(VietNamNet) – Vụ việc phát hiện một số bệnh viện bán rác thải y tế cho cơ sở sản xuất tư nhân trong những ngày vừa qua đang khiến dư luận bàng hoàng và bức xúc về y đức của một số nhân viên y tế và sự buông lỏng quản lý của bệnh viện. Nhiều bạn đọc VietNamNet đề nghị, vì trách nhiệm với sức khoẻ cộng đồng, cơ quan chức năng cần làm sáng tỏ vụ việc và xử lý nghiêm khắc tập thể, cá nhân liên quan.
Bàng hoàng khi biết nhiều vật dụng làm từ rác thải y tế
Nguyen Thi Hoai An, Vinh, Nghệ An
Rác thải y tế được bán ra ngoài.
Đọc những thông tin về việc các vật dụng bằng nhựa được tái chế từ rác thải y tế của một số bệnh việc mà cơ quan chức năng mới phát hiện trong thời gian gần đây, tôi thực sự thấy buồn cho một việc làm vô lương tâm của một số cán bộ, nhân viên bệnh viện.Cũng như bao nhiêu người khác, hàng ngày chúng tôi vẫn tiếp xúc với các vật dụng bằng nhựa, sử dụng chúng để nấu ăn, giặt giũ và các sinh hoạt khác. Khi biết được những vật dụng đó lại được tái chế từ rác thải bệnh viện với biết bao mầm mống gây bệnh độc hại, chúng tôi không biết nói gì hơn ngoài cảm giác bất lực.
Trong cuộc sống thanh bình này, rất nhiều người thiếu trách nhiệm đã gây hại cho con người, xã hội. 1kg rác thải y tế rất rẻ tiền nhưng tác hại của nó thật khôn lường. Chính từ sự vô trách nhiệm, một bộ phận người làm nghề y đã khiến cho những người khoẻ mạnh lại bị nhiễm bệnh, người yếu lại càng yếu hơn. Những y, bác sĩ ấy chẳng lẽ lại muốn tiếp nhận những trường hợp bệnh nhân do chính mình gây ra?
Tôi rất cảm ơn cơ quan chức năng đã phát hiện ra vụ việc này. Qua đây, tôi cũng mong sự việc sẽ được làm sáng tỏ, kẻ có tội sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và nhân dân.
CN, Hải Phòng
Sau khi đọc bài báo "Kinh hoàng: Rác y tế bán ra ngoài", tôi thấy không chỉ riêng Bệnh viện Việt Đức mà còn các bệnh viện khác cũng bán.
Khi chăm sóc người nhà điều trị tại Bệnh viện K cơ sở 2 ở Tam Hiệp, tôi đã chứng kiến những người buôn đồng nát vào mua các loại vỏ chai lọ hoá chất. Tôi hỏi và được biết cứ 1 tuần họ vào mua một lần, thường vào ngày thứ 7 hoặc Chủ nhật. Tôi rất bàng hoàng và nhân tiện đây cũng mong các cấp, các ngành quán triệt hơn nữa trong việc xử lý rác ở các bệnh viện.
Còn một chuyện nữa mà tôi thấy chỉ có ở khoa Nhi, Bệnh viện K cơ sở 2, đó là thông thường mỗi bệnh nhân khi truyền hoá chất phải 3-4 chai, vậy mà cứ hết 1 chai, người nhà bệnh nhân lại tự thay cho nhau. Thấy lạ, tôi hỏi những bệnh nhân khác thì họ nói đó là chuyện bình thường, có gọi các cô y tá thay cho thì còn lâu họ mới đến, thậm chí họ còn mắng cho và đợi cả tiếng đồng hồ.
Một việc nữa là khi bơm thuốc vào ống truyền cho bệnh nhân, tôi thấy các cô y tá chỉ dùng 1 ống kim tiêm bơm vào cho tất cả các bệnh nhân, tôi biết rằng mỗi ống kim tiêm chỉ dùng 1 lần và riêng cho từng bệnh nhân.
Trên đây là những điều tôi chứng kiến tại khoa Nhi, Bệnh viện K cơ sở 2 đã gây ra rất nhiều bức xúc cho bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân. Tôi rất mong các ngành, các cấp có biện pháp để các y tá tại khoa Nhi, Bệnh viện K cơ sở 2 có trách nhiệm với bệnh nhân hơn.
