221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
967832
Đừng vì lợi ích kinh tế mà làm mất công viên
1
Article
null
Đừng vì lợi ích kinh tế mà làm mất công viên
,

(VietNamNet) – “Tôi bất bình vì dự án biến công viên Thống Nhất thành trung tâm giải trí kiểu Disneyland. Hà Nội đang đau đầu vì không phát triển được đường giao thông, tại sao lại thu hút thêm các phương tiện tham gia giao thông vào khu trung tâm?! Hà Nội cần có một công viên trung tâm không thu phí làm nơi thư giãn cho nhân dân vốn đã quá ngột ngạt bởi khói bụi và mật độ dân số  quá cao”. Rất nhiều bạn đọc VietNamNet cùng chung quan điểm với KTS Trần Thanh Vân về dự án biến công viên Thống Nhất thành Disneyland.

>> Biến công viên Thống Nhất thành Disneyland: Nhà khoa học lên tiếng

Nếu công viên Thống Nhất biến thành trung tâm giải trí kiểu Disneyland, Hà Nội sẽ còn không gian xanh nào cho người dân?

Vu Ngoc Quang, valentine6898@yahoo.com

Tôi thực sự chia sẻ những ý kiến của KTS Trần Thanh Vân về việc khai thác sử dụng công viên Thống Nhất. Là một người Hà Nội rất mực yêu mến Thủ đô, đã từ nhiều năm nay, tôi đau đớn và phẫn uất khi nhìn những mảnh đất mến yêu của Thủ đô đang dần dần biến thành những công trình làm xấu đi hình ảnh thân thương, làm mất đi môi trường trong lành của thành phố.

Là một kẻ ngoại đạo đối với ngành kiến trúc quy hoạch, nhưng tôi vẫn buồn nản với một số quyết định cấp phép đầu tư xây dựng của thành phố. Tôi ước ao sáng ra ngủ dậy nhìn thấy khu vực xung quanh Nhà hát lớn Hà Nội không có Hotel Opera, không có cái cần cẩu ngạo nghễ chuẩn bị “làm thịt” nốt mảnh đất còn lại phía bên phải nhà hát, không có cả những ngôi nhà trên mảnh đất giáp đường Lý Văn Phúc. Quanh đấy trở thành những vườn hoa và cây xanh, nối tiếp đến sân vườn của Bảo tàng Cách mạng và Bảo tàng Lịch sử. Cũng thật ngạc nhiên và khó hiểu khi chính những người làm văn hóa lại cho xây dựng một dãy nhà che lấp đi khoảnh vườn xinh xắn của Bảo tàng Cách mạng, biến khoảng sân đó như một sân dạo nhà tù với các dãy nhà bao quanh.

 

Rồi đến tòa nhà số 9 Đào Duy Anh nhiều tai tiếng. Không biết quy hoạch tổng thể Hà Nội thế nào, tư duy phát triển kiến trúc đô thị ra sao, nhưng ước ao của tôi vẫn muốn rẻo đất hẹp và dài chạy dọc đường Đào Duy Anh sẽ là một vườn hoa nhỏ với cây xanh và vài hàng ghế đá... Vậy mà, theo con đường này chạy thẳng ra Ô Chợ Dừa, người ta lại vấp phải tòa nhà đứng lù lù bên đường Đê La Thành nơi ngã tư chật chội...

 

Ra đến khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính và Mỹ Đình, tôi cũng thầm ao ước mảnh đất trống đối diện khu đô thị của Vinaconex là một cánh rừng và hồ nước như công viên Thống Nhất. Nhưng thật là viển vông khi khu đất này cũng đã được dựng hàng rào và lắp đặt cần cẩu để chuẩn bị cho những tòa nhà mới.

 

Nhiều lắm những ước ao và cũng nhiều lắm những thất vọng. Không biết có ai đồng cảm với tôi không về một tình trạng Hà Nội đang bị băm nát vì những công trình xây dựng chen chúc và xâm lấn cây xanh, hồ nước? Sao không giữ lấy một Hà Nội êm đềm, nhỏ nhắn và thanh bình cho tương lai và ở đâu đó, phía bên kia sông Hồng, là những tòa nhà hiện đại, những con đường thênh thang...?

 

Kiến trúc quy hoạch Hà Nội hình như thiếu vắng tinh thần lãng mạn và bay bổng. Có nên có một diễn đàn dành cho đề tài khó khăn này hầu đem đến cho những người lãnh đạo thành phố những ý kiến đa chiều và phản biện?

Trang, Hà Nội

Đây là lần đầu tiên tôi được nghe thông tin người ta lại đang chuẩn bị có dự án thay đổi môi trường công viên Thống Nhất. Tôi đồng ý với những suy nghĩ, trăn trở của KTS Trần Thanh Vân bởi vì bản thân tôi là người dân hàng ngày vẫn đến công viên tập thể dục và hưởng không khí yên bình nơi đây. Thật buồn khi  vì lợi ích trước mắt mà quên đi lợi ích của cộng đồng dân cư. Tôi không hiểu mục tiêu  "vì dân" đến đâu nhưng tôi thấy ngày càng ít những điểm vui chơi giải trí thực sự mang tính phúc lợi công cộng. Thật đáng buồn!

