(VietNamNet) - Là người dân sống ở Hà Nội, tôi đã chứng kiến và hứng chịu nhiều từ vấn nạn ách tắc giao thông trên các đường phố. Tôi được biết rất nhiều các phương án, biện pháp giảm ùn tắc giao thông của các cơ quan công quyền. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc giao thông của Thủ đô không thuyên giảm mà lại có chiều hướng gia tăng, lộn xộn thêm. Mặc dù công việc của tôi không liên quan đến giao thông hoặc quy hoạch, quản lý đô thị nhưng cũng xin lạm bàn về một số vấn đề cảm nhận được qua con mắt người dân.
Hãy trả lại hè phố cho người đi bộ
Trong ký ức của tôi, bài học vỡ lòng về chấp hành luật giao thông: đi bộ đi trên vỉa hè. Không chỉ người thân, thầy cô giáo mà các tổ chức Đội thiếu nhi, Đoàn thanh niên cũng thường xuyên nhắc nhở tôi về điều này. Một câu nói hết sức giản dị nhưng lại là chân lý khiến hàng tỷ người trên thế giới này nghiêm túc thực hiện.
Giao thông lộn xộn là điều thường thấy ở HN.
Tuy nhiên, điều được coi là chân lý, hết sức giản đơn đó có thể thực hiện trên vỉa hè các phố ở Hà Nội được không? Xin thưa rằng, không thể vì vỉa hè các đường phố Hà Nội bây giờ đâu có còn dành cho người đi bộ. Vỉa hè Hà Nội bây giờ thật lắm công năng.
Có muôn ngàn cách chiếm dụng vỉa hè. Có rất nhiều đối tượng chiếm dụng vỉa hè, kể cả cơ quan công quyền. Người dân coi vỉa hè là mảnh đất màu mỡ riêng của họ. Có thể thấy phổ biến trên các vỉa hè rộng là hình ảnh hộ kinh doanh cá thể kê sạp hàng ra 1/3 vỉa hè, sát với đường phố là dãy xe máy (của khách hàng và của cả chủ nhân trong các ngôi nhà mặt phố).
Trên những tuyến phố có nhiều hàng ăn uống, vào giờ cao điểm, không những vỉa hè không còn chỗ cho người đi bộ mà lề đường cũng đặc kín ô tô, xe máy; người đi bộ xin mời thả bộ giữa lòng đường dày đặc phương tiện đi lại.
Vào giờ tan tầm đông đúc, khách lưu thông trên đường có cơ hội được thư giãn, quên đi những mệt mỏi, bực bội sau một ngày làm việc căng thẳng khi ngắm nhìn những bông hồng tươi thắm được bày bán không những trên vỉa hè mà còn ngay giữa lòng đường phố (đoạn ngã năm Bà Triệu-Nguyễn Du và nhiều điểm khác)?!
Những tưởng rằng chỉ có các hộ kinh doanh cá thể, nhỏ lẻ mới chiếm dụng vỉa hè, nhưng với những ai ít có dịp đi bộ trên các tuyến phố Hà Nội, xin hãy đến trụ sở các đơn vị lớn sẽ thấy vỉa hè đương nhiên là bãi đỗ xe kín mít, kể cả xe ô tô. Rồi những tuyến phố kiểu mẫu cấm phương tiện giao thông đỗ trên vỉa hè, thật là thoáng đãng, nhưng bất chợt hiện lên biển báo “Điểm trông giữ xe UBND phường…” như một lời khẳng định quyền uy của cơ quan công quyền. Có một thời ở một vài tuyến phố cổ, người ta cấm để xe trên hè phố nhưng lại tổ chức trông giữ xe… dưới lòng đường!
Vỉa hè của một đường phố đẹp của Hà Nội là Hồ Xuân Hương còn đương nhiên biến thành nơi tập kết chứa rất nhiều các thùng rác của một chương trình phân loại rác thải, không những không còn chỗ cho người đi bộ mà mùi xú uế bốc lên nồng nặc, thật là khốn khổ cho những hộ dân sống trong đoạn phố này.
