(VietNamNet) - Tuần vừa qua, dư luận cả nước bất bình về việc ngay giữa thủ đô Hà Nội, một bé gái hơn 10 năm trời bị bóc lột và hành hạ không khác gì kẻ nô lệ thời Trung cổ. Thảo luận xung quanh vấn đề này, bạn đọc cả nước cùng chia sẻ với nỗi đau của bé gái. Và tất cả cùng đồng loạt cho rằng hành động "vô nhân tính" trên phải bị pháp luật trừng trị nghiêm minh, để bảo đảm sự công bằng cho bé gái, cũng như là một hình thức cảnh báo, răn đe đối với những ai đã và đang có những hành động bạo hành đối với trẻ em. Ngoài ra, các vấn đề như công chức giỏi sẽ được nhận lương cao, dạy phòng chống tham nhũng từ bậc tiểu học,... cũng nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả.
Bạn Nguyễn Sỹ Nguyên, số 90 Trần Phú, Phủ Lý, Hà Nam, nguyensynguyen@... thật sự đồng cảm với em Bình: "Là người đã trải qua trận mạc, tôi rất phẫn nộ khi biết tin cháu Bình bị nhục hình trên 10 năm qua tại thủ đô Hà Nội. Vợ chồng chủ quán đã bất chấp nhân tính, chúng lập ra cái địa ngục trần gian tại quán phở để tra tấn cháu Bình, một sinh linh bé nhỏ bị cha mẹ bỏ rơi. Chúng tra tấn cháu bằng những thủ đoạn có chủ ý, lâu dài, nguy hiểm, thường xuyên hàng chục năm nay. Chúng gây cho cháu những đau khổ thường trực cả về tinh thần, tư tưởng và thể xác, chúng bóc lột sức lao động của cháu thậm tệ, chúng cô lập cháu với xã hội..., không hiểu hàng chục năm nay tổ dân phố, chính quyền cơ sở, hàng xóm láng giềng nơi vợ chồng chủ quán ở và bán phỏ có biết không? Vô cảm hay vô trách nhiệm? Tôi rất mừng sau khi đọc được tin trên báo ý kiến của bác Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội về tin cháu Bình được bác biết." Bạn Nguyên đề nghị dư luận xã hội và các cấp thẩm quyền cần có hình thức khen thưởng bà Bình, người đã dũng cảm cứu cháu Bình vượt qua "địa ngục" mà nhiều người khác, ở những vị trí khác, hoặc vô cảm, hoặc vô trách nhiệm hàng chục năm nay đã không làm để cứu cháu. "Với lương tâm, danh dự và trách nhiệm của mỗi Con Người chúng ta, hãy xem lại và lên tiếng xem ở các thành phố, các địa phương, ở vùng sâu vùng xa..., có còn kẻ nào tàn nhẫn như vợ chồng người bán phở kia không? Có người nào tội nghiệp như cháu Bình không?"
Những vết thương trên cơ thể em Bình hơn 10 năm qua. (Ảnh: TTXVN)
Bạn Sơn Nam, Truyền hình Hà Nội bất bình: "Chỉ đến khi báo chí và dư luận phanh phui sự việc ra thì mới thấy chính quyền và các cơ quan hữu trách vào cuộc. Đến lúc này thì quả thật đã là quá muộn. Một em gái phải chịu nhục hình suốt 10 năm trời mà chính quyền và các đoàn thể ở địa phương không hề biết. Đến lúc này mới bắt khẩn cấp. Đến lúc này Ủy ban kia mới đề nghị kiểm tra việc sử dụng lao động trẻ em và vị thành niên trên địa bàn thành phố. Đến lúc này một loạt các động thái để thể hiện trách nhiệm mới được đề cập đến… vv và vv… Rồi đây kẻ làm ác kia chắc chắn sẽ phải chịu hình phạt đích đáng. Nỗi đau về thể xác của em gái nhỏ đáng thương kia rồi cũng sẽ qua đi. Nhưng những hồi ức đau đớn về những tháng ngày em phải chịu đày đọa sẽ còn là nỗi ám ảnh khiếp sợ khó có thể nguôi ngoai. Nếu như không có báo chí và dư luận lôi ra ánh sáng thì em sẽ còn bị hành hạ đến bao giờ? Và trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể và các UB liên quan đến các vấn đề xã hội ở đâu trong việc phòng ngừa, phát hiện và sớm ngăn chặn những sự việc đau lòng tương tự như thế này?"