Mai
Trong những ngày gần đây, các phương tiện đại chúng thường xuyên đăng tải những thông tin về việc rác thải của bệnh viện. Cá nhân tôi cảm thấy đó thực sự là những việc làm thật kinh khủng hay còn có thể nói là vô đạo đức. Chẳng nhẽ chỉ vì đồng tiền mà con người ta sẵn sàng làm những việc như vậy sao?
Bui Huy Du, Ukraina
Tôi thấy dân ta không biết sợ là gì, thật quá khủng khiếp! Sự tư lợi của một vài cá nhân cộng với sự kém hiểu biết nên một số y, bác sĩ đã đầu độc người dân. Mẹ tôi đã mất vì bệnh ung thư máu tại Việt
Nguyễn Văn Đạt Hưng, Q.5, TP.HCM
Đọc tin này, tôi không thể ngờ bao năm qua người dân phải sống chung với “thần chết” gần như vậy. Và cũng bao năm qua, Nhà nước đã buông lỏng công tác kiểm tra thứ rác nguy hiểm này. Môi trường ô nhiễm và một số người trục lợi làm ra những sản phẩm nguy hại đến tính mạng con người như các vụ nước mắm, nước tương “đen”, siêu thị bán hàng quá date, làm nem chả từ thịt heo bệnh... Vậy rất mong Chính quyền các cấp phải quan tâm sâu sắc để người dân chúng tôi bớt khổ và tiến đến được sử dụng những sản phẩm, môi trường sạch.
Chỉ xử phạt 20 triệu là thiếu trách nhiệm với sức khoẻ cộng đồng
Nguyen Duy Phuong, Bình Dương
Vụ việc bán rác thải y tế tại Bệnh viện Việt Đức tại sao lại chỉ phạt tiền 20 triệu đồng? Theo tôi, vấn đề này có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Chỉ vì lợi ích trước mắt và thiếu đạo đức nghề nghiệp mà không biết có bao nhiêu hàng hóa đã được sản xuất và tiêu thụ, bao nhiêu dụng cụ gia đình đang sử dụng trong tình trạng ô nhiễm, nhiễm khuẩn. Vậy, ai chịu trách nhiệm trước những tác hại này? Theo tôi, các cơ quan chức năng cần điều tra, làm rõ vấn đề này để có hình thức xử phạt thích đáng làm gương cho những người khác.
Chung Thanh Tung, Quán Sứ, Hà Nội
Không ai có thể ngờ những vật dụng bằng nhựa bắt mắt thế này lại được làm từ chất thải y tế.
Tôi lấy làm tiếc khi đọc loạt bài báo nêu về tình trạng lọt nguồn rác thải y tế ra ngoài xảy ra tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội. Không cần bình luận nhiều, bất cứ ai cũng nhận thấy mức độ đặc biệt nguy hiểm của việc làm này đối với sức khoẻ của mỗi người và cộng đồng xã hội. Báo chí đưa tin các cơ quan chức năng đã xử lý phạt hành chính Bệnh viện Việt Đức 20 triệu đồng về hành vi này do chưa đủ cơ sở pháp lý để xử lý về hình sự, mặc dù hành vi này đã diễn ra và kéo dài từ khoảng năm 2003 đến nay.
Với việc xử lý như vậy, tôi xin được nêu câu hỏi với các cơ quan có trách nhiệm để giải thích cho dư luận được hiểu rõ:
1. Điều 186 khoản 1 điểm c Luật Hình sự qui định về tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người có ghi: "Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người"... có được áp dụng trong trường hợp cụ thể này hay không?
2. Số tiền nhân viên hợp đồng bán rác thải cho tư nhân, lãnh đạo và những người có trách nhiệm của bệnh viện có biết hay không? Số tiền đó được phân chia như thế nào, những ai là người hưởng lợi? Trách nhiệm của người đứng đầu tại cơ quan để xảy ra sai phạm được xử lý như thế nào?
3. Các phương tiện thông tin đại chúng đều đăng tải ý kiến chuyên môn của một số chuyên viên trong lĩnh vực xử lý chất thải y tế và cho thấy rằng nguy cơ lây lan các vi khuẩn gây bệnh đối với toàn cộng đồng là rất lớn, có thực, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Với các căn cứ này, có đủ dấu hiệu cần thiết để Cục CSMT khởi tố vụ án và áp dụng các biện pháp thu thập tài liệu để chứng minh tội phạm hay không?
