(VietNamNet) - Đã 3 ngày trôi qua kể từ khi có quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm (15/12) trên mọi tuyến đường. Trên khắp mọi nẻo đường, hầu hết người dân nghiêm chỉnh chấp hành một cách nghiêm túc. Dù rằng vẫn còn một số ý kiến xoay quanh chất lượng, kiểu dáng mũ, cách trông giữ, ... nhưng tất cả đều có chung một nhận xét, đó là: Đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông là đúng. Dưới đây là một số ý kiến của người dân đối với quy định bắt buôc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
Hầu hết người dân đều nghiêm chỉnh chấp hành đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Ảnh: Tấn Thuấn
Bây giờ nhìn những người không đội mũ trở thành lạc lõng!
Anh Hoàng Đình Tiến ở Đồng Nai đã gửi thư về tòa soạn bày tỏ: ”Theo tôi, việc phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông là hoàn toàn đúng đắn, bản thân tôi đã đội mũ bảo hiểm từ rất lâu bởi tôi sống ở Đồng Nai nhưng lại làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh. Hàng ngày, khi đi trên đường (Xa lộ Hà Nội) đến cơ quan, tôi đã chứng kiến không biết bao nhiêu vụ tai nạn giao thông, nặng có, nhẹ có nhưng hầu như những vụ tại nạn mà tôi vô tình chứng kiến, tôi thấy hầu hết các nạn nhân đều không đội mũ bảo hiểm. Tôi không nói là đội mũ bảo hiểm thì sẽ tránh được tai nạn giao thông, nhưng chẳng may lỡ có bị tai nạn nếu bạn đội mũ trên đầu thì chắc chắn nguy cơ bị chấn thương sọ não là rất ít? Vậy tại sao chúng ta lại không đội? Trước đây, cả cơ quan tôi hầu như rất ít người đội mũ bảo hiểm mặc dù có nhiều người nhà ở rất xa, đa số họ đều cho rằng, đội mũ bảo hiểm rất vướng víu, khó chịu, thậm chí có nhiều người còn sợ đội mũ bảo hiểm sẽ hỏng mất kiểu tóc của mình. Nói chung bất cứ ai cũng có lí do để biện minh cho việc không đội mũ bảo hiểm. Vừa rồi, tôi thấy rất phấn khởi khi có quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, và càng thấy mừng hơn là gần 100% người dân đã “chịu” đội mũ bảo hiểm. Đội mũ bảo hiểm chỉ có lợi chứ không có hại, tôi nghĩ, đáng lẽ chủ trương này cần phải được thực hiện sớm hơn mới đúng…”.
Trong thư gửi về tòa soạn ngày 16/12 vừa qua, chị Lệ Hương ở Củ Chi chia sẻ: ”Đã từ rất lâu, tôi có thói quen đó là cứ mỗi khi bước lên xe máy là đội mũ bảo hiểm cho quãng đường đi dài hay ngắn. Thú thật, để có được thói quen đó thật không đơn giản chút nào, bởi trước đây tất cả bạn bè, đồng nghiệp trong cơ quan đều gọi tôi với tên gọi “Hương sợ chết” bởi lúc nào tôi cũng kè kè cái "nồi cơm điện" trên đầu. Nhưng mọi người đâu có biết, tôi đã có một kỉ niệm không thể nào quên với mũ bảo hiểm nên dù mọi người có nói gì đi chăng nữa tôi cũng kiên quyết trung thành với cái "nồi cơm điện" của mình. Chuyện xảy ra cách đây cũng khá lâu, đó là một lần, tôi được giao trọng trách đưa cô em họ mới ở quê lên đi tham quan, trước khi đi, tôi có dặn em của mình phải đội mũ bảo hiểm nhưng cô ấy kiên quyết không đội. Đã thế, cô ấy còn cho rằng tôi chưa già đã lẩm cẩm, mặc đồ đẹp lại trang điểm mà đội mũ bảo hiểm thì… ai nhìn thấy mà ngắm. Trong lúc hai chị em tôi đang chạy xe trên đường, bất ngờ chiếc xe máy đằng sau không hiểu sao tự dưng đâm sầm vào xe chúng tôi khiến hai chị em ngã lăn ra đường. Tôi còn nhớ, lúc đó đầu của tôi đập rất mạnh xuống đường, rất may cho tôi là có đội mũ bảo hiểm chứ không thì… Từ đó đến giờ, lúc nào chiếc mũ bảo hiểm cũng là vật bất ly thân đối với tôi”.