Phùng Nguyễn Nam Hưng, Mai Hương, Hà Nội

Tôi rất đồng tình với ý kiến của KTS Trần Thanh Vân. Bản thân tôi rất bức xúc khi biết tin thành phố Hà Nội quyết định cho công ty Vincom và Tân Hoàng Minh đầu tư khu dịch vụ vui chơi giải trí theo kiểu Disneyland tại công viên Thống Nhất.

Hãy tính thử hiện nay có bao nhiêu điểm để cho người lao động bình thường có thể đến hít thở một chút không khí trong lành. Vậy mà thành phố lấy lý do "xã hội hoá" để "bán" (thực chất là cho thuê khoảng 50 năm) các công viên Thống Nhất, Tuổi Trẻ, Yên Sở. Chỉ còn lại Thủ Lệ là vườn bách thú duy nhất và Bách Thảo nằm gần các cơ quan quan trọng của Trung ương là không dám. Thử hỏi còn chút không gian nào cho những người lao động bình dân và con cái của họ?

Tôi đề nghị VietNamNet mở một diễn đàn lấy ý kiến bạn đọc về vấn đề nêu trên và các vấn đề tương tự sau đó góp ý cho thành phố, Chính phủ. Nếu các nhà đầu tư thực sự có tiền, có tâm thì nên chọn địa điểm tại Láng - Hoà Lạc hay Đông Anh, Sóc Sơn như ý kiến của KTS Trần Thanh Vân hoặc nếu muốn gần trung tâm thì hãy ra ngoài đê sông Hồng - nơi đó thành phố đang qui hoạch. Hãy đề nghị thành phố cấp cho hàng trăm hécta, thoả sức mà đầu tư.

Mai Khắc Bân, 3/16 Tạ Quang Bửu, Hà Nội

Cảm ơn KTS Trần Thanh Vân đã cho chúng tôi, những người vốn hưởng thụ những giá trị mà công viên Thống Nhất đem cho nhưng lại chưa hiểu hết về công viên. Tại cuộc tiếp xúc cử tri ngày 13 tháng 6 năm 2007, chúng tôi cũng đã có nhiều ý kiến bức xúc đề đạt lên HĐND thành phố. Nhưng tôi vẫn sợ  tiếng nói chẳng được quan tâm mà họ sẵn sàng “xẻ thịt” công viên. Bởi như ông cựu Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội khi trả lời về việc xoá bỏ làng đào Nhật Tân đã không ngần ngại mà nói rằng giờ đây người ta không chỉ chơi đào mà còn có nhiều thứ hoa khác. Vậy, công viên Thống Nhất này có bị đánh đồng như làng đào Nhật Tân kia không? Câu trả lời chỉ thuộc về các nhà chức trách, những người được giao trách nhiệm quản lý Thủ đô. Nếu có sai thì chính họ phải là người phải trả lời đầu tiên với mọi thế hệ người dân.

Giang Hương, diemnhatanh@yahoo.com.vn

Tôi tán thành ý kiến KTS Trần Thanh Vân và mong Hà Nội của chúng ta đừng mắc thêm những sai lầm nào nữa trong quy hoạch đô thị. Làm sao có thể để "Nơi lắng hồn núi sông ngàn năm" thành tạp nham như thế được? Muốn làm hiện đại ư? Hà Nội thiếu gì chỗ đâu? Đất gò đồi còn nhiều đấy, rộng rãi, thoáng đãng mà lại có hiệu quả kinh tế xã hội, tạo thêm công ăn việc làm cho dân xung quanh. Ban chỉ đạo 1000 năm Thăng Long đâu mà chưa lên tiếng về việc này?

Nhiều người dân vào công viên Thống Nhất tập thể dục mỗi buổi sáng sớm.
Dao Van Hoan, Đông Anh, Hà Nội

Tôi hoàn toàn đồng ý với cô Thanh Vân. Thành phố Hà Nội tuy có nhiều điểm mang tên công viên nhưng trên thực tế chừng ấy công viên không đáp ứng được nhu cầu không gian xanh ngày một tăng của người dân Thủ đô.

Tôi sống ở ngoại thành Hà Nội, không gian xanh và môi trường trong lành của ngoại ô luôn làm tôi có cảm giác dễ chịu, thoải mái. Vào nội thành sống 5 năm khi theo học tại ĐH Bách khoa Hà Nội, tôi mới thấy hết được sự cần thiết của một không gian xanh, trong lành của những người dân Hà Nội.

Những ồn ào, náo nhiệt của cuộc sống sẽ được gạt sang một bên khi ta bước vào công viên Thống Nhất. Ở đây, con người như thoải mái hơn, cảm giác căng thẳng do công việc hay học tập được giảm đi nhiều phần. Có thể nói công viên Thống Nhất đã giúp tôi lấy lại được sự thư thái, cảm giác thăng bằng trong học tập và làm việc. Tôi tin rằng rất nhiều người dân Thủ đô cùng chung cảm nhận đó.