Đã có rất nhiều cuộc tranh luận về việc sử dụng vỉa hè, người ta đưa ra những lý luận to tát: Đó là hệ quả tất yếu của nền kinh tế thị trường, giải quyết lao động dôi dư, tạo việc làm xã hội, tăng thu cho ngân sách,…Tuy nhiên, người ta quên mất một điều, để thực hiện được những vấn đề to tát, trước hết hãy bắt đầu làm thật tốt những vấn đề tưởng chừng nhỏ bé nhưng lại vô cùng quan trọng.
Giảm phương tiện cá nhân
Nguyên nhân trực tiếp dễ nhìn thấy nhất gây nên ùn tắc giao thông ở Hà Nội là sự gia tăng đến chóng mặt lượng xe máy, ô tô. Đây là hệ quả tất yếu của việc tăng trưởng kinh tế cao; điều đó là một tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, việc bùng nổ các phương tiện cá nhân trong một không gian hẹp của các đường phố Hà Nội là sự yếu kém trong công tác quản lý đô thị của các cơ quan nhà nước.
Hẳn chúng ta còn nhớ, trước đây đã có rất nhiều biện pháp nhằm giảm phương tiện cá nhân như: cấm đăng ký xe máy ở các quận nội thành, mỗi người chỉ được đăng ký một xe máy, cấm xe ngoại tỉnh vào thành phố, xe biển số chẵn lưu hành ngày chẵn, xe biển số lẻ lưu hành ngày lẻ, xe máy Nhật được lưu hành 7 năm, xe Trung Quốc 3 năm, giam xe vi phạm thật lâu dù là lỗi rất nhỏ như không có gương chiếu hậu cũng giam xe 35 ngày,… Những biện pháp này, phần nhiều là biện pháp hành chính, mang nặng tính áp đặt, thậm chí còn trái luật nên đã bị thực tiễn cuộc sống và thời gian đào thải.
Gần đây, có một số đề nghị áp dụng các biện pháp về kinh tế như tăng thuế khi đăng ký xe, áp dụng thuế hàng năm, thu lệ phí khi vào nội đô đối với xe ngoại tỉnh… tuy không còn mang dáng dấp của các biện pháp hành chính nhưng nếu xem xét kỹ thì khả năng tác động đến việc giảm số lượng xe lưu hành cũng sẽ rất hạn chế (người ta không thể vứt bỏ một chiếc xe máy có giá trị lớn chỉ vì một lượng tiền thuế hạn chế hàng năm, việc phân biệt xe ngoại tỉnh đang lưu thông và chặn xe để tổ chức thu phí là rất khó khăn).
Để giải quyết vấn đề này tận gốc, cần phải tìm được đúng nguyên nhân khiến xe máy được đông đảo dân cư lựa chọn làm phương tiện đi lại hàng ngày.
Nhà nước ta là “nhà nước của dân, do dân và vì dân”, nhưng vì dân đến mức chấp nhận sự tự do vô chính phủ của người dân là điều khó chấp nhận. Sự ràng buộc trong khuôn phép đối với một số hành vi của một số nhóm người là sự đảm bảo tự do cho đông đảo thành viên khác của xã hội.
Nếu như các hè phố chính của Hà Nội đều cấm đỗ xe máy (tiến tới có thể phát triển cấm lưu thông trên một số tuyến phố), tổ chức các điểm đỗ xe máy tập trung, chính quy hiện đại (tất nhiên là không phải trên hè phố hoặc dưới lòng đường) với số lượng phù hợp theo quy hoạch và cách xa nhau, sự tiện lợi trong việc sử dụng xe máy sẽ giảm nhiều, chắc chắn lượng xe lưu thông trên đường sẽ không còn nhộn nhịp như hiện nay (chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh này tại các thành phố của Trung Quốc tiếp giáp với nước ta).
Cũng như vậy, nếu áp dụng biện pháp cấm đỗ dưới lòng đường với ô tô, chỉ cho phép đỗ trong các bãi đỗ xe hoặc một vài địa điểm có quảng trường, đường phố rộng rãi cũng góp phần làm giảm lưu lượng xe ô tô tham gia giao thông.
Tuy nhiên, bất cứ biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân tham gia lưu thông nào cũng chỉ phát huy tác dụng triệt để khi kèm theo nó là các biện pháp tăng tính thuận lợi, hiệu quả của các phương tiện giao thông công cộng.