Bác Tuấn, TP.HCM cũng gọi điện thoại đến số 0919.499.936 - đường dây nóng của báo điện tử VietNamNet - để bày tỏ sự quan tâm của mình đối với chủ trương bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người tham gia giao thông trên cả nước của Thủ tướng Chính phủ: ”Chưa bao giờ tôi thấy tỉ lệ người dân đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe gắn máy lại đạt gần như tuyệt đối như mấy ngày gần đây, mấy hôm nay tôi ra đường kể cả ban ngày lẫn ban đêm đều thấy dân ta nghiêm chỉnh chấp hành việc đội mũ bảo hiểm. Sống đến ngần này tuổi đầu tôi mới thấy những hình ảnh như trên cùng một chiếc xe máy mà cả bố mẹ và trẻ em (lớn hay bé) đều đội mũ bảo hiểm. Những hình ảnh đó rất đẹp rất văn minh, rất đáng được khen ngợi. Và bây giờ, nhìn những người không đội mũ trở thành lạc lõng! Tuy nhiên, vấn đề ở đây là, giá như tình trạng chỗ gửi mũ bảo hiểm cho người dân đảm bảo hơn thì tốt biết mấy, chứ một cái mũ bảo hiểm bây giờ cũng phải gần 2 trăm nghìn đồng mà đi vào bãi gửi xe không có chỗ gửi hoặc có chỗ mà không đảm bảo thì... nguy. Rất mong chính quyền các cấp quan tâm đến nguyện vọng của người dân chúng tôi”.
Mong có chỗ gửi mũ bảo hiểm an toàn
Đồng tình với ý kiến của bác Tuấn về việc còn nhiều khó khăn trong việc trông giữ mũ bảo hiểm cho nguời dân tại các điểm trông giữ xe máy, anh Đức Dũng, một nhân viên văn phòng, cho biết: ”Theo quan điểm của riêng cá nhân tôi đối với chủ trương này là rất đáng tuyên dương, rất hợp lòng dân. Minh chứng cho điều này là qua vài ngày đầu tiên khi Nghị định 32 của Chính Phủ có hiệu lực thì tỉ lệ người dân chấp hành rất cao. Như chúng ta đã biết, hiện nay, số lượng các vụ tai nạn giao thông xảy ra rất cao, tuy nhiên, nếu chúng ta chấp hành việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông thì tỉ lệ chấn thương sọ não do tai nạn giao thông sẽ giảm đi rất nhiều, đó là một điều cực kỳ tốt. Thế nhưng, có một điều rắc rối xoay quanh chiếc mũ bảo hiểm, đó là người dân đội mũ bảo hiểm khi đi vào các nơi công cộng sẽ gửi mũ ở đâu? Bởi vì khi tất cả người dân cùng đội mũ thì sẽ phát sinh nhu cầu trông giữ mũ bảo hiểm, mà hiện nay, không phải nơi công cộng nào cũng có đủ chỗ cho người dân gửi. Ngoài ra, chất lượng mũ bảo hiểm cũng là điều rất đáng ngại, theo số liệu thống kê chính thức hiện nay thì có tới 70% số lượng mũ không đạt tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, đội một chiếc mũ kém chất lượng khi lưu thông trên đường, nếu có xảy ra tai nạn giao thông thì mức độ nguy hiểm sẽ còn nghiêm trọng hơn gấp nhiều lần…”.
Cần có biện pháp xử lý đối với mũ bảo hiểm kém chất lượng
“Không còn từ ngữ nào tốt hơn để nói về sự đúng đắn của Chính phủ khi ban hành Nghị định 32 này, thế nhưng đúng là vấn đề chất lượng mũ bảo hiểm hiện nay còn rất nhiều điều đáng buồn lòng. Nhiều người dân vẫn còn chưa ý thức được hết tầm quan trọng của chiếc mũ bảo hiểm, rất nhiều người trong số họ vẫn trang bị cho mình những chiếc mũ bảo hiểm kém chất lượng để… đối phó. Hiện trên thị trường xuất hiện rất nhiều các loại mũ bảo hiểm không rõ nguồn gốc xuất xứ, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền có những biện pháp mạnh để chấm dứt tình trạng này”, anh Thanh Tao ở địa chỉ Do_coca @... tâm sự.
“Tôi là người rất ghét đội mũ bảo hiểm, vì lần nào đội mũ bảo hiểm tôi cũng gặp bao nhiêu là rắc rối. Nhưng hôm trước, tôi có việc phải về quê cách Hà Nội hơn 200 km mới thấy hết tác dụng của việc đội mũ bảo hiểm, hôm đó trời mưa rất to, lại lạnh nữa may mà có chiếc mũ bảo hiểm tôi mới không bị lạnh tai và mưa hắt vào mặt. Hóa ra, đội mũ bảo hiểm không rắc rối như tôi vẫn nghĩ, nếu hôm đó không có mũ bảo hiểm thì chắc tôi sẽ không thể về nhà sớm được. Bây giờ thì chẳng cần Nhà nước bắt đội tôi cũng sẽ đội mũ bảo hiểm bất cứ lúc nào nếu tham gia giao thông, hy vọng tất cả người dân đều nhận thấy lợi ích của mũ bảo hiểm, từ đó đội mũ tự giác chứ không phải bị bắt mới đội”, bạn Đức Trí, Bắc Kạn chia sẻ.
Quả thật, không thể phủ nhận được những tiện ích do mũ bảo hiểm đem lại, nào là đội mũ bảo hiểm có thể giảm và đề phòng chấn thương sọ não, nào là che mưa, che nắng, nào là văn minh. Hy vọng người dân luôn tuân thủ chấp hành chủ trương đội mũ bảo hiểm, trước hết là bảo vệ chính tính mạng của mình, sau là tôn trọng và làm theo pháp luật.
-
Mai Loan thực hiện
Ý kiến của bạn