221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
968100
Biến Công viên Thống Nhất thành Disneyland: Đi ngược lại thế giới
1
Article
null
Biến Công viên Thống Nhất thành Disneyland: Đi ngược lại thế giới
,

(VietNamNet) - Tất cả các công viên giải trí trên thế giới đều được quy hoạch ngoài phạm vi trung tâm của thành phố, với hệ thống giao thông tách biệt. Đôi lúc nó còn được quy hoạch thành dạng một thành phố vệ tinh (với khoảng cách từ 30 đến 50 km từ thành phố trung tâm) có khả năng tiếp nhận hàng chục ngàn người với đầy đủ các dịch vụ khép kín... Tại sao chúng ta làm ngược lại?

>> Trả giá đắt nếu công viên Thống Nhất thành “đại nhà hàng”

>> Biến công viên Thống Nhất thành Disneyland: Nhà khoa học lên tiếng

>> Đừng vì lợi ích kinh tế mà làm mất công viên

 

Công viên giải trí trên thế giới được quy hoạch ngoài phạm vi trung tâm của thành phố, với hệ thống giao thông tách biệt.

Là một kiến trúc sư công tác và học tập tại nước ngoài đã nhiều năm nay, tuy sống xa Tổ quốc, tôi vẫn luôn theo dõi thường xuyên từng bước đi, từng diễn biến thời sự tại quê nhà.

Vừa qua, có thông tin Hà Nội của chúng ta sắp có được một điểm vui chơi giải trí mới để phục vụ cho đông đảo người dân Thủ đô, tôi cảm thấy vui mừng khôn xiết.

Nơi vui chơi giải trí là vấn đề gây bức xúc bấy lâu nay của người dân Hà Nội bởi mỗi dịp lễ, Tết, người dân Thủ đô chỉ biết dùng các phương tiện cá nhân hoà vào dòng người nhộn nhịp hướng tới trung tâm thành phố. Hàng trăm ngàn chiếc xe máy đổ đầy các đường phố và cuối cùng là đi vài vòng quanh bờ hồ Hoàn Kiếm.

Đã nhiều năm nghiên cứu về kiến trúc và quy hoạch đô thị, tôi lập tức tìm hiểu xem địa điểm đặt khu vui chơi giải trí này ở đâu. Khi đọc đến dòng chữ Công viên Thống Nhất, tôi quả thực không thể tin vào mắt mình.

Tôi không tin bởi một dự án với tầm quan trọng chiến lược như thế dường như đã được thông qua mà không gặp phải một ý kiến đóng góp sâu sắc nào. Tôi không tin bởi người ta đã phạm phải một sai lầm vô cùng ghê gớm đến mức, bất kỳ ai có một chút chuyên môn cũng không thể phạm phải. Tại sao đây lại là một sai lầm to lớn đến thế? Tôi sẽ đi vào phân tích về cả khía cạnh chuyên môn lẫn ý nghĩa về văn hoá, lịch sử.

Trở lại với thực trạng của Thủ đô chúng ta hiện nay. Cơ sở hạ tầng của thành phố đã gần như quá tải mỗi ngày với hàng triệu xe máy, hàng ngàn ô tô cùng các phương tiện tham gia giao thông khác. Trên 2 triệu xe gắn máy, vài chục ngàn xe ô tô và với mức tăng trưởng kinh tế như hiện nay thì chỉ trong vòng 5 năm nữa thôi, khoảng 5 – 7% lượng xe máy hiện có sẽ chuyển thành ô tô. Các bạn hãy thử tưởng tượng xem với cả trăm ngàn ô tô nữa chúng ta sẽ đi vào đâu?!

Nhìn vào quy hoạch đô thị của chúng ta thì thấy ngay được là toàn bộ các quận trung tâm đã chật cứng. Đường giao thông không thể được mở rộng hơn. Mật độ dân cư đã lên đến mức 500, 600 người/hecta (mật độ của những thành phố đông dân nhất thế giới).

Hiện trạng quy hoạch đô thị của ta vốn đã không đồng đều, lại nhỏ lẻ và manh mún, thiếu quy hoạch tổng thể. Thêm vào đó là việc giáo dục ý thức người dân chưa cao. Ta chưa thiết lập được lối sống đô thị hay còn gọi là văn minh đô thị. Giao thông đô thị của ta còn gắn liền với "văn minh xe máy" hay "văn hoá vỉa hè".

Trong một tổng quan đô thị còn đầy rẫy những vấn đề, những nỗi lo như thế, người ta lại quyết định đặt một công viên vui chơi giải trí theo kiểu "Disney land Việt Nam" ngay giữa lòng Hà Nội?!

Để tiện tham khảo, tôi muốn cung cấp thêm thông tin cho các bạn là: Mô hình công viên giải trí đã được phát triển mạnh ở nhiều nước phương Tây khoảng những năm 80 và sau đó, mô hình này được áp dụng sang nhóm nước mới giàu lên để đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của cộng đồng.

