(VietNamNet) - Luật Công chứng và Nghị định 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ về “Cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký” mới đi vào thực hiện. Tuy nhiên, một số lúng túng đã nảy sinh trong thực tế. Bạn Hoàng Hồng, cán bộ Phòng Tư pháp thành phố Đồng Hới, Quảng Bình gửi bài viết phản ánh, mong những vướng mắc của địa phương sớm được trao đổi và tháo gỡ.
>> Giảm tải phòng công chứng, sức nóng “bản sao” dồn xuống phường
Phòng công chứng sẽ không còn cảnh chen chúc như thế này nữa.
Trong những năm qua, hoạt động công chứng, chứng thực đã thể hiện vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội của đất nước, góp phần thúc đẩy nền kinh tế; đảm bảo an toàn pháp lý cho các giao dịch dân sự, kinh tế của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác công chứng, chứng thực cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cả về mặt tổ chức và hoạt động. Vì vậy, ngày 29/11/2006, Quốc hội đã thông qua Luật Công chứng, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2007.
Theo Luật Công chứng, với các giao dịch liên quan đến bất động sản, người dân phải đến phòng công chứng hoặc văn phòng công chứng vì hiện nay UBND cấp huyện và cấp xã không có quyền này. Do đó, khi có nhu cầu công chứng hợp đồng giao dịch, người dân sẽ rất vất vả.
Việc thành lập văn phòng công chứng và điều kiện, thủ tục để trở thành công chứng viên đối với một số địa phương không phải là chuyện đơn giản vì địa bàn nghèo, cán bộ thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, số lượng các giao dịch rất ít. Khi chỉ thực hiện chứng nhận các hợp đồng, giao dịch, nhiều phòng công chứng địa phương sẽ rơi vào tình trạng "ngồi chơi, xơi nước" vì hơn 90% công việc của các phòng công chứng địa phương là chứng thực bản sao.
Hơn nữa, trong khi Luật Dân sự, Luật Tố tụng dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở đều có những quy định liên quan đến công tác công chứng, chứng thực chưa sửa đổi thì việc thực hiện Luật Công chứng nêu trên sẽ mâu thuẫn với các văn bản này.
Điểm mới của Luật Công chứng là luật chỉ quy định các vấn đề về công chứng, không quy định về chứng thực. Luật Công chứng chỉ điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến các hoạt động giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại... còn vấn đề về chứng thực được quy định riêng tại Nghị định của Chính phủ.
Nghị định 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký thể hiện tinh thần CCHC, đáp ứng được mong mỏi của nhân dân trong vấn đề về bản sao.
Nghị định đã thực hiện việc phân cấp, đặc biệt là phân cấp về thẩm quyền chứng thực bản sao cho UBND cấp xã đối với các giấy tờ văn bản bằng tiếng Việt, tạo thuận lợi cho nhân dân và "mở ra hệ thống rộng rãi cho hơn 10 vạn UBND cấp xã có thẩm quyền chứng thực" thay vì chỉ có phòng công chứng và UBND cấp huyện như Nghị định 75 trước đây.
Tại Quảng Bình, ngày 25/6/2007, Sở Tư pháp đã tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt Luật Công chứng và Nghị định 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ cho đội ngũ cán bộ phòng công chứng, cán bộ phòng tư pháp và cán bộ chuyên trách công tác tư pháp xã, phường trong tỉnh.
Sau hội nghị ở tỉnh, ngày 29/6/2007, UBND thành phố Đồng Hới tiếp tục mở hội nghị phổ biến, quán triệt nội dung của Nghị định 79/2007/NĐ-CP cho những người làm công tác chứng thực của UBND các xã, phường của thành phố Đồng Hới để có thể thực hiện tốt công tác này trên địa bàn thành phố.
Mặc dù, đã có sự chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ mới nhưng hầu hết các cán bộ vẫn còn lúng túng khi triển khai công tác này trên thực tế, thể hiện qua một số vấn đề cụ thể sau:
Về thẩm quyền, tại Điều 5 Nghị định quy định: Phòng tư pháp cấp huyện thực hiện chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài; chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ văn bản bằng tiếng nước ngoài (điểm a, b khoản 1).
UBND các xã, phường chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ văn bản bằng tiếng Việt; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ văn bản bằng tiếng Việt.
Công chứng hồ sơ nhà đất tại TP.HCM.
Hiện nay, đội ngũ cán bộ tư pháp xã, phường còn thiếu, nhiều cán bộ không đủ năng lực thực hiện thuần thục công việc chứng thực để nhận biết được những văn bản giả mạo khi mà các văn bản, giấy tờ giả ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Cán bộ tư pháp cấp xã đang phải đảm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ, nay thêm gánh nặng chứng thực bản sao, các công việc đó thực sự là quá tải, đó là chưa nói đến quá tầm.
Trong khi cấp huyện nếu chỉ thực hiện chứng thực văn bằng, chứng chỉ bằng tiếng nước ngoài và chữ ký của người dịch thì lãng phí đối với một số địa phương vì giao dịch này rất ít trong khi vẫn phải bố trí cán bộ trực tiếp nhận hàng ngày.