Rất mong chính quyền thành phố có một cái nhìn bao quát và tổng thể hơn không chỉ giữ gìn được công viên Thống Nhất mà còn phát triển thêm nhiều công viên khác, tăng thêm không gian xanh cho người dân Thủ đô.

Bùi Tùng Anh, areca_hoacau@yahoo.com

Tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm của VietNamNet và KTS Trần Thanh Vân. Cách đây một thời gian, khi được biết Hà Nội muốn chuyển công năng của công viên Thống Nhất thành trung tâm giải trí như kiểu Disneyland, tôi đã hoàn toàn ngạc nhiên về chủ trương này vì giữa Hà Nội không thể có một trung tâm giải trí theo kiểu như vậy. Một trung tâm như vậy chỉ có thể ở ngoại ô. Hơn nữa, Hà Nội đang đau đầu vì không phát triển được đường giao thông, tại sao lại thu hút thêm các phương tiện tham gia giao thông vào khu trung tâm?! Hà Nội cần có một công viên trung tâm không thu phí làm nơi thư giãn cho nhân dân vốn đã quá ngột ngạt bởi khói bụi và mật độ quá cao dân số. 

Tôi cực lực phản đối biến công viên Thống Nhất thành khu vui chơi mang tính kinh doanh. Chúng tôi là những người dân lao động và nộp thuế cho Nhà nước chỉ mong mỏi có một không gian công cộng không vụ lợi. Thử hỏi hiện nay ở Hà Nội có một địa điểm công ích nào cho người dân thư giãn như ở công viên Thống Nhất không? Chúng tôi muốn được đối xử bình đẳng khi ở công viên. Tôi đề nghị lãnh đạo thành phố Hà Nội trưng cầu dân ý về việc chuyển đổi công viên Thống nhất sang mô hình hoạt động kinh tế vì việc làm đó liên quan đến lợi ích của cộng đồng.

Tiến Hải Long, Ukraina

Tôi hiện đang sống tại Ukraina. Việt Nam không thể so sánh với Ukraina. Nhưng có một nét văn hoá mà chúng ta là nước phát triển sau cần phải học tập, đó là việc quy hoạch hay xây dựng mới.

Khi đất nước bạn mở đường, ngoài phần đường chính, còn có khoảng hành lang rộng tới gấp 2 lần đường chính, công viên xen giữa các khu dân cư, chỗ nào cũng có công viên dành cho người dạo chơi. Ukraina còn nghèo nên công viên của họ chủ yếu là cây xanh và các lối dạo nhưng cuối tuần hầu như chỗ nào cũng kín người dân dạo chơi, nghỉ ngơi...

Còn chúng ta thì sao? Hà Nội đã chật chội, nhỏ bé, không khí ngột ngạt, vậy mà chúng ta cứ ra các quyết định thu nhỏ các diện tích cây xanh, hồ nước trong thành phố để biến nó thành khách sạn, nhà hàng... Cứ thế này thì 10-20 năm sau chắc con cháu chúng ta chỉ có cách trèo lên sân thượng, ngồi cạnh mấy chậu cây xanh thôi.

Cũng như KTS Trần Thanh Vân, tôi thấy hoàn toàn không nên xâm phạm những khu vực lá phổi của thành phố dùng cho mục đích kinh tế của nhóm người có quyền chức. Nếu ai đó có tâm muốn Hà Nội có một Disneyland thì đất đâu thiếu. Huyện Đông Anh có cả hồ nước thiên nhiên, đất rộng thoải mái sáng thể hiện ý tưởng của mình. 

nguoihanoi@yahoo.com

Hoan hô KTS Trần Thanh Vân. Tôi ủng hộ tuyệt đối ý kiến của chị. Rất vui mừng là Hà Nội vẫn có những người như chị. So với nhiều thành phố Châu Á khác, Hà Nội có "báu vật" là diện tích mặt nước và cây xanh lớn. 10, 20 năm nữa chúng ta có thể giàu có hơn rất nhiều, nhưng nếu công viên Thống Nhất biến mất thì sẽ không bao giờ có thể lấy lại được.

Hãy nghe chính tầng lớp trung lưu đang sinh sống tại khu chung cư Trung Hoà - Nhân Chính nói về sự cần thiết có "không gian sống" của họ. Việc có tiền tỷ để mua căn hộ tại khu vực này không phải là sự đảm bảo rằng cuộc sống của họ có chất lượng tốt hơn.

Tôi chỉ là một người bình thường, ngoại đạo với kiến trúc và quy hoạch đô thị. Nhưng tôi yêu Hà Nội, và không bao giờ muốn Hà Nội mất đi những giá trị của mình trong cơn lốc của sự phát triển kinh tế. Tôi sẵn sàng ủng hộ chị Thanh Vân, VietNamNet hoặc bất cứ tổ chức nào muốn cứu công viên Thống Nhất và làm cho nó đẹp hơn.

Ý kiến của bạn?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,