Chú trọng vấn đề quy hoạch, phát triển
Ai cũng biết Thành phố Hà Nội về cơ bản được xây dựng cách đây hơn 100 năm, với cư dân chỉ có hàng chục vạn người đến nay cư dân đã tăng lên hàng triệu người. Tình trạng này đã tạo nên một dòng người mất cân đối rất lớn tham gia lưu thông, đặc biệt là vào giờ cao điểm, vừa gây ách tắc giao thông vừa tạo ra hao phí lớn về thời gian, tiền của của xã hội (trong đó hao phí về kẹt xe tính trong tổng hao phí chỉ là phần nhỏ).
Ý thức tham gia giao thông không phải là gốc vấn đề, quan trọng là chế tài xử phạt.
Đã có phương án bố trí lệch giờ làm việc của các cơ quan, trường học, có cả đề nghị người dân chủ động giãn giờ tham gia giao thông (chậm hoặc sớm lên). Nếu chỉ trong vòng 1-2 giờ sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gì trong khi lại phát sinh phiền hà ghê gớm đến người dân, bởi lẽ đa số người dân không chỉ có một lộ trình từ nhà đến thẳng cơ quan hoặc từ cơ quan về thẳng nhà mà phải kết hợp nhiều công việc trên đường đi.
Ví dụ, đa số người lao động làm việc tại Hà Nội đều có nhu cầu đưa đón con đi học kết hợp với đi làm, nếu biên độ giữa thời gian vào lớp của con với thời gian bắt đầu làm việc của phụ huynh giãn ra thì thật là khổ và khó khăn cho phụ huynh học sinh, mặt khác mật độ người đợi đón con trước cổng trường chưa chắc đã giảm mà lại tăng thêm.
Có dịp qua một số tuyến phố mới như Trung Hoà - Nhân Chính, Mỹ Đình…, ta vui mừng vì đường phố được quy hoạch to hơn nhưng trong lòng không khỏi lo ngại nghĩ đến 1, 2 chục năm sau khi mà chủ nhân trong các ngôi nhà cao tầng trên không chỉ sở hữu xe máy mà sở hữu ô tô như cư dân đô thị của các nước xung quanh và xu hướng phát triển chung của xã hội.
Trong xây dựng đã có những tiêu chuẩn, định mức về giao thông, quy định diện tích bắt buộc phải dành làm bãi đỗ xe cho mỗi toà nhà khi xây dựng mới hoặc cải tạo?
Qua theo dõi các ý kiến ở nhiều diễn đàn, phần đông đều cho rằng để giải quyết cơ bản nạn ùn tắc giao thông phải làm tốt công tác quy hoạch, có chiến lược phát triển các đô thị, chiến lược phát triển giao thông ở tầm quốc gia. Nhìn ra thế giới, rất nhiều nước người ta giữ nguyên hiện trạng các khu phố hoặc cả thành phố cũ; xây dựng mới hoàn toàn các khu phố, thành phố đảm bảo các tiêu chuẩn hiện đại trong đó có các tiêu chuẩn giao thông.
Chúng tôi cứ tự hỏi: Tại sao đến giờ các thành phố lớn của nước ta chưa có tàu điện ngầm, tàu điện trên cao? Tại sao chúng ta không học tập Băng Cốc của Thái Lan phát triển giao thông nhiều tầng, phát triển các nhà cao tầng chuyên làm điểm đỗ xe? Tại sao các khu phố mới của chúng ta không có những đường phố nhiều làn đường như đường phố các nước khác?…
Rõ ràng những vấn đề trên không dành cho những người dân chúng tôi.
Làm mạnh công tác quản lý, điều hành giao thông
Có không ít ý kiến chất vấn rằng: Tại sao không duy trì các biện pháp đảm bảo giao thông như thời gian diễn ra Hội nghị APEC, khi đó thành phố xanh, sạch, đẹp; giao thông đô thị trật tự, văn minh? Sẽ có ý kiến cho rằng không thể lấy kết quả một chiến dịch ngắn ngày để áp dụng thường xuyên. Tuy nhiên, kết quả của tuần lễ đó cũng đã cho chúng ta thấy rằng mọi cái đều có thể làm được, nếu…
Nhiều người cho rằng ý thức tham gia giao thông của ta quá kém, nhưng cũng có ý kiến phản bác rằng, tại sao cũng dân ta khi ra nước ngoài lại chấp hành luật giao thông răm rắp, tại sao dân “Tây” sống lâu năm ở ta cũng vi phạm luật giao thông không kém dân Việt sở tại? Rõ ràng, ý thức tham gia giao thông không phải gốc của vấn đề.