Theo bạn Hải Đăng, dang_ryan@..., đây quả là chuyện "không tưởng" thời nay: "Tôi không thể tưởng tượng nổi một sự việc như của em Bình lại có thể xảy ra trong thời buổi này. Đâu rồi những tổ chức xã hội? Đâu rồi trách nhiệm của chính quyền địa phương? Đâu rồi sự yêu thương đùm bọc và đấu tranh bảo vệ con người của những người sống xung quanh em Bình? Phải chăng họ cố tình làm ngơ trươc sự viêc này và để nó tồn tại trong suốt 10 năm trời mà không có chút thương xót nào sao? Qua sự việc này mong rằng mọi người hãy thức tỉnh tình yêu thương con người và hãy sớm ngăn chặn những chuyện như vậy trong cuộc sống của chúng ta. Đừng để những việc thương tâm như thế xảy ra nữa. Thật đáng tiếc cho em Bình và mong em sớm vượt qua khó khăn và nghĩ đến tương lai của mình đang rộng mở. Mong chính quyền và những người có thẩm quyền đưa ra hình phạt thích đáng cho hai vợ chồng táng tận lương tâm, mất hết tính người kia để chúng phải trả giá cho những điều bất nhân mà chúng đã gây ra. Cũng như là để răn đe những kẻ khác đã, đang và sẽ có những hành động như vậy. Người Việt Nam chúng ta không thể chấp nhận sống chung một xã hội với những kẻ như vợ chồng Đức - Phương được. Chính quyền địa phương phải hành động để chuộc lại thiếu sót và sai lầm của mình đã gián tiếp làm tồi tệ thêm cuộc đời của em Bình.
Bạn Lê Thanh, Giáo viên trường tiểu học Thiệu Đô thêm vào: "Tôi đã xem và đã đọc tất cả các thông tin có liên quan đến việc em Bình bị hành hạ trong suốt thời gian hơn 10 năm qua. Bản thân tôi là một giáo viên, tôi nghĩ rằng trách nhiệm đối với em Bình lúc này không chỉ là của chủ gia đình bán phở mà còn là trách nhiệm của tất cả các đoàn thể nói chung - Đặc biệt là đoàn thể nơi thuộc khu vực em Bình bị hành hạ hơn 10 năm qua! Nếu chúng ta vì đạo lí, vì trách nhiệm,... thì sẽ không có tình trạng hôm nay phải nói - phải bàn. Tôi mong rằng sau khi vụ việc này xảy ra, mỗi cá nhân cũng như các tổ chức đoàn thể hãy thấy rõ trách nhiệm của mình trước cộng đồng.
Sự việc của em Bình không đơn thuần là sự việc của một cá nhân mà nó đang gióng lên một hồi chuông báo động về tình trạng lạm dụng, bóc lột sức lao động trẻ em. Không biết ngoài xã hội còn có biết bao nhiêu trường hợp các em bé phải chịu cảnh khổ cực đến vậy? Hơn bao giờ hết, cần thiết phải có sự điều chỉnh và quan tâm hơn nữa đến vấn đề trẻ em.
Bạn Phan Huy Hoàng, Vĩnh Phúc: "Không thể có lời để tả sự phẫn nộ của bất cứ ai có lương tâm khi nghe câu chuyện trên. Hành vi phi nhân tính của vợ chồng chủ quán phở phải bị trừng phạt trước pháp luật một cách công bằng và thích đáng. Những thiệt hại về vật chất, sức khoẻ và tinh thần mà cháu Bình phải chịu trong 10 năm trời với tuổi còn rất nhỏ là vô cùng nghiêm trọng. Các cơ quan pháp luật nhà nước cần nhanh chóng vào cuộc để xử lý vụ việc vì nó không chỉ là 1 sự việc đơn lẻ mà nó làm ảnh huởng rất lớn tới nền tảng của đạo đức xã hội và quyền con người, một quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Nhất là trong thời đại mở cửa, việc các cá nhân và tập thể thuê mướn nhân công ngày càng nhiều, việc xử lý nghiêm khắc và công bằng sẽ góp phần lấy lại giá trị đạo đức xã hội và cảnh báo cho mọi người (cả hai phía) biết họ có quyền gì và không có quyền gì khi thực hiện lao động và thuê mướn lao động, góp phần đưa xã hội chúng ta thành một xã hội văn minh hơn." Bạn Nguyễn Chí Hiệp, Quận 7, tp. Hồ Chí Minh, nguyenchihiep2001@...: "Tuy rằng luật pháp ngăn cấm lao động là trẻ em, nhưng việc này là bất cập vì hiện nay trên thế giới lao động trẻ em chưa chỗ nào là không có. Theo thiển ý của tôi thì việc cần làm hiện nay là cần giám sát số lao động là trẻ em và nếu như trẻ em ở nhờ hay làm bất cứ việc gì ngoài gia đình (cha mẹ) thì bắt buộc phải có người giám hộ và người này có đủ năng lực hành vi cộng với sự ưng thuận của em trước cơ quan an ninh và chính quyền địa phương: Ít nhất mỗi tháng trình diện trước một uỷ ban về vấn đề trẻ em (uỷ ban này có thể do phường, xã lập ra) nhằm chống lại việc ngược đãi trẻ em. Điều cần lưu ý là người giám hộ bắt buộc phải nuôi dưỡng và chăm lo việc học hành cho trẻ mà không được đòi hỏi bất cứ quyền lợi nào đối với trẻ em sau này (do đây là việc tự nguyện). Còn điều nữa là chúng ta hiện nay luôn hướng về một xã hội bình đẳng, văn minh hiện đại và xoá đói giảm nghèo... bỡi vậy, những việc trên xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật là không thể chấp nhận được."