4. Nếu xử lý nương nhẹ như vậy, liệu chúng ta có tự bảo vệ được sức khoẻ của chính mình, gia đình mình và những người thân hay không? Có gì đảm bảo rằng bản thân mỗi chúng ta không bị nhiễm bệnh, không phải là nạn nhân của thái độ vụ lợi, vô cảm, thiếu trách nhiệm của một số cá nhân trong sự việc trên?
Bệnh viện là nơi mà các bác sĩ, y tá hiểu biết nhất về nguy cơ lây nhiễm bệnh do bệnh phẩm gây ra. Xã hội ít bệnh tật là một xã hội phát triển bền vững, ngành y tế cũng bớt gánh nặng, cán bộ công nhân viên y tế cũng đỡ vất vả. Vì vậy, vai trò của ngành y tế là rất lớn; nhân dân luôn đánh giá cao công sức của mỗi cán bộ, nhân viên y tế.
Việc bệnh viện bán rác thải là phát tán mầm bệnh ra môi trường và gieo rắc bệnh tật cho mọi người. Nếu mỗi chúng ta hôm nay mua 1 chiếc xô, chậu mà nguồn gốc của chiếc xô, chậu ấy là các dụng cụ đựng bệnh phẩm, máu, khối u, mủ, không hiểu sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ thế nào? Chưa kể những chiếc găng tay tái sử dụng, nếu được tiếp tục dùng để mổ cho bệnh nhân thì điều gì sẽ xảy ra? Chỉ vì lợi ích của một số cá nhân mà để lại hậu quả khôn lường. Thiết nghĩ rằng cần phải xử lý trách nhiệm hình sự đối với tập thể, cá nhân trong việc này.
Nguyễn Thị Dung, Hà Tây
Tôi thật sự bàng hoàng khi nhận đọc thông tin về rác thải y tế được chế biến thành đồ dùng gia đình. Thật sự tôi không thể nào tin được người ta lại coi thường sức khỏe của con người đến như vậy. Mỗi một ống tiêm, lọ thuốc ẩn chứa bao mầm bệnh, vậy mà họ lại ngang nhiên tái sử dụng những dụng cụ độc hại ẩn chứa nhiều nguy cơ đến thế.
Thật sự tôi rất bức xúc và không thể nào chấp nhận được hành vi đó. Cần phải lên án cả những người được coi cứu giúp con người nữa. Họ là những y bác sĩ, vậy mà lương tâm nghề nghiệp họ để đâu mà sẵn sàng vì lợi nhuận trước mắt, coi thường sức khỏe người tiêu dùng đến như vậy?
Là một độc giả thường xuyên của VietNamNet, tôi rất mong các cơ quan ban ngành cần có một cơ chế xử lý thích đáng để đảm bảo an toàn sức khỏe cho cộng động. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Minh Phương, Tây Hồ, Hà Nội
Đọc các bài viết đưa tin về rác thải y tế ở các bệnh viện được bán cho tư nhân tái chế thành đồ gia dụng mà tôi thấy lạnh cả người. Tôi tin rằng ai biết những thông tin này cũng đều hoảng sợ. Đề nghị các cơ quan chức năng điều tra làm sáng tỏ và nghiêm trị những kẻ giết người gián tiếp này.
Hà Thị Hoài, Q.1, TP.HCM
Tôi không nghĩ con người ngày càng vô trách nhiệm như vậy, chính bản thân họ tự gây ra nhiều mầm bệnh. Rác thải của bệnh viện được xem là thứ rác độc hại và mang nhiều mầm bệnh nhất, vậy mà người dân vẫn cố tình làm những chuyện trái lương tâm vì đồng tiền. Tôi mong cơ quan chức năng xử phạt nghiêm khắc những con người như vậy.
Trần
Không thể chấp nhận được! Một số kẻ vì lợi ích vật chất của cá nhân mình sẵn sàng làm những việc có thể mang lại hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Trong chuyện này, các bệnh viện tuồn chất thải ra cũng phải bị xử lý nghiêm để ngăn chặn những sự việc tương tự trong tương lai.
Ý kiến của bạn?