Tất cả các công viên giải trí trên thế giới đều được quy hoạch ngoài phạm vi trung tâm của thành phố, với hệ thống giao thông tách biệt. Đôi lúc nó còn được quy hoạch thành dạng một thành phố vệ tinh (với khoảng cách từ 30 đến 50 km từ thành phố trung tâm). Nó thực sự là một thành phố thu nhỏ với khả năng tiếp nhận hàng chục ngàn người với đầy đủ các dịch vụ khép kín (giao thông công cộng, bãi đỗ xe, các khu vui chơi theo chủ đề, các nhà hàng, khách sạn, các hệ thống hạ tầng riêng, điện, nước, xử lý rác, nước thải, chống ô nhiễm...).

Hẳn không ít ai trong chúng ta đã từng một lần đến thăm những công viên giải trí như thế ở Paris, Hongkong, Kualalumpur, Thẩm Quyến, Manila, California... Với cơ sở hạ tầng và giao thông công cộng tốt hơn chúng ta rất nhiều lần, họ đặt các khu vui chơi này ở đâu? Các bạn hãy nghĩ xem, phải chăng chúng ta muốn làm điều gì đó mà chưa ai làm bao giờ để khẳng định là chúng ta giỏi?! Hay chúng ta muốn khẳng định là cả thế giới đã làm sai!? Có nên cân nhắc không khi đưa một dịch vụ lớn như thế vào trung tâm Hà Nội, nơi mà tắc nghẽn giao thông như cơm bữa?

Tôi xin dừng phân tích về khía cạnh chuyên môn ở đây và khi có thêm thời gian tôi sẽ trao đổi sâu hơn. Một khía cạnh nữa cần bàn đến là ý nghĩa xã hội và lịch sử của Công viên Thống Nhất.

Xét về mặt lịch sử, công viên mang một ý nghĩ to lớn. Nó nhắc nhở chúng ta về một giai đoạn lịch sử khó khăn nhưng cũng rất hào hùng của nhân dân Thủ đô. Công viên có được là nhờ có sức lao động của hàng ngàn công nhân viên chức của Hà Nội. Đã có thời chúng ta sống vì cái chung nhiều hơn cái riêng, chúng ta sống mà ít nghĩ đến bản thân, chúng ta nghèo mà miệng tươi cười. Công viên của chúng ta ra đời trong hoàn cảnh như thế đấy. Công viên Thống Nhất, đối với riêng tôi cũng như bao nhiêu người con của Hà Nội, đã đánh dấu sự lớn lên và trưởng thành.

Công viên Thống Nhất mỗi buổi chiều buông. (Ảnh TT)
Khi còn nhỏ, nỗi khát khao lớn nhất của tôi là được đi chơi công viên, chơi đu quay và bơi thuyền trên hồ Bảy Mẫu. Chỉ giản dị vậy thôi nhưng đó là cả một thế giới quan đầy sinh động trong con mắt trẻ thơ. Và cho đến lúc trưởng thành, trí nhớ của tôi vẫn chứa đầy hoài niệm về một mối tình đầu trải dài theo từng bước chân dạo quanh bờ hồ xanh mát.

Những người lập dự án công viên giải trí tại Công viên Thống Nhất biết chắc rằng mỗi ngày, hàng ngàn công dân thủ đô, trẻ có, già có sẽ không còn một không gian xanh để tập thể dục mỗi buổi sáng, không một chỗ trống để chơi thể thao mỗi khi chiều buông. Những cặp uyên ương sẽ chẳng còn đâu một khoảng không gian thiên nhiên để tự tình lãng mạn.

Thêm vào đó, một công viên giải trí sẽ rất là phản cảm đối với du khách thập phương. Họ đi du lịch để tìm đến với thiên nhiên chứ không để tận hưởng một thứ giải trí bát nháo, vì đồng tiền mà quên đi những giá trị nhân bản khác. Và từ giờ trở đi tất cả sẽ được tính bằng tiền. Chúng ta được rất ít mà mất đi rất nhiều.

Nói tóm lại, đưa một cụm công trình giải trí như thế vào trung tâm thành phố sẽ làm rối loạn giao thông nội đô. Các công trình nằm trong trung tâm giải trí sẽ được xây dựng dày đặc làm phá vỡ cảnh quan cây xanh, mặt nước của công viên. Ở một thành phố mà các khoảng không gian cây xanh trở nên thiếu trầm trọng thì đây là một nỗ lực làm cho môi trường bị tàn phá hơn bao giờ hết. Hơn nữa, sự tập trung dân cư dày đặc hơn sẽ hủy hoại cảnh quan ghê gớm. Giao thông hỗn độn, tàn phá môi sinh, gây ô nhiễm, phá hoại giá trị lịch sử, xã hội, nhân văn... đó là cái giá phải trả. 

Chúng ta đừng đánh đổi một chút lợi ích kinh tế trước mắt mà phớt lờ đi những hậu quả khôn lường mai sau. Mỗi người chúng ta hãy góp sức nho nhỏ của mình thôi để cứu lấy công viên yêu dấu của chúng ta. Xin đừng vì tiền mà xoá đi lịch sử, xoá đi văn hoá, bởi đó là giá trị mà sau này dù có bao nhiêu tiền cũng không thể mua cho nổi. 

  • Nguyễn Hồng Hải

 

Ý kiến của bạn?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,