Bạn Hoàng Phương Thảo, thaobeo123@... có ý kiến: "10 năm trời sống với những người nhưng không có tính người, bị bóc lột, hành hạ, và tra tấn thật là một nỗi đau khó có thể hàn gắn đối với em Bình. Lúc này đây em đang rất cần sự ủng hộ, động viên cả về vật chất và tinh thần. Chúng ta hãy mở rộng vòng tay nhân ái, cùng giúp đỡ em. Đề nghị báo VietNamNet hãy là cầu nối để các tấm lòng có thể đến được với em trong thời gian ngắn nhất."
Trong lộ trình cải cách tiền lương, Bộ Trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn cho biết, công chức giỏi sẽ có điều kiện thu nhập cao hơn.
Bạn Bùi Văn Phúc, Công ty Kiểm toán và Tư vấn Tài chính ACA Group cho rằng: "Việc tăng lương cho công chức giỏi là rất phù hợp, tuy nhiên nói phải đi đôi với làm và kế hoạch phải có lộ trình cụ thể, không thể nói chung chung. Nếu cứ như hiện nay, tất cả các cán bộ giỏi, không giỏi đều được trả lương theo mức lương chung (lương cơ bản) thì sẽ không khuyến khích, thu hút được nhân tài vào làm việc trong lĩnh vực nhà nước. Đó là còn chưa nói mức lương như vậy là quá thấp. Tôi thiết nghĩ nên tiến hành nhanh chóng và hợp lý. Như thế mới hạn chế được tham nhũng và lãng phí một cách có hiệu quả."
Bạn Lê Văn Dũng, dd@yahoo.com thì thấy băn khoăn về tính khả thi của đề án trên: "Tôi thấy những phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng khá mạnh. Tuy nhiên với tư cách cũng là một công chức.tôi thấy: Bộ trưởng nói người giỏi sẽ có cơ hội có thu nhập cao. Điều này rõ rồi, nhưng chỉ là rõ đỗi với khu vực doanh nghiệp. Còn khu vực hành chính, sự nghiệp chế độ lương theo thang bậc, bằng cấp, đến hẹn lại lên 2 - 3 năm một bậc, có ai khác ai đâu. Chỉ có không quá 5% biên chế được xét nâng lương trước thời hạn trong khi ở hầu hết cơ quan đơn tổng kết năm nào cũng "trên 90% CBCC đạt danh hiệu lao động giỏi và CSTĐ cấp cơ sở". Bộ trưởng nói trả lương theo hiệu quả công việc. Điều này đúng và đó cũng là mong muốn của biết bao công chức trong bộ máy hành chính nhà nước hiện nay. Nhưng làm thế nào mới là khó. Hiện nay đội ngũ công chức được phân chia theo ngạch, bậc khá khoa học. Nhưng việc thực thi chức trách của công chức, thực hiện chức năng nhiệm vụ của cơ quan chưa được tổ chức theo hệ thống đó. Có nghĩa là chưa phải đã rõ ràng ai vào việc nấy. Đánh giá người tài, người giỏi theo tiêu chuẩn nào, có phải vẫn dựa vào bằng cấp, trình độ chuyên môn nghiệp vụ hay không? Công việc ở tuyệt đại cơ quan hành chính chưa được kiểm toán để phân ra theo ngạch bậc rõ ràng, chưa được phân công cho phù hợp với ngạch bậc của công chức thì chưa thể có chuyện người giỏi sẽ được trả lương cao trong bộ máy hành chính."