Nghị định cũng không quy định văn bản song ngữ sẽ do cơ quan nào thực hiện. Vì thế, đối với giấy tờ bằng hai thứ tiếng trên cùng một văn bản, cán bộ gặp lúng túng trong việc phân định thẩm quyền chứng thực.
Mặt khác, nghị định cũng không quy định rõ về điều kiện của người dịch và trách nhiệm của người thực hiện chứng thực về trình độ người dịch như Điều 57 Nghị định 75/2000/NĐ-CP nên khi thực hiện thẩm quyền của mình, Phòng Tư pháp cấp huyện gặp lúng túng trong việc cần đến đội ngũ dịch thuật.
Về thẩm quyền và trách nhiệm cấp bản sao từ sổ gốc, "cơ quan tổ chức đang quản lý sổ gốc có thẩm quyền và trách nhiệm cấp bản sao", "việc cấp bản sao từ sổ gốc được thực hiện đồng thời với việc cấp bản chính hoặc sau thời điểm cấp bản chính".
Nếu quy định này thực hiện tốt ở các Sở GD-ĐT và các trường ĐH, CĐ khi thực hiện việc cấp văn bằng, chứng chỉ thì cấp luôn bản sao thì sẽ góp phần giảm tải số lượng bản sao cần chứng thực. Vì trên thực tế, vấn nạn "cò" chứng thực và cảnh chen lấn tập trung vào mùa thi, vào dịp khai giảng năm học mới vẫn phổ biến.
"Việc cấp bản sao từ sổ gốc các giấy tờ về hộ tịch được thực hiện theo quy định của Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch" (Điều 4 Nghị định 79).
Theo quy định của Nghị định 158/2005/NĐ-CP thì UBND cấp xã, huyện hoặc Sở Tư pháp là nơi lưu trữ sổ hộ tịch thực hiện việc cấp bản sao các giấy tờ từ sổ hộ tịch. Hiện nay, sổ gốc đăng ký hộ tịch được lưu ở 2 cấp: UBND cấp huyện và cấp xã theo quy định tại khoản 2 Điều 70 Nghị định 158/2005/NĐ-CP.
Để thực hiện tốt việc cấp bản sao từ sổ gốc hộ tịch đang quản lý cho công dân có nhu cầu theo quy định tại điều 4 Nghị định 79/2007/NĐ-CP thì cần bổ sung quy định Chủ tịch UBND cấp huyện ủy quyền cho trưởng phòng, phó trưởng Phòng Tư pháp thực hiện việc cấp bản sao từ sổ gốc hộ tịch và ký bản sao với tư cách "thừa ủy quyền"; ghi chức vụ và đóng dấu của UBND cấp huyện thì mới có thể thực hiện được đúng thời hạn cấp bản sao ngay trong ngày tiếp nhận yêu cầu. Bởi trên thực tế, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND không có mặt thường xuyên để ký giấy tờ hộ tịch do Phòng Tư pháp thực hiện tiếp nhận.
Về thủ tục chứng thực bản sao từ bản chính theo quy định tại Khoản 3 Điều 13, khi thực hiện chứng thực, công chứng viên phải ghi lời chứng. Lời chứng là "bộ phận cấu thành của văn bản chứng thực. Lời chứng của công chứng viên phải ghi rõ: Thời điểm giao kết hợp đồng, địa điểm công chứng, năng lực hành vi dân sự, năng lực pháp luật dân sự, chữ ký của các bên và nội dung thỏa thuận của các bên".
Trước đây, Thông tư 03//2001/TP-CC ngày 4/3/2001 hướng dẫn thi hành Nghị định 75 của Chính phủ ở phần phụ lục có mẫu lời chứng, mẫu sổ và các biểu mẫu phục vụ cho việc công chứng, chứng thực. Theo đó, lời chứng có thể được khắc trên dấu. Do vậy, lời chứng bản sao đã được khắc dấu và thực hiện thống nhất trên hầu hết các địa phương trong cả nước.
Đối với việc chứng thực bản sao theo Nghị định 79/2007/NĐ-CP, do chưa có hướng dẫn cụ thể nên khi thực hiện gặp lúng túng vì nếu viết tay lời chứng thì vừa mất thời gian vừa không đảm bảo về hình thức. Nhưng nếu chủ động khắc dấu thì kích cỡ, mẫu chữ như thế nào?
Một vấn đề nữa là hiệu lực của nghị định, nghị định có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo. Tuy nhiên, ngày đăng công báo và ngày tiếp nhận công báo vẫn đang còn khoảng cách quá xa. Nghị định 79/2007/NĐ-CP đã được đăng công báo vào ngày 15/6/2007 nhưng vào lúc 15h30 ngày 3/7/2007 chúng tôi mới nhận được công báo. Chính sự chậm trễ đó khiến cho các việc chứng thực vẫn diễn ra bình thường tại phòng công chứng và UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Tôi viết bài này mong sao Bộ Tư pháp có hướng dẫn cụ thể để các địa phương có thể khắc phục được những khó khăn, bất cập từ thực tế kể trên.
-
Hoàng Hồng, Phòng Tư pháp thành phố Đồng Hới, Quảng Bình
Ý kiến của bạn?