Các hành vi của người dân trong xã hội mang đặc điểm “hiệu ứng đôminô”. Một hành vi vi phạm các chuẩn mực xã hội nhưng tiện lợi cho người thực hiện, khi xảy ra không bị điều chỉnh, trừng phạt dễ khiến bản thân người ấy và những người xung quanh tiếp tục thực hiện và mở rộng sang nhiều hành vi khác. Cứ thế, nó sẽ trở thành thói quen của cả một cộng đồng.
Ai đã từng đứng trong đoàn xe máy bị tắc giữa trời nắng nóng, khói xe mù mịt, hơi xăng nồng nặc muốn tắc thở thì mới thấy nhu cầu tìm mọi kẽ hở để lách lên là bản năng hoàn toàn tự nhiên, dễ hiểu và khi dưới lòng đường không còn lối thoát thì người ta phi xe lên vỉa hè...
Như vậy, ý thức tham gia giao thông của dân ta kém có phần nhiều yếu kém trong công tác quản lý, điều hành giao thông.
Có quá nhiều cơ quan tham gia giải quyết giao thông đô thị: cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, giao thông công chính, chính quyền các cấp… dẫn đến chức năng, nhiệm vụ chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm.
Để việc điều hành giao thông Hà Nội tốt hơn, theo tôi, cần thực hiện một số nội dung sau:
1. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người tham gia giao thông chấp hành đúng Luật giao thông trực tiếp trên các tuyến phố Hà Nội, sau một thời gian nhất định phải tiến hành xử phạt nghiêm khắc với bất cứ hành vi vi pham luật lệ giao thông nào.
2. Thành lập một cơ quan chuyên nghiên cứu đề xuất với UBND các cấp những biện pháp tổ chức giao thông hợp lý như: tổ chức các chiều lưu thông, quy định thời gian lưu thông cho từng loại xe, từng loại đường, từng khu vực, trong từng thời gian nhất định, quy định các tuyến vành đai, các đường cấm, bố trí hợp lý các biển báo, các vạch kẻ đường, hệ thống đèn tín hiệu giao thông; phát triển mạng lưới giao thông hợp lý trên cơ sở điều tra thực trạng bố trí các khu công sở, trường học, khu dân cư; các điểm đen về ùn tắc và hướng khắc phục; việc thi công các công trình liên quan đến lòng đường, hè phố… Các kiến nghị của cơ quan này phải được UBND Thành phố xem xét tức thì, nếu hợp lý phải tổ chức triển khai ngay các biện pháp thực tế.
3. Thành lập trung tâm điều hành hiện đại: tất cả mạng lưới giao thông của Hà Nội phải được theo dõi bởi hệ thống camera, khi có nguy cơ tắc đường ở một điểm nào đó cần phải khẩn trương điều động lực lượng ứng cứu nhanh (công an, giao thông công chính, thanh niên tình nguyện, dân phòng) trực tiếp phân luồng từ xa.
Vừa qua, Hà Nội đưa ra biện pháp hướng dẫn mọi người tránh kẹt xe thông qua tin nhắn, nhưng có một thực tế là khi lưu thông trên đường người ta rất khó nghe được tín hiệu chuông của điện thoại di động, còn khi người ta đã dừng vì kẹt xe nếu có nhận được tin nhắn cũng đã là quá muộn để khắc phục.
4. Tăng cường năng lực và hiệu lực thực thi luật pháp của đội ngũ cảnh sát giao thông. Nghiên cứu hợp nhất các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ đảm bảo giao thông vào một tổ chức thống nhất,…
5. Mở hộp thư, diễn đàn trao đổi trên cổng giao dịch điện tử của thành phố trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc một địa chỉ của cơ quan chuyên trách đảm bảo giao thông thành phố đón nhận các ý kiến tham gia của nhân dân, có cơ chế phản hồi thông tin hữu hiệu.
-
Cao Giác, Hà Nội
Ý kiến của bạn?