồng cây mới theo quy hoạch của thành phố?! Thật vô lý vì từ cổ chí kim, ở miền bắc không ai lại đi đốn cây cũ để trồng cây mới trong mùa hè nắng như đổ lửa như vậy. Thứ nhất là, không cây nào sống nổi khi được trồng trong thời tiết như vậy. Thứ nhì, những cây do người dân tự trồng đã có trên 10 năm tuổi, tán cây cũng như kích thước cây đã đủ lớn để tạo bóng mát cho nhà dân ở đây vì đường Giải Phóng trong mùa hè vô cùng nắng nóng, đồng thời, đây cây do dân tự trồng và chăm sóc cả chục năm nay vậy, khi cơ quan có chủ trương thay cây khác cũng nên có thông báo cho dân biết. Thứ ba, cũng chỉ nên đốn hạ và thay thế những cây có thể làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông hoặc gây mất mỹ quan đô thị mà thôi, chứ không nên làm ồ ạt đại trà như thế vừa tốn tiền Nhà nước vừa không hợp lòng dân".
Cần nghiêm cấm mọi hành vi ảnh hưởng đến cây xanh: Nguyễn Quốc Huy, Lào Cai: "Chính phủ cần sớm có quy định về việc nghiêm cấm mọi hành vi có ảnh hưởng đến cây xanh trong toàn quốc như: Đóng đinh, vẽ, quảng cáo, lập ban thờ... Tôi đã được sang thành phố Côn Minh của Trung Quốc, thấy đô thi họ thật đẹp và văn minh, cây xanh được chăm sóc bảo vệ rất tốt, kể cả thảm cỏ cũng có biển cấm không được đi lên, nếu ai đi lên sẽ bị phạt rất nặng. Các phố đều có cắm các cột rất đẹp và đều nhau để cho thuê quảng cáo. Không biết họ có quy định không? Còn Việt Nam ta thì sao? Và bao giờ thì ta làm được? Bao giờ thì câu "khổ lắm, biết rồi, nói mãi" sẽ không còn la câu cửa miệng của mọi người dân nữa?".
Đường Phạm Văn Đồng "mịt mù" cát: Lê Mạnh, Đội Nhân, Hà Nội, email: anhmanh82@yahoo.com.vn: "Chỉ phải đi trên đoạn đuờng Phạm Văn Đồng vào dịp cuối tuần nhưng thật sự tôi không thể chịu nổi! Đây là con đường cửa ngõ thủ đô - nơi mà du khách quốc tế đáp máy bay xuống sân bay Nội Bài về Hà Nội đều phải đi qua vậy mà gần như đường lúc nào cũng "mịt mù" toàn cát. Theo nhìn nhận của tôi thì nguyên nhân chính là ở các xe chở cát từ sông Hồng, cát ướt chảy dọc trên đường mặc dù thùng xe đã được che đậy theo quy định. Chỉ một thời gian ngắn sau, cát sẽ khô và bay lên khi xe chạy qua, các phương tiện như xe máy, xe đạp đi trên đoạn này thật nguy hiểm. Liệu phương án phạt hành chính có tác dụng gì không?!!!".
Báo điện tử VietNamNet xin chân thành cảm ơn sự quan tâm tin tưởng của bạn đọc và mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!