Theo bạn Nguyễn Hùng, Hải An, Hải Phòng, cần khẩn trương tiến hành cải cách tiền lương, bởi: "Bản thân tôi cũng là một cán bộ công chức nhà nước. Tôi tự hào được phục vụ nhân dân, được góp sức vào sự phát triển chung của cơ quan. Tuy nhiên, cũng như những cán bộ khác, số tiền lương ít ỏi hàng tháng không đủ chi tiêu cho những vấn đề tối thiểu như: Tiền xăng xe 450.000đ/tháng, tiền ăn 500.000đ/tháng, tiền ở trọ 300.000đ/tháng, tiền điện thoại 150.000đ/ tháng, tiền học thêm nâng cao trình độ... Hiện tại tôi vẫn cần sự trợ giúp rất nhiều từ gia đình. Tôi mong rằng nhà nước sớm có sự cải thiện đáng kể tiền lương cho cán bộ công chức để họ có thể yên tâm công tác, dốc sức cho công việc mà không phải lo lắng nhiều cho những chi tiêu tối thiểu hàng ngày. Hi vọng đề án cải cải cách tiền lưong được thúc đẩy nhanh hơn nhưng nhà nước cần phải ổn định được giá cả thì tăng lương mới có hiệu quả."
Vấn đề nên chăng đưa việc phòng tham nhũng vào giảng dạy từ... cấp I cũng được bạn đọc thảo luận sôi nổi.
Có thể nói rất khó kiếm được những ý kiến đồng tình mà hầu hết đều cho rằng, việc giảng dạy phòng chống tham nhũng vào học đường là điều cần thiết. Tuy nhiên, ở cấp 1, chỉ nên dạy cho các cháu biết phân biệt thế nào là người tốt, người xấu, không nên dùng những thuật ngữ mang tính "cao siêu", khó hiểu bởi ở lứa tuổi này, nhận thức của các em vẫn còn non nớt.
Liệu con trẻ có thể hiểu thế nào là "Tham nhũng"?
Theo bạn Lê Quang Nghiêm, Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội thì không nên đưa việc giảng dạy chống tiêu cực, tham nhũng vào bậc tiểu học bởi: "Theo tôi, ở bậc tiểu học các em còn rất trong trắng. Vậy nên, ngoài việc học văn hóa, dạy các em ứng xử trong xã hội theo 5 Điều Bác Hồ dạy là đủ. 5 Điều dạy của Bác là bước khởi đầu cho tư cách làm người của các cháu sau này. Nếu dạy tốt, học tốt theo 5 Điều Bác Hồ dạy đã là một cố gắng rất lớn của thầy và trò ở cấp Tiểu học, để khi lớn lên các em có đầy đủ nhận thức và trách nhiệm trong phòng và chống tham nhũng. Không phải có tham nhũng là phải học chống tham nhũng. Hãy nên nghĩ cách học và truyền thụ khác hợp lý để đạt được mục đích mà mình đề ra."
Còn bạn Trần Quyên, tranquyen@..., cho rằng, việc dạy chống tham nhũng cho học sinh cấp 1 là điều không tưởng bởi khái niệm tham nhũng là gì, ngay cả người lớn cũng khó giải thích một cách chính xác: "Theo tôi không nên dạy chống tham nhũng cho hoc sinh phổ thông. Nếu có thì dạy ở cấp Đại học. Tham nhũng là khái niệm ngay cả người lớn còn khó giải nghĩa một cách chính xác. Chúng ta xem ai là người tham nhũng, nguyên nhân nào dẫn đến tham nhũng, tham nhũng thì nước nào có, song tại sao ở nước ta trở thành phổ biến và là quốc nạn? Chỉ người có chức có quyền mới tham nhũng, nguyên nhân là hệ thống chính sách chưa minh bạch, chưa công khai, pháp luật chưa đầy đủ, thực thi pháp luật không nghiêm, chưa tạo ra cơ chế cho mỗi người dân có quyền giám sát và tố cáo các quan chức tham nhũng. Bảo vệ người tố cáo tham nhũng v.v... Những vấn đề này là do người lớn gây ra chứ không phải là trẻ em."
