Cây xanh trên các đường phố, công viên Hà Nội là tài sản của nhân dân, là một phần không thể thiếu, tạo nên cảnh quan môi trường của Thủ đô.
Sinh thời Bác Hồ là người rất yêu cây, người không chỉ phát động Tết trồng cây mà với việc bảo vệ cây, Người cũng hết sức quan tâm. Nếu phải chặt đi một cây xanh, Người cũng khuyên mọi người phải cân nhắc kỹ.
Khi xây dựng phòng họp bí mật của Bộ Chính trị trên Ba Vì (nay là khu di tích K9), việc xây dựng có vướng một cây, các chiến sỹ định chặt nhưng Bác đã khuyên nếu có thể giữ lại được thì nên giữ. Cho nên cây xanh đó đã được xây bao quanh trong khuôn viên phòng họp và vẫn còn cho đến ngày nay. Một cây xanh trong Phủ Chủ tịch bị sâu đục thân, Bác cũng phổ biến cho mọi người cách trị bệnh cho cây bằng nước vôi, sau đó ít lâu, cây đã phục hồi và không phải cưa bỏ.
Cái hố này, trước đây là một cây Sưa cổ thụ trong công viên Đống Đa.
Qua hai việc trên, chúng ta thấy Bác yêu quý, nâng niu từng cây xanh biết nhường nào. Vậy mà thật là đau xót khi gần đây, vì một món tiền mà nhiều kẻ đã tiếp tay cho lâm tặc ngay tại Thủ đô Hà Nội.
Gần đây nhất là sự việc cây Sưa trong công viên VH Đống Đa đã bị chặt hạ. Đặc biệt là những cán bộ trong Ban QL công viên Đống Đa thay vì bảo vệ cây đã tiếp tay cho lâm tặc. Thêm vào đó, họ đã phát biểu lừa dối báo chí, đánh lừa dư luận, đổi lỗi do chuyên môn nghiệp vụ yếu.
Để bảo vệ tốt các cây xanh cần phải có các biện pháp quản lý khoa học. Một việc làm rất cần trước tiên là thống kê lại chính xác số lượng, vị trí, đặc điểm của các cây gỗ có trong sách đỏ Việt Nam trên địa bàn Hà Nội để có cơ sở quản lý (có thể dùng phần mềm nhập hồ sơ từng cây, kèm ảnh của các cây). Đồng thời tăng cường trách nhiệm hơn nữa cho các đơn vị trực tiếp quản lý cây, không để tồn tại hiện tượng quản lý chồng chéo nhưng không đơn vị nào chịu trách nhiệm chính. Cũng như việc phòng chống tội phạm cần phát huy vai trò giám sát, phát hiện và phòng chống của nhân dân.
Các cây xanh trong các công viên nhỏ phải do các BQL chịu trách nhiệm chính, các cây xanh trên đường phố cần có sự tham gia bảo vệ của phường sở tại vì đây là cấp gần nhất Công ty Công viên cây xanh và Sở GTCC không thể có phản ứng nhanh như cấp phường. Vì lý do nào đó, cần chặt hạ cây thì phải tuân theo một quy trình chặt chẽ, có sự đồng ý của cơ quan quản lý.
Nếu vì lý do như sau thiên tai cần chặt hạ cây gấp để giải phóng mặt bằng hay vì lý do an toàn (khi cây có nguy cơ đổ)... cần có báo cáo đầy đủ kèm ảnh chứng minh việc chặt hạ là cần thiết.
Khi chặt hạ cây, đơn vị trực tiếp tiến hành cần có giấy tờ chứng nhận có kèm theo tên và địa chỉ cây, lý do chặt hạ cây để nhân dân có thể có quyền đòi hỏi kiểm tra, giám sát. Người dân có trách nhiệm ngăn chặn và báo cơ quan công an khi phát hiện việc chặt cây không có giấy phép.
Với những biện pháp quản lý hợp lý cùng với quyết tâm và trách nhiệm bảo vệ của người dân, hy vọng rằng các cây xanh sẽ xanh mãi với thủ đô.
-
Thanh Sơn, email: thanhson.2010@yahoo.com
Ý kiến của bạn: