(VietNamNet) - Lòng bất an trước một dự thảo quyết định mới, mà kết quả dường như là rất hợp lý nếu chỉ xét theo khía cạnh văn minh đô thị thuần túy, nhưng có thể sẽ để lại hậu quả không nhỏ về mặt xã hội cho hàng vạn người dân Thủ đô.
Những người bán rong trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh: VĐ |
Tôi thấy bồn chồn kể từ ngày đọc được một tin ngắn trên Internet thông báo việc một số cơ quan chức năng đang tính chuyện cấm người dân bán hàng rong trên đường phố Hà Nội cũng như cấm bán hàng trên hè phố. Tôi cũng rất băn khoăn trước khi bấm máy tính để viết những dòng góp ý này, thậm chí biết rằng trong một số trường hợp hình thức trưng cầu ý dân, nhất là trên mạng cũng chỉ là một hình thức.
Xin miễn bàn về hậu quả cụ thể mà chỉ xin đơn cử một vài ví dụ liên quan đến chính sách đô thị tại một số quốc gia lân cận có đặc điểm xã hội tương tự Việt Nam, thậm chí ở những quốc gia có trình độ phát triển cao hơn.
Thái Lan: Vỉa hè là nơi kiếm sống cho hơn nửa triệu dân
Dù đã về khuya nhưng các quán ăn đêm ở khu Patpong, Thái Lan vẫn sôi động. Ảnh: Lệ Hà
Thái Lan chẳng hạn, có lẽ nhân dân Thái Lan tôn thờ vua đang trị vì nước Thái không chỉ vì tâm lý truyền thống của một quốc gia quân chủ có từ ngàn đời nay. Họ đều cho rằng, vị vua Thái hiện nay đã thực sự làm cho đời sống nông dân Thái cải thiện rõ rệt nhờ một chính sách phát triển nông nghiệp sáng suốt và vì dân. Còn các đô thị, kể cả tại thủ đô Bangkok, vị vua này đã duy trì một chính sách nhân đạo và vị nhân sinh là tạo công ăn việc làm cho hàng chục vạn người dân thất nghiệp có được cơm ăn áo mặc nhờ sống dựa vào vỉa hè. Có lẽ không có một người nào qua Bangkok mà không chứng kiến cảnh ở từ ngõ ngách nhỏ nhất cho đến các đại lộ lớn nhất - như phố Sukhumvit chẳng hạn - vỉa hè đều trở thành nơi kiếm sống của hơn nửa triệu người dân Bangkok và là một mạng lưới phân phối dịch vụ rẻ tiền nhất, tiện ích nhất không chỉ cho người dân Bangkok mà cho hàng triệu người nước ngoài đến du lịch Thái Lan.
Hầu hết tất cả các công chức của các công sở ở Bangkok đều ăn trưa ở các quán ăn nhỏ trên hè phố Bangkok (thường là dưới các hình thức quầy di động, thậm chí là gánh hàng rong). Mọi người, đặc biệt là khách du lịch đều khoái chí dạo phố phường Bangkok chỉ vì họ có thể tìm được mọi thứ và được nếm mọi thức ăn đặc sản trên các vỉa hè Bangkok. Hiện tượng đó đã trở thành một nét văn hóa không thể thiếu được của Thái Lan, trong đó có Bangkok, và cũng là một trong những lý do để người nước ngoài đến với Thái Lan và quay trở lại Thái Lan.
Nhưng cái tôi muốn nói là vua Thái, Chính phủ Thái đã coi buôn bán nhỏ và dịch vụ bình dân trên đường phố Bangkok là cơ hội sinh tồn cho nhân dân Bangkok, qua đó góp phần xây dựng thủ đô Bangkok và đất nước Thái Lan mà không câu nệ bởi những tiêu chí văn hóa mang tính hình thức, ngược lại xây dựng thành một nét văn hóa mang tính bản địa, vì nó phù hợp với đặc điểm, trình độ phát triển, lối sống của nhân dân Thái Lan. Đó cũng là nét vị nhân sinh, nhân đạo trong mọi chính sách phát triển của Thái Lan.
Chỉ có điều, các bạn Thái Lan luôn đưa ra các chính sách phù hợp đối với việc khai thác và sử dụng vỉa hè bằng các biện pháp quản lý hợp lý, bằng thuế và các ràng buộc của người được sử dụng vỉa hè. Tuy tại một số khu vực hành chính quan trọng ở thủ đô, như khu vực làm việc của chính phủ, các bạn Thái không cho mở quán ở vỉa hè, nhưng ngay trước cung vua, là nơi tôn nghiêm nhất thì hàng trăm người bán đồ lưu niệm rong được hành nghề trong sự quản lý của thành phố. Bởi vậy ở Thái Lan, những người sống lâu ở đó ít có cơ hội phải chứng kiến cảnh công an săn đuổi và có thái độ thô bạo với người lao động bán hàng rong, không bao giờ thấy cảnh người bán hàng rong phải lén lút để kiếm miếng cơm manh áo cho bản thân và gia đình bằng chính lao động của mình, dù thực chất họ là những lao động vất vả nhất, cần lao nhất trong xã hội.
Nhưng điều tôi muốn nói là không chỉ có Thái Lan, mà ở Malaysia, Singarore, Indonesia cũng vậy. Tận mắt chúng ta có thể chứng kiến vỉa hè ở thủ đô các nước này đều được coi là cơ hội kiếm sống chính đáng của hàng chục vạn người dân thủ đô của các nước đó - nếu có thể, đó cũng chính là phương tiện duy nhất để giúp rất nhiều quốc gia thực hiện xóa đói giảm nghèo cho nhân dân thủ đô của mình.
Hàn Quốc, Nhật Bản: Nhiều khu mua bán vỉa hè
Điều tôi muốn minh họa tiếp theo là ở các thành phố lớn và các thủ đô của Hàn Quốc và Nhật Bản. Thoạt tiên, có lẽ ai cũng nghĩ tại những nước đại công nghiệp như thế này thì không thể có câu chuyện mua hàng và ăn uống trên vỉa hè, càng không thể có cảnh bán hàng rong. Điều này hoàn toàn không đúng.
Hàn Quốc, có khu phố quần áo được bày bán trên đường. Ảnh: konest.com
Tại Seoul và Tokyo có rất nhiều khu phố và nhiều con phố được coi là khu mua bán vỉa hè (không phải là phố người đi bộ đầy kiểu cách và hình thức như một vài con phố mới mở ở Hà Nội) mà đó là hình thức sinh hoạt kinh tế đô thị tự nhiên, xe cộ vẫn tấp nập đi lại. Người ta có thể ăn, uống và lưu thông hàng hóa trên vỉa hè và điều này được coi là một tiện ích, một sở thích không thể thiếu được của người dân Đông Á - có lẽ bởi họ cũng là người châu Á giống như người Thái Lan, Singapore, Malaysia… thích vui vẻ sinh hoạt trên đường phố nơi mình sống.
Và thật kỳ lạ nếu giữa một buổi trưa hè có ai đó nghe thấy những tiếng rao hàng dọc theo một con phố - đó không phải là Hà Nội mà là ở Tokyo vào tháng 8/2007. Người Nhật rất có ý thức về văn hóa cổ truyền, họ giống như những dân tộc ở châu Á khác đều coi hàng rong là một nét văn hóa mang tính bản địa, truyền thống - nhưng quan trọng hơn cả là họ chấp nhận đó là một kế sinh nhai chính đáng của người dân đô thị - dù đó là đô thị Nhật Bản hay Hàn Quốc của thế kỷ 21.
Nhiều quầy bán hàng rong trên đường phố Vienna, Áo
Mùa đông cách đây hai năm, tôi có dịp qua Viena, thủ đô của nước Áo. Giữa thời tiết lạnh giá, tại các khu phố sang trọng của một Viena hoa lệ, cũng như trên các khu phố nhà kính cao tầng hiện đại, điều ngạc nhiên là đâu đâu cũng thấy rất nhiều quầy hàng rong vui vẻ trên hè phố: đó là các xe bán hoa tươi, quả tươi, các quầy bé tí bán bánh rán, bán kem, bán báo, bán sách, bán đĩa CD… và mọi người tha hồ vui vẻ chọn lựa… Tôi chạnh lòng nghĩ đến cảnh các bà, các chị, có người đáng tuổi mẹ của tôi, mặt mày hớt hải nhớn nhác, oằn lưng gánh rau nặng trên lưng chạy trốn… nhà chức trách làm nhiệm vụ… hàng hóa thì rơi vãi khắp nơi…
Vỉa hè Pháp: Nơi nghỉ ngơi thư giãn thú vị nhất
Trên vỉa hè rộng lớn của Champs-Élysees, người dân Paris thường đến thư giãn và ăn uống. Ảnh: VNE
Còn Paris hoa lệ thì sao? Có lẽ điều này khỏi phải bàn, nếu chúng ta đều hiểu về nước Pháp và văn hóa Pháp: Có lẽ ít ai dám chối bỏ thực tế là vỉa hè Paris chính là nơi nghỉ ngơi thư giãn thú vị nhất, sinh hoạt gần gũi của hàng triệu người dân Paris. Nếu không có các quán café và các quán ăn trên các hè phố Paris thì có lẽ sẽ không còn Paris.
Sau khi cấm, dân sẽ sống bằng gì?
Vậy thì điều khác nhau là các bạn Pháp, các bạn Nhật, các bạn Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, thậm chí cả Trung Quốc đã khéo léo tổ chức, khéo léo hướng dẫn cho nhân dân của họ sinh hoạt và kiếm sống đúng luật chứ không phải chỉ đơn giản là “cấm”. Bởi “cấm” là điều dễ nhất mà ai cũng có thể làm được. Nhưng mọi sự phiền hà, phức tạp, thậm chí là tệ nạn và tiêu cực của xã hội cũng lại từ chữ “cấm” mà ra.
Điều quan trọng hơn cả, là trước khi cấm người dân được kiếm sống ở một môi trường đã trở thành quen thuộc như lẽ sống của một đô thị như Hà Nội vốn có 1.000 năm lịch sử thì ai đó cũng nên bàn đến một điều: Vậy sau khi cấm, nhân dân của chúng ta sẽ sống bằng cái gì? Cần giúp người dân sống thế nào đây khi môi trường kiếm sống chính đáng của họ không còn.
Bài học cay đắng rút ra từ những người nông dân ngoại vi Hà Nội, sau khi nhượng đất cho đô thị hóa còn đó. Mất đất rồi, kể cả có bạc tỷ trong tay mà vẫn có biết bao nhiêu người cuối cùng vẫn trở thành vô sản, không kế sinh nhai. Và biết bao nhiêu hậu quả xã hội kèm theo khi họ không có công ăn việc làm.
Và xin thưa, việc “cấm buôn bán trên hè phố thủ đô” không phải đơn giản là ý muốn làm văn hóa của một số người mà còn là câu chuyện quan trọng hơn: Liên quan đến tính phát triển bền vững mà quốc gia nào trong quá trình hoạch định phát triển đô thị cũng phải thận trọng tính đến.
-
Trung Nghĩa, Bộ Ngoại giao
Bạn nghĩ sao về việc cấm bán hàng rong và bán hàng trên hè phố Hà Nội?