Không những thế, bạn Nguyễn Tiến Đạt, 1283 đường Giải Phóng, Hà Nội, cho rằng điều này thật vô lý: "Thật khổ cho các cháu vì lỗi của người lớn mà các cháu phải chịu thêm một môn học. Tại sao người lớn không học, tại sao người lớn học rồi mà vẫn tham nhũng? Thưa các ông đừng bắt tội con cháu chúng tôi nữa. Các ông hãy tự giác trước đi, đồng thời nghiêm trị những kẻ đã và đang tham nhũng đi để các con cháu chúng ta không phải học những thứ không đáng học nữa."
Ngoài ra, bạn đọc VietNamNet còn bất bình về việc cảnh sát giao thông ngang nhiên đánh người trên đường phố tại TP. Hồ Chí Minh.
Bạn Lê Viết Tuấn, viettuanle@... nhận xét, hành động đánh dân là không thể tha thứ. "Tôi thật sự phẫn nộ trước hình ảnh cảnh sát đánh người dân. Nơi người dân tin tưởng nhất lại là nơi đánh dân thì chẳng thể hình dung cách quản lý cán bộ và tư cách của một bộ phận nhân viên trong ngành cảnh sát như thế nào?. Là người dân luôn tin tưởng vào pháp luật, tin vào tương lai đất nước tôi mong mỏi các cấp chính quyền xử lý nghiêm minh trường hợp này hòng lấy lại niền tin cho người dân."
Bạn Phạm Văn Nhân, vannhan2003@... phẫn nộ: "Tôi thực sự phẫn nộ về những hành động phi văn hoá của những người cảnh sát được gọi là "chiến sĩ" nói trên. Họ nghĩ khoác lên người chiếc áo công an là có thể thay mặt pháp luật "trừng trị" người dân bằng những hành vi như vậy. Thật đáng lên án và trừng trị nghiêm minh!"
Ngoài ra, báo điện tử VietNamNet còn nhận được phản hồi của bạn đọc về một số vấn đề khác:
Bạn Trịnh Hoàng Giang, dienbienphuvietnam@... góp ý: "Hội chữ thâp đỏ Việt Nam được xây dựng trên mục tiêu từ thiện, nhưng xuất phát nguồn gốc là của cộng đồng xã hội và Chính phủ hỗ trợ, nên phải chịu giám sát thu - chi minh bạch. Tuy nhiên khi xây dựng hành lang pháp lý phải tuân thủ phù hợp với công ước và luật pháp quốc tế vì Hội chữ thập đỏ là một bộ phận quan trọng và có thể có phạm vi hoạt động ngoài nước. Phưong thức hoạt động là từ thiện, phi vụ lợi, nhưng để hiệu quả cần phải giám sát tài chính."
Xin chân thành cám ơn Ingerosec Corp - SE Corp (Tầng 4, Nhà A1, 55 Giải Phóng, Hà Nội) đã ủng hộ gia đình các nạn nhân trong vụ sập cầu Cần Thơ, số tiền: 8.000.000đ. |
Về vấn đề giá cả tăng nhanh, bạn Đinh Văn Bình, Binhhn@... cho rằng Nhà nước cần quan tâm đến những người thực sự làm ra của cải cho xã hội - hay nói cách khác, những người nông dân. "Giá cả tăng và nhất là những mặt hàng tiêu dùng như gạo, thực phẩm tăng là đúng. Theo tôi những mặt hàng này phải tăng gấp gấp 3,4 lần nữa mới đúng vì chẳng nhẽ cán bộ nhà nước tăng lương liên tục thì người nông dân ai tăng lương cho họ. Trong khi đất đai của họ bị thu hẹp và giá các chi phí cho sản xuất như phân bón…tăng cao. Tôi lấy ví dụ như quê tôi: Một giáo viên cấp I nghỉ hưu, hàng tháng lương hưu là khoảng 1,3 triệu. Thử hỏi người nông dân làm gì cho ra một tháng 800.000 đồng. Đấy là tôi chưa nói đến những anh bộ đội hay công an tuổi đời mới 45, 46 đã nghỉ hưu mang quân hàm trung tá, thượng tá thì có lẽ thu nhập cả nhà một hộ nông dân chỉ bằng một nửa lương hưu của những người này. Những người này nếu sống ở thôn quê suốt ngày đi chơi cũng có thể làm giàu vì đồng lương hưu của họ."
Xin chân thành cảm ơn sự tham gia đóng góp ý kiến của độc giả. Rất mong tiếp tục nhận được sự cộng tác của các bạn!